Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 12/09/2011, 03:07 (GMT+7)
Một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để vận dụng trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố

 Diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố) là hình thức huấn luyện tổng hợp, nhằm triển khai thực hiện quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân của Đảng, cụ thể hóa nhiệm vụ quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn; nâng cao trình độ lãnh đạo, điều hành, chỉ huy và tổ chức phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng, các sở, ban, ngành trong tỉnh (thành phố) theo phương án đã xác định để chủ động đối phó với các tình huống trong thời bình và khi có chiến tranh.


alt
Tình huống trong diễn tập KVPT - Ảnh mang tính minh họa (Nguồn: qdnd.vn)
Những năm qua, chấp hành nghiêm chỉ thị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của Bộ Quốc phòng và quân khu, các tỉnh (thành phố) đã tổ chức chuẩn bị và thực hành diễn tập KVPT sát với tình hình nhiệm vụ QP-AN của từng địa phương; từng bước hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, điều hành, chỉ huy; nâng cao hiệu quả làm tham mưu của các cơ quan, ban, ngành trong công tác quân sự, quốc phòng (QS,QP), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Song, có một thực tế là cho đến nay các cơ quan Bộ Quốc phòng vẫn chưa có một hệ thống tài liệu, giáo trình chính thức để hướng dẫn về tổ chức diễn tập KVPT tỉnh (thành phố). Các cuộc diễn tập KVPT của các tỉnh (thành phố) do quân khu chỉ đạo tổ chức đều tự biên, tự diễn, do đó khó bảo đảm được tính cơ bản, thống nhất về nội dung và phương pháp tổ chức, chỉ đạo. Qua thực tiễn cho thấy, để tiếp tục hoàn chỉnh quy trình vận hành cơ chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) cần tập trung nghiên cứu, giải quyết tốt một số vấn đề sau:

Về tổ chức, chỉ đạo diễn tập: chất lượng, hiệu quả của một cuộc diễn tập nói chung, diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) nói riêng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố; trong đó, cơ cấu tổ chức và năng lực điều hành của cơ quan chỉ đạo diễn tập là yếu tố đặc biệt quan trọng. Tổ chức cơ quan chỉ đạo diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) phải phù hợp với đặc thù chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa các bộ phận. Thành phần tham gia diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) là các cơ quan của hệ thống chính trị ở địa phương, bao gồm: cấp uỷ, chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương. Chúng ta biết, quân khu - cấp chỉ đạo trực tiếp diễn tập KVPT - là một tổ chức QP-AN, không có chức năng quản lý hành chính và điều hành hoạt động của các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn. Nếu quân khu chỉ đạo một tỉnh tổ chức diễn tập mà chỉ tổ chức ban chỉ đạo ở cấp mình thì chưa đủ khả năng và điều kiện để tổ chức và điều hành toàn bộ cuộc diễn tập. Thực tế hiện nay, khi tổ chức các cuộc diễn tập KVPT tỉnh (thành phố), quân khu đều phải tổ chức hệ thống chỉ đạo hai cấp: cấp quân khu và cấp tỉnh. Đối với quân khu, thành lập ban chỉ đạo thường do Tư lệnh quân khu làm trưởng ban, Chính uỷ và một số đồng chí Phó Tư lệnh làm phó ban; thủ trưởng 4 cơ quan quân khu là thành viên. Đồng thời, mời đồng chí Bí thư tỉnh (thành) uỷ - đơn vị diễn tập - tham gia ban chỉ đạo của quân khu để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh (thành) tiến hành công tác chuẩn bị và thực hành diễn tập. Đối với cấp tỉnh (thành phố), thành lập ban chỉ đạo diễn tập, do Bí thư tỉnh (thành) uỷ làm trưởng ban, Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch thường trực) ủy ban nhân dân (UBND) và Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự làm phó ban, cán bộ chủ chốt các sở, ngành liên quan là thành viên. Tổ chức hệ thống ban chỉ đạo hai cấp như vậy sẽ đảm bảo đủ điều kiện và khả năng quyết định nội dung, phương pháp và những vấn đề trọng tâm của cuộc diễn tập; đồng thời, sẽ thuận lợi hơn trong quá trình chỉ đạo công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành diễn tập theo đúng ý định và kế hoạch của ban chỉ đạo quân khu.

Mô hình tổ chức cơ quan chỉ đạo như trên cũng đáp ứng được yêu cầu phân định rõ chức năng chỉ đạo của ban chỉ đạo quân khu với chức năng tổ chức thực hiện của ban chỉ đạo diễn tập tỉnh, khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp trong chỉ đạo, nhưng vẫn bảo đảm thống nhất công tác chỉ đạo của quân khu và của tỉnh.

Thực tế những năm qua, không có khuôn mẫu nào quy định cụ thể về tổ chức, phương pháp chỉ đạo và đạo diễn diễn tập KVPT tỉnh (thành phố), mà từng địa phương căn cứ vào mục đích, yêu cầu, nội dung, quy mô, hình thức, phân cấp chỉ đạo và điều kiện cụ thể để xác định cho phù hợp. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức hệ thống chỉ đạo, đạo diễn phải xác định rõ nhiệm vụ, chức năng và mối quan hệ giữa ban chỉ đạo quân khu và tỉnh (thành phố), cũng như của các thành viên trong tổ chức đó bảo đảm gọn nhẹ, linh hoạt.

Về thời gian diễn tập. Trong điều kiện hiện nay, thời gian cuộc diễn tập KVPT cấp tỉnh (thành phố) có thể xác định từ 2,5 đến 3 ngày, nhưng phải tiến hành đầy đủ các nội dung qua các giai đoạn tác chiến phòng thủ (TCPT). Để nâng cao chất lượng cuộc diễn tập, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh (thành phố) cần tham mưu cho thường vụ tỉnh (thành) uỷ, Thường trực UBND các tỉnh (thành phố) nghiên cứu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các thành phần tham gia diễn tập quán triệt, xác định trách nhiệm; đồng thời, chủ động tiến hành công tác chuẩn bị diễn tập với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nhằm bảo đảm cho thực hành diễn tập đạt kết quả tốt nhất. Công tác chuẩn bị diễn tập nên được sắp xếp làm xen kẽ với quá trình điều hành địa phương thực hiện nhiệm vụ thường xuyên (khoảng từ 2 đến 3 tháng trước khi diễn tập chính thức) nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về nội dung diễn tập. Diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) là một nhiệm vụ rất phức tạp, gồm nhiều nội dung, đòi hỏi ban chỉ đạo diễn tập của quân khu và tỉnh (thành phố) phải phát huy năng lực, trách nhiệm để có quyết định đúng đắn trong quá trình chỉ đạo. Phần lớn khối lượng công việc do cấp ủy, chính quyền tiến hành chỉ đạo, trong đó vai trò làm tham mưu của cơ quan quân sự hết sức quan trọng. Nội dung diễn tập cần nghiên cứu xác định cho phù hợp: nội dung ít quá thì không phản ảnh được hết những vấn đề huấn luyện đặt ra; ngược lại, nội dung nhiều quá thì không bảo đảm thời gian. Do vậy, phải căn cứ vào nhiệm vụ QP-AN và đặc điểm tình hình của từng địa phương để xác định nội dung cho từng cuộc diễn tập. Nội dung diễn tập của các tỉnh (thành phố) sẽ không giống nhau. Tuy nhiên, khi nghiên cứu xây dựng nội dung diễn tập đều phải tuân thủ quy trình các bước tiến hành và những vấn đề cơ bản trong các giai đoạn. Các tình huống diễn tập phải được xây dựng kết cấu sát với tình hình thực tế của địa bàn, diễn biến từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Những nội dung không luyện tập phải có thuyết minh dẫn giải bảo đảm sự lô-gich giữa các vấn đề. Nội dung diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) được phân chia ra các giai đoạn và mỗi giai đoạn lại có một số vấn đề huấn luyện. Các vấn đề huấn luyện được xác định nhiều hay ít tùy thuộc vào ý định và thời gian diễn tập của ban chỉ đạo.

Giai đoạn chuyển LLVT vào các trạng thái SSCĐ, chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng. Giai đoạn này diễn ra nhiều nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền. Mọi hoạt động của địa phương tập trung cho nhiệm vụ QS,QP, an ninh. Cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội, cơ cấu kinh tế của địa phương được chuyển sang trạng thái thời chiến. Chuyển một phần LLVT và cơ quan Đảng, chính quyền vào căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương; đồng thời, tổ chức lực lượng trụ bám để chỉ đạo hoạt động tác chiến. Đây là giai đoạn hết sức phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải hoạt động khẩn trương; lãnh đạo các cấp phải có những quyết sách đúng đắn chuẩn bị mọi nguồn lực cho chiến tranh. Trong giai đoạn này sẽ diễn ra nhiều cuộc họp của khối Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận - đoàn thể và LLVT; do đó, cần xác định những cuộc họp quan trọng để luyện tập, không nên dàn trải. Có thể chọn một số nội dung thực binh như: đánh chiếm lại mục tiêu, giải thoát con tin (hoặc giải tán biểu tình, bạo loạn); triển khai thi hành lệnh thiết quân luật, giới nghiêm; động viên quân dự bị, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân; tổ chức thiết bị các khu vực trụ bám của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền ở địa bàn trọng điểm; tổ chức sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị; sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm bảo đảm cho TCPT...

Những năm qua, phần lớn các cuộc diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) đều tổ chức xây dựng sở chỉ huy thời chiến, khu sơ tán, căn cứ chiến đấu, khu trụ bám; động viên quân dự bị để tập trung huấn luyện và tổ chức bắn đạn thật. Thời gian diễn tập thường kéo dài từ 4 đến 5 ngày, phải đầu tư rất lớn về ngân sách địa phương và công sức của bộ đội. Do vậy, để rút ngắn thời gian diễn tập, thực hiện phương châm tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương hình thức, chống lãng phí, cần nghiên cứu cắt bỏ những nội dung thực binh chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, gây tốn kém lãng phí; bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng mô hình mẫu các khu vực: sở chỉ huy thời chiến, khu sơ tán, căn cứ chiến đấu, khu trụ bám, bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên và phục vụ cho cán bộ các địa phương tham quan tại các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN.

Giai đoạn tổ chức chuẩn bị TCPT. Đây là giai đoạn địch tập trung tiến công hoả lực cả về cường độ, không gian và thời gian; đồng thời, bắt đầu cơ động lực lượng tiến công trên biển, trên bộ vào các khu vực xuất phát tiến công. Các thành phần lực lượng trong KVPT tỉnh (thành phố) đã vào các khu căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, khu tập trung bí mật, các khu vực trụ bám. Toàn bộ hoạt động KT-XH của địa phương đã chuyển vào thời chiến, cùng với hoạt động tổ chức chuẩn bị cho TCPT, sẵn sàng nổ súng tiêu diệt địch tiến công vào địa bàn.

Giai đoạn này nên tập trung luyện tập một số nội dung như: bổ sung, điều chỉnh quyết tâm tác chiến và kế hoạch bảo đảm cho TCPT; Chỉ huy trưởng quân sự giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng, chỉ thị bảo đảm TCPT cho các đơn vị LLVT thuộc quyền; Chủ tịch uBND tỉnh (thành phố) chỉ thị và tổ chức hiệp đồng bảo đảm cho TCPT; các sở, ban, ngành triển khai kế hoạch bảo đảm cho TCPT theo chỉ thị và hiệp đồng của Chủ tịch UBND tỉnh (thành phố).

Giai đoạn thực hành TCPT. Đây là giai đoạn địch tiến công vào KVPT trên tất cả các hướng, các địa bàn, các khu vực mục tiêu. Tình hình tác chiến diễn biến nhanh, phức tạp, đòi hỏi sự tập trung cao độ của trung tâm chỉ huy để xử lý kịp thời, chính xác các tình huống, giành thắng lợi. Nội dung tập của giai đoạn này có thể xây dựng 1 đến 2 tình huống có cấp độ cao, diễn biến tình hình về địch - ta phức tạp, uy hiếp thế trận phòng thủ của địa phương, để thường vụ Đảng uỷ Quân sự tỉnh (thành phố) và người chỉ huy tiến hành các bước xử trí đúng nguyên tắc, đúng quy trình, kịp thời, chính xác. Muốn nâng cao chất lượng diễn tập, các vai tập cần phát huy tính sáng tạo, độc lập, tự lực chuẩn bị các nội dung tập có liên quan. Bộ Chỉ huy Quân sự là cơ quan tham mưu hướng dẫn để các vai tập tự mình chuẩn bị, chứ không làm thay. Nếu làm thay vai tập (cả vẽ lẫn viết) thì người tập không phát huy được tính sáng tạo, coi đó như một kịch bản chỉ cần diễn đúng vai, đúng người là được. Khi có tình huống phức tạp phát sinh ngoài kịch bản, người tập sẽ lúng túng, chất lượng diễn tập bị hạn chế.

Diễn tập KVPT là một nội dung rất quan trọng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ QS,QP hàng năm của tỉnh, thành phố. Nghiên cứu chỉ đạo, tổ chức diễn tập KVPT là một trong những hoạt động thường xuyên của ban chỉ đạo KVPT quân khu, nhằm không ngừng hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các cơ quan chức năng làm tham mưu để xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Quá trình diễn tập là quá trình ngày càng bổ sung hoàn thiện phương án hoạt động của địa phương cả thời bình và khi xảy ra chiến tranh. Vì vậy, cần tập trung nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn để đi đến thống nhất về nội dung và phương pháp tiến hành, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng diễn tập KVPT, góp phần tiếp tục xây dựng tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) thành KVPT vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng LÊ CHIÊM

Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Tư lệnh Quân khu 5


 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.