Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 13/06/2016, 08:37 (GMT+7)
Một số vấn đề cần quan tâm qua diễn tập chỉ huy - cơ quan một bên hai cấp ở Sư đoàn 968

Diễn tập chỉ huy - cơ quan một bên hai cấp có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao trình độ chỉ huy, tham mưu tác chiến của người chỉ huy, cơ quan và khả năng chiến đấu của đơn vị. Nhận thức rõ điều đó, Sư đoàn 968 luôn chủ động làm tốt công tác tổ chức diễn tập và đã đạt kết quả cao. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình tổ chức diễn tập cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm giải quyết để nâng cao hơn nữa kết quả diễn tập.

Sư đoàn 968 là đơn vị chủ lực của Quân khu 4, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; huấn luyện lực lượng dự bị động viên và sẵn sàng cơ động thực hiện các nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao. Những năm qua, cùng với đẩy mạnh đổi mới công tác huấn luyện theo Nghị quyết 765-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương, Sư đoàn đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng diễn tập; trong đó, diễn tập chỉ huy - cơ quan một bên hai cấp, có một phần thực binh là nội dung luôn được chú trọng, nhằm đánh giá thực chất trình độ tham mưu huấn luyện, tham mưu tác chiến của đội ngũ cán bộ chỉ huy, cơ quan các cấp và khả năng chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu của cơ quan, đơn vị.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, như: đóng quân trên địa bàn rộng, cả miền núi và đồng bằng, đô thị và nông thôn, cơ sở vật chất phục vụ cho huấn luyện còn hạn hẹp, điều kiện thời tiết, khí hậu miền Trung hết sức khắc nghiệt, trong khi yêu cầu công tác huấn luyện, diễn tập đòi hỏi ngày càng cao, nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, Sư đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập. Cùng với đổi mới công tác huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, Sư đoàn đổi mới công tác diễn tập theo hướng thiết thực, sát với địa bàn và đối tượng tác chiến, phù hợp với vũ khí, trang bị kỹ thuật, nghệ thuật quân sự Việt Nam và cách đánh, kinh nghiệm, truyền thống của Quân đội. Từ thực tiễn tổ chức diễn tập chỉ huy - cơ quan một bên hai cấp trong nhiều năm qua, chúng tôi xin trao đổi một số nội dung, biện pháp và vấn đề đặt ra cần tập trung giải quyết, nhằm nâng cao chất lượng diễn tập trong thời gian tới:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ diễn tập. Thực tiễn cho thấy, do nội dung diễn tập bao gồm nhiều việc, liên quan tới nhiều lực lượng, đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Vì vậy, để công tác diễn tập đạt kết quả cao, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao trong suốt quá trình diễn tập, cả giai đoạn tổ chức chuẩn bị, thực hành và giai đoạn kết thúc diễn tập. Đối với Sư đoàn 968, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo: trước khi diễn tập, cấp ủy các cấp đều phải ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ diễn tập; trong đó xác định rõ chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng với tình hình thực tế của đơn vị; chú trọng giải quyết những vấn đề về nhận thức tư tưởng, công tác tổ chức và bảo đảm cơ sở vật chất chuẩn bị cho diễn tập. Trên cơ sở đó, cấp ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy viên phụ trách từng mặt công tác và cử cán bộ xuống giúp đỡ cấp dưới; đồng thời, có nhiều biện pháp chỉ đạo nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập. Cùng với đó, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp tổ chức tốt công tác giáo dục quán triệt nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội. Việc quán triệt nhiệm vụ diễn tập được tiến hành vào đầu giai đoạn huấn luyện và trước khi tiến hành diễn tập. Lần đầu tiến hành sau khi có Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tổng Tham mưu trưởng, Mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân khu. Tuy nhiên, quan trọng nhất, hiệu quả nhất vẫn là quán triệt vào thời điểm trước khi bước vào diễn tập.

Hai là, chủ động thực hiện công tác chuẩn bị một cách toàn diện, chặt chẽ và khoa học. Theo chúng tôi, công tác chuẩn bị phải được thực hiện ngay từ việc tổ chức huấn luyện chiến thuật. Các đơn vị cần tuân thủ đầy đủ quy trình, thứ tự các bước: huấn luyện đội ngũ chiến thuật, tập chiến thuật và diễn tập chiến thuật. Sau khi có chỉ thị diễn tập của cấp trên, cùng với quán triệt nhiệm vụ, các đơn vị phải có kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt, cả về con người, vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất bảo đảm, nhất là chuẩn bị các loại văn kiện phục vụ cho diễn tập. Thực tiễn tổ chức biên chế hiện nay cũng đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi đơn vị phải chủ động điều chỉnh, dồn dịch lực lượng, kiện toàn tổ chức biên chế trước khi diễn tập; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ phân đội và cán bộ mới tham gia diễn tập, v.v. Nội dung bồi dưỡng cán bộ phải toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những khâu còn yếu đã rút kinh nghiệm ở các lần diễn tập trước hoặc chưa thống nhất. Đối với cán bộ khối cơ quan, cần chú trọng bồi dưỡng về năng lực, phương pháp, tác phong công tác của chỉ huy, cơ quan; tập trung vào công tác tham mưu, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị. Trong bồi dưỡng cán bộ phân đội, cần coi trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chủ trì về trình độ tổ chức, chỉ huy - tham mưu tác chiến, kiến thức quân sự và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong diễn tập, v.v. Nhờ làm tốt vấn đề này nên ở Sư đoàn 968, trình độ, năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ được nâng cao; 100% cán bộ hoàn thành tốt chức trách được giao và có khả năng xử trí linh hoạt các tình huống trong quá trình diễn tập.

Nhằm đưa các tình huống diễn tập sát thực tiễn chiến đấu, đối với diễn tập có một phần thực binh, các đơn vị cần tăng cường huấn luyện bổ sung những nội dung khó, nội dung mới, chuyên sâu; đồng thời, huấn luyện bổ trợ các nội dung: hành quân xa, mang vác nặng, bố trí ăn, ở dã ngoại dài ngày kết hợp với rèn luyện thể lực, tăng sức bền cho bộ đội, v.v. Đặc biệt, để cuộc diễn tập đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả, các đơn vị cần tổ chức kiểm tra và duy trì nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật cả trước, trong và sau diễn tập; chú trọng tập huấn bổ sung cho cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật về sửa chữa, bảo quản các loại khí tài, súng, pháo; đồng thời, đẩy mạnh giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, nhất là những người trực tiếp làm công tác kỹ thuật; khơi dậy và phát huy truyền thống của ngành kỹ thuật trong công tác bảo đảm vũ khí, trang bị.

Ba là, tổ chức tốt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, nhất là tổ chức phong trào thi đua trong diễn tập. Cùng với thường xuyên quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung thi đua, các cơ quan, đơn vị cần tổ chức phát động nhiều hình thức thi đua phong phú, sáng tạo; trong đó có phong trào thi đua đột kích theo nhiệm vụ, từng giai đoạn và phong trào thi đua xuyên suốt cả quá trình diễn tập. Vì thời gian diễn tập thường không dài nên vấn đề đặt ra là hoạt động công tác đảng, công tác chính trị phải bám sát nội dung diễn tập. Các phong trào thi đua cần được tổ chức chặt chẽ, thiết thực; các chỉ tiêu thi đua được cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ từng giai đoạn diễn tập và bám sát nhiệm vụ trọng tâm, như: bắn giỏi, rèn nghiêm, cơ động nhanh, hiệp đồng chặt chẽ, an toàn tuyệt đối, v.v. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thi đua cần được tiến hành nghiêm túc, khách quan, công bằng và gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ trong quá trình diễn tập. Việc tiến hành có hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong diễn tập, nhất là tổ chức phong trào thi đua sẽ góp phần quan trọng xây dựng tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cao của cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ được giao. Trong diễn tập, mặc dù phải hành quân xa, mang vác nặng dài ngày ở địa hình phức tạp trên địa bàn ba tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), trong điều kiện thời tiết, khí hậu miền Trung hết sức khắc nghiệt, nhưng do làm tốt công tác đảng, công tác chính trị, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 968 luôn thể hiện rõ ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong suốt quá trình diễn tập, tỷ lệ quân số khỏe của Sư đoàn luôn đạt 100%; hoàn thành tốt nội dung xử lý các tình huống, tiêu diệt 100% mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cả người và vũ khí, trang bị kỹ thuật, được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu đánh giá cao. Nhiều năm liền (2013, 2014, 2015), Sư đoàn và Trung đoàn 19 được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Đơn vị huấn luyện Giỏi”.

Bốn là, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác dân vận cả trước, trong và sau diễn tập. Hiện nay, thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho các tổ chức và cá nhân, nên các khu đồi rừng đều được các nông, lâm trường hoặc các hộ dân quản lý, phát triển sản xuất. Trong khi đó, quá trình diễn tập, từ công tác chuẩn bị đến hành quân, trú quân, dã ngoại, đào hầm trú ẩn khi tạm dừng, xây dựng trận địa bắn của pháo binh, cao xạ,… đều liên quan đến nhân dân. Đây là vấn đề đặt ra không chỉ đối với Sư đoàn 968 mà cũng là khó khăn chung ở nhiều đơn vị. Trước tình hình đó, Sư đoàn đặc biệt coi trọng và luôn làm tốt công tác dân vận cả trước và trong quá trình diễn tập. Trước mỗi đợt diễn tập, Sư đoàn đều cử lực lượng phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đến từng hộ dân, từng vườn cây, khu rừng, thống nhất các vấn đề có liên quan và nắm tình hình an ninh, đặc điểm, phong tục, tập quán của địa phương để có kế hoạch, hình thức hoạt động trao đổi, thống nhất phương án. Trong quá trình diễn tập, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn chấp hành nghiêm các chỉ thị, quy định trong quan hệ, tiếp xúc với nhân dân, góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân - dân. Sau diễn tập, Sư đoàn cử lực lượng ở lại nắm tình hình địa bàn và giải quyết những vướng mắc giữa đơn vị với địa phương. Do đó, Sư đoàn luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trên địa bàn tin tưởng, tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Hình ảnh nhân dân đun nước chè xanh phục vụ bộ đội trên thao trường hoặc bộ đội kết hợp với nhân dân nơi diễn tập làm sạch đường làng, ngõ xóm,… đã trở thành quen thuộc đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương.

Năm là, coi trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt diễn tập. Đây là nội dung quan trọng nhằm đánh giá cả ưu điểm, hạn chế trong quá trình diễn tập, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho các lần diễn tập tiếp theo. Thực tế cho thấy có cơ quan, đơn vị còn coi nhẹ nội dung này, mặc dù kết quả diễn tập tốt nhưng khi rút kinh nghiệm thì không làm rõ những ưu điểm, hạn chế, bài học rút ra cụ thể ở từng nội dung, v.v. Vì vậy, nội dung rút kinh nghiệm cần được tiến hành toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, theo từng nhiệm vụ, từng giai đoạn, từ công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, công sự, trận địa, văn kiện diễn tập, con người,… đến việc tổ chức thực hành trong các giai đoạn diễn tập. Trong đó, cần chú trọng rút kinh nghiệm đối với việc thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, như: hiệp đồng giữa các lực lượng, giữa đơn vị với địa phương, tổ chức cơ động vượt sông, bắn đạn thật và công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trong diễn tập, v.v. Trong quá trình rút kinh nghiệm, các cơ quan, đơn vị phải chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót của từng cấp, từng bộ phận và tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục kịp thời, tránh tình trạng chung chung, đại khái hoặc chạy theo thành tích.

Thượng tá PHẠM VĂN DŨNG, Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.