Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Tư, 21/12/2022, 08:48 (GMT+7)
Một số hình thức tác chiến và hoạt động đấu tranh của lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong tác chiến tiến công tổng hợp

Trong tác chiến nói chung, tác chiến tiến công tổng hợp nói riêng, vận dụng các hình thức tác chiến và hoạt động đấu tranh của lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là nội dung chủ yếu, quyết định đến thắng lợi của loại hình tác chiến quan trọng này. Tuy nhiên, việc vận dụng nội dung này phải phù hợp với đặc điểm địa bàn, đối tượng tác chiến cũng như nhiệm vụ và khả năng của lực lượng vũ trang,... mới tạo ra sức mạnh tổng hợp. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng, cần được nghiên cứu, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Tác chiến tiến công tổng hợp là loại hình tác chiến chiến lược mới, nhằm đánh bại tác chiến chiến lược, “Chiến tranh phi quy ước” của các thế lực thù địch. Đây là loại hình tác chiến có nhiều thành phần lực lượng tham gia, vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến và hoạt động đấu tranh, giữa đấu tranh quân sự với các hoạt động đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao;... trong đó, đấu tranh quân sự là chủ yếu, giải quyết nhiều nội dung về nghệ thuật quân sự, quyết định hiệu quả tác chiến. Để tác chiến tiến công tổng hợp giành thắng lợi, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Kết hợp hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, nhằm tiêu diệt lực lượng phản động, đập tan “chính quyền” phản động, ly khai, khôi phục lại các khu vực, mục tiêu trọng yếu, giành dân, củng cố chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội của ta, giữ vững khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ ly khai, “Chiến tranh phi quy ước” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Bài viết đề cập, trao đổi về hình thức tác chiến và hoạt động đấu tranh của lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong tác chiến tiến công tổng hợp với một số vấn đề chủ yếu sau.

Trong tác chiến tiến công tổng hợp, căn cứ đặc điểm địa bàn, đối tượng tác chiến1, nhiệm vụ và khả năng của lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố để vận dụng hình thức tác chiến và hoạt động đấu tranh phù hợp. Các hình thức tác chiến trong tác chiến tiến công tổng hợp, lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố thường vận dụng: trận chiến đấu nhỏ lẻ; trận chiến đấu tập trung; đòn đột kích và các đợt hoạt động tác chiến.  

Trận chiến đấu nhỏ lẻ là trận đánh do từng người, tổ, tiểu đội, trung đội bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, Công an hoặc Bộ đội Biên phòng tiến hành đánh rộng khắp trên địa bàn. Những trận chiến đấu này có thể diễn ra thường xuyên, rộng khắp, nhằm ngăn chặn, chia cắt, bao vây, cô lập, tiêu hao, tiêu diệt, sát thương rộng rãi lực lượng phản động, bạo loạn, buộc chúng phải căng kéo, phân tán, bị động đối phó; tạo thế, thời cơ để lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và lực lượng chủ lực cơ động của quân khu, Bộ (chiến trường) tập trung vào các trận đánh quan trọng, các chiến dịch tiến công tiêu diệt địch trong tác chiến tiến công tổng hợp. Vì thế, với hình thức tác chiến này, cần lựa chọn mục tiêu, thời cơ đánh địch phù hợp với khả năng của từng thành phần lực lượng để đảm bảo giành thắng lợi.  

Với trận chiến đấu tập trung, được tiến hành bằng một trận hoặc một số trận chiến đấu tiến công, phòng ngự với quy mô từ cấp tiểu đoàn đến trung đoàn bộ binh và một số đơn vị, lực lượng khác; tiến hành độc lập hoặc phối hợp với lực lượng chủ lực cơ động của quân khu, Bộ (chiến trường), nhằm tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận quan trọng lực lượng vũ trang phản động, đập tan “chính quyền” phản động ly khai, lực lượng quân sự của địch “bên ngoài” vào can thiệp, hỗ trợ bạo loạn lật đổ ly khai; khôi phục và giữ vững khu vực, địa bàn, mục tiêu quan trọng. Tạo điều kiện, thời cơ cho hoạt động tác chiến của cấp trên, lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ đẩy mạnh hoạt động, tiến hành các trận chiến đấu nhỏ lẻ và các hoạt động đấu tranh khác. Tham gia trận chiến đấu tập trung còn có lực lượng dân quân tự vệ, Bộ đội biên phòng, Công an và các lực lượng khác phối hợp, bảo đảm và phục vụ chiến đấu. Quá trình tác chiến kết hợp với các mặt đấu tranh khác theo ý định và kế hoạch thống nhất.

Đối với đòn đột kích thường được lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố tiến hành độc lập hoặc phối hợp với lực lượng chủ lực cơ động của quân khu, Bộ (chiến trường). Trong đó, có thể thực hiện đòn tập kích hỏa lực trong thời gian ngắn vào quân địch bằng hỏa lực pháo binh, công binh hoặc bằng xung lực của lực lượng vũ trang địa phương, nhằm phá hủy mục tiêu, như: sở chỉ huy, trận địa hỏa lực, trung tâm thông tin, kho tàng,... và tiêu diệt một bộ phận lực lượng quan trọng của địch.

 Đối với đợt hoạt động tác chiến trong tác chiến tiến công tổng hợp là tổng thể các trận chiến đấu nhỏ lẻ, trận chiến đấu tập trung, các đòn đột kích và hoạt động tác chiến khác liên kết với nhau do lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố tiến hành, có thể có một bộ phận lực lượng chủ lực cơ động của quân khu, Bộ (chiến trường) tiến hành trên địa bàn, địa phương. Vì thế, đợt hoạt động tác chiến này phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, trực tiếp là đảng ủy, bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, nhằm thực hiện một số nhiệm vụ để đạt mục đích tác chiến đề ra và có thể bao gồm: đợt hoạt động tác chiến độc lậpđợt hoạt động tác chiến phối hợp. Trong đó, đợt hoạt động tác chiến phối hợp thường liên quan đến các trận đánh, chiến dịch do cấp Bộ (chiến trường), quân khu tổ chức, chỉ đạo và thực hiện, như: đợt hoạt động tác chiến tạo thế trong các trận đánh lớn, chiến dịch phản công, tiến công; đợt hoạt động tác chiến đệm trong chiến dịch; đợt hoạt động tác chiến khi lực lượng chủ lực cơ động của quân khu, Bộ (chiến trường) kết thúc chiến dịch,… do đó, phải được tổ chức, chỉ huy chặt chẽ, thống nhất, để đạt được mục đích của quân khu, Bộ (chiến trường) và mục tiêu của địa phương.

Về hoạt động đấu tranh: tác chiến tiến công tổng hợp ở địa phương là cuộc chiến tranh nhân dân địa phương thu nhỏ trên địa bàn tỉnh, thành phố. Do đó, tiến hành và kết hợp chặt chẽ các hình thức đấu tranh phi vũ trang như đấu tranh chính trị, ngoại giao, kinh tế,... có vị trí rất quan trọng, góp phần tạo sức mạnh ưu thế hơn địch, giành thắng lợi trong tác chiến tiến công tổng hợp.

Đấu tranh chính trị là một trong những hình thức đấu tranh cơ bản, rất quan trọng, là cơ sở cho các hoạt động đấu tranh khác trong tác chiến tiến công tổng hợp. Các tỉnh, thành phố có dân số đông, nhân dân có truyền thống yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng là chỗ dựa vững chắc cho đấu tranh chính trị, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chính trị, mánh khóe mỵ dân của địch trong “Chiến tranh phi quy ước”; củng cố, giữ vững tinh thần, ý chí chiến đấu cho nhân dân và lực lượng vũ trang đánh bại kẻ thù xâm lược. Đồng thời, đấu tranh chính trị là một hình thức tiến công địch về chính trị, tinh thần; tác động vào tâm lý của lực lượng phản động bạo loạn ly khai, binh lính để phân hóa hàng ngũ địch; phân hóa lực lượng phản động “bên trong” với lực lượng quân sự địch “bên ngoài” vào can thiệp, hỗ trợ bạo loạn lật đổ ly khai; tạo ra những mâu thuẫn trong nội bộ địch làm cho địch hoang mang dao động, mơ hồ về mục tiêu chiến đấu.

Đấu tranh ngoại giao nhân dân là hình thức đấu tranh quan trọng của lực lượng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong tác chiến tiến công tổng hợp. Cùng với ngoại giao Nhà nước, có tác dụng phát huy thắng lợi của đấu tranh chính trị, quân sự; đề cao chính nghĩa của ta và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân nước láng giềng, nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, kể cả nhân dân nước địch. Vạch trần bản chất cuộc “Chiến tranh phi quy ước” phi nghĩa của các thế lực thù địch, phản động; triệt để lợi dụng những mâu thuẫn và bế tắc của địch, làm cho chúng ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế. Đấu tranh ngoại giao để tập hợp lực lượng tiến bộ trong khu vực và thế giới ủng hộ nhân dân ta trong cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đấu tranh ngoại giao trong tác chiến tiến công tổng hợp được kế thừa và phát triển đấu tranh ngoại giao trong thời bình, chủ động đấu tranh liên tục ngay từ đầu và suốt quá trình tác chiến. Quá trình thực hiện, các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của trên, quan hệ mật thiết với lực lượng cách mạng nước láng giềng để phối hợp cùng đấu tranh giữ vững chủ quyền và hòa bình trong khu vực. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với đấu tranh chính trị, địch vận, đấu tranh quân sự và các hoạt động đấu tranh khác; tạo ra sức mạnh tổng hợp của địa phương, của đất nước đánh bại “Chiến tranh phi quy ước” của địch.

Đấu tranh kinh tế là một trong những hình thức đấu tranh quan trọng để bảo vệ tiềm lực, duy trì sự ổn định kinh tế, hạn chế thấp nhất tổn thất do địch gây ra, bảo đảm đời sống vật chất, sinh hoạt của quân và dân; đủ sức chiến đấu liên tục, lâu dài, tạo sức mạnh và niềm tin cho lực lượng vũ trang và nhân dân trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vào thắng lợi của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đấu tranh kinh tế với địch trong tác chiến tiến công tổng hợp còn là hoạt động chống lại các biện pháp bao vây cấm vận của địch. Mặt khác, đấu tranh kinh tế còn nhằm bao vây, phong tỏa nguồn tài chính từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế khác hỗ trợ cho lực lượng phản động bạo loạn lật đổ ly khai; đồng thời, cắt đứt hoặc hạn chế thấp nhất việc nhận, khai thác nguồn tài chính tại chỗ để gây cho chúng nhiều thiệt hại, khó khăn về tài chính, vật chất trang bị, dẫn tới sa lầy, thất bại. Vì vậy, các tỉnh, thành phố phải quán triệt và thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của trên để kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh kinh tế với đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao. Đấu tranh kinh tế trong tác chiến tiến công tổng hợp phải lấy việc duy trì, giữ vững sản xuất của các lực lượng và toàn dân trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là chủ yếu. Phát huy tinh thần độc lập, tự lực, tự chủ và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế.

Đấu tranh trên mặt trận văn hóa, tư tưởng là một mặt trận hết sức lợi hại trong cuộc đấu tranh toàn diện giữa ta và địch; bao gồm các hoạt động đấu tranh dùng tổng hợp các biện pháp, bằng tất cả các phương tiện để chống văn hóa đồi trụy, lối sống thực dụng của chủ nghĩa tư bản, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc; chống chiến tranh tâm lý và các hoạt động lôi kéo, mua chuộc, dụ dỗ quần chúng nhân dân của các thế lực thù địch. Chăm lo củng cố mặt trận tư tưởng vững chắc, kiên định, vững vàng của quân và dân ta trong mọi tình huống. Khi chiến tranh nổ ra, cần phát huy tối đa sức ảnh hưởng của văn học, nghệ thuật trong đời sống của các tầng lớp quần chúng nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật phải bám sát cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc; tăng cường khả năng tham gia trực tiếp vào quá trình chống biểu tình, bạo loạn lật đổ ly khai và chống chiến tranh xâm lược của địch.

Hiện nay, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, kết hợp với các hoạt động bạo loạn lật đổ chống phá cách mạng Việt Nam, đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các địa phương phải chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc ngay từ thời bình, chủ động ngăn ngừa gây rối, biểu tình, bạo loạn trên địa bàn. Khi có tình huống bạo loạn vũ trang xảy ra, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt; vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến và hoạt động đấu tranh thích hợp, chủ động tiêu hao, tiêu diệt rộng rãi địch bạo loạn lật đổ ly khai “bên trong” và lực lượng quân sự địch “bên ngoài” vào can thiệp, hỗ trợ bạo loạn lật đổ ly khai; kết hợp bảo vệ dân, giữ vững địa bàn, mục tiêu, củng cố vững chắc thế trận tác chiến tiến công tổng hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa phương.

Thiếu tướng VÕ VĂN THI, Phó Tư lệnh Quân khu 7
_____
____________

1 - Lực lượng phản động bạo loạn lật đổ ly khai “bên trong” và lực lượng quân sự địch “bên ngoài”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.