Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:22 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, việc xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đây là nội dung mới, với những cơ chế quản lý đặc thù, nên cần tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn.
Đồng Nai là địa phương phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa sớm và mạnh mẽ ở miền Đông Nam Bộ. Đến nay, Tỉnh có 31 khu công nghiệp và các cụm công nghiệp, thu hút hơn 11.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 2.800 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài của 42 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với nguồn lực trên 21 tỷ USD, các doanh nghiệp này đã thu hút hơn 750 nghìn lao động, chuyên gia của nhiều địa phương trên cả nước và nước ngoài đến làm việc, sinh sống. Đây là điều kiện rất quan trọng để Tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tạo nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức không nhỏ về an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời, là cơ hội để các thế lực thù địch ngày càng gia tăng các hoạt động chống phá bằng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kích động công nhân đình công, bãi công; thậm chí cướp phá tài sản các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Vì vậy, Tỉnh xác định việc tổ chức, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong các khu, cụm công nghiệp nói chung, lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng, góp phần tăng cường lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và bảo vệ tài sản các doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết, khách quan. Đây cũng là bước phát triển, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng và an ninh.
Tuy vậy, việc xây dựng lực lượng tự vệ trong loại hình doanh nghiệp này là nội dung mới, văn bản pháp lý chưa đầy đủ, đồng bộ, nhất là các quy định về cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chưa thật sự đồng thuận để thành lập lực lượng tự vệ của mình, sợ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, làm tăng chi phí, quân sự hóa doanh nghiệp, v.v. Vì thế, nghiên cứu các giải pháp về xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung, trên địa bàn Tỉnh nói riêng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng là vấn đề rất quan trọng đối với từng địa phương và cả nước. Dưới đây, chúng tôi xin nêu một số giải pháp bước đầu về xây dựng lực lượng tự vệ trong loại hình doanh nghiệp đặc thù này trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Một là, phát huy vai trò tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định tới chất lượng, hiệu quả xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, loại hình doanh nghiệp này tuy hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhưng cơ chế quản lý, cách thức vận hành về cơ bản lại theo ý định của tổ chức kinh tế nước ngoài,… nên phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Vì thế, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi cơ quan quân sự các cấp phải trên cơ sở quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật của trên về công tác dân quân tự vệ,… nhất là Luật Dân quân tự vệ, Nghị định 98/2014/NĐ-CP, ngày 24-10-2014 của Chính phủ về “Quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế” và tình hình thực tiễn trên địa bàn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành đồng bộ hệ thống văn bản pháp lý, làm cơ sở để thực hiện thống nhất, hiệu quả, đúng pháp luật. Thời gian qua, từ sự tham mưu của Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Công văn 7058-CV/TU về đẩy mạnh xây dựng các chốt dân quân trên địa bàn khu công nghiệp và xây dựng lực lượng tự vệ của các doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân Tỉnh có văn bản chỉ đạo về xây dựng trung đội dân quân tự vệ khu công nghiệp và lực lượng tự vệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, v.v. Qua đó, tạo hành lang pháp lý cho các cấp, ngành triển khai thực hiện chặt chẽ, phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan quân sự các cấp phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng lực lượng tự vệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, chú trọng sơ kết, tổng kết, tăng cường kiểm tra, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để đề xuất, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, quản lý đảm bảo cho công tác này đạt hiệu quả thực chất.
Hai là, chủ động, kiên trì tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thực hiện tốt việc xây dựng lực lượng quan trọng này. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, cơ quan quân sự Tỉnh phối hợp với các cơ quan có liên quan, trực tiếp là Liên đoàn Lao động Tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tiến hành khảo sát toàn bộ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Đồng thời, phát phiếu thăm dò việc thành lập lực lượng tự vệ, theo nguyên tắc khách quan, tôn trọng quyền quyết định của các doanh nghiệp. Qua khảo sát 781 doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài, có 481 doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ (chiếm gần 62%), 148 doanh nghiệp không đồng tình, ủng hộ (chiếm gần 19%). Cùng với công tác khảo sát, cơ quan quân sự các cấp phối hợp với cơ quan chức năng gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản,...) giải thích rõ việc thành lập lực lượng tự vệ tại các doanh nghiệp là tuân thủ luật pháp Việt Nam. Việc làm đó là nhằm bảo vệ tài sản, người lao động cho doanh nghiệp; đồng thời, đây cũng là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống cháy nổ, sẵn sàng xử lý các tình huống tại chỗ khi cần thiết. Đồng thời, chỉ ra hiệu quả cụ thể tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có lực lượng tự vệ,... giúp cho các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn lợi ích trong đảm bảo an ninh, an toàn, ổn định để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là khi có sự cố xảy ra. Trên cơ sở đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc thành lập lực lượng tự vệ ở loại hình doanh nghiệp này. Vì vậy, tính đến tháng 8-2018, Đồng Nai đã thành lập được 36 đơn vị tự vệ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 03 doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng và là một trong số ít những địa phương thực hiện tốt công tác này của cả nước. Tuy nhiên, đó mới là kết quả bước đầu, thời gian kiểm chứng còn ít, nên cần tiếp tục được nghiên cứu, phát triển trong thời gian tới.
Ba là, tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ phải được tiến hành từng bước, phù hợp với điều kiện cụ thể từng doanh nghiệp. Theo chủ trương của Tỉnh, tháng 7-2014, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng lực lượng tự vệ tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, Tỉnh tập trung thực hiện trước đối với các doanh nghiệp có tổ chức đảng, các doanh nghiệp trên các vùng trọng điểm, có số lượng công nhân lớn. Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, Tỉnh tiến hành theo phương châm: vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm, vận dụng linh hoạt các văn bản hướng dẫn của trên. Trong thực tiễn, để hoạt động của lực lượng tự vệ được thống nhất, hiệu quả, phải thường xuyên được các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi. Nắm vững đặc điểm này, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trảng Bom xây dựng Quy chế phối hợp với doanh nghiệp, làm điểm để triển khai thực hiện trên toàn địa bàn. Quy chế xác định rõ cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, phối hợp,… theo đúng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, cơ chế quản lý của Nhà nước và pháp luật hiện hành. Đáng chú ý là, Quy chế đã kết hợp hài hòa giữa nghĩa vụ và quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ tự vệ với nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động; đảm bảo cho đơn vị tự vệ thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đồng thời hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc trao đổi, thống nhất Quy chế giúp các doanh nghiệp giải quyết vướng mắc về thời gian, nội dung huấn luyện, cơ chế hoạt động, kinh phí đóng góp,… nên đã được các doanh nghiệp đồng tình ủng hộ và đó cũng là cách làm mới để Tỉnh và Quân khu 7 nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn.
Bốn là, thực hiện tốt công tác huấn luyện, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng tự vệ trong từng doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng này. Tuy nhiên, muốn làm tốt nội dung này sẽ tốn thời gian và công sức và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doạnh nghiệp. Để khắc phục mâu thuẫn đó, Tỉnh chỉ đạo ban chỉ huy quân sự các huyện tổ chức tập huấn, huấn luyện đủ chương trình, thời gian theo quy định. Thời điểm huấn luyện phải linh hoạt, được thống nhất với doanh nghiệp để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nội dung huấn luyện toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, như: đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; phương pháp tuyên truyền, giải tán đám đông; kỹ năng sử dụng các công cụ hỗ trợ, v.v. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức về nhiệm vụ, xây dựng các kỹ năng cơ bản về kỹ thuật, chiến thuật đơn vị tự vệ sát với yêu cầu công tác thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ. Cùng với đó, ban chỉ huy quân sự các huyện chủ động hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tuần tra, canh gác, các phương án bảo vệ. Thông qua hoạt động của đơn vị tự vệ, đã giúp cơ quan quân sự, các doanh nghiệp nắm chắc, dự báo chính xác tình hình, kịp thời tuyên truyền định hướng, xử lý ngay khi có tình huống phức tạp xảy ra trong từng doanh nghiệp, không để kéo dài, lây lan, tạo thành “điểm nóng”.
Xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một nhiệm vụ mới, quan trọng, cấp thiết trong thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Trước thực tiễn luôn vận động, phát triển, việc xây dựng lực lượng này đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, mạnh dạn tìm tòi những cách làm mới, hiệu quả. Trên đây là một số giải pháp bước đầu trong xây dựng lực lượng tự vệ ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh Đồng Nai, xin nêu và trao đổi cùng bạn đọc.
Đại tá TÔ THÀNH LIÊM, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
tỉnh Đồng Nai,lực lượng tự vệ,vốn đầu tư nước ngoài
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc