Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 18/01/2022, 07:57 (GMT+7)
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuần tra song phương của Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc

Tuần tra song phương là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Bộ đội Biên phòng nói chung, Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc nói riêng, nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ, giữ vững an ninh, trật tự khu vực hai bên đường biên giới quốc gia, củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng. Vì thế, nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả nhiệm vụ này, có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết.

Tuyến biên giới đất liền phía Bắc nước ta thuộc địa bàn 07 tỉnh của Việt Nam1, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc; có chiều dài gần 1.450 km (trong đó gần 384 km đường biên giới trên sông, suối), với 1.780 vị trí mốc giới. Địa hình khu vực này chủ yếu là núi cao, rừng rậm, nhiều sông, suối chia cắt, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn, v.v. Lợi dụng sự phức tạp của địa hình, khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là buôn lậu, gian lận thương mại, vượt biên trái pháp luật,... gia tăng, diễn biến phức tạp.

Nắm chắc đặc điểm đó và trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, Hiệp ước Phân định Biên giới Đất liền, 03 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như các quy định, hướng dẫn liên quan, những năm qua, Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc ngoài nhiệm vụ tuần tra thường xuyên, đột xuất theo kế hoạch còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của Bạn tích cực tổ chức tuần tra chung2. Trong đó, hướng trọng tâm vào kiểm tra và bảo vệ đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới, các vật đánh dấu đường biên, đường thông tầm nhìn biên giới; trao đổi thông tin, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc xảy ra trên biên giới, nhất là các vụ vượt biên trái pháp luật của công dân hai bên biên giới, nhằm giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thông qua công tác tuần tra, hai bên thường xuyên trao đổi, nắm chắc tình hình dịch bệnh, thống nhất, cùng nhau thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp, hạn chế lây lan, góp phần quan trọng xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Lễ ra quân tuần tra song phương năm thứ nhất tại Quảng Ninh

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tuần tra song phương trên tuyến biên giới phía Bắc vẫn tồn tại một số bất cập cũng như những khó khăn, phức tạp nảy sinh, nhất là hoạt động vi phạm Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, như: xây dựng hàng rào, xây kè,… làm ảnh hưởng đến dòng chảy sông, suối biên giới; những điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, siết chặt chính sách mậu biên của phía Bạn, ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu của ta; đơn phương đẩy mạnh rà soát đẩy, đuổi người lao động, cư trú bất hợp pháp về phía ta làm gia tăng các vụ vượt biên trái pháp luật. Các loại tội phạm xuyên biên giới, nhất là buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, thậm chí sử dụng cả vũ khí nóng. Vì thế, cùng với tăng cường các hoạt động quản lý, bảo vệ, giữ vững an ninh, trật tự biên giới của mỗi nước, việc xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuần tra song phương của lực lượng bảo vệ hai bên biên giới; góp phần đẩy mạnh hợp tác đưa các văn kiện pháp lý đã ký về biên giới giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi đưa ra một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với công tác quan trọng này để cùng nghiên cứu, trao đổi, vận dụng.

1. Bám sát thực tiễn, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp về thực hiện nhiệm vụ tuần tra song phương. Công tác tuần tra song phương trên tuyến biên giới, về bản chất là sự phối hợp hoạt động của hai lực lượng, ở hai quốc gia liền kề, nhưng lại nhằm thống nhất, giải quyết, xử lý những vấn đề rất cụ thể về biên giới, nên rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, kịp thời ở mọi lúc, mọi nơi của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Điều đó càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi lực lượng bảo vệ biên giới nước Bạn gồm nhiều thành phần và có sự điều chuyển lớn về chức năng, nhiệm vụ, bộ chủ quản, v.v. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh cần tiếp tục quán triệt, nắm chắc đường lối đối ngoại biên phòng, pháp luật hai bên, hiệp định, hướng dẫn liên quan đến hoạt động biên giới. Trong đó, chú trọng quán triệt tốt 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; Kế hoạch số 1599/KH-BTL, ngày 26/8/2010 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về triển khai thực hiện 03 văn kiện pháp lý biên giới; Quyết định số 2483/QĐ-BTTM, ngày 17/12/2012 của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam về việc ban hành Quy định tổ chức tuần tra song phương trên biên giới, vùng biển. Tuy nhiên, do đặc điểm hoạt động tuần tra song phương diễn ra với thời gian tương đối ngắn, ở các địa điểm, địa bàn dân cư cụ thể, nên cùng với tuân thủ các quy chế, văn kiện pháp lý,… đã ký giữa hai nước, Bộ đội Biên phòng các tỉnh có thể chủ động hoặc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, đánh giá cụ thể các mặt, nhất là tình hình an ninh, trật tự cả trên và hai bên đường biên trong từng giai đoạn, khu vực, địa bàn cụ thể, dự đoán nhiều tình huống có thể xảy ra, những khu vực có diễn biến phức tạp, v.v. Trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo thông qua nghị quyết chuyên đề với các biện pháp lãnh đạo sát thực, trong đó chú trọng lãnh đạo công tác hiệp đồng cùng các lực lượng bảo vệ biên giới hai bên; phân công, xác định rõ trách nhiệm từng cấp ủy viên phụ trách và làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

2. Nâng cao nhận thức, năng lực công tác cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ quan trọng này, đáp ứng yêu cầu mới. Hoạt động tuần tra song phương giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai bên tuy chỉ diễn ra ở quy mô cấp phân đội, nhưng lại mang tính đối ngoại quốc gia, hoạt động quốc tế. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường giáo dục, bồi dư­ỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường t­ư tưởng, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, đường lối đối ngoại quân sự của Đảng, trực tiếp là đối ngoại biên phòng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, cần quán triệt cho bộ đội nắm chắc, hiểu sâu nội dung các hiệp định, văn bản ký kết giữa hai bên, nhất là những quy định về tuần tra song phương; đặc điểm, tính chất phức tạp liên quan đến nhiệm vụ trên địa bàn. Chú trọng vận dụng các biện pháp, phương pháp giáo dục sát hợp với từng đơn vị, trình độ nhận thức của bộ đội. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục theo chương trình quy định hằng năm với giáo dục đột suất theo nhiệm vụ; giữa giáo dục chung với giáo dục riêng,… làm cho mọi người thấu triệt công tác tuần tra song phương không chỉ dừng lại ở mức giữ vững an ninh, trật tự đường biên, tạo sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai bên, mà còn là một trong các biện pháp, hoạt động quan trọng, góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, phát triển giữa hai nước ngay từ cơ sở.

Cùng với đó, các đơn vị cần tập trung tăng cư­ờng huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh cho các lực lượng, chú trọng về cách thức tổ chức và kỹ năng phối hợp xử lý tình huống; lấy huấn luyện cán bộ làm nòng cốt, nhất là cán bộ ở các đồn, trạm biên phòng. Ngoài ra, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ có thể được đẩy mạnh khi triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng lực lượng Trinh sát kỹ thuật; Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm; Kiểm soát cửa khẩu hiện đại, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và lực lượng Bộ đội Biên phòng sẽ được trang bị các loại phương tiện, trang bị hiện đại, công nghệ cao. Đây là dịp tốt để có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bộ đội Biên phòng nói chung, hoạt động tuần tra song phương nói riêng trong tình hình mới. 

3. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị, phối hợp tổ chức tuần tra song phương chặt chẽ, đúng quy định. Hoạt động tuần tra đường biên là hoạt động luôn giải quyết tình huống phức tạp, kiên quyết, nhưng phải khéo léo. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, căn cứ vào tính chất, đặc điểm, tình hình an ninh trên từng tuyến biên giới cụ thể, các đồn cần tích cực, linh hoạt, khéo léo phối hợp thống nhất với lực lượng chức năng của Bạn về ý định tuần tra bằng nhiều phương pháp; tùy theo tình hình cụ thể có thể thực hiện thông qua thư mời, điện thoại, gặp gỡ trao đổi trực tiếp. Trên cơ sở đó, chỉ huy các đồn xây dựng kế hoạch tuần tra cụ thể, sát thực tiễn, chú trọng dự kiến nhiều tình huống và cách xử lý phù hợp, đúng quy định, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các loại phương tiện, như: vũ khí, máy định vị vệ tinh cầm tay GPS, máy tính, máy in, máy quay phim, chụp ảnh, bản đồ địa hình, phương tiện quan sát, các loại công cụ hỗ trợ, trang phục,… bảo đảm cho cả chỉ huy, chỉ đạo và thực hành tuần tra. Trong quá trình tuần tra, phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, bí mật, kịp thời từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tới đồn, trạm và đội tuần tra. Thống nhất xây dựng các kênh thông tin từ đội tuần tra với các đội công tác khác liên quan, nhất là lực lượng bảo vệ biên giới, đảm bảo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vụ việc xảy ra phù hợp với luật pháp mỗi nước và luật pháp quốc tế. Phối hợp cùng Bạn thực hiện các nghi thức một cách đầy đủ, trang trọng, uy nghiêm, đúng quy định, nhất là nghi lễ “Chào cột mốc”; kiểm tra cụ thể từng mốc quốc giới, các vật đánh dấu đường biên giới; kịp thời phát hiện những thay đổi và các hiện tượng, vụ việc vi phạm cả về địa vật và sự vụ; kết hợp chặt chẽ, khéo léo với Bạn để chủ động, linh hoạt giải quyết, xử lý các tình huống trong phạm vi chức trách theo quy định của mỗi bên. Đồng thời, sau mỗi lần tuần tra cần làm tốt công tác tổng hợp, đánh giá, trao đổi, rút kinh nghiệm cùng Bạn; báo cáo kịp thời, chú trọng những vụ việc ngoài hoặc vượt quá quyền hạn để cấp trên giải quyết thỏa đáng, đúng quy định và đối sách.

Tuần tra song phương biên giới phía Bắc là hoạt động mới được thực hiện trong những năm gần đây, nhưng đã đem lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là trong thực hiện đường lối đối ngoại biên phòng của Đảng và Nhà nước. Trước tình hình thực tế thường xuyên biến động, việc nghiên cứu, vận dụng, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuần tra song phương cần được tiến hành liên tục, khoa học, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhiệm vụ mới, góp phần xây dựng tuyến biên giới ổn định, an toàn, xây dựng mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và ngày càng phát triển.

Thượng tá, ThS. NGUYỄN HUY DU, Học viện Biên phòng
__________________

1 - Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

2 - Năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021, hai bên cùng tuần tra được 20 lần với hơn 1.280 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tham gia.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.