Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 07/07/2016, 12:00 (GMT+7)
Một số giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên vững mạnh là mặt công tác quan trọng, thường xuyên, nhưng cũng đang có không ít vấn đề đặt ra. Dưới đây, xin trao đổi một số giải pháp, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị trên địa bàn chiến lược này.

Cán bộ xã Cuor Đăng, huyện Cư M' Gar (Đác Lắc) hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc cây cà-phê. (Ảnh: nhandan.com.vn)

Được ví như “nóc nhà Đông Dương”, Tây Nguyên có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với việc phát huy nội lực, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể: kinh tế không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố, v.v. Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, đời sống của nhân dân tuy được cải thiện, song còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Đáng quan tâm là, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng những khó khăn, những vấn đề “dân tộc’, “tôn giáo” trên địa bàn Tây Nguyên để chống phá ta rất quyết liệt từ cơ sở làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phức tạp, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của Tây Nguyên. Trong khi đó, hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu, hoạt động kém hiệu quả.

Thực trạng trên đang đặt ra yêu cầu cao về chất lượng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở các tỉnh trên địa bàn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhằm đưa Tây Nguyên phát triển ngang tầm với vị trí, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để làm được điều đó, cần có hệ thống giải pháp; trong đó, thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, cần thường xuyên coi trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện, trọng tâm là tổ chức đảng. Đây là vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Vì thế, trong quá trình thực hiện cần chú trọng toàn diện, trước hết tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự là hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo ở cơ sở. Phải gắn chặt việc kiện toàn tổ chức với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cấp ủy viên các cấp nhạy bén, vững vàng về chính trị, tư tưởng; trong sạch về đạo đức, lối sống; giỏi về năng lực; chững chạc về phong cách lãnh đạo, sâu sát cơ sở, gần gũi quần chúng. Trong lãnh đạo, các cấp ủy phải quán triệt, thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của cấp ủy địa phương và cấp trên, nắm vững tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để đề ra chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong từng thời gian nhất định và có tính khả thi cao, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tùy theo vị trí, vai trò lãnh đạo của từng cấp, các cấp ủy cần đề ra quy chế, chương trình và kế hoạch hoạt động cụ thể, không dập khuôn, máy móc, không ỷ lại vào cấp trên, nêu cao tính độc lập, sáng tạo trong việc vận dụng đường lối, nghị quyết của Đảng và của cấp trên vào tình hình cụ thể của từng cơ sở. Các tổ chức đảng phải xây dựng được đội ngũ đảng viên có đủ phẩm chất và năng lực, tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa; tận tụy phục vụ nhân dân, luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện tại, ở Tây Nguyên, tổ chức đảng còn “mỏng”, số lượng, chất lượng đảng viên, tỷ lệ lãnh đạo còn thấp. Vì thế, các cấp ủy cơ sở cần chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm cho tất cả các thôn, buôn đều có tổ chức đảng; chú trọng phát triển đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số, không để tình trạng thôn, bản “trắng” đảng viên, đảm bảo cho ở đâu cũng có đảng viên, tổ chức đảng lãnh đạo phong trào quần chúng thực hiện tốt mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định địa bàn. Cùng với tăng về số lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, cần chú ý chất lượng, cơ cấu của đội ngũ cũng như năng lực lãnh đạo, kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hai là, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) là cơ quan chỉ đạo, quản lý, điều hành và giám sát mọi hoạt động ở cơ sở. Do đó, ủy ban nhân dân cấp xã phải thực hiện đúng chức năng của mình, thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Trên cơ sở chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính quyền phải cụ thể hóa thành những chương trình hành động cụ thể, thiết thực và tổ chức cho nhân dân thực hiện. Cán bộ chính quyền phải là người trọng dân, nghe dân nói, nói dân nghe, không làm những điều phương hại đến lợi ích của nhân dân, cũng như không để những phần tử cơ hội lợi dụng “dân chủ” làm những điều sai trái, vi phạm pháp luật và những quy định của địa phương. Hiệu lực quản lý và điều hành của chính quyền được thể hiện ở chỗ: quần chúng nhân dân chấp hành, thực hiện nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả; các mặt hoạt động có chuyển biến tích cực; địa bàn ổn định, đời sống của đồng bào được cải thiện và nâng cao. Muốn nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, không chỉ có lòng trung thành, nhiệt tình, có tính quyết đoán, mà còn có trình độ chuyên môn cao, am hiểu pháp luật, nắm vững các nguyên tắc quản lý kinh tế - xã hội và có tinh thần đổi mới, sáng tạo, phong cách lãnh đạo, quản lý, điều hành các công việc thuộc phạm vi mình phụ trách. Để làm được điều đó, các cấp cần chú trọng bồi dưỡng, đào tạo; gắn bồi dưỡng lý luận với chỉ đạo thực tiễn; đào tạo tại trường với tự đào tạo tại cơ sở, nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo còn thiếu và yếu, hạn chế về trình độ, năng lực và chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về phẩm chất, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm tạo ra một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cần quan tâm đến việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, giáo dục cho họ những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ chí Minh, có lập trường, quan điểm vững vàng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đường lối đổi mới và chế độ xã hội chủ nghĩa; có lối sống trong sạch, lành mạnh, không tham ô, lãng phí, hết lòng phục vụ nhân dân, biết lo đến cuộc sống của nhân dân. Cán bộ phải gần dân, sát dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để giải quyết nhu cầu chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; kịp thời đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ.

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là nhiệm vụ của địa phương. Thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, tạo “cầu nối” giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, làm cho quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân càng thêm gắn bó, Đảng hiểu dân, dân tin Đảng. Muốn vậy, phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng để mọi người dân đều có thể tiếp nhận và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; khắc phục bệnh quan liêu, hình thức, xa dân. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và quy chế Dân chủ ở cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động và tập hợp nhân dân tham gia vào các tổ chức, nhất là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, v.v. Phát huy tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư, chú trọng vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng thôn, những người có uy tín ở cộng đồng trong công tác vận động quần chúng. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, giữ vững sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây chia rẽ giữa các dân tộc, làm mất ổn định chính trị, xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cấp ủy đảng, chính quyền không làm thay việc của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân, nhưng phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và đôn đốc, kiểm tra thường xuyên, nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động đạt hiệu quả thiết thực. Trong đó, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển văn hóa - xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở; khắc phục bệnh quan liêu, hình thức, xa dân, không lắng nghe ý kiến của dân. Nếu nhiều vấn đề bức xúc của dân không được giải quyết, thì không chỉ làm mất lòng tin đối với dân mà còn làm suy yếu vai trò quản lý của chính quyền.

Vấn đề dân làm chủ, bình đẳng giữa các dân tộc cũng là nội dung cần được quan tâm trong xây dựng hệ thống chính trị ở Tây Nguyên. Thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là việc không hề đơn giản. Muốn thế, cần phát huy tốt quy chế Dân chủ ở cơ sở. Và chừng nào Quy chế này chưa trở thành hiện thực trong cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân thì cơ chế nhân dân làm chủ sẽ không được phát huy. Và khi đó, quyền làm chủ của nhân dân bị vi phạm, người dân không được bàn bạc, góp ý về những vấn đề liên quan đến “quốc kế dân sinh”. Để nhân dân tham gia một cách tự giác, tích cực vào các hoạt động ở cơ sở, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp chung của đất nước thì cần phải phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong mọi hoạt động, tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự bình đẳng giữa các dân tộc Tây Nguyên, không ngừng tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn trong quá trình phát triển.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc chăm lo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên vững mạnh vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân địa phương, góp phần quan trọng xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc.

Thượng tá, ThS. LÊ NGỌC BẢO, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.