Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 26/04/2022, 07:50 (GMT+7)
Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan - binh sĩ ở đơn vị cơ sở

Giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, nhằm nâng cao nhận thức, bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng cho hạ sĩ quan - binh sĩ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Do đó, nghiên cứu, xác định các giải pháp phù hợp, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục cho đối tượng này là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác giáo dục chính trị, những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp và tích cực đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, nhất là sau khi sơ kết Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Trên cơ sở nội dung giáo dục được Tổng cục Chính trị ban hành, các đơn vị đã cụ thể hóa, sát với chức năng, nhiệm vụ của mình; trong đó, các nội dung giáo dục tự xác định (tỷ lệ 20%) đã quan tâm đến nội dung giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống cho hạ sĩ quan - binh sĩ. Hình thức, phương pháp giáo dục thường xuyên được đổi mới, sáng tạo; thời gian giáo dục được điều chỉnh phù hợp theo hướng tăng cường thời gian trao đổi, bổ trợ để người học nắm được những kiến thức cốt lõi, từ đó liên hệ vận dụng vào thực tiễn cuộc sống quân nhân và nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị được quan tâm bồi dưỡng toàn diện cả về trình độ, phương pháp sư phạm và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng bài chính trị. Việc đầu tư trang bị, phương tiện được các đơn vị quan tâm, bảo đảm đồng bộ, phát huy tác dụng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị; những “lớp học rừng cây”, “vở kê đầu gối” trong học tập chính trị được xóa bỏ; nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo xuất hiện, như: mô hình “2 sát, 2 nâng, 3 thực chất1 của Quân chủng Hải quân;  mô hình “3 thực chất” của Quân khu 5, Quân đoàn 3; mô hình  “mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án chính trị bổ ích” của Quân khu 4, Quân khu 7; mô hình “Tổ cán bộ giảng dạy chính trị giỏi” của Quân khu 1, Quân khu 2, v.v. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan - binh sĩ ở đơn vị cơ sở còn một số hạn chế, như: việc triển khai kế hoạch giáo dục chính trị chưa thật đồng bộ; xác định các nội dung tự giáo dục chưa sát với đặc điểm nhiệm vụ và đối tượng giáo dục của đơn vị; phương pháp giảng dạy chính trị còn đơn điệu; kiểm tra, đánh giá kết quả còn có biểu hiện thành tích, v.v.

Tham quan mô hình, sáng kiến trong công tác giáo dục chính trị ở Sư đoàn 324

Quán triệt sâu sắc nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhất là, phương hướng, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, phạm vi bài viết xin trao đổi một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan - binh sĩ ở đơn vị cơ sở.

Một là, thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan - binh sĩ. Đây là giải pháp then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan - binh sĩ ở đơn vị cơ sở. Thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm vừa là yêu cầu vừa là trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, bởi, giáo dục chính trị là một nội dung huấn luyện của đơn vị với đầy đủ các yếu tố cấu thành (nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện, người dạy, người học,...), đặt dưới sự quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp (trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội), do đó, yêu cầu đầu tiên là phải thống nhất nhận thức và đề cao trách nhiệm. Trước mỗi mùa huấn luyện, các đơn vị cần có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ giáo dục chính trị bảo đảm sát, đúng, phù hợp; trên cơ sở đó, nghiên cứu nắm chắc đặc điểm, nhiệm vụ giáo dục, đối tượng giáo dục để làm tốt công tác chuẩn bị, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng tham gia, nhất là cơ quan chính trị, các tổ cán bộ giảng dạy chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị. Thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm cần được thực hiện trong suốt quá trình và đến từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị (kể cả cán bộ quân sự, chuyên môn, nghiệp vụ); trong đó, chính ủy, chính trị viên, đội ngũ cán bộ chính trị phải là ngọn cờ, trung tâm phối hợp, hiệp đồng, tạo động lực cho sự đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan - binh sĩ. Để thực hiện tốt các nội dung này, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong đơn vị, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh và chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.

Hai là, đổi mới đồng bộ các yếu tố của hoạt động giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan - binh sĩ. Chất lượng giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan - binh sĩ được tạo thành bởi tổng hòa các yếu tố từ nội dung giáo dục, người dạy, người học, vật chất bảo đảm,… do đó, muốn nâng cao chất lượng giáo dục chính trị phải coi trọng đổi mới đồng bộ các yếu tố này. Theo đó, việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chính trị đòi hỏi các đơn vị nghiên cứu nắm chắc yêu cầu của từng bài học và tổng thể chương trình giáo dục; trên cơ sở tài liệu học tập do Tổng cục Chính trị ban hành, đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị cụ thể hóa, cập nhật, bổ sung những nội dung mới vào các bài giảng cho hạ sĩ quan - binh sĩ ở đơn vị mình. Đồng thời, cần đầu tư công sức, trí tuệ vào những nội dung giáo dục tự xác định; lựa chọn sử dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp, giúp cho người học dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng vào thực tiễn cuộc sống sinh hoạt của bộ đội.

Về phương pháp, cần đổi mới cả phương pháp của người dạy và phương pháp tiếp thu của người học. Với người dạy, cần nắm chắc đối tượng giảng dạy để lựa chọn phương pháp, sử dụng phương tiện, vật chất để đạt hiệu quả tối ưu, biết tạo hứng thú, động lực, truyền cảm hứng học tập cho người học. Đối với người học, điều cốt yếu là làm thế nào để tạo tâm lý thoải mái nhất cho họ trước khi bước vào giờ học chính trị, để từ đó xóa bỏ tư tưởng ngại học, lười học và sợ học chính trị của hạ sĩ quan - binh sĩ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đổi mới công tác bảo đảm vật chất, trang thiết bị dạy học làm cho hệ thống trang thiết bị phục vụ đắc lực, hiệu quả nhất, phát huy tốt nhất công năng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục chính trị. Hệ thống trang thiết bị cần được bảo đảm đồng bộ, đi cùng với đó là năng lực khai thác, vận hành, sử dụng quản lý sửa chữa bảo dưỡng trang thiết bị, nhất là hệ thống máy tính, máy chiếu, hệ thống tăng âm, phương tiện kỹ thuật số.

Ba là, đổi mới công tác kiểm tra, phúc tra, đánh giá kết quả giáo dục chính trị. Thực tế đã chứng minh, ở đơn vị nào hoạt động kiểm tra, phúc tra, đánh giá được coi trọng thì chất lượng giáo dục chính trị sẽ đạt được kết quả, chất lượng tốt và ngược lại. Đổi mới công tác kiểm tra, phúc tra, đánh giá kết quả giáo dục chính trị phải được bắt đầu từ nhận thức, quan điểm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, được triển khai thống nhất từ khi bắt đầu huấn luyện và được tiến hành đồng bộ ngay từ khi xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục đến quá trình triển khai thực hiện; trong đó, coi trọng việc xác định rõ nội dung, hình thức, phương pháp kiểm tra, phúc tra, đánh giá kết quả. Cùng với đó, là sự đồng bộ trong hệ thống tổ chức, triển khai và bảo đảm cho hoạt động này, như: hệ thống câu hỏi, đáp án, đánh giá đội ngũ giám khảo, cán bộ giám sát, phúc tra. Để thực hiện tốt, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần quán triệt quan điểm khách quan, công tâm trong xem xét đánh giá kết quả giáo dục chính trị, khắc phục triệt để bệnh thành tích trong đánh giá kết quả nói chung, đánh giá kết quả giáo dục chính trị nói riêng. Và phải kiểm tra đánh giá trong suốt quá trình tổ chức giáo dục chính trị, để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém và động viên khích lệ những tập thể, cá nhân tiêu biểu. Đồng thời, thường xuyên tiến hành tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ coi, chấm thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới kiểm tra, phúc tra, đánh giá kết quả giáo dục chính trị; quan tâm xây dựng các câu hỏi kiểm tra, phúc tra trắc nghiệm khách quan, vừa sức với nhận thức của người học, bao quát được nội dung kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan - binh sĩ.

Bốn là, coi trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đây vừa là một khâu trong tổ chức huấn luyện bộ đội, vừa là một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan - binh sĩ. Bởi vì, nội dung, hình thức, phương pháp, điều kiện tổ chức giáo dục quân nhân, nhận thức của người học, cũng như năng lực, trình độ của người dạy thường xuyên vận động phát triển và chịu sự tác động ảnh hưởng bởi các yếu tố, cả khách quan và chủ quan. Do đó, các đơn vị cần coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, thông qua đó kịp thời bổ sung, cập nhật những nội dung mới, tiếp thu những cách làm hay, sáng tạo để vận dụng vào trong giáo dục chính trị nhằm đạt được chất lượng, hiệu quả cao. Để các hoạt động này đạt hiệu quả, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt. Quá trình tổ chức, cần phát huy tối đa dân chủ, điều hành linh hoạt, sáng tạo, khoa học, tìm ra những kinh nghiệm hay, bài học quý, phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan - binh sĩ; đồng thời, thực hiện tốt công tác nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả về giáo dục chính trị trong toàn đơn vị. Thực hiện giải pháp này, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần tránh những biểu hiện hình thức, qua loa, cách làm chiếu lệ; cần trân trọng, khích lệ những sáng kiến, ý tưởng mới. Thông qua hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cần phê bình thẳng thắn, nghiêm túc để vừa động viên được người tốt, việc tốt, đồng thời kiểm điểm, phê bình và chấn chỉnh những sai phạm khuyết điểm để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan - binh sĩ ở đơn vị cơ sở hiện nay.

Thượng tá, TS. PHẠM THÀNH TRUNG
________________     

1 - 2 sát: sát đối tượng, sát thực tiễn; 2 nâng: nâng cao nhận thức trách nhiệm và chất lượng giáo dục chính trị; 3 thực chất: dạy thực chất, học thực chất, đánh giá kết quả thực chất.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.