Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 27/01/2014, 09:47 (GMT+7)
Một số giải pháp giữ vững thông tin liên lạc chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Giữ vững thông tin liên lạc là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi trong tác chiến nói chung và chiến dịch phòng ngự nói riêng. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đây thực sự là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn và phức tạp; do đó, cần phải quan tâm, nghiên cứu.

Bảo đảm thông suốt với sự hỗ trợ của xe thông tin vệ tinh Vsat – VCD2. (Ảnh: in-tơ-nét)

Đặc điểm nổi bật của chiến dịch phòng ngự (CDPN) trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là tiến hành trong các khu vực phòng thủ địa phương và được chuẩn bị trước từ thời bình. Đây là điều kiện thuận lợi để chuẩn bị lực lượng, thế trận, bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL) cho chiến dịch. Tuy nhiên, trước sự phát triển của vũ khí, trang bị và nghệ thuật tác chiến chiến dịch, đối tượng tác chiến sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao (VKCNC) và tác chiến điện tử (TCĐT) rộng rãi, đặt ra cho nhiệm vụ bảo đảm TTLL chiến dịch nhiều khó khăn, thách thức. Lực lượng thông tin chiến dịch cùng lúc sẽ phải bảo đảm cho nhiều lực lượng, nhiều nhiệm vụ, hình thức chiến thuật, bao gồm các trận phòng ngự, tiến công, đánh địch đổ bộ đường không,… Trong khi đó, hoạt động tác chiến diễn ra đồng thời trên nhiều hướng, nhiều khu vực, diễn biến nhanh, tình huống phức tạp; nhu cầu bảo đảm TTLL cho chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm rất lớn và khẩn trương. Mặt khác, lực lượng, phương tiện thông tin chiến dịch có hạn; hoạt động bảo đảm TTLL tiến hành trong điều kiện địch đánh phá rất ác liệt bằng cả xung lực, hỏa lực,… Đặc điểm đó cho thấy, giữ vững TTLL, bảo đảm bí mật, kịp thời, chính xác cho mọi tình huống chiến dịch đòi hỏi phải tiến hành tổng hợp nhiều nội dung, biện pháp. Bài viết xin đề cập một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Xây dựng thế trận thông tin chiến dịch liên hoàn, vững chắc; chủ động dự kiến các tình huống, phương án bảo đảm TTLL chiến dịch. Đây là giải pháp quan trọng nhằm giành quyền chủ động trong mọi hoạt động bảo đảm, đáp ứng kịp thời TTLL trong điều kiện tác chiến diễn biến khẩn trương, nhiều tình huống đột biến. Theo đó, cơ quan và chỉ huy các đơn vị thông tin phải nắm chắc ý định tác chiến của Tư lệnh chiến dịch, xây dựng kế hoạch bảo đảm TTLL toàn diện, tập trung có trọng điểm, cơ động linh hoạt. Hệ thống thông tin (HTTT) chiến dịch cần được tổ chức chặt chẽ theo kiểu mạng lưới, có các trục dọc và trục ngang; có các đường liên lạc vu hồi, dự bị,… kết nối sở chỉ huy chiến dịch với các thành phần lực lượng, các hệ thống vũ khí, bảo đảm kết nối, giữ vững liên lạc trong mọi tình huống. Trong điều kiện lực lượng, phương tiện thông tin chiến dịch có hạn, để tạo được thế trận thông tin vững chắc, việc sử dụng lực lượng TTLL phải đảm bảo vừa có “diện”, vừa có “điểm”, hình thành bảo đảm TTLL theo khu vực một cách hoàn chỉnh; trong đó, tập trung ưu tiên thông tin chỉ huy, hiệp đồng, các lực lượng trên hướng phòng ngự chủ yếu, cơ động tiến công, hỏa lực,… Mặt khác, người chỉ huy và cơ quan thông tin chiến dịch căn cứ ý    định tác chiến, dự kiến các tình huống của tư lệnh chiến dịch, thủ đoạn của địch,… để dự kiến các phương án bảo đảm TTLL sát đúng. Trên cơ sở đó, nắm vững các tình huống, chủ động bổ sung, điều chỉnh hoặc nhanh chóng hình thành các phương án bảo đảm mới, đáp ứng kịp thời diễn biến tình hình thực tế tác chiến. Đặc biệt, cần chú trọng tổ chức lực lượng TTLL dự bị mạnh, có khả năng cơ động cao, triển khai nhanh, sẵn sàng đáp ứng tình huống chiến dịch.

Trong điều kiện mới, để đáp ứng yêu cầu TTLL trong CDPN, còn phải coi trọng tổ chức HTTT theo hướng tự động hóa. Trên các mạng, hướng chiến dịch, các thiết bị và đường truyền thông tin, máy tính điều khiển và các thiết bị bổ trợ khác được tích hợp thành hệ thống đồng bộ, kết nối người chỉ huy với các thành phần lực lượng; các hệ thống vũ khí, bảo đảm các dữ liệu về tình huống chiến đấu, mệnh lệnh của người chỉ huy,… thường xuyên được cập nhật, trao đổi đến mọi thành phần lực lượng. Như vậy, hệ thống chỉ huy - điều khiển được thực hiện trực tiếp, không qua các khâu trung gian, nâng cao hiệu quả TTLL. Để HTTT vận hành hiệu quả, người chỉ huy, cơ quan chiến dịch phải triệt để tận dụng mạng truyền số liệu và thực hiện mã kênh, mã nguồn khi truyền tin; nâng cao chất lượng và bảo đảm bí mật các đường truyền dẫn cùng các thiết bị chuyển mạch; chú trọng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các phần mềm quản lý, khai thác mạng cáp quang, truyền số liệu quân sự, mạng tổng đài, viba số, thiết bị liên lạc qua vệ tinh,... Từ đó, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các phương tiện trên từng hướng, khu vực tác chiến. Hiện nay, lực lượng TTLL đang được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, là cơ sở quan trọng để tổ chức HTTT theo hướng tự động hóa.

 2. Kết hợp chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, HTTT. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, là nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp, giữ vững TTLL cho chiến dịch chỉ huy, hiệp đồng tác chiến. Trong CDPN, lực lượng, phương tiện và HTTT được sử dụng rất đa dạng, bao gồm: lực lượng thông tin chiến dịch, thông tin cấp trên và thông tin tại chỗ, với các phương tiện thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, viba, vệ tinh, quân bưu và tín hiệu. Khi sử dụng, mỗi phương tiện đều có những ưu, nhược điểm khác nhau, không có loại phương tiện thông tin nào có thể đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu cả về chiến thuật và kỹ thuật. Mặt khác, các trang bị, phương tiện thông tin ngày càng được đầu tư, phát triển; lực lượng thông tin quân sự của khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) được biên chế, trang bị như bộ đội chủ lực. Vì vậy, người chỉ huy, cơ quan thông tin cần có biện pháp tổ chức, sử dụng, kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện thông tin, phát huy sở trường của từng lực lượng, phương tiện, nhất là các khí tài thế hệ mới trong từng thời điểm, nhiệm vụ của chiến dịch. Đồng thời, có biện pháp nâng cao tính vững chắc đối với khí tài thế hệ cũ để giữ vững TTLL chiến dịch.

Để kết hợp chặt chẽ mọi lực lượng, phương tiện và HTTT của các cấp, các ngành, chiến dịch cần xây dựng kế hoạch bảo đảm TTLL khoa học; trong đó, chú trọng kết hợp với HTTT của Bộ, các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực phòng thủ; huy động mọi thành phần, lực lượng thông tin, cả quân sự và dân sự, cả hiện đại và thô sơ cùng tham gia bảo đảm liên lạc, nhất là việc vận chuyển công văn, tài liệu, bảo vệ các đài, trạm thông tin và các đường thông tin quan trọng. Chủ nhiệm, cơ quan và chỉ huy các phân đội thông tin chiến dịch cần nắm vững tính năng, ưu, nhược điểm của từng loại phương tiện, phát huy hiệu quả trong các giai đoạn chiến dịch. Việc sử dụng thông tin vô tuyến điện phải đúng thời cơ, kết hợp chặt chẽ giữa thông tin vô tuyến điện với thông tin hữu tuyến điện, vệ tinh, viba, quân bưu, tín hiệu, nhất là các lực lượng làm nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn thực hành chiến dịch, như: đánh địch thực hành tiến công, đột nhập trận địa, vu hồi đường bộ, đường sông, đổ bộ đường không,... Trong quá trình đảm bảo, cần sử dụng linh hoạt các phương thức liên lạc, như: thoại, báo, truyền số liệu, truyền ảnh,... bằng nhiều loại phương tiện để nâng cao tính kịp thời, vững chắc. Bên cạnh đó, cần nắm chắc cấu trúc, tình trạng kỹ thuật, khả năng tiếp hợp của HTTT tại chỗ, nhất là các mạng, hướng thông tin vô tuyến điện, khu vực triển khai các tổng đài, các đường dây hữu tuyến điện và các hộp đầu cáp,... Từ đó, xây dựng kế hoạch, tổ chức hiệp đồng và khai thác hợp lý, giữ vững TTLL trong suốt quá trình tác chiến.

3. Chủ động phòng chống TCĐT và VKCNC của địch. Nghiên cứu một số cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, TCĐT kết hợp với hỏa lực bằng VKCNC đã trở thành phương thức tác chiến chủ yếu, nhằm “làm mềm” chiến trường, “làm mù”, “làm điếc” đối phương. Trong đó, hệ thống chỉ huy các cấp nói chung, HTTT nói riêng là những mục tiêu mà địch tập trung trinh sát, đánh phá. Vì vậy, phòng chống TCĐT, hạn chế tổn thất khi địch đánh phá bằng VKCNC đối với HTTT là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định, nhằm bảo toàn lực lượng, giữ vững TTLL cho chỉ huy và tác chiến chiến dịch.

Về kỹ thuật, lực lượng thông tin chiến dịch cần triển khai thiết bị mã hóa tín hiệu trên các kênh quan trọng, phân bố hợp lý các phiên liên lạc và rút ngắn thời gian phát sóng (truyền tin tức với tốc độ cao, sử dụng luật trao đổi và chữ tắt,...). Bố trí các điện đài vô tuyến điện thế hệ mới có khả năng chống nhiễu cao trên các mạng, hướng quan trọng, nhất là các trận then chốt, then chốt quyết định của chiến dịch. Sử dụng công suất máy phát và ăng-ten phù hợp với cự ly liên lạc. Chú trọng các biện pháp dung hòa trường điện từ và kiểm soát điện tử, bố trí các điện đài vô tuyến điện có khoảng cách hợp lý, phân chia tần số và thời gian làm việc khoa học để hạn chế gây nhiễu lẫn nhau; thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các điện đài, kịp thời phát hiện các dấu hiệu kỹ thuật cá biệt nhằm tránh địch phát hiện, theo dõi, v.v.

Về chiến thuật, chiến dịch tổ chức HTTT liên hoàn ở các cấp và có sự liên kết chặt chẽ với HTTT tại chỗ; quy định cụ thể chế độ sử dụng phương tiện thông tin trong từng nhiệm vụ, từng giai đoạn của chiến dịch; dự kiến nhiều phương án bảo đảm, kịp thời bổ sung, điều chỉnh khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, chú trọng kết hợp các loại phương tiện thông tin trên cùng một hướng và chuyển, nhận điện bằng nhiều phương thức khác nhau; tổ chức các mạng, hướng thông tin bí mật, sẵn sàng liên lạc khi mạng, hướng chính bị địch gây nhiễu mạnh. Công tác chuẩn bị cần bổ sung kịp thời lực lượng, phương tiện thông tin cho các đơn vị; phân công chiến sĩ thông tin có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, dày dạn kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ trên các mạng, hướng quan trọng. Các cấp cần tăng cường hoạt động ngụy trang, nghi binh thông tin, như: giữ bí mật phương thức liên lạc, bí mật năng lượng phát sóng, bí mật cấu trúc thông tin và chủ động trong việc tạo giả thông tin (sử dụng mật danh giả, tình huống giả, mạng TTLL giả,... để nghi binh, đánh lừa trinh sát điện tử của địch). Khi có điều kiện, chiến dịch sử dụng lực lượng TCĐT (hoặc TCĐT chiến lược) để chế áp các trạm trinh sát, gây nhiễu và điều khiển vũ khí của địch. Ngoài ra, triệt để tận dụng các phương tiện thông tin là chiến lợi phẩm và tổ chức liên lạc trên các tần số xen kẽ với các tần số của địch, tạo yếu tố bất ngờ.

Để hạn chế tác động khi địch sử dụng VKCNC đối với HTTT, chiến dịch cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp ngụy trang, nghi binh, triệt để tận dụng địa hình, địa vật để bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện, nhất là các đài, trạm trong tổng trạm thông tin sở chỉ huy cơ bản. Đối với hệ thống đường dây thông tin đi các hướng, phải tránh các trọng điểm dự kiến địch đánh phá, không đặt dọc theo các trục đường trên hướng địch tiến công. Xây dựng công sự, hầm trú ẩn vững chắc cho người và phương tiện thông tin; duy trì nghiêm hệ thống chỉ huy, điều hành và tuần tra canh gác; kịp thời thông báo, báo động khi địch tập kích hỏa lực. Bố trí hợp lý các phân đội thông tin dự bị trên các khu vực để sẵn sàng triển khai khi hệ thống cũ bị hỏa lực địch đánh phá. Mặt khác, cần hiệp đồng chặt chẽ với pháo binh, phòng không, không quân,... sử dụng hỏa lực, xung lực tập kích vào các sở chỉ huy, trận địa pháo binh, tên lửa của địch; tiêu diệt máy bay trinh sát, chỉ thị mục tiêu, tên lửa hành trình và tiêu hủy các thiết bị trinh sát, gây nhiễu một lần do địch phóng rải vào khu vực tác chiến.

Giữ vững TTLL trong tác chiến nói chung và trong CDPN nói riêng là vấn đề có ý nghĩa quyết định thành, bại của chiến dịch. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, phức tạp, đứng trước không ít khó khăn, thách thức, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển cả về lý luận nghệ thuật tác chiến và bảo đảm trang bị, phương tiện.

Trung tá, ThS. NGUYỄN TRỌNG VĨNH

Học viện Lục quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.