Thứ Sáu, 22/11/2024, 19:32 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự là một trong những chức năng, nhiêm vụ quan trọng của Trường Sĩ quan Chính trị. Đây là nội dung trực tiếp góp phần nâng cao năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, phát huy trí tuệ của cả người dạy và người học. Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả đối với công tác này đã, đang được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường quan tâm, chú trọng.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI về “Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng; nghệ thuật quân sự; khoa học công nghệ quân sự; khoa học xã hội nhân văn quân sự,... trong tình hình mới”1, Trường Sĩ quan Chính trị thường xuyên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm có vị trí tương xứng trong mối tương quan với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng tiềm lực khoa học; nhiều cán bộ trẻ có năng lực được Nhà trường tạo điều kiện đi đào tạo tiến sĩ để xây dựng lực lượng nòng cốt trong thực hiện các dự án khoa học xã hội và nhân văn. Các đề tài nghiên cứu đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng Quân đội về chính trị; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội; phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp phân đội; nâng cao năng lực chủ trì và phong cách lãnh đạo cho đội ngũ chính trị viên trong Quân đội hiện nay, v.v.
Trong triển khai các nhiệm vụ khoa học, Nhà trường kết hợp chặt chẽ giữa phát huy nội lực với hợp tác cùng các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, nhất là các cơ quan có tiềm lực và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp trong triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu lớn; tăng cường các hình thức thông tin, trao đổi khoa học; công bố kết quả nghiên cứu nhằm kịp thời cập nhật thực tiễn vào quá trình đào tạo cán bộ chính trị và giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở đơn vị. Hằng năm, căn cứ thực trạng chất lượng, yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị, Nhà trường xác định nhiệm vụ khoa học và “đặt hàng” nội dung nghiên cứu đối với đơn vị; tập trung nghiên cứu tổng kết thực tiễn, nhất là hoạt động công tác đảng, công tác chính trị,... bước đầu hình thành cơ chế đề xuất nhiệm vụ, “đặt hàng” nghiên cứu khoa học giữa Nhà trường với đơn vị và giữa đơn vị với Nhà trường. Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Nhà trường luôn bám sát thực tiễn, hiệu quả ứng dụng ngày càng cao. Từ năm 2008 đến nay, Nhà trường đã chủ trì thực hiện thành công 12 đề tài cấp Bộ, 50 đề tài Bộ Tổng tham mưu, 25 đề tài Tổng cục Chính trị và 225 đề tài cấp Trường. Các ấn phẩm khoa học, như: Tạp chí Khoa học Chính trị Quân sự; hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn phục vụ đào tạo sĩ quan cấp phân đội,… được thực hiện với tư duy đổi mới, đảm bảo tính cập nhật và có chất lượng tốt, khẳng định được uy tín trong toàn quân.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Nhà trường vẫn còn thiếu chiều sâu. Một số kết quả nghiên cứu còn nặng về lý thuyết, tư biện, thiếu những đánh giá thực tế xác đáng nên chưa mang lại hiệu quả trên thực tiễn. Công tác nghiên cứu khoa học của một số đơn vị cơ sở trực thuộc Nhà trường và của học viên còn biểu hiện tính hình thức. Để khắc phục những hạn chế trên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, bài viết đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự ở Nhà trường để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Một là, đổi mới tư duy nhận thức về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Nhà trường trong xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”2. Chủ trương, phương hướng ấy đã đặt ra nhiều vấn đề mới cho công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự nói chung và hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường nói riêng. Do vậy, về nhận thức luận, Nhà trường cần coi trọng hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, đặt nó lên vị trí tương xứng trong tương quan với nhiệm vụ giáo dục và đào tạo; coi nghiên cứu khoa học là khâu dẫn dắt, mở đường cho công tác đào tạo phát triển. Trong tình hình hiện nay, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự phải kết hợp chặt chẽ giữa làm sáng tỏ những vấn đề mới về mặt lý luận trong bối cảnh mới với giải quyết thấu đáo những vấn đề của thực tiễn hoạt động quân sự, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội và mang tính ứng dụng cao. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn theo hướng phát huy tối đa tiềm lực khoa học, sự chủ động, sáng tạo của cán bộ, giảng viên, học viên; xây dựng đội ngũ chuyên gia sâu trên từng lĩnh vực nghiên cứu và tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng này phát huy thế mạnh, tiềm năng của mình vào thực hiện các dự án khoa học mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao cho Nhà trường.
Hai là, tiếp tục tăng cường tiềm lực, lực lượng nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác khoa học xã hội và nhân văn trong thời kỳ mới. Công tác nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nói riêng, muốn đạt hiệu quả cao phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó, tăng cường tiềm lực và lực lượng nghiên cứu là vấn đề có tính then chốt, động lực. Tuy nhiên, vấn đề này không phải cứ muốn là có được, mà phải trải qua quá trình xây dựng, bồi dưỡng hết sức công phu, kỹ lưỡng. Điều đó đòi hỏi Nhà trường phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nghiên cứu; chủ động tạo nguồn kế tiếp, kế cận để đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở các học viện, nhà trường có uy tín cả trong và ngoài Quân đội theo lộ trình phù hợp để tạo nguồn giáo sư, phó giáo sư các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn và công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, căn cứ vào điều kiện cụ thể, Nhà trường có thể huy động, tập hợp các nhà khoa học để hình thành các nhóm nghiên cứu, nhất là các nhóm nghiên cứu mạnh một cách phù hợp. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, động viên, tạo động lực cho đội ngũ các nhà khoa học phát huy tối đa khả năng, kinh nghiệm, sức sáng tạo trong quá trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống cơ quan chức năng, như: Phòng Khoa học Quân sự, hội đồng khoa học các phòng, khoa, hệ, tiểu đoàn để triển khai các chương trình nhằm xây dựng phong trào nghiên cứu khoa học rộng khắp, hướng vào thực hiện những nhiệm vụ khoa học trực tiếp giải quyết các vấn đề mà thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội đặt ra.
Ba là, xác định rõ nội dung, xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới hiện nay và trong những năm tới, đòi hỏi công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Nhà trường phải hướng vào làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, cần tập trung vào các vấn đề về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại, vững mạnh về chính trị; phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị cơ sở theo phương châm: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực chủ trì về chính trị, đổi mới phong cách lãnh đạo cho đội ngũ chính trị viên các cấp; hoạt động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa và phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, v.v. Các nội dung, nhiệm vụ nghiên cứu cần được thực hiện thông qua các hội thảo khoa học cấp Trường, cấp cơ sở; các đề tài, chuyên đề khoa học cấp Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị và cấp cơ sở do Nhà trường hoặc các đơn vị chủ trì đảm nhiệm. Quá trình xác định nội dung, nhiệm vụ nghiên cứu cần bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng và căn cứ vào thực lực, khả năng nghiên cứu của lực lượng khoa học trong Nhà trường, bảo đảm cho các nội dung nghiên cứu được thực hiện có tính kế thừa, kế tiếp và phát triển trong một cấu trúc chỉnh thể thống nhất của vấn đề nghiên cứu.
Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng các công trình khoa học xã hội và nhân văn các cấp, bảo đảm đúng quy trình, chất lượng và hiệu quả. Để thực hiện tốt vấn đề này, Nhà trường cần coi trọng triển khai đồng bộ các kế hoạch kèm cặp, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, quy trình nghiên cứu; hướng dẫn cán bộ, giảng viên trẻ, học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội tham gia vào các dự án khoa học xã hội và nhân văn hoặc thực hành, thực tập nghiên cứu các đề tài, chuyên đề khoa học cá nhân phù hợp với năng lực, trình độ và kinh nghiệm. Tích cực tham gia phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội”,... lấy kết quả thực hiện là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức và cá nhân hằng năm. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác với các trung tâm nghiên cứu khoa học và cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài Quân đội trong thực hiện các dự án, nhiệm vụ khoa học, tổ chức hội thảo, tọa đàm; xây dựng cơ chế để phát huy hiệu quả mối kết hợp giữa Nhà trường với đơn vị cơ sở trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và ứng dụng, kiểm nghiệm hiệu quả thực tiễn của các sản phẩm khoa học. Tăng cường tổ chức cho cán bộ khoa học đi thâm nhập thực tế tại các đơn vị cơ sở; đồng thời, tranh thủ ý kiến của lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chức năng và đội ngũ cán bộ các cấp trong phát hiện, đề xuất những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị mà công tác khoa học cần tập trung nghiên cứu, giải quyết trong giai đoạn hiện nay.
Đại tá, TS. NGUYỄN HUY HOÀNG, Phó Hiệu trưởng Nhà trường __________________
1 - Quân ủy Trung ương – Báo cáo chính trị của Quân ủy trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, H. 2020, tr. 31.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG ST, H. 2021, tr. 158.
Trường Sĩ quan Chính trị,một số giải pháp,khoa học xã hội và nhân văn,đẩy mạnh nghiên cứu
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc