Thứ Năm, 21/11/2024, 00:21 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Tổ quốc ta đã hòa bình, thống nhất được 37 năm, nhưng hậu quả do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra là hết sức nặng nề, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự, môi trường và đời sống của nhân dân. Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, để rà phá hết số bom mìn này, Việt Nam sẽ phải tiến hành hàng trăm năm nữa và cần nhiều tỷ USD. Vì vậy, thời gian tới, cùng với huy động sức mạnh nội lực, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác đối ngoại trong hợp tác quốc tế về khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam, những năm qua, các cơ quan chức năng có liên quan đã tích cực, chủ động phát huy vai trò tham mưu cho Bộ Tư lệnh Công binh và Bộ Quốc phòng (BQP) về xây dựng, hình thành cơ chế quản lý, triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế có liên quan; tiếp xúc và tạo lập mối quan hệ với nhiều tổ chức chính phủ, tổ chức quốc tế và phi chính phủ. Qua đó, giúp các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là Chính phủ Hoa Kỳ, hiểu đúng và rõ hơn về tình hình ô nhiễm bom mìn hết sức nghiêm trọng ở Việt Nam. Đồng thời, giúp cho việc triển khai các dự án điều tra, khảo sát và đánh giá tác động về tình hình ô nhiễm bom mìn phục vụ cho xây dựng kế hoạch chiến lược quốc gia, làm cơ sở cho công tác vận động tài trợ; tham gia thẩm định, tư vấn về những dự án quốc tế hỗ trợ cho các địa phương về rà phá bom mìn (RPBM) và phát triển cộng đồng; tham gia làm việc và gửi cán bộ đi học tại các trường đại học, các trung tâm huấn luyện về khắc phục hậu quả bom mìn... Thông qua hợp tác quốc tế, các cơ quan chức năng còn tham mưu, đề xuất với cấp trên mua sắm, nhập các trang, thiết bị RPBM phù hợp với Việt Nam; thu thập các thông tin về kỹ thuật, công nghệ, học tập kinh nghiệm về điều tra khảo sát, đánh giá tác động và tiếp thu, làm chủ quy trình kỹ thuật và công nghệ RPBM.
Đáng chú ý là, sau một thời gian đàm phán ở các cấp, phía Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn bản đồ kỹ thuật số về dữ liệu Không quân Mỹ đánh phá Việt Nam (giai đoạn 1964 - 1972) và hỗ trợ ban đầu một số trang, thiết bị; Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam đã thực hiện Dự án Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động về ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại ở 5 tỉnh miền Trung; BQP Hoa Kỳ đã giúp mở các lớp huấn luyện sử dụng trang bị RPBM... Tuy nhiên, so với tiềm năng và mối quan hệ giữa hai nước thì hiệu quả của sự hợp tác này còn rất hạn chế. Với các nước khác, việc hợp tác mới chủ yếu thông qua trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác là chính, những hỗ trợ cụ thể chưa đáng kể; nhiều tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ nước ngoài đã tham gia hỗ trợ cho Việt Nam nhưng còn nhỏ, lẻ, chủ yếu là hỗ trợ về giáo dục nhận thức cho cộng đồng, hỗ trợ nạn nhân, tái định cư, làm chân tay giả,...
Có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do thiếu sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên giữa các cơ quan có liên quan trong tham mưu, đề xuất cho Chính phủ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đàm phán tài trợ rộng hơn và ở cấp cao hơn; chưa có đầy đủ các dữ liệu về tình trạng ô nhiễm bom mìn ở từng vùng, trên toàn quốc và thống kê các vụ tai nạn và số nạn nhân do bom mìn, vật nổ gây ra.
Để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chính phủ và nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là Chính phủ Hoa Kỳ và các nước đã từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam hiểu rõ thực trạng và nhu cầu hết sức cấp thiết của việc khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam. Mục tiêu quan trọng hàng đầu của nhiệm vụ này là phải rà phá, làm sạch số bom mìn, vật nổ còn sót lại (trên 20% diện tích đất liền) càng sớm càng tốt. Đây là nhiệm vụ vừa khó khăn, vừa tốn kém, nguy hiểm, nhưng nhất thiết phải làm. Bởi như vậy, chúng ta mới loại bỏ hoàn toàn nguy cơ gây thương vong cho cộng đồng và phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Để đẩy nhanh tiến độ RPBM trong những năm tới, ngoài nỗ lực của chúng ta thì sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế là hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, đến nay vẫn còn nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế chưa hiểu rõ về mức độ nghiêm trọng và sự tác động không nhỏ của ô nhiễm bom mìn đến con người và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở nước ta, nên công tác hỗ trợ cho Việt Nam còn rất khiêm tốn, mới chủ yếu thông qua các tổ chức phi chính phủ, với nguồn hỗ trợ nhân đạo. Trong khi đó, viện trợ phát triển (ODA) không hoàn lại mới là nguồn tài trợ chính thì hầu như chưa có. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động đối với nhiệm vụ này cần được tiến hành một cách tích cực, chủ động, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, với nhiều lực lượng tham gia, bằng nhiều hình thức và biện pháp đa dạng, phong phú. Trong đó, cần hết sức coi trọng sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép với các chương trình tuyên truyền khác, như: kết hợp đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin với khắc phục hậu quả bom mìn. Bên cạnh đó, cần coi trọng việc tuyên truyền, vận động và mở rộng mối quan hệ với bạn bè quốc tế thông qua các cơ quan ngoại giao của các nước tại Việt Nam cũng như cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài; thông qua đội ngũ cán bộ của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ tiếp xúc, làm việc với nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ... Thực hiện tốt những việc làm đó, chúng ta vừa có thể thu hút được nguồn tài trợ giúp cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, vừa giúp cho chính phủ các nước, bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, là cơ sở quan trọng cho việc đàm phán, vận động tài trợ ODA, nhất là ODA không hoàn lại giúp cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam trong nhiều năm tới.
Chúng ta cần tập trung tuyên truyền, giới thiệu về “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025” (gọi tắt là Chương trình 504), do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo. Chương trình này nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế góp phần giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ cho phát triển KT-XH, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng. Chương trình 504 cũng là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ để họ xem xét, quyết định việc viện trợ nhân đạo, viện trợ phát triển cho Việt Nam và cùng “Chung tay góp sức thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình 504”.
Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong tham mưu, đề xuất, xây dựng các đề án, dự án vận động tài trợ về khắc phục hậu quả bom mìn. Những năm qua, do chưa hoàn chỉnh được bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại trên phạm vi toàn quốc, nên chưa có cơ sở để xây dựng kế hoạch mang tầm chiến lược cho nhiệm vụ này. Cũng vì thế, việc kêu gọi, vận động tài trợ có thời điểm còn bị động, hiệu quả chưa cao. Trong điều kiện Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng, toàn diện hơn, sẽ có nhiều chính phủ, tổ chức và nhà tài trợ quốc tế muốn giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn. Vì vậy, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong tham mưu, đề xuất và thực hiện để Chương trình 504 thực sự có hiệu quả trong chiến lược phát triển KT-XH của đất nước. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp quy về khắc phục hậu quả bom mìn với tính pháp lý cao hơn; nhất là, sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định về công tác khắc phục hậu quả bom mìn để thay thế Quyết định số 96/QĐ-TTg không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Cùng với đó, cần sớm xây dựng kế hoạch chi tiết cho lộ trình thực hiện Chương trình 504; xây dựng chiến lược xúc tiến vận động tài trợ với cơ chế hợp tác quốc tế đầy đủ, toàn diện để huy động nguồn lực cho nhiệm vụ này. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất lồng ghép nhiệm vụ này với kế hoạch phát triển KT-XH của các bộ, ngành, địa phương và nhiệm vụ của từng ngành trong từng thời gian; trong đó, cần ưu tiên giải quyết những khu vực ô nhiễm bom mìn nặng và có nhiều tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Các cơ quan có liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai xây dựng các đề án, đề cương, dự án vận động tài trợ và phối hợp với các đại sứ để làm việc với các nước, các nhà tài trợ trong nước hoặc nước ngoài nhằm giới thiệu, xúc tiến, hoặc lồng ghép vào các chương trình làm việc trong hoạt động đối ngoại. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp, tạo kênh liên hệ thường xuyên để trao đổi, cập nhật, nắm bắt thông tin, kết nối các kênh vận động tài trợ của các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan.... Để tiếp nhận được nguồn tài trợ quốc tế, cần duy trì cơ chế tiếp nhận bảo đảm các quy định hiện hành, nhưng phải phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của các nhà tài trợ.
Ba là, thường xuyên quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng về khắc phục hậu quả bom mìn trong hoạt động đối ngoại; tích cực bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: khắc phục hậu quả bom mìn là một công tác đặc biệt, mang tính cấp thiết. Thực hiện tốt công tác này là nghĩa vụ, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đồng thời, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và truyền thống nhân nghĩa của dân tộc ta. Cùng với phát huy nội lực là chính, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua hoạt động đối ngoại để khắc phục hậu quả bom mìn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, nhằm huy động mọi nguồn lực từ bên ngoài, trực tiếp là các chính phủ, tổ chức và bạn bè quốc tế. Thời gian qua, bằng các hoạt động đối ngoại, chúng ta đã nhận được sự hợp tác và hỗ trợ tích cực từ nhiều nước và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này. Nhờ đó, đã góp phần đẩy nhanh được một phần tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam. Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, gắn chặt hợp tác với đấu tranh nhằm phục vụ thiết thực công tác quan trọng này. Để thực hiện hiệu quả, các đơn vị, cơ quan chức năng cần thường xuyên quán triệt cho đội ngũ cán bộ, nhân viên về quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định về công tác đối ngoại quân sự của Quân uỷ Trung ương và BQP.
Cùng với đó, từng cơ quan, đơn vị cần chú trọng bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, phẩm chất đạo đức, lối sống và kinh nghiệm công tác đối ngoại cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhất là cho số cán bộ chủ trì phòng, ban, chủ trì dự án và cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại. Mặt khác, cần tiếp tục xây dựng, bổ sung quy chế, kế hoạch công tác theo hướng phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tập thể và cá nhân, phát huy cao nhất tính chủ động, sáng tạo và năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam thời gian tới.
Đại tá, TS. NGUYỄN TRỌNG CẢNH
Giám Đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc