Thứ Sáu, 13/09/2024, 16:08 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18-11-2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2018. Để nâng cao nhận thức và chấp hành Luật trong thực tiễn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến với những giải pháp toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, sát với từng đối tượng.
Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo chiếm số đông trong dân số cả nước1, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào của nhân dân. Đồng thời xác định: “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”2 là chủ trương nhất quán trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Quan điểm đó được cụ thể hóa bằng nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật; trong đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 là một bước tiến mới, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, góp phần thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Luật đã khắc phục những mặt bất cập, hạn chế và kế thừa, phát triển Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Đây không những là công cụ pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, làm cho tín đồ và các chức sắc tôn giáo tin tưởng, yên tâm, phấn khởi, tích cực chăm lo “việc đạo”, “việc đời”, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vì mục đích xấu, phản bác luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, một số người lợi dụng “vỏ bọc” tự do tôn giáo để xuyên tạc mục đích, ý nghĩa và nội dung của Luật, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, nhất là đồng bào có đạo. Họ kích động, xúi giục biểu tình, gây nhiều bất ổn, làm xáo trộn cuộc sống bình yên của nhân dân ở một số địa phương. Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều; trong đó, một phần quan trọng là do hạn chế, yếu kém trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Một số cấp ủy, chính quyền các cấp còn coi nhẹ công tác này; việc lựa chọn nội dung chưa sát thực tiễn, phương pháp, hình thức tuyên truyền chậm đổi mới. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa đủ mạnh cả về số lượng, kiến thức, kỹ năng truyền đạt và sự am hiểu về đời sống tín ngưỡng, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo. Nguồn lực cho công tác này chưa tương xứng; sự phối hợp giữa các lực lượng chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, v.v. Đây cũng là “điểm nghẽn” của công tác tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và tuyên truyền về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng.
Do vậy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài, cần được triển khai đồng bộ bằng nhiều giải pháp, với sự tham gia của các cấp, ngành và lực lượng. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Để đạt hiệu quả, các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm “Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo” (Ban hành kèm theo Quyết định 306/QĐ-TTg, ngày 08-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ), Nghị định 162/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế. Trong thực hiện, cần tích cực, chủ động rà soát các văn bản đã ban hành liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát hiện những bất cập, để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản có nội dung không còn phù hợp. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt trong kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến Luật. Kinh nghiệm cho thấy, các hình thức, như: phiếu điều tra, khảo sát, trắc nghiệm nhận thức Luật của người dân; thống kê, tổng hợp, phân tích tỷ lệ tăng, giảm của các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo ở từng địa phương nên được sử dụng rộng rãi, sẽ góp phần đánh giá được nhận thức của người dân đối với Luật; hình thức đem lại hiệu quả cao nhất; tác dụng đem lại sau mỗi đợt tuyên truyền, phổ biến Luật. Qua đó, xác định những tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật.
Thứ hai, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây là lực lượng nòng cốt, quyết định hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật. Do đó, các địa phương, các cấp, các ngành cần làm tốt việc tuyển chọn lực lượng này; ưu tiên người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chức sắc, chức việc các tôn giáo để đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, cung cấp đầy đủ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, pháp luật có liên quan để đội ngũ báo cáo viên nắm chắc Luật, phong tục, tập quán của người dân, giáo lý, giáo luật, lễ nghi các tôn giáo và kỹ năng, phương pháp tuyên truyền. Đồng thời, phát huy tinh thần tích cực, chủ động học tập, trau dồi kỹ năng, phương pháp tuyên truyền của mỗi người; cần quan tâm đến chế độ, chính sách, bảo đảm đầy đủ, kịp thời về kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến Luật.
Thứ ba, lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Mục đích của việc làm này là nhằm để mọi người hiểu rõ, thực hiện đúng, xây dựng thói quen tự giác tìm hiểu, học tập và chấp hành Luật. Về nội dung, tập trung tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; công tác xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo; quản lý nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo,... theo Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, làm rõ những điểm mới của Luật; ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật đối với việc bảo đảm thực thi quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên thực tế; những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo ở từng địa phương, từng cấp, từng ngành. Về phương pháp, phải đa dạng, phong phú; kết hợp chặt chẽ giữa tiến hành thường xuyên với tuyên truyền theo chuyên đề, sự kiện, phù hợp với từng thời điểm và đối tượng; chú trọng tăng tính tương tác, tính thuyết phục, tránh lối tuyên truyền áp đặt, một chiều. Trong thực hiện, phải kiên trì, đi sâu vào những nhóm đối tượng cụ thể, với những mô hình tuyên truyền hiệu quả, có sức lan toả cao; kiên quyết khắc phục tình trạng dàn trải, thiếu chiều sâu, không có trọng tâm, trọng điểm. Về hình thức, cần chú trọng các hình thức làm “mềm hóa” nội dung tuyên truyền thông qua lồng ghép các tiết mục sân khấu hóa, thi tìm hiểu Luật; gắn tuyên truyền, phổ biến Luật với các hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí, trợ giúp pháp lý lưu động, trao đổi, giải thích pháp luật, giải quyết tình huống, vụ việc liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa bàn, khu dân cư. Biên soạn và cấp phát các loại sách, tài liệu hỏi - đáp, tờ gấp giới thiệu Luật, Nghị định 162/2017/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan cho mỗi nhóm đối tượng.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng trong tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện. Để làm được điều đó, các địa phương cần phát huy vai trò nòng cốt của Hội đồng Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong tham mưu, đề xuất, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, lập kế hoạch cũng như hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật. Các cơ quan Tư pháp cần lồng ghép nội dung tuyên truyền Luật với các hoạt động chuyên ngành; làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn, thẩm định nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội với các ngành chức năng ở địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa để huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật.
Với chức năng là “đội quân công tác”, Quân đội có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Để phát huy tốt vai trò của Quân đội trong tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trước hết, cấp ủy, chỉ huy, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chính trị các cấp cần làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Luật, nắm chắc Luật, am hiểu phong tục, tập quán của nhân dân địa phương, giáo lý, giáo luật, lễ nghi các tôn giáo, những chuẩn mực, quy định khi tiếp xúc với nhân dân, nhất là người có đạo, để khi thực hiện công tác dân vận, mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên Luật hiệu quả. Quá trình thực hiện, cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, thành lập các tổ, đội công tác trực tiếp về các thôn, bản, làng, xóm đạo để tuyên truyền, phổ biến Luật. Việc tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cần gắn với thực hiện các cuộc vận động, phong trào: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Hành trình Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, “Dân vận khéo”, v.v. Tổ chức tốt các hoạt động khám, chữa bệnh, kết nghĩa, giao lưu văn hóa, văn nghệ,... với các khu dân cư, các tổ chức quần chúng, Hội Nông dân ở địa phương, nhất là vùng đồng bào có đạo nhằm tăng cường đoàn kết quân - dân, góp phần xây dựng địa phương vững mạnh, địa bàn đóng quân an toàn.
Thực hiện tốt các nội dung, giải pháp trên sẽ bảo đảm công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu quả, đưa Luật vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân, góp phần tích cực xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
ThS. NGUYỄN ĐỨC THỊNH
_______________
1 - Hiện nay, nước ta có khoảng 95% dân số có tín ngưỡng; 39 tổ chức tôn giáo và một số pháp môn tu hành của 15 tôn giáo được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động, với khoảng 25 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 42.
Tuyên truyền,Luật Tín ngưỡng,tôn giáo,giải pháp
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả quản trị các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới 19/08/2024
Bàn về công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới trong Quân đội 31/07/2024
Mấy giải pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực kinh tế hiện nay 29/07/2024
Một số giải pháp xây dựng lực lượng Đặc công đặc biệt tinh nhuệ về chính trị 25/07/2024
Bàn về trận then chốt tiến công địch đổ bộ đường không chiến dịch trong tác chiến phòng thủ quân khu 22/07/2024
Về mô hình tổ chức và hoạt động của lực lượng chính trị nòng cốt trong các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương 11/07/2024
Một số vấn đề về bảo đảm hóa học đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 08/07/2024
Một số vấn đề về sử dụng lực lượng phòng không lục quân đánh phương tiện bay không người lái trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 27/06/2024
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả quản trị các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh