Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 03/08/2012, 03:31 (GMT+7)
Một số giải pháp bảo đảm vượt sông trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Trong chiến tranh, khu vực bến vượt sông là một trong những mục tiêu quan trọng mà địch tập trung đánh phá. Vì thế, nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm vượt sông, bảo toàn lực lượng, phương tiện, vật chất kỹ thuật trong quá trình cơ động là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, thiết thực. 

alt
Thực hành huấn luyện bảo đảm vượt sông ở Lữ đoàn 249. (nguồn: qdnd.vn)

Bảo đảm vượt sông (BĐVS) là một nhiệm vụ quan trọng của lực lượng công binh, nhằm đưa các đơn vị chủ lực cơ động vượt sông an toàn, đúng thời cơ để triển khai lực lượng và chuyển hoá thế trận kịp thời, tạo sức mạnh tổng hợp trong tác chiến. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) của chúng ta, phương thức tiến hành chiến tranh là kết hợp chiến tranh chính quy của các binh đoàn chủ lực cơ động với chiến tranh nhân dân địa phương. Theo đó, công tác BĐVS phải đáp ứng yêu cầu vượt sông của chiến dịch, gồm nhiều lực lượng và phương tiện, trang bị, vật chất kỹ thuật. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, công tác BĐVS phải tiến hành trong điều kiện kẻ thù xâm lược sử dụng vũ khí, trang bị hiện đại, chủ yếu là vũ khí công nghệ cao (VKCNC), có ưu thế về khả năng trinh sát, phát hiện mục tiêu, hoả lực mạnh, độ chính xác cao, tầm hoạt động rộng… thì việc bảo đảm an toàn trong quá trình vượt sông càng có ý nghĩa quan trọng.

Trên cơ sở quyết tâm, kế hoạch tác chiến, yêu cầu cơ động và ý định của người chỉ huy binh chủng hợp thành, các đơn vị công binh làm nhiệm vụ BĐVS phải tập trung lực lượng, phương tiện, khí tài vượt sông trên hướng (khu vực, nhiệm vụ) tác chiến chủ yếu và các trận đánh then chốt của chiến dịch. Việc xác định khu vực bến vượt sông phải căn cứ vào các yếu tố, như: địa hình nơi dự kiến vượt sông, đường tiếp cận, lên, xuống bến, hai bờ sông; tính chất và đặc điểm sông suối, mạng đường sá; đội hình triển khai các lực lượng, phương án tác chiến, các hoạt động phối hợp của ta và khả năng trinh sát phát hiện, hoạt động đánh phá của địch. Một yêu cầu quan trọng nữa là mọi hoạt động của các lực lượng vượt sông phải bảo đảm bí mật, bất ngờ, cơ động linh hoạt; đơn vị công binh BĐVS phải có lực lượng, phương tiện, khí tài và bến vượt sông dự bị để xử trí kịp thời mọi tình huống xảy ra.

BĐVS là một nhiệm vụ phức tạp, gồm nhiều nội dung, từ công tác chuẩn bị, xây dựng đường dẫn, bến vượt, việc tổ chức BĐVS đến công tác ngụy trang, nghi binh… Do đó, các đơn vị phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo: “chuẩn bị chu đáo; hiệp đồng chặt chẽ; cơ động khẩn trương; mưu trí, sáng tạo; kiên quyết, linh hoạt; bí mật và đúng thời cơ”; trong đó, công tác hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng BĐVS  phải chặt chẽ, kết hợp giữa phương tiện, khí tài vượt sông hiện đại với các loại tự tạo, thô sơ… và công tác chuẩn bị phải thực hiện ngay từ thời bình. 

Những năm qua, mặc dù các đơn vị, địa phương đã quan tâm đến nhiệm vụ BĐVS, các khu vực bến vượt đã được xác định trong kế hoạch của khu vực phòng thủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cả về nhận thức, trách nhiệm và tổ chức thực hiện. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác chuẩn bị, tu sửa, hoàn thiện bến vượt; nhiều công trình BĐVS bị xâm hại, lấn chiếm... Do đó, để nâng cao khả năng, hiệu quả BĐVS, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong chiến tranh BVTQ, các đơn vị công binh, trực tiếp là các đơn vị BĐVS cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tổ chức tốt việc quy hoạch, xây dựng và phân công, phân cấp quản lý hệ thống công trình BĐVS trong thời bình. Người chỉ huy và cơ quan công binh các cấp cần tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương về xây dựng, củng cố hệ thống công trình trong các khu vực bến vượt đã xác định. Hệ thống bến vượt và phương tiện, khí tài vượt sông cần được quản lý chặt chẽ, đồng bộ; nếu có điều kiện thì ém sẵn một số lượng nhất định để đối phó kịp thời với các tình huống xảy ra. Mặt khác, cần chú trọng đến tính lưỡng dụng của công trình, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới.

 Trong thời bình, chúng ta có điều kiện chuẩn bị trước, nên cần dự kiến một số bến vượt sông, có bến chính, bến dự bị; đồng thời, phải có nhiều biện pháp quản lý để vẫn tham gia phát triển kinh tế, phục vụ đời sống nhân dân, nhưng không làm biến dạng hoặc mất giá trị của địa hình và khả năng, tác dụng của bến vượt theo yêu cầu của nhiệm vụ BĐVS trong chiến tranh. Tuy nhiên, công tác quản lý bến vượt trong thời bình rất phức tạp, vì hệ thống bến vượt bao gồm nhiều thành phần (công trình, công sự, đường lên xuống bến, lưỡi bến), với nhiều yếu tố tác động, nhất là sự phá hoại của môi trường tự nhiên (sạt lở, bồi lấp, gây hẫng hụt ở hai bên thành bến,…). Vì vậy, cần có các văn bản pháp quy, các thông tư liên ngành để thống nhất các biện pháp sửa chữa, khắc phục thường xuyên, sẵn sàng BĐVS trong chiến tranh. Bên cạnh đó, các đơn vị công binh cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, nắm chắc tình hình, khả năng huy động vật chất, trang bị tại chỗ để sẵn sàng bổ sung, củng cố các công trình trong khu vực bến vượt.

Hai là, thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập theo phương án, sát với yêu cầu, nhiệm vụ BĐVS trong chiến tranh BVTQ. Để không ngừng nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ BĐVS, các đơn vị công binh phải thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện về BĐVS cho các đối tượng. Đối với chỉ huy - cơ quan và sĩ quan công binh, nội dung huấn luyện cần tập trung nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng BĐVS trong các hình thức tác chiến chiến dịch; nâng cao khả năng, kỹ năng soạn thảo văn kiện tham mưu tác chiến công binh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, việc tổ chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao... Có thể vận dụng nhiều phương pháp huấn luyện, như: giảng dạy trên lớp, thảo luận, luyện tập cơ quan, diễn tập chiến thuật...

Đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ và nhân viên chuyên môn kỹ thuật, tập trung huấn luyện nâng cao trình độ sử dụng thành thạo các trang bị, phương tiện, khí tài vượt sông và khả năng thực hành nhiệm vụ BĐVS. Phương pháp huấn luyện, chú trọng thực hành với từng loại trang bị, phương tiện, khí tài (cầu, phà, bến lội, bến ngầm,…), làm cơ sở để vận dụng luyện tập đội ngũ chiến thuật, diễn tập chiến thuật vượt sông trong các hình thức tác chiến.

Để nâng cao khả năng phòng tránh VKCNC của địch, các đơn vị phải chú trọng khảo sát, lựa chọn kỹ khu vực dự kiến làm bến vượt; việc tổ chức và thiết bị khu vực vượt sông phải hoàn chỉnh, vững chắc. Trong chiến tranh, cần tích cực vận dụng các biện pháp bảo đảm ngụy trang, nghi trang, nghi binh công trình; chủ động phân tán lực lượng, phương tiện, khí tài vượt sông đúng thời cơ khi có tình huống; đồng thời, sẵn sàng khắc phục hậu quả nếu bị địch đánh phá. Cùng với đó, còn phải tổ chức tốt các mặt bảo đảm: nắm địch, chỉ huy, công sự trận địa, thông tin liên lạc, phòng không, phòng hóa và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để BĐVS. Do nhiệm vụ và tổ chức biên chế, trang bị, phương tiện và khí tài vượt sông của các cấp khác nhau nên khả năng BĐVS khác nhau. Vì thế, việc tổ chức, sử dụng lực lượng BĐVS phải hợp lý, tránh trùng lặp trong một khu vực, bến vượt sông có nhiều cấp, nhiều đơn vị tham gia. Tuỳ theo từng đối tượng vượt sông để tổ chức bến vượt phù hợp với yêu cầu. BĐVS cho bộ binh, cần tổ chức khu vực bến vượt sông phân tán, với hình thức đa dạng, như: bến lội, cầu khỉ, cầu gỗ, bè mảng, thuyền,… BĐVS cho các đơn vị binh chủng có nhiều binh khí, vật chất kỹ thuật, phải sử dụng các phương tiện khí tài chuyên trách, như: PMP, GSP, PTS,… kết hợp với một số phương tiện, khí tài tại chỗ của địa phương, như: phà, xà lan, thuyền, bè mảng…

Người chỉ huy và chủ nhiệm công binh phải có phương án tổ chức khu vực bến vượt sông chặt chẽ, tận dụng khả năng hoạt động của các phương tiện, khí tài vượt sông hiện có; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật), các lực lượng (hoá học, thông tin, phòng không...) trong quá trình vượt sông. Cùng với đó, còn phải phát huy khả năng tham gia bảo đảm của các lực lượng ở địa phương, như: giao thông vận tải, thanh niên xung phong, nhân dân địa phương trong khu vực bến vượt...

Tăng cường các biện pháp nắm quy luật hoạt động của địch trên từng khu vực bến vượt để quyết định thời cơ vượt sông phù hợp; không nhất thiết chỉ vượt sông vào ban đêm, mà có thể lợi dụng lúc gần tối, rạng sáng, thậm chí cả ban ngày khi chắc chắn có thời cơ. Thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm bí mật, bất ngờ, như: ngụy trang, nghi trang lừa địch. Trường hợp địch tăng cường hoạt động trinh sát và đánh phá ác liệt, cần sử dụng nhiều hình thức vượt sông khác nhau và tổ chức vượt trên chính diện rộng; đồng thời, có phương án cơ động phân tán lực lượng, phương tiện, khí tài vượt sông khi có tình huống xảy ra.

Bốn là, thường xuyên quan tâm tổ chức lực lượng BĐVS hợp lý, gắn với  trang bị phương tiện, khí tài BĐVS ngày càng hiện đại. Thực trạng tổ chức biên chế và trang bị của lực lượng công binh BĐVS trong lực lượng vũ trang (3 thứ quân) còn nhiều bất cập. Với chủ trương tinh giảm biên chế, lực lượng công binh đang giảm về số lượng; trong khi đó, trang bị, phương tiện, khí tài vượt sông của ta tuy từng bước được hiện đại hoá, nhưng khi địch đánh phá hư hỏng, việc bổ sung thay thế sẽ còn khó khăn, nhất là trong điều kiện địch sử dụng VKCNC. Mặt khác, công tác tổ chức lực lượng công binh ở các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các ban ngành và các địa phương vì nhiều lý do mà chưa thống nhất, nhất là đối với lực lượng công binh trực thuộc các tỉnh (thành phố). Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ BĐVS trong chiến tranh BVTQ, trước mắt, các đơn vị cần chấn chỉnh tổ chức, biên chế theo kế hoạch đã phê duyệt, nhằm bảo đảm đủ lực lượng và có trang bị ngày càng hiện đại.

Việc tổ chức mua sắm vũ khí, trang bị phải bảo đảm thiết thực, phù hợp với yêu cầu BĐVS trong điều kiện mới của chiến tranh BVTQ; trong đó, tập trung ưu tiên những loại phương tiện, khí tài vượt sông hiện đại, sức cơ động cao. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, có khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu trang bị và sửa chữa, nâng cấp các loại phương tiện, khí tài vượt sông hiện có. Bên cạnh đó, các địa phương cần phát huy sức mạnh tại chỗ để hoàn thành tốt nhiệm vụ BĐVS theo phương án tác chiến của khu vực phòng thủ; trong đó, chú trọng thực hiện các biện pháp động viên lực lượng, phương tiện BĐVS theo kế hoạch chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến và kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh...

Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả BĐVS trong chiến tranh BVTQ là một nội dung hết sức quan trọng, thiết thực. Vì vậy, người chỉ huy, cơ quan và đơn vị công binh các cấp cần nắm chắc những yếu tố chi phối nhiệm vụ, phát huy sức mạnh tổng hợp để không ngừng nâng cao khả năng BĐVS, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong điều kiện mới của chiến tranh BVTQ.

Thiếu tướng, TS. PHẠM QUANG XUÂN

Tư lệnh Binh chủng Công binh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.