Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:27 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Bảo đảm công binh (BĐCB) trong chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao (VKCNC) là một mặt bảo đảm tác chiến quan trọng, nhằm nâng cao sức mạnh và hiệu quả chiến đấu của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới. Chiến tranh BVTQ trong thời gian tới (nếu xảy ra), sẽ bao gồm các hoạt động tác chiến mang tính tổng hợp cao, quy mô lớn, diễn ra liên tục trên địa bàn rộng, nhiều loại hình tác chiến, nhiều giai đoạn và nhiều lực lượng tham gia; VKCNC ngày càng có vai trò quan trọng, chủ yếu. Do đó, nhiệm vụ BĐCB cũng đòi hỏi phải hoạt động rộng khắp, bao gồm cả lực lượng cơ động của Bộ và lực lượng tại chỗ trong các khu vực phòng thủ (KVPT) địa phương. Trong điều kiện thời bình, công tác BĐCB có những thuận lợi cơ bản là: nền quốc phòng toàn dân, KVPT địa phương được xây dựng ngày càng vững chắc, nên chúng ta có điều kiện chuẩn bị trước một số công trình phòng thủ. Bên cạnh đó, vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật của quân đội nói chung và của lực lượng công binh (LLCB) nói riêng từng bước được hiện đại hóa; nhất là, trang bị, phương tiện xây dựng công trình, làm đường, bảo đảm vượt sông... Tuy vậy, công tác BĐKT cũng còn nhiều khó khăn, như: việc đầu tư xây dựng công trình phòng thủ còn chưa đáp ứng yêu cầu; mạng đường sá tuy đã phát triển, nhưng tốc độ không đồng đều, vùng đồng bằng, trung du có mạng đường sá cơ động được các mùa, nhưng vùng rừng núi phát triển chậm, nhiều nơi đường sá còn ở thế độc đạo, khó khăn cho việc cơ động lực lượng trong tác chiến... Mặt khác, công tác BĐCB phải thực hiện trong điều kiện đối tượng tác chiến có VKCNC với phương tiện trinh sát hiện đại, khả năng đánh phá mục tiêu nhanh, chính xác và hiệu quả cao, sức công phá lớn (có thể xuyên phá tới 6m chiều dày bê tông công trình). Ngoài ra, địch có phương tiện bảo đảm cơ động, xây dựng công trình và bố trí, khắc phục vật cản, mở cửa mở hiện đại; có khả năng phóng rải mìn từ xa, tốc độ nhanh, phù hợp với mọi địa hình và được bảo vệ khá vững chắc bằng hệ thống hoả lực và hệ thống cảnh báo từ xa… Tuy nhiên, nếu tiến công xâm lược Việt Nam, chúng sẽ phải đối đầu với cuộc chiến tranh nhân dân BVTQ phát triển ở trình độ cao; và đồng thời sẽ bộc lộ một số điểm yếu, hạn chế như: khả năng trinh sát và hiệu quả sử dụng VKCNC bị hạn chế bởi khí hậu, thời tiết và địa hình phức tạp. Hơn nữa, địa hình nước ta không thuận lợi cho việc sử dụng lực lượng cơ giới lớn, nếu hệ thống công sự trận địa và vật cản trong các KVPT địa phương được chuẩn bị tốt, kết hợp với phá hoại công trình và cơ động vật cản rộng khắp sẽ hạn chế khả năng cơ động tiến công của địch.
Bảo đảm công binh (BĐCB) trong chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao (VKCNC) là một mặt bảo đảm tác chiến quan trọng, nhằm nâng cao sức mạnh và hiệu quả chiến đấu của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới.
Từ những đặc điểm đó cho thấy, để tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ BĐCB trong chiến tranh địch sử dụng VKCNC, chúng ta cần nghiên cứu, thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, thực hiện tốt công tác quy hoạch và triển khai xây dựng công trình phòng thủ ngay từ thời bình.
Căn cứ vào phương án tác chiến cơ bản, LLCB các cấp tập trung xây dựng, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch BĐCB tác chiến; đồng thời, thường xuyên tổ chức trinh sát, nắm chắc tình hình các mặt có liên quan đến BĐCB; nhất là địa hình các địa bàn chiến lược trọng điểm, bao gồm mạng đường sá, cầu cống, bến vượt, sông ngòi và hệ thống công trình phòng thủ; khả năng huy động lực lượng của các địa phương... Đồng thời, cơ quan tham mưu các cấp cần chủ động hiệp đồng chặt chẽ với các ngành giao thông, xây dựng, thuỷ lợi, khí tượng-thuỷ văn để có đầy đủ số liệu bổ sung kịp thời cho các phương án BĐCB tác chiến.
Trên cơ sở các trục đường có sẵn, các đơn vị công binh tổ chức xây dựng quy hoạch mạng đường theo phương án tác chiến cơ bản; kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, trước mắt phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội và trở thành mạng đường cơ động quân sự trong chiến tranh. Trong khảo sát quy hoạch và tổ chức thi công hệ thống công trình chiến đấu, phải tranh thủ sự đầu tư của nhiều cấp, nhiều ngành và huy động nhiều lực lượng tham gia; kết hợp chặt chẽ nguồn ngân sách nhà nước, quốc phòng và địa phương; chú trọng ưu tiên một số công trình trọng điểm, như: các trục đường chiến lược, sân bay, bến cảng, hệ thống bến vượt sông... ở các vị trí có giá trị về chiến lược, chiến dịch, để khi chiến tranh xảy ra có thể tận dụng được ngay. Quy hoạch hệ thống vật cản trên các hướng (khu vực) tác chiến cần xác định cụ thể các khu vực, vị trí dự kiến bố trí, cơ động vật cản và phá hoại công trình, trọng tâm là vật cản cho các phương án: chống đổ bộ đường biển và tiến công đường bộ. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các loại khí tài, trang bị công binh, nhằm nâng cao khả năng bảo đảm ngụy trang, nghi binh công trình; mìn chống đổ bộ đường biển, mìn chống tăng có điều khiển từ xa, các loại mìn phóng rải nhanh; có mẫu, vật liệu và công nghệ để sẵn sàng sản xuất hàng loạt trong giai đoạn chuẩn bị trực tiếp cho chiến tranh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong chiến tranh sử dụng VKCNC.
Hai là, xây dựng lực lượng công binh 3 thứ quân vững mạnh và đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BĐCB trong chiến tranh sử dụng VKCNC.
Công binh chủ lực phải được tổ chức xây dựng đầy đủ ở ba cấp (chiến lược, chiến dịch và chiến thuật) theo hướng “gọn, nhẹ, chuyên sâu”. Trong đó, cấp chiến lược được tổ chức thành các trung, lữ đoàn công binh chuyên trách, sử dụng theo hướng và phân cấp; cấp chiến dịch được tổ chức ở quy mô trung (lữ) đoàn công binh hỗn hợp có đủ các chuyên ngành để có thể độc lập BĐCB trên một hướng, hoặc một chiến trường; cấp chiến thuật được tổ chức thành các tiểu đoàn, đại đội công binh hỗn hợp để có thể độc lập BĐCB trong từng trận chiến đấu. Công binh bộ đội địa phương là lực lượng chủ yếu tham gia xây dựng KVPT trong thời bình; khi chiến tranh xảy ra, có thể bổ sung làm lực lượng nòng cốt trong BĐCB của các đơn vị, địa phương; tổ chức ở cấp tiểu đoàn, đại đội công binh công trình để thực hiện nhiệm vụ BĐCB theo kế hoạch chiến đấu. Công binh dân quân, tự vệ kiêm nhiệm, được tổ chức thành các tổ, đội tự vệ giao thông, có nhiệm vụ phá hoại công trình và ngụy trang, nghi trang. Vì vậy, trong quá trình tổ chức huấn luyện hằng năm, cần thực hiện tốt các nội dung chuyên ngành công binh, làm nòng cốt để xây dựng mạng lưới công binh nhân dân rộng khắp; khi chiến tranh xảy ra là lực lượng bảo đảm tại chỗ, đồng thời tham gia phục vụ các đơn vị tác chiến trên địa bàn.
Trong công tác huấn luyện và đào tạo, cần bám sát phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc", huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; coi trọng phát huy nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam và sự phát triển của khoa học quân sự để thực hiện tốt nhiệm vụ BĐCB trong chiến tranh sử dụng VKCNC. Nội dung huấn luyện tập trung vào các vấn đề về: xây dựng sở chỉ huy các cấp, công trình chiến đấu, bảo đảm đường cơ động, bố trí, khắc phục vật cản, phá hoại công trình và ngụy trang, nghi binh... Về phương pháp huấn luyện, cần chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật với chiến thuật, để từng bước nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ BĐCB của đơn vị trong điều kiện khó khăn, như: đêm tối, địa hình phức tạp, địch đánh phá ác liệt,... Từng đơn vị công binh tổ chức thực hiện tốt kế hoạch diễn tập, luyện tập theo các phương án, kế hoạch tác chiến; chú trọng xây dựng môi trường diễn tập sát với điều kiện chiến tranh sử dụng VKCNC.
Đối với các khoa (bộ môn) công binh trong các học viện, nhà trường quân đội và Binh chủng Công binh, cần tiếp tục đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo và nâng cao chất lượng dạy-học, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật công binh đủ năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ BĐCB trong tình hình mới. Cùng với đó, cần quan tâm nghiên cứu, biên soạn, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống tài liệu huấn luyện, giảng dạy, sát với yêu cầu, điều kiện chiến tranh sử dụng VKCNC; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ vào hoạt động BĐCB; tập trung nghiên cứu vật liệu và công nghệ chế tạo công sự bảo đảm cho tác chiến biển, đảo và địa hình sông nước, phương tiện, khí tài ngụy trang, nghi trang, phương tiện chống VKCNC và tác chiến điện tử của địch...
Ba là, tổ chức bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật công binh kịp thời, đầy đủ và đồng bộ cho các phương án BĐCB, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Ngay từ thời bình, công tác bảo đảm kỹ thuật công binh phải được chuẩn bị chu đáo và tích cực; cần tận dụng thành tựu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, để tạo ra nguồn vật chất, trang bị kỹ thuật công binh trong các KVPT địa phương.
Về chiến lược phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật công binh trong những năm tiếp theo, cần có định hướng cơ bản; lựa chọn nơi mua có công nghệ chế tạo hiện đại, đồng thời phù hợp với trình độ và khả năng của ta. Mặt khác, về chủng loại trang bị mua sắm phải có tính lưỡng dụng cao, vừa tham gia phát triển kinh tế-xã hội, vừa sẵn sàng phục vụ chiến tranh khi cần thiết; đặc biệt, cần quan tâm một số trang bị mới mà khả năng của nền công nghiệp nước ta chưa đáp ứng yêu cầu, như: phương tiện bố trí và khắc phục vật cản nhanh trên biển; phương tiện, khí tài nguỵ trang, nghi trang; thiết bị phòng độc, khí tài trinh sát, quan sát nhìn đêm…
Về hệ thống bảo đảm kỹ thuật công binh, nhất là hệ thống kho kỹ thuật các cấp, phải tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ BĐCB trong chiến tranh BVTQ. Trong thời bình, phải nghiên cứu và xác định phương án quy hoạch tổng thể ở cấp chiến lược và phương án cụ thể ở cấp chiến dịch, chiến thuật để đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện thế bố trí hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu và chiến đấu của các lực lượng công binh.
Bốn là, trong chiến tranh, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, KVPT địa phương và hệ thống các công trình quân sự đã được chuẩn bị trước, tiếp tục xây dựng, củng cố, phù hợp với kế hoạch tác chiến, quyết tâm chiến đấu của người chỉ huy binh chủng hợp thành.
Khi chiến tranh xảy ra, lực lượng công binh các cấp phải tăng cường tổ chức trinh sát, nắm chắc địa hình và thế trận công trình trong khu vực tác chiến được giao; đánh giá đúng thực trạng hệ thống công trình phòng thủ; mạng đường sá, bến vượt, sân bay, bến cảng; tình hình lực lượng, phương tiện kỹ thuật công binh; khả năng chi viện của địa phương; tình hình công trình và các thủ đoạn hoạt động đánh phá của địch để xây dựng kế hoạch BĐCB.
Trong quá trình tác chiến, nhiệm vụ BĐCB thường được tiến hành vào giữa các giai đoạn tác chiến kế tiếp nhau. Do đó, phải triệt để tận dụng hệ thống công trình và lực lượng, phương tiện tại chỗ của KVPT địa phương; trong đó, tập trung sửa chữa, khắc phục những đoạn đường do địch đánh phá hư hỏng, mở mới hoặc làm đường vòng tránh qua các trọng điểm giao thông; thiết bị bến vượt và tổ chức bảo đảm vượt sông bằng mọi phương tiện có trong biên chế và phương tiện tại chỗ của địa phương, nhằm bảo đảm kịp thời, thông suốt trong mọi tình huống. Trên cơ sở hệ thống vật cản đã có, các đơn vị công binh nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung vào các vùng (nút) vật cản chiến lược, chiến dịch, các bãi vật cản chiến thuật, kết hợp với vật cản cơ động trên các hướng; chỉ đạo các lực lượng, trong đó lực lượng công binh làm nòng cốt, tiến hành khắc phục vật cản và phá hoại công trình, ngăn chặn địch. Người chỉ huy và cơ quan công binh các cấp chủ động chỉ đạo thực hiện mọi biện pháp và sử dụng vật liệu chế thức, kết hợp với vật liệu tại chỗ tiến hành nguỵ trang, nghi trang công trình; trong đó, ưu tiên cho sở chỉ huy các cấp, trung tâm thông tin, trận địa hoả lực...; đồng thời, tiến hành xây dựng một số công trình giả, mục tiêu giả và tổ chức một số hoạt động nghi binh lừa địch, bảo toàn lực lượng, phương tiện của ta, tạo điều kiện cho các lực lượng cơ động, triển khai đội hình và thực hành tác chiến.
Nghiên cứu các giải pháp BĐCB đối phó với chiến tranh sử dụng VKCNC là một nội dung mới và hết sức quan trọng; đòi hỏi người chỉ huy, cơ quan và các đơn vị công binh cần triển khai nghiên cứu một cách toàn diện, chuyên sâu, nhằm nâng cao khả năng tổ chức BĐCB trong các hình thức tác chiến, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Thiếu tướng, TS. PHẠM QUANG XUÂN
Tư lệnh Binh chủng Công binh
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc