Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 15/09/2022, 09:29 (GMT+7)
Mô hình “3 chủ động” trong đấu tranh trên không gian mạng của Lữ đoàn 603 - vấn đề đặt ra

Quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, Lữ đoàn 603 đã tổ chức mô hình “3 chủ động”1 nhằm phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình này cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, phát triển, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh tại Đơn vị.

Diễn tập xử trí các tình huống trên mạng xã hội

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Thông tin 603 (Quân khu 3) luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Chỉ thị số 47/CT-CT, ngày 08/01/2016 của Tổng cục Chính trị về tổ chức lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong Quân đội, v.v. Từ thực tiễn tổ chức thực hiện, đã xuất hiện nhiều cách làm mới, sáng tạo, trong đó mô hình “3 chủ động” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ mô hình này, lực lượng đấu tranh của Lữ đoàn thường xuyên được kiện toàn, củng cố, phát triển cả bề rộng và chiều sâu theo hướng “tinh, gọn, sắc bén, linh hoạt, hiệu quả”; xây dựng, duy trì các trang, nhóm hoạt động thường xuyên, liên tục; phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động đấu tranh tích cực, tập trung, thống nhất, bước đầu đấu tranh có hiệu quả với các tình huống cụ thể trên thực tế. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”; tinh thần cảnh giác, “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” trước những thông tin xấu độc của cán bộ, chiến sĩ được nâng cao, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng bộ Lữ đoàn trong sạch, vững mạnh, Lữ đoàn vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”.

Tuy nhiên, đây là quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; hơn nữa, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên “thay hình, đổi dạng” với những thủ đoạn, phương thức chống phá hết sức tinh vi; do vậy, theo chúng tôi, mô hình này cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, phát triển, hoàn thiện nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Một là, chủ động về lực lượng. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, định hướng dư luận, thống nhất nhận thức và hành động cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân là nhiệm vụ không mới, nhưng khó và nhạy cảm. Vì vậy, nếu không chủ động xây dựng lực lượng đủ mạnh, có tâm huyết và dũng khí thì hoạt động đấu tranh sẽ không thể đạt kết quả ngay từ bước đầu. Trên thực tế, về cơ bản lực lượng đấu tranh đều là kiêm nhiệm; lượng tin, bài đăng tải tuy nhiều, song chủ yếu khai thác từ báo, đài chính thống, bài do lực lượng của Đơn vị viết còn ít, nội dung phản bác chưa sâu, chưa có tính thuyết phục và lan tỏa rộng rãi. Nguyên nhân một phần do cán bộ, đảng viên còn thiếu kỹ năng trong viết bài; mặt khác, do tâm lý “ngại”, thậm chí “sợ” liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, muốn được “an toàn”, v.v. Để khắc phục vấn đề này, lãnh đạo, chỉ huy các cấp tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 47; trong đó, chú trọng nêu cao trách nhiệm của từng lực lượng đối với nhiệm vụ quan trọng này và luôn xem đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách thường xuyên, chặt chẽ. Chỉ có như vậy mới xây dựng và từng bước nâng cao chất lượng của “lực lượng nền”, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi có tình huống. Cùng với đó, có thể chủ động lựa chọn, xây dựng mở rộng lực lượng nòng cốt, gồm những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ lý luận cơ bản, kiến thức toàn diện trên nhiều lĩnh vực; có nhãn quan chính trị tốt, khả năng tư duy, phát hiện vấn đề, lập luận nhanh nhạy, sắc bén, tiếp cận và sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin; có kỹ năng truyền thông và ý thức, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng nòng cốt cần có cơ cấu hợp lý, luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý, điều hành của chỉ huy các cấp và luôn phát huy tốt năng lực, tính chủ động, bảo đảm đấu tranh kịp thời, thực chất, hiệu quả. Căn cứ kết quả hoạt động thực tế, có thể điều chỉnh và bổ sung thành viên, bảo đảm luôn giữ vững sự ổn định về chất lượng. Để nâng cao năng lực đấu tranh của tất cả các lực lượng, giải pháp quan trọng là thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng; khả năng nhận diện và xử lý thông tin xấu độc; sử dụng các phương tiện công nghệ, v.v. Đặc biệt, nên chủ động tổ chức các cuộc diễn tập đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng với sự tham gia theo phân cấp của các lực lượng, xử trí nhiều tình huống giả định sát thực tế. Qua đó, không chỉ nâng cao năng lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, mà còn lan tỏa, nhân rộng và huy động được nhiều lực lượng trong đơn vị để tổ chức đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Hai là, chủ động về nội dung, phương pháp. Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng mạng xã hội, sự bùng nổ của các loại thông tin tốt, xấu đan xen, sự tinh vi trong đăng tải các tin bài chống phá của các thế lực thù địch, việc chủ động xác định tuyên truyền nội dung gì, đấu tranh với đối tượng nào, về vấn đề gì và bằng cách nào để kịp thời định hướng dư luận, bảo đảm “vừa sức” và không bị động, bất ngờ,... là yếu tố then chốt. Để đạt được điều đó, trên cơ sở quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, quy định, hướng dẫn của trên và căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhiệm vụ được giao, cấp ủy, chỉ huy các cấp kịp thời xây dựng, ban hành hướng dẫn các lực lượng, thành phần tham gia đấu tranh trên không gian mạng, trong đó nêu rõ cách thức thu thập tư liệu, nội dung; các hình thức đấu tranh cụ thể; cách viết tin, bài, bình luận, chia sẻ,… làm cơ sở để cán bộ, đảng viên, quần chúng thực hiện thống nhất. Trong điều kiện khả năng viết tin, bài, đấu tranh trực tiếp của cán bộ, đảng viên còn hạn chế, cần chú trọng thực hiện tốt phương châm chủ đạo: “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” bằng cách: chủ động khai thác, lựa chọn đăng tải, chia sẻ những nội dung nổi bật, vấn đề mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, truyền thống vẻ vang, nhiệm vụ chính trị và những hoạt động mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc của Quân đội, Quân khu, đơn vị (làm công tác dân vận; giúp nhân dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh,…); gương người tốt, việc tốt; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, v.v. Trên thực tế, đây là hoạt động đấu tranh chủ yếu ở đơn vị, dù là hình thức gián tiếp, song đã đem lại hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, căn cứ vào nhiệm vụ của lực lượng nòng cốt, từng thành viên cần chủ động bám sát sự định hướng, cung cấp thông tin của trên, kết hợp thường xuyên “bám mạng”, kịp thời “sàng lọc”, phát hiện vấn đề, chủ động tham mưu, đề xuất nội dung, phương pháp và trực tiếp tổ chức đấu tranh thông qua viết bài, bình luận phản bác, báo xấu các thông tin xuyên tạc, xấu độc2,... bảo đảm kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là trước các vấn đề “nóng”, dư luận xã hội quan tâm, tạo sự ổn định, thống nhất trong đơn vị.

Ba là, chủ động bảo đảm bí mật, an toàn. Đây vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu trong hoạt động đấu tranh trên không gian mạng. Trong thực tế, đã có không ít cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên còn mất cảnh giác, chủ quan, xem nhẹ, đơn giản trong vấn đề bảo mật thông tin khi sử dụng internet, mạng xã hội; nhiều hình ảnh, video clip về hoạt động quân sự bị lộ lọt, để các thế lực thù địch lợi dụng, khai thác tuyên truyền, xuyên tạc trên không gian mạng. Do đó, để giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu đấu tranh tích cực, nhanh nhạy, kịp thời với bảo đảm an toàn tuyệt đối, đòi hỏi các cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị cần thường xuyên quán triệt cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là lực lượng nòng cốt nắm vững và chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự; sử dụng internet, mạng xã hội; công tác bảo đảm an toàn thông tin và hoạt động tác chiến trên không gian mạng; về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình trong Quân đội và các văn bản liên quan đến nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, các cấp thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy chế; phân cấp, phân quyền trong tiếp cận, xử lý tài liệu mật; duy trì nghiêm chế độ báo cáo, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp sai phạm và có nguy cơ sai phạm. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, làm cho các thế lực thù địch không thể lợi dụng để chống phá ngược.

Bốn là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Đây là yếu tố quyết định hiệu quả, tăng cường “sức chiến đấu” trong đấu tranh trên không gian mạng. Tuy vậy, để duy trì sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy ở từng cấp, từng đơn vị phải xác định đúng vị trí, vai trò của nhiệm vụ này. Mọi biểu hiện xem nhẹ, lơ là, coi đó là “vấn đề phụ”, “khoán trắng” cho cơ quan, lực lượng nòng cốt sẽ khó đem lại hiệu quả thiết thực, dễ dẫn đến báo cáo thành tích “ảo”, không thực chất, thậm chí hoạt động chệch hướng, phản tác dụng. Cùng với giáo dục, quán triệt xây dựng tinh thần, trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên, nhất là lực lượng nòng cốt, cần có cơ chế bảo đảm phù hợp, tương xứng với vị trí, vai trò, tính chất của nhiệm vụ, qua đó, tạo nguồn lực và động lực mạnh mẽ trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vấn đề cốt lõi là tạo điều kiện về thời gian, phương tiện, kinh phí và gắn trách nhiệm, quyền lợi chính trị (gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên; đề bạt, bổ nhiệm; khen thưởng, kỷ luật,…) cho các lực lượng tham gia, từ đó động viên, khích lệ tinh thần “chiến đấu”, dám nghĩ, dám nói, dám đấu tranh trong cán bộ, đảng viên, quần chúng.

Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra từ mô hình “3 chủ động” trong đấu tranh trên không gian mạng thời gian qua chỉ là thành quả ban đầu, nhưng có ý nghĩa quan trọng và là cơ sở để Lữ đoàn 603 tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và phát huy, nhằm không ngừng nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”; các cơ quan, đơn vị khác có thể tham khảo, vận dụng bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Đại tá NGUYỄN VĂN TƯ, Chính ủy Lữ đoàn
_________________

1 - Chủ động về lực lượng; chủ động về nội dung, phương pháp; chủ động bảo đảm bí mật, an toàn.

2 - Hằng năm, Lữ đoàn 603 có gần 4.000 lượt cán bộ, đảng viên tham gia hoạt động thường xuyên; gần hai triệu lượt chia sẻ các tin, bài trên trang “Vững tin theo Đảng”; hơn 90.000 lượt mời bạn bè tham gia và gần 2.200 lượt đăng tin, bài trên nhóm “Đất và người Quân khu 3”.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.