Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 18/01/2024, 08:19 (GMT+7)
Mấy yêu cầu về xây dựng lực lượng pháo binh, tên lửa - nhìn từ các cuộc chiến tranh cục bộ gần đây trên thế giới

Nghiên cứu các cuộc xung đột quân sự, chiến tranh cục bộ gần đây, nhất là xung đột giữa Nga - Ukraine, Israel - Hamas cho thấy, lực lượng pháo binh, tên lửa đối đất được các bên sử dụng với số lượng lớn, trở thành một trong những lực lượng then chốt trên chiến trường. Thực tế đó đặt ra vấn đề cấp thiết về xây dựng lực lượng Pháo binh - Tên lửa Quân đội nhân dân Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra vô cùng khốc liệt, có quy mô tàn phá lớn nhất trên thế giới trong vòng 50 năm gần đây. Ở góc nhìn khác, các nhà nghiên cứu quân sự thế giới cho rằng, đó còn là màn thể hiện “cuộc chiến của pháo binh và tên lửa mặt đất”, bởi đây là lực lượng nổi bật, sử dụng với số lượng rất lớn, là hỏa lực chủ yếu để sát thương đối phương và cũng là lực lượng bị đối phương tập trung tìm, diệt. Gần đây nhất, rạng sáng ngày 07/10/2023, lực lượng Hamas ở Dải Gaza đã bất ngờ phóng hàng nghìn tên lửa đất đối đất, hỏa tiễn và sử dụng chiến binh xâm nhập lãnh thổ Israel, mở màn cho một cuộc xung đột mới. Sau vài giờ bị tiến công, Israel lập tức mở chiến dịch “Những thanh kiếm sắt” để tiêu diệt Hamas, giải cứu con tin. Quân đội Israel đã dùng không quân là chủ yếu kết hợp với pháo binh, tên lửa đánh phá hơn 15.000 mục tiêu và tiến công trên bộ vào Dải Gaza. Hamas đã sử dụng tối đa tên lửa đối đất, tên lửa chống tăng để đánh trả Quân đội Israel tiến công đường bộ.

Nhìn từ hai cuộc xung đột trên, chúng ta thấy, cùng với các loại vũ khí, khí tài khác, pháo binh, tên lửa đã được sử dụng với số lượng lớn, cường độ cao, chủng loại đa dạng, bao gồm cả tên lửa đối đất, đối hải, pháo tự hành, pháo phản lực, pháo xe kéo, súng cối, tên lửa chống tăng, v.v. Trong đó có nhiều vũ khí pháo binh, tên lửa hiện đại, thông minh nên hiệu quả sát thương cao, làm cho đối phương tổn thất rất nặng nề. Thực tế cũng cho thấy, vai trò quan trọng cùng những khó khăn, thách thức của công tác bảo đảm chỉ huy chiến đấu, bảo đảm trinh sát, hậu cần, kỹ thuật của pháo binh, tên lửa trong chiến tranh hiện đại, v.v. Điều đó đặt ra những vấn đề cấp thiết cần nghiên cứu để xây dựng lực lượng Pháo binh - Tên lửa Quân đội nhân dân Việt Nam.

Lữ đoàn 490 (Binh chủng Pháo binh) luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: qdnd.vn

1. Xây dựng lực lượng pháo binh - tên lửa “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại

Theo các đánh giá về sử dụng pháo binh, tên lửa đối đất trong xung đột quân sự Nga - Ukraine, hai bên đã huy động hàng nghìn khẩu pháo xe kéo, pháo tự hành, pháo phản lực, súng cối các loại, cũng như hàng nghìn đơn vị tên lửa chống tăng và hàng trăm xe bệ phóng tên lửa đất đối đất, đối hải. Không chỉ có vậy, sức mạnh pháo binh, tên lửa của các bên còn được phát huy bởi các loại pháo, đạn công nghệ cao, có điều khiển, dẫn đường chính xác, có khả năng cơ động linh hoạt, được tổ chức chỉ huy hỏa lực hiện đại. Hai bên đã huy động tối đa khả năng pháo binh, tên lửa hiện đại vào tham chiến1 và ứng dụng tự động hóa chỉ huy hỏa lực pháo binh dựa trên công nghệ trinh sát, chỉ thị mục tiêu hiện đại, nên có hiệu quả sát thương lớn, khẳng định hỏa lực pháo binh, tên lửa đối đất đã trở thành hỏa lực chủ yếu trên chiến trường.

Từ thực tiễn đó và trên cơ sở nhận thức đúng vai trò của pháo binh, tên lửa trong tác chiến; quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo”, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có lộ trình xây dựng Binh chủng Pháo binh đến năm 2030 phát triển thành Binh chủng Pháo binh - Tên lửa. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, xong cần nguồn lực tài chính khá lớn. Vì vậy, để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, trước mắt, cần quan tâm hoàn thiện, nhân rộng mô hình tổ chức pháo binh trong sư đoàn bộ binh hỏa lực mạnh; củng cố, nâng cấp biên chế trang bị các đơn vị pháo binh, tên lửa thường trực; chuẩn bị lực lượng dự bị động viên pháo binh, tên lửa hùng hậu, sẵn sàng huy động khi có tình huống. Mặt khác, để phát triển lực lượng tên lửa đối đất, đối hải, tên lửa chống tăng trong lực lượng pháo binh - tên lửa, cần đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo kết hợp lựa chọn, đầu tư mua sắm, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Trong điều kiện thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, cần khuyến khích, phát huy vai trò của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội,... và các đơn vị liên quan trong nghiên cứu, phát triển các loại pháo phản lực, tên lửa đất đối đất, đất đối hạm, tên lửa chống tăng hiện đại và nghiên cứu chế tạo tích hợp hệ thống tự động hóa chỉ huy điều khiển hỏa lực,… từng bước tự chủ nguồn cung cấp vũ khí, trang bị bảo đảm cho Quân đội. Cùng với đó, cần nghiên cứu đổi mới, hiện đại hóa các loại phương tiện, trang bị bảo đảm, đồng bộ với sự phát triển của lực lượng pháo binh - tên lửa.

2. Tổ chức dự trữ vũ khí trang bị, khí tài, đạn dược pháo binh - tên lửa toàn diện, có chiều sâu, đáp ứng yêu cầu tác chiến cường độ cao, tiêu hao lớn

Theo ước tính của các cơ quan tình báo nước ngoài, trong xung đột quân sự Nga - Ukraine, các bên sử dụng lượng đạn pháo, tên lửa vô cùng lớn (tính đến 30/11/2023, cả hai bên đã sử dụng hàng chục triệu viên đạn pháo các loại, hàng nghìn tên lửa đất đối đất, hàng trăm tên lửa đối hải và hàng chục nghìn tên lửa chống tăng). Đó là chưa kể những thiệt hại do vũ khí chính xác của đối phương đánh phá vào các kho cất chứa vũ khí, đạn dược, trong đó có đạn pháo và tên lửa. Còn theo đánh giá của các nhà bình luận quân sự thế giới, sau nhiều tháng giao tranh, đến nay, cả hai bên đều đang dần cạn kiệt nguồn đạn pháo, tên lửa các loại.

Cùng với đó, do sử dụng một lượng lớn pháo binh, tên lửa trực tiếp tham gia tác chiến nên khả năng bị đối phương tiêu hao, tiêu diệt cũng không ngừng tăng cao. Trên thực tế, đã có hàng nghìn phương tiện pháo binh, tên lửa của cả Nga và Ukraine bị tiêu diệt hoặc loại khỏi vòng chiến đấu. Thực tế đó cho thấy, mức độ sử dụng pháo binh, tên lửa cùng những tiêu hao về phương tiện, trang bị, đạn dược của lực lượng này là vô cùng lớn. Điều đó đặt ra cho các bên thách thức rất lớn trong duy trì nguồn bảo đảm chiến đấu cho pháo binh, tên lửa.

Như vậy, trong chiến tranh hiện đại, tác chiến diễn ra liên tục, dài ngày với các loại vũ khí chính xác, cường độ cao nên tiêu hao vật chất, vũ khí trang bị rất lớn. Trong khi đó, pháo binh, tên lửa lại là một trong các loại mục tiêu bị đối phương chú trọng đánh phá, tiêu hao, nhưng khả năng sản xuất, bổ sung thường bị hạn chế, không kịp thời. Vì vậy, cần chuẩn bị nguồn dự trữ vũ khí, trang bị, đạn pháo, tên lửa các loại với số lượng lớn, cất giữ phân tán, bảo mật cao ngay từ thời bình. Để thực hiện điều đó, Binh chủng Pháo binh cần tiếp tục nghiên cứu, nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều chỉnh bố trí lực lượng pháo binh - tên lửa khoa học, phù hợp trên từng địa bàn chiến lược, các khu vực phòng thủ, nhất là các lữ đoàn pháo binh - tên lửa dự bị chiến lược. Các cơ quan, đơn vị pháo binh toàn quân chú trọng phối hợp với địa phương chủ động xây dựng thế trận pháo binh liên hoàn, vững chắc gắn với xây dựng thế trận khu vực phòng thủ; làm tốt việc chuẩn bị hệ thống kho tàng, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, đường cơ động, trận địa pháo binh - tên lửa,… theo các phương án, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến cường độ cao, thời gian dài.

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của lực lượng pháo binh - tên lửa, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại

Thực tiễn các cuộc xung đột, chiến tranh cục bộ gần đây đã, đang đặt ra vấn đề lực lượng pháo binh, tên lửa phải tinh nhuệ, có vũ khí trang bị ngày càng hiện đại; đồng thời, cần nguồn nhân lực chất lượng cao hơn để sử dụng các phương tiện, khí tài trinh sát, đo đạc và chuẩn bị bắn nhanh, chính xác, đúng thời cơ để tiêu diệt mục tiêu và nhanh chóng rời khỏi chiến đấu. Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, cùng với việc viện trợ các loại vũ khí, trang bị pháo binh, tên lửa hiện đại, các nước phương Tây đã phải tổ chức huấn luyện, đào tạo cho hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine. Bên cạnh đó, lực lượng pháo binh, tên lửa Ukraine cũng tích cực tuyển dụng các kỹ sư, sinh viên công nghệ thông tin, điều khiển vào sử dụng các loại máy bay không người lái (UAV) trinh sát, hệ thống ra đa phản pháo, cùng các hệ thống vũ khí pháo binh, tên lửa mới để tham gia chiến đấu. Đối với lực lượng Hamas, trong điều kiện bị giám sát chặt chẽ, song cũng đã bí mật đào tạo nhân lực chế tạo và sử dụng các hệ thống tên lửa, hỏa tiễn; vì thế, đã tạo nên sự bất ngờ trong tác chiến.

Điều đó đặt ra ngay từ bây giờ, cùng với từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị pháo binh - tên lửa, chúng ta phải chuẩn bị nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện, đào tạo sĩ quan, nhân viên chuyên môn nghiệp vụ, hạ sĩ quan, binh sĩ pháo binh - tên lửa để có khả năng sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị mới, nhất là sử dụng máy bay không người lái (UAV) trinh sát, hệ thống tự động hóa chỉ huy điều khiển hỏa lực hiện đại. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần tập trung đổi mới toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và đổi mới hình thức, tổ chức, phương pháp huấn luyện, diễn tập, nâng cao sức mạnh chiến đấu theo Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2023 của Quân ủy Trung ương. Để đạt hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường huấn luyện thực hành để bộ đội làm chủ vũ khí, khí tài, trang bị, nâng cao khả năng cơ động, tốc độ triển khai, thu hồi vũ khí, khí tài và hiệu suất chiến đấu; kết hợp chặt chẽ truyền thống với hiện đại, chú trọng huấn luyện những tình huống, điều kiện khó khăn, phức tạp trong tác chiến hiện đại; tăng cường huấn luyện dã ngoại với cường độ cao để rèn luyện sức bền và ý chí chiến đấu, v.v.

Xây dựng lực lượng pháo binh - tên lửa có sức mạnh chiến đấu cao là vấn đề có ý nghĩa chiến lược vừa cấp thiết vừa lâu dài, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm truyền thống, nhất là thực tiễn chiến tranh hiện đại, phù hợp với đặc thù của Pháo binh Việt Nam, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

Đại tá, TS. KIỀU HỮU KIÊN, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh
______________________
       

1 - Ucraina có các hệ thống pháo phản lực cơ động cao: M142 HIMARS, pháo xe kéo 155 mm M777 sử dụng đạn thông minh Excalibur của Mỹ, pháo tự hành Caesar 155 mm của Pháp, tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ, Nlaw của Anh, v.v. Phía Nga cũng đã sử dụng tên lửa chiến thuật Iskander-M, Tonado-S, pháo phản lực cỡ lớn Smerch-30, pháo tự hành 2S19-M1 dùng đạn Krasnopol dẫn đường bằng laze, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.