Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:36 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn, trong đó có vũ khí hạt nhân, phóng xạ là một nội dung hết sức quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Để thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề, nguy hiểm và phức tạp này, đòi hỏi cấp thiết phải nghiên cứu sử dụng hợp lý, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Hóa học.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), không loại trừ địch sử dụng vũ khí hạt nhân. Mục tiêu địch tiến công hạt nhân thường là các trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước, căn cứ quân sự, cơ quan đầu não của ta, v.v. Tình huống vũ khí hạt nhân rất phức tạp; nhu cầu bảo đảm phòng hóa rất lớn; trong khi đó, lực lượng hóa học, phương tiện phòng hóa của ta có hạn, phải tiến hành trong điều kiện địch đánh phá ác liệt bằng cả xung lực, hỏa lực, tác chiến điện tử rộng rãi, v.v. Để phòng, chống có hiệu quả vũ khí hạt nhân, hạn chế thấp nhất tổn thất về nhân lực, vật lực, giữ vững ổn định chiến lược để đánh địch và thắng địch, đòi hỏi cần có các giải pháp tổng thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng; trong đó, lực lượng hóa học cần được tổ chức chặt chẽ, khoa học, sử dụng phù hợp với từng tình huống, nhiệm vụ cụ thể. Trong bất luận hoàn cảnh nào, để phát huy cao nhất sức mạnh, khả năng lực lượng hóa học trong phòng, chống vũ khí hạt nhân, người chỉ huy, cơ quan, đơn vị Hóa học cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:
1. Kết hợp chặt chẽ lực lượng hóa học tại chỗ với cơ động, kịp thời ứng phó tình huống hạt nhân. Tình huống vũ khí hạt nhân là sẽ rất phức tạp, mức độ ảnh hưởng trên diện rộng; đối tượng cần phòng, chống, bảo vệ lớn. Trong khi đó, lực lượng hóa học chuyên trách các cấp, nhất là cấp chiến lược, chiến dịch có hạn, cùng lúc phải bảo đảm cho nhiều nhiệm vụ. Vì vậy, để bảo đảm phòng, chống vũ khí hạt nhân ở thời cơ có lợi, người chỉ huy, cơ quan hóa học các cấp cần có biện pháp, kế hoạch hiệp đồng, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng hóa học tại chỗ với lực lượng hóa học cơ động, lực lượng chuyên trách với kiêm nhiệm,... kịp thời ứng phó tình huống vũ khí hạt nhân. Đây vừa là yêu cầu, vừa là nội dung quan trọng trong nghệ thuật sử dụng lực lượng hóa học, có ý nghĩa quyết định đến việc giành, giữ quyền chủ động trong phòng, chống, khắc phục hậu quả do vũ khí hạt nhân gây ra. Việc kết hợp này được thực hiện theo từng giai đoạn, nhiệm vụ trận đánh, chiến dịch; chú trọng kết hợp lực lượng hóa học chuyên trách cấp chiến lược đứng chân trên địa bàn với lực lượng hóa học chiến trường; lực lượng hóa học các quân khu, quân đoàn với lực lượng hóa học kiêm nhiệm, dân quân, tự vệ phòng hóa và lực lượng các ban, ngành, đoàn thể, quần chúng nhân dân trong khu vực phòng thủ, tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả phòng, chống vũ khí hạt nhân.
Để thực hiện nội dung, yêu cầu trên, ngay từ thời bình cần chủ động xây dựng nguồn lực phòng hóa ở các cấp, chú trọng xây dựng lực lượng, đầu tư hiện đại hóa trang bị, phương tiện đặc chủng của lực lượng hóa học chuyên trách và xây dựng lực lượng, thế trận phòng hóa trong các khu vực phòng thủ, các hướng, địa bàn chiến lược, nhằm thực hiện tốt phương thức bảo đảm hóa học tại chỗ, kết hợp bảo đảm cơ động, hình thành bảo đảm hoàn chỉnh theo hướng, khu vực. Tăng cường tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập phòng, chống vũ khí hạt nhân, nâng cao năng lực phối hợp, hiệp đồng. Trong tác chiến, Bộ Tư lệnh Hóa học và cơ quan hóa học các cấp phải chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm phòng hóa khoa học, tổ chức hiệp đồng, phối hợp chiến đấu chặt chẽ, cụ thể, tỉ mỉ ngay từ đầu và trong quá trình tác chiến. Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị chiến trường, từ xây dựng công sự, trận địa, công trình phòng thủ, ngụy trang, nghi binh đến trinh sát nắm địch; kịp thời điều chỉnh phương án tổ chức, sử dụng lực lượng hóa học theo diễn biến tác chiến, xử trí kịp thời, hiệu quả các tình huống vũ khí hạt nhân xảy ra.
2. Sử dụng lực lượng hóa học tập trung trên hướng, khu vực, mục tiêu chủ yếu, tình huống phức tạp, có lực lượng dự bị thích hợp. Đây vừa là yêu cầu, vừa là nguyên tắc, nghệ thuật sử dụng lực lượng Hóa học, nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa số lượng, chất lượng lực lượng, phương tiện phòng hóa còn hạn chế, trong khi nhu cầu, nhiệm vụ phòng, chống vũ khí hạt nhân lớn. Để thực hiện tốt yêu cầu trên, Bộ Tư lệnh Hóa học và người chỉ huy, cơ quan hóa học các cấp cần bám sát nhiệm vụ, ý định tác chiến (chiến đấu), nắm chắc tình hình địch, ta, nhất là tình hình địch sử dụng vũ khí hạt nhân, từ đó có kế hoạch sử dụng lực lượng hóa học phù hợp, bảo đảm tập trung, song có trọng tâm, trọng điểm, không gian, thời gian hợp lý, trên hướng, chiến trường, khu vực, mục tiêu chủ yếu, chiến dịch, chiến dịch - chiến lược; trọng điểm là các trận then chốt, trận quyết chiến chiến lược quyết định. Cùng với đó, chỉ huy, cơ quan, chủ nhiệm hóa học các cấp phải tính toán, cân đối tổ chức lực lượng dự bị đủ mạnh, có sức cơ động cao sẵn sàng xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Sử dụng hóa học tập trung phải toàn diện cả lực lượng, phương tiện, chỉ huy, hiệp đồng và công tác bảo đảm. Tập trung hóa học đến mức nào phải tùy thuộc vào tình hình địch, khả năng huy động, diễn biến, mức độ của tình huống hạt nhân và cân đối với các nhiệm vụ khác. Đặc biệt, trong điều kiện địch có ưu thế trinh sát phát hiện sớm, sử dụng vũ khí công nghệ cao, phản ứng nhanh, linh hoạt, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa tập trung với phân tán, đảm bảo tập trung nhanh, phân tán nhanh để bảo toàn lực lượng. Vì vậy, sử dụng lực lượng hóa học ở mỗi tình huống, nhiệm vụ đều phải được đặt trong mối liên hệ tổng thể bảo đảm hóa học cho các lực lượng theo ý định của Tư lệnh chiến dịch, chiến trường (hướng chiến lược). Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, người chỉ huy, cơ quan, đơn vị hóa học cần quan tâm làm tốt công tác bảo đảm cơ động, ngụy trang, nghi binh và các mặt công tác bảo đảm khác.
3. Sử dụng đúng chức năng, sở trường từng lực lượng, phù hợp với quyết tâm tác chiến. Trong tác chiến (chiến đấu), lực lượng hóa học tổ chức ra nhiều thành phần, có chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, sở trường khác nhau. Vì vậy, sử dụng đúng nhiệm vụ, sở trường sẽ phát huy cao nhất khả năng, thế mạnh của từng lực lượng, đơn vị, giúp cho các lực lượng có thể bổ sung, hỗ trợ, chi viện lẫn nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống. Việc tổ chức, sử dụng lực lượng hóa học phải đúng ý định, kế hoạch tác chiến của người chỉ huy binh chủng hợp thành. Đây là nguyên tắc trong tổ chức, sử dụng lực lượng hóa học.
Thực hiện nội dung yêu cầu, người chỉ huy, cơ quan tham mưu binh chủng hợp thành, trong đó cơ quan và chủ nhiệm hóa học các cấp phải luôn nắm chắc quyết tâm tác chiến (chiến đấu), khả năng lực lượng hóa học thuộc quyền, có liên quan; tình hình địch sử dụng vũ khí hạt nhân. Trên cơ sở đó, xác định và báo cáo đề đạt; điều chỉnh, bổ sung phương án tổ chức, sử dụng lực lượng hóa học phù hợp; xây dựng, điều chỉnh kế hoạch hóa học khoa học, hợp lý, khả thi. Trong đó, lấy lực lượng hóa học chuyên trách làm nòng cốt, giao nhiệm vụ rõ ràng cho từng phân đội chuyên ngành trong từng giai đoạn của mỗi loại hình tác chiến (chiến đấu) khi xử lý tình huống địch tập kích vũ khí hạt nhân. Mặt khác, tổ chức hiệp đồng, chỉ thị bảo đảm chặt chẽ giữa các thành phần, lực lượng hóa học, giữa lực lượng hóa học với các lực lượng tác chiến khác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống vũ khí hạt nhân.
4. Chỉ huy, điều hành phòng hóa thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ, bảo đảm toàn diện, kịp thời, chu đáo. Đây là yêu cầu cao nhất về lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Tư lệnh, cơ quan và chủ nhiệm hóa học trong chuẩn bị, thực hành phòng, chống vũ khí hạt nhân. Do tình huống vũ khí hạt nhân diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm và mau lẹ, có thể trong dự kiến, có thể xuất hiện ngoài dự kiến, nên công tác chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm của lực lượng hóa học phải chặt chẽ, thống nhất. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi người chỉ huy binh chủng hợp thành, cơ quan, đơn vị hóa học các cấp phải nghiên cứu nắm chắc tình hình, đánh giá đúng thực tế, dự kiến nhiều tình huống, có kế hoạch sẵn sàng huy động vật chất hậu cần - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng tác chiến (chiến đấu) liên tục, đáp ứng nhiều tình huống khác nhau. Đây là nội dung quan trọng, tác động trực tiếp đến hiệu quả tổ chức, sử dụng lực lượng hoá học, cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng hoá học.
Thực hiện yêu cầu đề ra, Tư lệnh, cơ quan tham mưu, cơ quan, chủ nhiệm hóa học các cấp luôn quan tâm chỉ đạo, điều hành lực lượng hoá học về xây dựng thế trận, lực lượng. Chuẩn bị phương án tổ chức, sử dụng lực lượng, trang bị phòng hóa phù hợp tính chất nhiệm vụ, đặc điểm, địa bàn tác chiến. Hơn nữa, để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo đảm hóa học trong phòng, chống vũ khí hạt nhân, cần nghiên cứu, điều chỉnh, sắp xếp, bổ nhiệm chỉ huy, thành lập cơ quan hóa học phù hợp, theo quy định; hoặc lâm thời tổ chức cơ quan, chủ nhiệm hóa học trong các tình huống, nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm hóa học phục vụ chỉ huy, tác chiến theo ý định, kế hoạch thống nhất của Tư lệnh chiến dịch, chiến trường (hướng chiến lược). Lực lượng hóa học phải tiến hành công tác bảo đảm đầy đủ, chu đáo, toàn diện và bí mật theo nhiều phương án, nhiệm vụ phòng, chống vũ khí hạt nhân, cả trong và ngoài dự kiến. Đặc biệt, trong điều kiện địch có tiềm lực lớn về vũ khí hạt nhân, ưu thế, khả năng vượt trội về sức cơ động, trinh sát phát hiện sớm từ trên không, trên biển và mặt đất; tiến hành hỏa lực sát thương nhanh bằng vũ khí công nghệ cao,… cơ quan, chủ nhiệm hóa học cần triển khai đồng bộ các biện pháp ngụy trang, nghi binh và cơ động liên tục, hạn chế hỏa lực của địch, nâng cao khả năng bảo đảm hóa học.
Tổ chức sử dụng lực lượng hóa học đúng, hợp lý là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt công tác bảo đảm hóa học nói chung, phòng, chống vũ khí hạt nhân nói riêng. Đây là vấn đề thuộc nghệ thuật tác chiến chiến dịch, chiến lược cũng như nghệ thuật bảo đảm hóa học, đòi hỏi người chỉ huy, cơ quan, chủ nhiệm, đơn vị hóa học các cấp cần nghiên cứu, nắm vững, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong phòng, chống vũ khí hạt nhân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện tác chiến mới.
Đại tá NGUYỄN ĐÌNH HIỀN, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học
vũ khí hạt nhân,phóng xạ,Binh chủng hóa học
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc