Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 10/10/2011, 09:49 (GMT+7)
Mấy vấn đề về xây dựng thế trận khu vực phòng thủ trọng điểm ven biển trong thế trận tác chiến phòng thủ quân khu

Nước ta có vùng biển rộng, bờ biển dài, với nhiều khu vực ven bờ có mực nước sâu, địa hình đa dạng, nên có vị trí quan trọng trong chiến lược phòng thủ đất nước. Đặc điểm đó có khó khăn đối với địch khi chúng tiến công từ hướng biển, song cũng có mặt bất lợi cho ta. Vì vậy, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ (KVPT) trọng điểm ven biển trong thế trận phòng thủ quân khu là vấn đề cấp thiết, cần được nghiên cứu và vận dụng cho phù hợp trong điều kiện mới.


Xuất phát từ đặc điểm địa hình nước ta, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), hướng biển rất có thể là hướng tiến công chủ yếu của địch. Đối tượng tiến công từ hướng biển sẽ là lực lượng đổ bộ đường biển (ĐBĐB), kết hợp với lực lượng đổ bộ đường không và có thể có sự phối hợp của lực lượng gây bạo loạn, lật đổ ở bên trong để đánh chiếm các địa bàn trọng điểm ven biển trong khu vực phòng thủ của quân khu. Tuy nhiên, không phải nơi nào trên hướng biển địch cũng có thể tiến công được, mà chúng chỉ có thể ĐBĐB ở những địa bàn nhất định. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các quân khu ven biển là xây dựng KVPT trọng điểm ven biển phải toàn diện cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận, theo hướng: vững toàn diện, mạnh ở trọng điểm, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp tại chỗ, đủ sức tự bảo vệ địa phương, đủ lực ngăn ngừa và đối phó có hiệu quả với mọi tình huống xảy ra. Điều đó thể hiện sự quán triệt tư duy mới của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã nêu.


Đảo Lý Sơn - một trong những đảo trọng điểm trong Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020
 

Thế trận KVPT trọng điểm ven biển được hình thành từ hệ thống làng, xã chiến đấu, các KVPT then chốt, căn cứ chiến đấu (CCCĐ), căn cứ hậu phương (CCHP),… trên các huyện đảo và các huyện trọng điểm ven biển. Nó được liên kết chặt chẽ với thế trận của KVPT tỉnh, thành phố trong thế trận phòng thủ của quân khu và cả nước. Khi đất nước xảy ra chiến tranh xâm lược, thế trận đó được bổ sung, tăng cường, chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân. Xây dựng thế trận KVPT trọng điểm ven biển vừa phải tuân thủ đầy đủ các nội dung của xây dựng KVPT tỉnh, thành phố nói chung, vừa được vận dụng cho phù hợp với đặc thù của địa bàn trọng điểm ven biển, bảo đảm tương xứng với vị trí chiến lược của nó trong thời kỳ mới; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau.

Một là, xây dựng hệ thống làng, xã, các tổ chức kinh tế ven biển, cụm an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu vững mạnh trong thời bình và sẵn sàng chuyển thành xã, phường chiến đấu khi chiến tranh xảy ra. Làng, xã chiến đấu là mô hình phòng thủ truyền thống của dân tộc ta; là cơ sở nền tảng của thế trận KVPT trọng điểm ven biển, được liên kết giữa các làng, bản, thôn, xóm,… trên các đảo và đất liền ven biển thành một khối thống nhất theo phương án phòng thủ (dự kiến), để nhân dân và các lực lượng vừa sản xuất, vừa bám trụ đánh địch bảo vệ địa bàn trong tình huống xung đột vũ trang hoặc chiến tranh. Vì vậy, ngay từ thời bình và trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), các KVPT trọng điểm ven biển cần tranh thủ xây dựng, củng cố hệ thống làng, xã vững mạnh toàn diện (VMTD), nhất là vững mạnh về quân sự để tạo thế trận vững chắc sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Để làm được điều đó, các địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nội dung Chỉ thị 36/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cơ sở VMTD, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng - an ninh (QP-AN) trong tình hình mới. Trong đó, tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững chắc, mà trọng tâm là xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng ở xã, phường, thôn, xóm,… nhất là ở trên các đảo ven bờ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giáo dục cho nhân dân và các lực lượng trên địa bàn nắm vững đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để củng cố lòng tin của nhân dân đối với cấp uỷ đảng và chính quyền cơ sở; trên cơ sở đó, quyết tâm phát triển kinh tế và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đi đôi với phát triển KT-XH, từng bước nghiên cứu, xây dựng các công trình chiến đấu, hệ thống đường cơ động, các công trình sinh hoạt và ẩn nấp cho nhân dân ở các làng, xã hoặc cụm làng, xã vùng ven biển, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân và các lực lượng vừa duy trì sản xuất, vừa trụ bám chiến đấu lâu dài, bảo vệ địa bàn theo các phương án của địa phương. Xây dựng làng, xã chiến đấu ven biển là nội dung phức tạp, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, nên cần căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng địa bàn, như: tình hình thời tiết, khí tượng, thuỷ văn, phân bố dân cư, tập quán lao động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân và âm mưu, thủ đoạn của địch để xác định nội dung, phương pháp xây dựng phù hợp.

Hai là, xây dựng KVPT then chốt, CCCĐ, CCHP vững chắc. Đây là những nội dung chủ yếu trong xây dựng KVPT trọng điểm ven biển cần tập trung nghiên cứu, xây dựng ngay từ thời bình. KVPT then chốt của KVPT trọng điểm ven biển là địa bàn trọng yếu của huyện, quận ven biển, nơi địa hình có giá trị về chiến thuật, chiến dịch mà ta phải quyết giữ vững; trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội liên quan đến sự ổn định của thế trận tác chiến phòng thủ tỉnh, thành phố và quân khu trên hướng biển. Do đó, KVPT then chốt cần được ưu tiên về quy hoạch, đầu tư nhằm bảo đảm đủ điều kiện cần thiết để xây dựng vững chắc, toàn diện hơn các khu vực khác. Cơ quan quân sự các cấp cần chủ động nghiên cứu chuẩn bị phương án, kế hoạch xây dựng ngay từ thời bình, nhất là nghiên cứu, đề xuất việc kết hợp xây dựng một số công trình cơ bản ngay trong quá trình thực hiện các dự án phát triển KT-XH trên các vùng biển; trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng một số công trình phòng thủ, phòng ngự kiên cố, hệ thống hầm ngầm, các công sự chiến đấu, hào cơ động, hệ thống vật cản và khu hậu cần - kỹ thuật... Khi có tình huống chiến tranh, nhanh chóng huy động các nguồn lực tại chỗ, xây dựng bổ sung hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu.

Đối với CCCĐ, được lựa chọn xây dựng ở địa bàn ổn định (có thể được xây dựng trên các đảo), nơi có địa hình thuận lợi, cơ sở chính trị vững chắc, được chủ động chuẩn bị về vật chất kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng trụ bám chiến đấu dài ngày. Thông thường, CCCĐ được dự kiến, quy hoạch xây dựng từ trước, nhưng tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để xác định lộ trình xây dựng cho phù hợp. Trước mắt, cần nghiên cứu quy hoạch, dự án phát triển KT-XH trên các địa bàn trọng điểm ven biển để có kế hoạch kết hợp phát triển KT-XH với xây dựng các công trình của CCCĐ; thực hiện làm từng bước, vững chắc, kiên cố, liên hoàn, bảo đảm cho các lực lượng có thể trụ vững trước đòn tiến công của địch.

Đối với CCHP, khi xây dựng cần dựa vào các địa bàn ven biển, các đảo lớn có điều kiện phát triển kinh tế và có thể triển khai được các thành phần của CCHP, nhưng phải là nơi hạn chế khả năng địch tiến công bằng hoả lực và xung lực, tiện liên hệ với căn cứ bảo đảm hậu cần của tỉnh, của quân khu và của cấp trên. Do điều kiện đặc thù của KVPT trọng điểm ven biển, khi tác chiến xảy ra dễ bị chia cắt, cô lập ngay từ đầu, nên việc xây dựng CCHP phải kết hợp với xây dựng CCCĐ, lấy bảo đảm tại chỗ là chủ yếu, kịp thời huy động lực lượng, vật chất tại chỗ để có thể tự lực bảo đảm, đáp ứng yêu cầu tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình huống bị địch bao vây, phong toả.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng hệ thống phòng thủ dân sự. Mục tiêu của việc thực hiện nội dung này là nhằm bảo vệ nhân dân, bảo vệ sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật, các nguồn tiềm lực quốc phòng và các công trình kinh tế trọng điểm trên địa bàn; đồng thời, sẵn sàng chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, môi trường, dịch bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho đánh địch trong quá trình tác chiến bảo vệ KVPT. Xây dựng hệ thống phòng thủ dân sự trong KVPT trọng điểm ven biển bao gồm nhiều nội dung, nhưng tuỳ tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương để xác định nội dung và trình tự xây dựng cho phù hợp. Trước hết, có thể tập trung xây dựng các công trình ẩn nấp cho nhân dân; khu trú đậu cho tàu thuyền; hệ thống thông báo, báo động; dự kiến các phương án và tổ chức luyện tập, diễn tập phòng chống, khắc phục thiên tai, thảm hoạ môi trường, dịch bệnh và các hậu quả do xung đột vũ trang hoặc chiến tranh gây ra. Trong đó, xây dựng hệ thống thông báo, báo động là nội dung quan trọng, cấp thiết, vừa phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, vừa từng bước góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên vùng biển, đảo thời kỳ mới. Theo đó, việc xây dựng hệ thống này cần tập trung vào xây dựng các công trình trinh sát, quan sát trên các địa bàn ven biển và trên biển, đảo (cả gần bờ và xa bờ); kết hợp với xây dựng các công trình bảo đảm thông tin liên lạc, thông báo, báo động của các khu kinh tế, khu công nghiệp và đô thị ven biển, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khai thác chế biến, đánh bắt hải sản, dầu khí, dịch vụ du lịch, vận tải biển… Trong thời bình, hệ thống này có nhiệm vụ quản lý vùng trời trên các vùng biển, đảo; thông báo, báo động phục vụ phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, động đất, sóng thần, ô nhiễm môi trường biển và tình hình xâm phạm chủ quyền, khai thác trái phép và xung đột trên biển, đảo. Khi có xung đột vũ trang và chiến tranh, chuyển sang làm nhiệm vụ thông báo, báo động về tình hình hoạt động của địch trên biển, nhất là các tin tức về địch: cơ động trên biển, tập kích đường không, ĐBĐB, đổ bộ đường không… Đây là những nội dung rất quan trọng, phục vụ cho hoạt động tác chiến của KVPT.

Bên cạnh đó và trên cơ sở phát triển KT-XH của địa phương, chú trọng xây dựng các công trình (trường học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất và hệ thống hầm, hào bảo đảm sinh hoạt tập thể của cơ quan, đơn vị) mang tính lưỡng dụng. Coi trọng xây dựng các công trình ẩn nấp, các khu trú đậu cho tàu thuyền,… bảo đảm an toàn cho nhân dân, các tổ chức kinh tế cũng như các phương tiện làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trên biển, đảo khi có tình huống về thiên tai, thảm hoạ. Khi có chiến tranh, các công trình này sẽ trở thành các trạm sửa chữa tàu hải quân, nơi cung cấp khí tài, xăng dầu, lương thực, thực phẩm,… phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ biển, đảo.

Bốn là, xây dựng hệ thống công trình phòng thủ, phòng ngự và bảo vệ. Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển KT-XH và phương án, kế hoạch tác chiến phòng thủ đã được phê duyệt, các địa phương cần chủ động trong việc xây dựng các công trình phòng thủ, phòng ngự và bảo vệ của KVPT trọng điểm ven biển. Trong quá trình xây dựng, phải bảo đảm tính toàn diện, có trọng điểm, liên hoàn, vững chắc, tiện chi viện hỗ trợ lẫn nhau và chủ động đánh địch từ xa đến gần (cả trên biển, đảo, trên không và trên đất liền). Trước hết, tập trung cải tạo các địa hình tự nhiên - nơi có giá trị phòng thủ, nhất là các khe núi, hang động nhô ra sát biển để xây dựng các căn cứ hải quân, âu tàu và các khu trú đậu tàu thuyền của các lực lượng để tạo thế bí mật, bất ngờ khi đánh địch trên biển và ven bờ. Tiếp tục rà soát, quy hoạch xây dựng hệ thống sở chỉ huy tác chiến cấp chiến dịch, chiến lược; các trận địa phòng không; các công trình bảo vệ các mục tiêu có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược về chính trị, KT-XH và QP-AN, nhất là các công trình che giấu vũ khí, khí tài chiến đấu của Hải quân, trận địa tên lửa bờ và hệ thống kho tàng trên địa bàn. Chú trọng việc cải tạo, nâng cấp kết hợp với làm mới hệ thống đường bộ ven biển và tuyến đường liên huyện, liên tỉnh hướng ra ven biển, vừa phục vụ phát triển KT-XH và đời sống dân sinh (trong thời bình), vừa bảo đảm cho các lực lượng, phương tiện cơ động tác chiến và vận tải tiếp tế hậu cần, kỹ thuật (khi chiến tranh xảy ra).

Trên cơ sở kế hoạch, quyết tâm tác chiến phòng thủ của quân khu, cần tập trung xây dựng các chốt chiến dịch, các điểm tựa, cụm điểm tựa phòng ngự; hệ thống hầm, hào chiến đấu; công trình chống ĐBĐB; khu vực triển khai lực lượng cơ động và các công trình chiến đấu cho bộ binh trên các đảo và địa bàn ven bờ,… Bên cạnh đó, cần tận dụng địa hình có lợi ở mép nước, đặc điểm thuỷ triều ở các luồng, lạch, vũng, vịnh,… để xây dựng các phương án bố trí vật cản chống địch cơ động trên biển, ĐBĐB vào bờ, chống địch lên bờ và tiến công trên bộ. Mặt khác, kết hợp chặt chẽ vật cản thiên nhiên và vật cản nhân tạo, vật cản không nổ và vật cản nổ, nhất là bom mìn tự tạo, hàng rào bằng cây que, hầm chông, cạm bẫy do lực lượng KVPT tự làm, được bố trí bất ngờ, hiểm hóc. Có kế hoạch bố trí các bãi vật cản bằng mìn, thuỷ lôi để ngăn chặn và đánh địch có hiệu quả, giữ vững KVPT trọng điểm ven biển trong mọi tình huống.

Trung tướng NGUYỄN HỮU CƯỜNG

Tư lệnh Quân khu 4

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.