Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:58 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Đối tượng tác chiến của khu vực phòng thủ (KVPT) trọng điểm ven biển thường là kẻ địch có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Vì thế, để xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương trong KVPT trọng điểm ven biển có đủ khả năng đối phó thắng lợi với cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của địch, chúng ta phải nắm vững quan điểm kết hợp nghệ thuật quân sự truyền thống với hiện đại; trên cơ sở đó, thực hiện các giải pháp đồng bộ, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau.
Một là, xây dựng bộ đội địa phương (BĐĐP) trong KVPT trọng điểm ven biển vững mạnh toàn diện. Lực lượng BĐĐP gồm các cơ quan, đơn vị thuộc bộ chỉ huy quân sự các tỉnh và ban chỉ huy quân sự các huyện (quận, thị xã), có vai trò làm nòng cốt tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và là trung tâm phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng để thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở địa phương. Để xây dựng BĐĐP vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả thời bình và thời chiến, vấn đề quan trọng hàng đầu là cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, tinh thần quyết tâm chiến đấu, quyết chiến quyết thắng cho bộ đội. Trong đó, căn cứ vào nhiệm vụ, điều kiện địa bàn, các đơn vị phải chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, mục tiêu chiến đấu của Quân đội, nhiệm vụ của đơn vị; nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn xâm lược cũng như những điểm mạnh và các mặt hạn chế của các loại vũ khí công nghệ cao của địch; trên cơ sở đó, huấn luyện cho bộ đội cách phòng tránh, đánh trả hiệu quả với các loại vũ khí này. Mặt khác, các đơn vị BĐĐP cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội biết phát huy những thế mạnh về tiềm lực, thế trận KVPT, ý chí khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kết hợp giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước với xây dựng bản lĩnh, ý chí chiến đấu, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, vận dụng phù hợp các biện pháp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình’’, bạo loạn lật đổ, cũng như tiến công xâm lược từ hướng biển của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc địa bàn. Bên cạnh đó, các đơn vị BĐĐP cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, các chỉ thị, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền địa phương, đảng ủy quân sự tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chăm lo xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Qua đó, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với LLVT địa phương.
Cùng với xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, các đơn vị BĐĐP trong KVPT trọng điểm ven biển cần được xây dựng vững mạnh về tổ chức biên chế, bảo đảm đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cả trong thời bình và thời chiến; trong đó, chú trọng xây dựng các tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, có đủ khả năng tác chiến độc lập cũng như tác chiến phối hợp với các binh đoàn chủ lực trong KVPT. Ở địa bàn vùng ven biển và các đảo gần bờ, nơi có nhiều mục tiêu trọng yếu cần bảo vệ, có thể biên chế tăng cường một số đơn vị binh chủng, như: pháo binh, phòng không, công binh, trinh sát, thông tin, vận tải... Trong thời bình, tổ chức biên chế, trang bị của các đơn vị BĐĐP trong KVPT trọng điểm ven biển có thể chỉ cần khung rút gọn, thậm chí là khung thường trực theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, phù hợp với nhiệm vụ tác chiến phòng thủ, phòng ngự ven biển, trên biển, đảo. Tuy nhiên, ở những địa bàn nhạy cảm, chiến lược có thể tổ chức một số đơn vị thường trực, nhằm đáp ứng ngay với yêu cầu của các tình huống xảy ra. Trong thời chiến, tác chiến phòng thủ ven biển sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, biến động khó lường; cùng một lúc trong KVPT trọng điểm ven biển có thể xuất hiện nhiều loại mục tiêu (cả trên không, mặt biển và dưới lòng biển...). Vì vậy, các đơn vị BĐĐP trên địa bàn cần được bổ sung một số vũ khí, trang bị hiện đại, như: xe chiến đấu, các loại súng, pháo, tên lửa phòng không, tên lửa bờ, thủy lôi, thiết bị xây dựng bãi vật cản chống đổ bộ đường biển, để chủ động trong các tình huống tác chiến.
Bên cạnh đó, công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị BĐĐP trên địa bàn trọng điểm ven biển cũng là một trong những nội dung quan trọng mà cấp ủy, chỉ huy các cấp cần hết sức quan tâm. Theo đó, các đơn vị phải tập trung huấn luyện cho bộ đội giỏi cách đánh phân tán, nhỏ lẻ, thành thạo tác chiến hiệp đồng với bộ đội chủ lực trên địa hình ven biển, trên biển, cả trong phòng ngự, tiến công, đánh địch đột nhập, vu hồi, đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, dẹp bạo loạn,... giữ vững các mục tiêu trọng yếu của tỉnh và địa bàn trọng điểm của quân khu. Hằng năm, ngoài kế hoạch huấn luyện thường xuyên, các đơn vị BĐĐP trong KVPT trọng điểm ven biển cần chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương và LLVT trên địa bàn thực hiện tốt kế hoạch huấn luyện, diễn tập KVPT, diễn tập chống đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, diễn tập chiến đấu - trị an, diễn tập tìm kiếm, cứu nạn trên biển,... để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.
Hai là, coi trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) trong KVPT trọng điểm ven biển “vững mạnh, rộng khắp”. Lực lượng DQTV với tính chất “rộng khắp, vững chắc” có vị trí quan trọng trong tác chiến phòng thủ của KVPT. Để xây dựng lực lượng này, các địa phương trong KVPT trọng điểm ven biển phải căn cứ vào Luật DQTV, các văn bản pháp luật của Chính phủ, các thông tư, chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, quân khu và khả năng thực tế, đặc điểm địa bàn để xác định nội dung, phương pháp xây dựng cho phù hợp. Trước hết, đối với lực lượng DQTV hoạt động sản xuất, kinh doanh ven bờ, do cơ chế hoạt động khác nhau và thường xuyên thay đổi về địa bàn hoạt động, nên các địa phương phải căn cứ vào điều kiện cụ thể từng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, địa bàn hoạt động để tổ chức theo các quy mô tiểu đội, trung đội, đại đội hoặc hải đội, tiểu đoàn, hải đoàn. Riêng địa bàn các xã, phường, thị trấn ven biển, xã đảo có phương tiện hoạt động ven biển, trên biển, các địa phương cần phối hợp với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng để huấn luyện, diễn tập các phương án tác chiến, giữ vững chủ quyền an ninh biển, đảo của Tổ quốc.
Đối với lực lượng DQTV hoạt động sản xuất, kinh doanh trên biển và các đảo gần bờ, cần tổ chức theo các thuyền, đội tàu, đoàn tàu, theo đảo, cụm đảo với trang bị vũ khí gọn nhẹ, có phương tiện quan sát, phát hiện địch trên biển và phương tiện thông tin liên lạc chất lượng cao. Lực lượng DQTV cơ động, cần tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; năng lực sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị có trong biên chế, giỏi cách đánh sở trường, phối hợp với BĐĐP, bộ đội chủ lực, cơ động xử trí các tình huống và thực hiện các nhiệm vụ khác trong KVPT. Phương tiện, vũ khí trang bị của lực lượng này cần biên chế gọn nhẹ, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; cần ưu tiên về phương tiện cơ động, thông tin liên lạc, phương tiện giám sát an ninh người và hàng hoá tại các bến cảng trên toàn tuyến ven biển. Riêng lực lượng tự vệ ở các khu kinh tế, khu công nghiệp và công ty liên doanh ven biển, phải tuỳ thuộc vào năng lực cụ thể của các doanh nghiệp, số lượng cán bộ, công nhân mà tổ chức cho phù hợp. Quy mô tổ chức có thể từ cấp tiểu đội, trung đội đến đại đội hoặc tiểu đoàn. Đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng tại các ban, ngành địa phương, cơ sở xã, phường và các đơn vị, cần tiếp tục thông qua công tác giáo dục quốc phòng - an ninh ở các địa phương để nâng cao trình độ, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Cùng với công tác sắp xếp về tổ chức biên chế, công tác huấn luyện lực lượng DQTV ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong KVPT trọng điểm ven biển phải được quán triệt và thực hiện tốt theo phương châm huấn luyện: “Cơ bản, thiết thực, chất lượng”, tập trung có trọng điểm, sát với nhiệm vụ của từng đơn vị, địa bàn công tác. Trong đó, các đơn vị cần đi sâu huấn luyện cho lực lượng DQTV thành thục các phương án: tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch,... giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Ba là, xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV) vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả thời bình và thời chiến. Đây là lực lượng sẵn sàng bổ sung cho các đơn vị BĐĐP, nên có vai trò quan trọng trong KVPT. Do vậy, các địa phương thuộc địa bàn KVPT trọng điểm ven biển cần có kế hoạch xây dựng lực lượng này vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Muốn vậy, trước hết, cấp uỷ, chính quyền địa phương của tỉnh và huyện trong KVPT trọng điểm ven biển cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của lực lượng DBĐV; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ này. Hằng năm, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, ban chỉ huy quân sự các huyện trong KVPT trọng điểm ven biển cần chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện tốt việc rà soát, kiểm tra nắm chắc số lượng, chất lượng lực lượng DBĐV và thực hiện chặt chẽ công tác đăng ký, quản lý nguồn DBĐV trên địa bàn. Đối với các trung đoàn DBĐV của tỉnh và tiểu đoàn DBĐV của huyện, quá trình tổ chức biên chế và huấn luyện cần sắp xếp theo chuyên môn kỹ thuật quân sự, chức vụ như khi quân nhân đang tại ngũ, trên cơ sở gần, gọn địa bàn, phù hợp với khu dân cư, nhằm tạo thuận lợi trong công tác huy động và quản lý. Mặt khác, các đơn vị DBĐV trong KVPT trọng điểm ven biển có thể dựa vào kế hoạch, các phương án tác chiến được giao để tổ chức xây dựng lực lượng và điều chỉnh biên chế, trang bị cho phù hợp với nhiệm vụ của mình. Trường hợp các đơn vị DBĐV của tỉnh, huyện có một số quân nhân DBĐV biên chế chưa đúng chuyên nghiệp quân sự, các đơn vị DBĐV cần xây dựng kế hoạch huấn luyện chuyển ngạch để mọi quân nhân nhanh chóng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Hằng năm, các đơn vị trong KVPT trọng điểm ven biển cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực để thực hiện tốt công tác huấn luyện, kiểm tra, phúc tra, nâng cao chất lượng DBĐV trên địa bàn, bảo đảm sẵn sàng cơ động chiến đấu được ngay khi có lệnh.
Thiếu tướng TRẦN HỮU TUẤT
Phó Tư lệnh Quân khu 4
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc