Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 10/09/2013, 08:44 (GMT+7)
Mấy vấn đề về xây dựng lực lượng tự vệ và dân quân thường trực ở các khu công nghiệp trên địa bàn Quân khu 7

Những năm gần đây, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xây dựng lực lượng tự vệ trong các khu công nghiệp. Bằng sự năng động, sáng tạo của mình, các địa phương trên địa bàn Quân khu 7 đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn này.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Quân khu 7 có gần 20.000 doanh nghiệp, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó, hơn 4.000 doanh nghiệp có từ 50 lao động trở lên và một bộ phận doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa thành các công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Ngoài ý nghĩa quan trọng về kinh tế, các doanh nghiệp này còn có vai trò quan trọng về quốc phòng - an ninh (QP-AN) khi tổ chức xây dựng được lực lượng tự vệ (LLTV). Vấn đề này được Quân khu 7 quan tâm và sớm chỉ đạo xây dựng “thí điểm” LLTV ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) có điều kiện tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, làm cơ sở rút kinh nghiệm để các địa phương, cơ sở vận dụng và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhất là việc thay đổi các chức danh: hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, giám đốc, chủ doanh nghiệp... nên LLTV ở các cơ sở đã được xây dựng có xu hướng bị thu hẹp, thậm chí nhiều cơ sở giải tán, ngừng hoạt động. Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển; tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn các khu công nghiệp (KCN) diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình đó, Quân khu 7 đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự ở các KCN; trong đó, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn các KCN là một giải pháp. Để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, vận dụng vào việc tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở các KCN, chúng tôi xin đề cập một số vấn đề cụ thể sau:

Một là, tiếp tục duy trì và phát triển LLTV ở các doanh nghiệp đủ điều kiện. Công tác xây dựng LLTV trong các doanh nghiệp trên địa bàn Quân khu 7 được triển khai thực hiện rất sớm và đạt được kết quả tốt, nhất là hiệu quả của LLTV trong hoạt động tuần tra, bảo vệ sản xuất, tài sản của doanh nghiệp; tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn doanh nghiệp đứng chân, góp phần tăng cường sức mạnh QP-AN ở cơ sở. Thực tế cho thấy, khi mà trên địa bàn Quân khu 7 mới chỉ có “tam giác” kinh tế (thành phố Hồ Chí Minh –   Đồng Nai – Bà Rịa - Vũng Tàu), thì LLTV ở các DNNNN phát triển tương đối tốt. Nhưng đến nay, có Luật Dân quân tự vệ, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển LLTV ở các doanh nghiệp, thì lực lượng này lại giảm đi đáng kể (7/9 tỉnh (thành phố) trên địa bàn Quân khu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), phần lớn chỉ còn các Ban Chỉ huy Quân sự trên danh nghĩa, hoạt động kém hiệu quả. Đó là một nghịch lý! Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có tác động của sự suy thoái kinh tế và hiện tượng các doanh nghiệp nhà nước khi chuyển sang cổ phần hóa, chỉ duy trì hoạt động của LLTV thời gian ngắn, sau đó cầm chừng và một số ngừng hoạt động. Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt các địa phương cần rà soát lại số doanh nghiệp còn tổ chức LLTV, có biện pháp hỗ trợ để tiếp tục duy trì, phát triển.

Hai là, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và các đối tượng về xây dựng LLTV. Đặc biệt, phải nâng cao nhận thức của chủ các DNNNN về hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới; sản xuất đi đôi với bảo vệ sản xuất; xác định tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp không chỉ trong kinh tế, mà cả trong nhiệm vụ QP-AN. Bởi vì, ngay cả “Doanh nghiệp chưa tổ chức LLTV, thì chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của chủ doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ ở địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động”1. Đồng thời, phê phán các quan điểm sai trái, nhận thức lệch lạc của một số người cho rằng, nhiệm vụ QP-AN là của Quân đội và Công an. Cần thấy rằng, trong khi các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chống phá ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế là một trọng điểm; thông qua đầu tư để chống phá ta về tư tưởng, làm cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ phai mờ mục tiêu, lý tưởng, lơ là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thì xây dựng dân quân tự vệ nói chung, LLTV trong các DNNNN nói riêng là vấn đề vừa có tính cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài.

Ba là, tổ chức xây dựng LLTV  “... phù hợp về quy mô lao động, tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với tổ chức, hoạt động của dân quân tự vệ”2. Công tác tổ chức, xây dựng LLTV, công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự và bảo đảm các chế độ, chính sách... đã được quy định rõ trong Luật Dân quân tự vệ và Nghị định 58/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Căn cứ vào luật, nghị định, thông tư,... cơ quan quân sự các huyện (thị) chủ động phối hợp với Ban quản lý, chủ doanh nghiệp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLTV theo quy định. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khó khăn nhất trong việc tổ chức, triển khai xây dựng LLTV ở các KCN hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng. Trong khi đó, bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc LLTV đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức cơ sở đảng, nhưng có vị trí quan trọng, có nhu cầu xây dựng LLTV, được chủ doanh nghiệp đồng tình, thì tổ chức đảng của KCN (nếu có) hoặc của địa phương (Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thị) nơi doanh nghiệp hoạt động sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo tự vệ. Một vấn đề gây rất nhiều trở ngại cho việc tổ chức, xây dựng LLTV là các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chủ doanh nghiệp, hội đồng quản trị hầu hết là người nước ngoài; đội ngũ công nhân trong các KCN cũng hầu hết là người từ các địa phương khác đến hợp đồng lao động, lại thường xuyên biến động. Tình hình đó cho thấy, việc tổ chức, xây dựng LLTV ở các DNNNN đang đặt ra những vấn đề cần phải được nghiên cứu, tháo gỡ. Hiện nay, Quân khu 7 đang chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành khảo sát nắm chắc số lượng và tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn nói chung, DNNNN nói riêng làm cơ sở để chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn các đơn vị tự vệ, bảo đảm số lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động theo quy định của pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ của từng tỉnh (thành phố). Cùng với các biện pháp, chế tài đã có, Quân khu đề nghị cấp trên khi xét thi đua - khen thưởng cấp Nhà nước đối với các doanh nghiệp, phải xem xét đến tiêu chí doanh nghiệp đó có thực hiện Luật Dân quân tự vệ hay không để tạo sự công bằng trong thực hiện các quy định của pháp luật.

Để khắc phục tình trạng “khuyết” LLTV trong các DNNNN và xuất phát từ tình hình an ninh trật tự phức tạp ở các KCN, tháng 7-2011, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự làm tham mưu và tổ chức xây dựng thí điểm “mô hình” lực lượng dân quân thường trực (DQTT) phối hợp với các lực lượng chức năng giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn có các KCN, trước hết tổ chức ở KCN Việt Nam – Xin-ga-po (VSIP I). Sau 8 tháng hoạt động có hiệu quả, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Quân khu 7 cho phép mở rộng mô hình này ra các KCN khác. Được sự chấp thuận của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về xây dựng mô hình lực lượng DQTT tại các địa phương có KCN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương chính thức ban hành các chỉ thị, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh có chỉ thị, hướng dẫn về tổ chức xây dựng lực lượng DQTT và phối hợp với Công an, cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban quản lý, Chủ đầu tư thống nhất chủ trương, khảo sát địa bàn, chọn vị trí xây dựng chốt, bảo đảm cho lực lượng này hoạt động tuần tra, đáp ứng yêu cầu cơ động nhanh, xử trí kịp thời các tình huống, vụ việc xảy ra trên địa bàn KCN và vùng giáp ranh, phụ cận. Lực lượng DQTT tại KCN được tuyển chọn từ trung đội DQTT cấp huyện (thị), dân quân cơ động của các xã (phường) có KCN; nơi ít một tiểu đội; nơi nhiều một trung đội (thiếu); được bảo đảm chế độ, chính sách theo quy định và chế độ bồi dưỡng tuần tra đêm; có trang bị vũ khí, trang phục theo Nghị định 58/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ. Các tiểu đội, trung đội DQTT này hoạt động theo Quy chế (độc lập và phối hợp), đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của UBND và chỉ huy trực tiếp của Ban Chỉ huy Quân sự cùng cấp. Để tạo điều kiện cho lực lượng DQTT hoạt động tuần tra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương tăng cường 01 xe ô tô cho DQTT tại KCN VSIP I, Ban Quản lý KCN bảo đảm xăng dầu; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Lễ hỗ trợ 01 xe ô tô, UBND Thị xã Dĩ An hỗ trợ 06 xe mô tô cho DQTT cụm KCN Sóng Thần 1, 2; UBND huyện Bến Cát hỗ trợ 04 xe mô tô cho DQTT cụm KCN Mỹ Phước I, v.v. 

Đây là mô hình sáng tạo, phù hợp với thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực. Sau hai năm thực hiện, lực lượng DQTT đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn có KCN, tổ chức tuần tra chung được 2.481 cuộc, bắt và chuyển cơ quan chức năng 105 vụ, với 232 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng dân quân tại các chốt còn độc lập tuần tra khép kín địa bàn khu vực giáp ranh được 2.545 cuộc, bắt và giao cơ quan chức năng xử lý 354 đối tượng trộm cắp, cướp giật, gây rối, thu hồi tài sản trị giá trên 2 tỷ đồng và nhiều phương tiện gây án khác..., góp phần tạo lòng tin cho nhân dân địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp và người lao động trong các KCN. Mô hình lực lượng DQTT trên địa bàn có KCN ở tỉnh Bình Dương đã được Bộ Quốc phòng đánh giá cao và chỉ đạo Quân khu 7 tổ chức Hội nghị sơ kết và triển khai trên toàn địa bàn Quân khu.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng lực lượng DQTT ở các KCN với việc củng cố, xây dựng LLTV trong các doanh nghiệp và các lực lượng chức năng sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp trong việc bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn có KCN. Đó còn là sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực QP-AN của địa phương và có thể nhân rộng.

Đại tá NGUYỄN THÀNH LIÊNG

_________________

1 - Luật Dân quân tự vệ, Điều 19.

2 - Sđd, Điều 19.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.