Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 23/11/2015, 08:17 (GMT+7)
Mấy vấn đề về tổ chức, sử dụng lực lượng tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Tác chiến phòng thủ chiến lược là loại hình tác chiến cơ bản trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, vấn đề tổ chức, sử dụng lực lượng là một nội dung trọng tâm, cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Hải quân Việt Nam tác chiến trên biển (Ảnh minh họa)

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), kẻ địch có thể tiến công xâm lược nước ta trên một hướng, khu vực, chiến trường hoặc phạm vi cả nước và có thể sử dụng nhiều lực lượng, vũ khí, trang bị công nghệ cao, tác chiến liên hợp, phi đối xứng, tình huống diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, tác chiến phòng thủ chiến lược của ta vẫn phải tiến hành trong điều kiện lấy nhỏ thắng lớn và vũ khí, trang bị kém hiện đại hơn địch. Vì vậy để giành thắng lợi trong tác chiến phòng thủ chiến lược, phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó, vấn đề tổ chức, sử dụng lực lượng giữ vai trò quyết định.

Tổ chức, sử dụng lực lượng trong tác chiến là tổng thể các hoạt động do người chỉ huy và cơ quan tham mưu tiến hành, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, ý định tác chiến đề ra. Đối với tác chiến phòng thủ chiến lược, vấn đề tổ chức, sử dụng lực lượng có vị trí hết sức quan trọng; thực hiện tốt sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, tập trung vào hướng, khu vực, chiến trường chủ yếu, để phá thế tiến công xâm lược của địch, giữ vững thế trận của ta. Đồng thời, ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận, đánh bại từng hướng tiến công, buộc địch sa lầy, suy yếu; tạo điều kiện, thời cơ chuyển sang phản công, tiến công chiến lược, giành thắng lợi.

Để tổ chức, sử dụng lực lượng tác chiến phòng thủ chiến lược đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới, xin nêu một số nội dung chính để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Một là, về tổ chức lực lượng trong tác chiến phòng thủ chiến lược. Đây là nội dung quan trọng trong ý định tác chiến phòng thủ chiến lược, là cơ sở cho người chỉ huy và cơ quan tham mưu sử dụng hiệu quả lực lượng tác chiến. Để tổ chức lực lượng tác chiến phòng thủ chiến lược phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, trước hết người chỉ huy, cơ quan tham mưu phải đánh giá, nắm chắc tình hình các mặt, nhất là tình hình địch, ta, nhiệm vụ, ý định tác chiến phòng thủ chiến lược, địa hình từng chiến trường, v.v. Trong đó, cần tập trung nắm chắc thực lực của ta, nhất là lực lượng cơ động của Bộ, các quân khu, quân chủng, binh chủng chiến đấu, bảo đảm và nguồn động viên trong chiến tranh để tổ chức lực lượng phù hợp. Lực lượng tác chiến phòng thủ chiến lược có thể được tổ chức ở nhiều quy mô, nhưng dù ở quy mô nào, người chỉ huy, cơ quan tham mưu cũng phải bám sát nguyên tắc, yêu cầu và vận dụng linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo vào điều kiện cụ thể từng hướng, chiến trường mới có thể đạt hiệu quả. Về quy mô tổ chức, trên cơ sở quyết tâm tác chiến bảo vệ Tổ quốc đã được xây dựng từ thời bình, người chỉ huy điều chỉnh lực lượng cơ động, lực lượng tại chỗ thành các cụm lực lượng chiến lược; cụm lực lượng chiến dịch; lực lượng tác chiến theo nhiệm vụ tác chiến chiến lược; lực lượng hoả lực và bảo đảm; lực lượng dự bị chiến lược sát yêu cầu, nhiệm vụ. Đối với cụm lực lượng chiến lược, mỗi chiến trường thường tổ chức từ 1 đến 2 cụm để tham gia tác chiến phòng thủ; chiến trường chủ yếu, trọng điểm có thể tổ chức nhiều hơn. Trường hợp tác chiến phòng thủ chiến lược diễn ra trên phạm vi cả nước, có thể tổ chức một số cụm lực lượng chiến dịch; trong đó, mỗi quân khu nằm trên hướng chủ yếu có thể tổ chức 1 đến 2 cụm lực lượng chiến dịch. Lực lượng tác chiến theo nhiệm vụ tác chiến chiến lược, có thể tổ chức một số lực lượng để thực hiện các trận phản công, tiến công, hỗ trợ cho cụm lực lượng chiến dịch, chiến lược tiêu diệt địch. Lực lượng hoả lực và bảo đảm, thường tăng cường cho dưới một bộ phận, lực lượng còn lại chiến trường tổ chức để chi viện chung. Lực lượng dự bị chiến lược tổ chức 02 sư đoàn đến quân đoàn và một số đơn vị quân chủng, binh chủng. Tuy nhiên, quy mô tổ chức mỗi lực lượng lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào tính chất, nhiệm vụ, điều kiện, đặc điểm cụ thể từng hướng, chiến trường và ý định của người chỉ huy.

Hai là, về sử dụng lực lượng trong tác chiến phòng thủ chiến lược. Trước hết, đối với cụm lực lượng chiến lược. Đây là lực lượng chủ yếu thực hiện các chiến dịch, chiến dịch - chiến lược trong giai đoạn địch tiến công trên bộ, nhằm làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta, tạo thời cơ chuyển sang phản công, tiến công chiến lược giành thắng lợi. Trong mỗi cụm lực lượng chiến lược, lực lượng được sử dụng tùy thuộc vào đặc điểm, nhiệm vụ, điều kiện cụ thể từng chiến trường, nhưng thường từ 02 sư đoàn bộ binh đến quân đoàn hoặc hơn và một số đơn vị quân chủng, binh chủng, ngành của Bộ, quân khu. Khi địa bàn chiến lược bị hạn chế khả năng cơ động hoặc bị địch tiến công chia cắt chiến lược, chiến trường sử dụng cụm lực lượng chiến lược làm nhiệm vụ tác chiến độc lập ở các hướng. Hơn nữa, cụm lực lượng chiến lược được sử dụng chủ yếu cho các trận đánh trên địa bàn tác chiến phòng thủ chiến lược, lực lượng mỗi trận thường ở cấp trung đoàn, sư đoàn chủ lực quân khu, của Bộ, nhằm sát thương, tiêu hao, tiêu diệt, đánh bại các mũi, hướng tiến công của địch vào khu vực phòng thủ then chốt tỉnh, thành phố, bảo vệ mục tiêu trọng yếu. Trường hợp khi địch tiến công lực lượng lớn vào địa bàn, tại đó ta bị chia cắt chiến lược hoặc lực lượng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố không đủ sức ngăn chặn, Bộ Tư lệnh cụm chiến lược sử dụng các đơn vị đứng chân trên địa bàn mở chiến dịch phòng ngự để chặn địch. Khi địch tiến công đã bị ngăn chặn, Bộ Tư lệnh cụm lực lượng chiến lược cần nắm thời cơ, chủ động mở chiến dịch phản công hoặc tiến công trên một hướng chiến lược để tiêu diệt địch.

Cụm lực lượng chiến dịch có vai trò quyết định khi ta tổ chức các chiến dịch mà trên địa bàn không tổ chức cụm lực lượng chiến lược, nhằm nâng cao khả năng tác chiến độc lập, tạo sức mạnh tổng hợp trên từng địa bàn, kịp thời xử trí các tình huống trong quá trình tác chiến. Sử dụng lực lượng trong cụm lực lượng chiến dịch phải căn cứ vào tình hình các mặt, nhất là tình hình địch, ta, ý định tác chiến phòng thủ chiến lược trên chiến trường và khả năng các mặt bảo đảm. Mỗi cụm lực lượng chiến dịch thường sử dụng một số sư đoàn và đơn vị thuộc quân chủng, binh chủng, ngành, trung đoàn bộ đội địa phương của tỉnh, thành phố hoặc lực lượng cơ động của quân khu trong địa bàn tác chiến. Đối với cụm lực lượng chiến dịch của Bộ, sử dụng phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch phòng ngự quy mô nhỏ để bảo vệ hướng, địa bàn trọng điểm trong trường hợp địch tiến công, lực lượng của quân khu không đủ sức ngăn chặn. Khi thời cơ xuất hiện, sử dụng cụm lực lượng này mở chiến dịch phản công, tiến công quy mô nhỏ và vừa trên địa bàn trọng điểm, cùng với lực lượng tác chiến phòng thủ đánh bại biện pháp tác chiến chiến lược của địch. Với cụm lực lượng chiến dịch của quân khu, thường sử dụng khi mở chiến dịch phòng ngự để ngăn chặn hướng tiến công chủ yếu của địch vào địa bàn, bảo vệ hướng, mục tiêu trọng yếu; tạo điều kiện để thực hiện chiến dịch phản công, tiến công quy mô nhỏ và vừa, tiêu diệt lực lượng tiến công chủ yếu của địch, giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu. Khi chuyển sang giai đoạn phản công, tiến công chiến lược, quân khu trên hướng chủ yếu có thể sử dụng phần lớn các cụm lực lượng chiến dịch phối hợp với lực lượng cơ động của Bộ tiến hành một số chiến dịch, chiến dịch - chiến lược hoặc chiến dịch quyết chiến chiến lược. Quân khu trên hướng chiến lược quan trọng, hoặc hướng tác chiến phối hợp, có thể sử dụng cụm lực lượng chiến dịch tiến hành một số chiến dịch quy mô nhỏ nhằm thu hút, phân tán, chia cắt địch, tạo điều kiện để Bộ tập trung thực hiện chiến dịch - chiến lược.

Lực lượng tác chiến theo nhiệm vụ tác chiến chiến lược có thể sử dụng làm nhiệm vụ độc lập tác chiến bằng các trận đánh lớn cấp sư đoàn, sư đoàn tăng cường, tiêu diệt địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường không chiến lược, tiến công vượt điểm, vu hồi, chia cắt; tạo thời cơ cho các cụm lực lượng chiến lược, chiến dịch thực hiện các đòn đánh trọng điểm, quyết định.

Lực lượng hỏa lực và bảo đảm là lực lượng quan trọng, có thể sử dụng một số lực lượng quân chủng tăng cường cho các cụm lực lượng chiến lược, chiến dịch. Trong đó, lực lượng phòng không, không quân, nhất là các lữ đoàn, sư đoàn phòng không, không quân của Bộ và lực lượng phòng không của quân khu, khu vực phòng thủ địa phương, sử dụng để quản lý không phận, kịp thời phát hiện địch trên không, thông báo, báo động cho các lực lượng phòng tránh, đánh địch, bảo vệ an toàn các mục tiêu, lực lượng tác chiến. Đồng thời, chi viện cho lực lượng cơ động của Bộ và quân khu tiến hành các đòn đánh, các chiến dịch trên hướng chiến lược quan trọng. Lực lượng các vùng, lữ đoàn, các đơn vị đặc công và tên lửa bờ của hải quân, sử dụng phối hợp với hoạt động tác chiến trên bộ, nhất là các chiến dịch của lục quân trên hướng biển, tiến hành tập kích các tàu vận tải, tàu hỏa lực, sinh lực, cảng lâm thời và khu vực chuyển tàu của địch; chi viện hoặc đánh chiếm các đảo, đánh phá giao thông vận tải trên biển của địch. Các binh chủng chiến đấu (lực lượng tăng - thiết giáp, đặc công, tác chiến điện tử, pháo binh, tên lửa), sử dụng một lực lượng tăng cường cho các cụm lực lượng chiến lược, chiến dịch, lực lượng còn lại để chi viện chung. Lực lượng binh chủng bảo đảm (trinh sát, quân báo, hóa học, các trung đoàn, lữ đoàn công binh, thông tin...), thường sử dụng để bảo đảm cho các lực lượng cơ động của Bộ, quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và hướng tác chiến chiến lược chủ yếu. Các lực lượng chuyên trách binh chủng (pháo binh, công binh…), sử dụng kết hợp với lực lượng địa phương, thực hiện đánh hiểm, đánh sâu, đánh tiêu diệt và quấy rối các mục tiêu trọng yếu của địch. Các đơn vị hậu cần, kỹ thuật chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, bảo đảm kịp thời, liên tục cho các lực lượng tác chiến, ưu tiên chiến trường chủ yếu, lực lượng chủ lực, các chiến dịch phòng ngự, phản công, tiến công tiêu diệt địch. Lực lượng các ban, ngành, đoàn thể nhân dân được sử dụng theo nhiệm vụ tác chiến.

Lực lượng dự bị chiến lược do Bộ hoặc chiến trường nắm, thường sử dụng để xử trí các tình huống tác chiến, khi cần có thể sử dụng một lực lượng tăng cường cho dưới để thực hiện nhiệm vụ tác chiến khác. Lực lượng này có thể từ 02 sư đoàn đến quân đoàn và một số đơn vị thuộc quân chủng, binh chủng chiến đấu, bảo đảm.

Trong thực tế chiến tranh, các tình huống tác chiến phòng thủ chiến lược sẽ biến động rất cao, phức tạp. Để phát huy được sở trường, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đòi hỏi người chỉ huy và cơ quan tham mưu phải nắm chắc tình hình, tổ chức, sử dụng lực lượng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện mỗi chiến trường mới có thể giành thắng lợi.

Đại tá, TS. ĐẶNG QUANG MINH, Khoa Chiến lược - Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.