Thứ Năm, 21/11/2024, 23:09 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Trong tác chiến chiến lược nói chung, tác chiến phòng thủ chiến lược nói riêng, chúng ta luôn phải đối phó với lực lượng địch tiến công cả về đường bộ, đường biển và đường không; trong đó có đổ bộ đường không chiến lược. Để giành thắng lợi, việc nghiên cứu về tổ chức, sử dụng lực lượng đánh địch đổ bộ đường không chiến lược là vấn đề quan trọng, cấp thiết.
Thực tế một số cuộc chiến tranh cục bộ trên thế giới gần đây cho thấy, đổ bộ đường không là phương thức tác chiến được vận dụng phổ biến ở cả quy mô chiến thuật, chiến dịch và chiến lược. Đối với nước ta, khi tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), cùng với lực lượng tiến công đường bộ, đường biển, địch còn tổ chức lực lượng đổ bộ đường không chiến lược vào bên sườn, phía sau trong chiều sâu phòng thủ. Mục đích nhằm chia cắt chiến lược và phối hợp với các hướng, mũi tiến công khác đẩy nhanh tốc độ đánh chiếm các khu vực trọng yếu của đất nước, hòng nhanh chóng hoàn tất mục tiêu chiến tranh. Theo các tài liệu nghiên cứu, khi thực hành đổ bộ đường không chiến lược, lực lượng địch thường gồm một số lữ đoàn tinh nhuệ, hoặc có thể hơn, được chi viện hỏa lực và bảo đảm. Để đánh thắng lực lượng đổ bộ đường không chiến lược của địch, giữ vững thế trận tác chiến phòng thủ chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tác chiến tiếp theo, đòi hỏi người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến lược phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó, vấn đề tổ chức, sử dụng lực lượng là một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định.
Lực lượng đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong loại hình tác chiến chiến lược này do cấp chiến lược tổ chức, chỉ huy và điều hành. Có thể gồm các binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược của Bộ (chiến trường); lực lượng các quân chủng, binh chủng; lực lượng vũ trang và nhân dân trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trên địa bàn tác chiến của quân khu. Tùy tình hình và trường hợp cụ thể mà chiến trường sử dụng lực lượng đánh địch đổ bộ đường không chiến lược ở quy mô thích hợp. Song, dù trường hợp nào, người chỉ huy và cơ quan tham mưu cũng đều phải dựa trên cơ sở nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, khả năng của ta và địa hình, thời tiết để sử dụng cho phù hợp; trong đó, việc sử dụng lực lượng với những quy mô khác nhau theo từng giai đoạn tác chiến là vấn đề rất quan trọng.
Trước hết, tổ chức, sử dụng lực lượng đánh địch trong giai đoạn ở khu vực tập kết lên máy bay. Đây là khu vực địch tổ chức tập kết lực lượng lên máy bay trước khi cơ động đến vị trí đổ bộ đường không. Khu vực này có thể trên đất liền, ở các đảo, quần đảo ven bờ, căn cứ quân sự hoặc từ tàu sân bay trên biển của địch. Để đánh lực lượng này, tư lệnh chiến trường cần nắm chắc tình hình các mặt, nhất là tình hình địch, đặc biệt về thời gian, địa điểm địch tập kết lực lượng, trên cơ sở đó, tổ chức, sử dụng một lực lượng không quân, hải quân, tên lửa tầm xa, các phân đội pháo binh hoặc phân đội đặc công trang bị gọn nhẹ, bí mật, bất ngờ đánh hiểm vào đội hình ở khu tập kết của địch. Qua đó, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận lực lượng, phương tiện của địch, gây tâm lý hoang mang, buộc địch phải đối phó và tạm dừng để củng cố lực lượng, tạo điều kiện về mặt thời gian cho các đơn vị của ta hoàn thiện công tác tổ chức chuẩn bị tác chiến. Tuy nhiên, khu vực tập kết lực lượng đổ bộ đường không của địch là nơi quan trọng, chúng thường bố trí nhiều lực lượng, phương tiện để bảo vệ, muốn thực hiện được, người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến trường phải nghiên cứu nắm chắc tình hình, xây dựng kế hoạch phù hợp, tổ chức, sử dụng lực lượng tác chiến chặt chẽ, đúng thời cơ mới có thể mang lại hiệu quả.
Hai là, tổ chức, sử dụng lực lượng đánh địch trên đường bay và tác chiến tạo thế. Giai đoạn này, địch thường tổ chức, sử dụng một số máy bay vận tải hoặc máy bay trực thăng bay theo các tốp trên những đường bay nhất định để vận chuyển lực lượng từ khu vực tập kết đến các bãi đổ bộ đường không đã dự kiến. Tuy vậy, việc xác định đường bay, khu vực, bãi đổ bộ của địch rất phức tạp, vì chúng thường sử dụng các thủ đoạn, như: gây nhiễu sóng, nghi binh các đường bay, sử dụng hỏa lực đánh phá dọn bãi, tổ chức đổ bộ giả và có thể nhanh chóng thay đổi phương án. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, việc tổ chức, sử dụng lực lượng của chiến trường phải bảo đảm đánh được địch và đánh liên tục trên đường bay và tác chiến tạo thế để khống chế, lừa dụ, vây ép địch, buộc chúng phải đổ bộ vào khu vực, phương án ta đã lựa chọn. Đây là vấn đề quan trọng nhất trong tổ chức, sử dụng lực lượng đánh địch đổ bộ đường không chiến lược; là chìa khóa để mở ra các giai đoạn tác chiến tiếp theo.
Để thực hiện được điều đó, người chỉ huy và cơ quan tham mưu cần chủ động nắm chắc tình hình, dự kiến được nhiều phương án; tổ chức, sử dụng lực lượng phòng không nhân dân các khu vực phòng thủ địa phương là chủ yếu; kết hợp với một phần lực lượng (cấp tiểu đoàn, đến trung đoàn thiếu) súng, pháo phòng không tầm thấp của chiến trường, bố trí đánh rộng khắp, nhưng tập trung trọng điểm vào hành lang bay, khu vực dự kiến địch đổ bộ để đánh máy bay địch, buộc chúng phải đổ bộ vào nơi ta dự kiến. Cùng với đó, chiến trường cần tổ chức, sử dụng một phần lực lượng công binh, thông tin, kỹ thuật, dân quân tự vệ và nhân dân địa phương trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện xây dựng các bãi chống đổ bộ, như: chông, mìn, cạm bẫy, trận địa giả, mô hình giả, kết hợp với lực lượng phòng không để nghi binh, khống chế, vây ép, buộc địch phải đổ quân vào những khu vực ta đã dự kiến, chuẩn bị sẵn thế trận.
Khi chúng bắt đầu đổ quân, chiến trường tổ chức, sử dụng một số tiểu đoàn, trung đoàn bộ đội địa phương (trên địa bàn tác chiến), kết hợp với các loại hỏa lực pháo binh, phòng không, tổ chức đánh rộng khắp, ngăn chặn, kìm giữ, không cho địch ổn định đội hình và liên kết giữa các khu vực đổ bộ với nhau và giữa lực lượng đổ bộ với lực lượng tiến công đường bộ; tạo thế, tạo thời cơ có lợi cho các sư đoàn chủ lực cơ động của chiến trường vào thực hiện các chiến dịch phản công, tiến công, trận đánh tiêu diệt địch đổ bộ đường không chiến lược. Trên địa bàn có các mục tiêu trọng yếu, như: khu vực quân sự, trung tâm kinh tế - chính trị, sân bay, kho tàng,… tùy theo tính chất, mức độ quan trọng, chiến trường có thể sử dụng đến một trung đoàn bộ binh hoặc hơn để tổ chức phòng ngự bảo vệ mục tiêu.
Ba là, tổ chức, sử dụng lực lượng trong giai đoạn tiến hành các chiến dịch tiến công, phản công, trận đánh tiêu diệt địch đổ bộ đường không chiến lược. Khi lực lượng tác chiến tạo thế của chiến trường đã khống chế, lừa dụ, vây ép, buộc địch phải đổ bộ đường không chiến lược xuống đúng hoặc gần khu vực ta dự kiến được khoảng 2/3 quân số, đội hình của chúng chưa ổn định, là thời cơ để chiến trường tổ chức, sử dụng lực lượng cơ động vào tiêu diệt địch.
Trường hợp địch đổ bộ đường không tập trung trên một khu vực, chiến trường có thể tổ chức, sử dụng lực lượng để mở chiến dịch phản công, tiến công quy mô nhỏ và vừa là chủ yếu để tiêu diệt địch. Theo đó, việc tổ chức, sử dụng lực lượng thực hiện các chiến dịch phản công, tiến công đó thường từ một đến một số sư đoàn chủ lực cùng với các tiểu đoàn, trung đoàn xe tăng, pháo binh, phòng không và bảo đảm tác chiến. Hoặc, căn cứ vào tình hình thực tế, chiến trường có thể tổ chức, sử dụng các sư đoàn chủ lực của quân khu và lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trên địa bàn tác chiến để cùng tham gia phản công, tiến công tiêu diệt địch đổ bộ đường không chiến lược hoặc sử dụng làm nhiệm vụ tác chiến độc lập trên một khu vực, hướng khác. Trường hợp địch đổ bộ đường không chiến lược trên nhiều khu vực, địa bàn chia cắt cách xa nhau, chiến trường có thể tổ chức, sử dụng lực lượng thực hiện đồng thời hoặc lần lượt một số chiến dịch tiến công, trận đánh hiệp đồng quân chủng, binh chủng trên các khu vực để tiêu diệt địch. Quy mô lực lượng trong mỗi chiến dịch tiến công, trận đánh từ một trung đoàn đến sư đoàn chủ lực, được phối thuộc một số đơn vị binh chủng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn tác chiến, dưới sự chi viện của hỏa lực không quân, pháo binh, phòng không chiến trường trong suốt quá trình tác chiến.
Đối với lực lượng thuộc các quân chủng, binh chủng phối thuộc cho chiến trường, bao gồm: hải quân, phòng không - không quân, xe tăng, pháo binh - tên lửa, đặc công, tác chiến điện tử, công binh, thông tin, hóa học,… cần được tổ chức, sử dụng linh hoạt. Về nguyên tắc, chiến trường có thể phối thuộc một phần lực lượng này cho các lực lượng tiến công, phản công đánh địch đổ bộ đường không chiến lược, lực lượng còn lại tổ chức chi viện chung. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, nhằm chớp thời cơ tiêu diệt một bộ phận quan trọng địch đổ bộ đường không chiến lược, không cho chúng ổn định đội hình, có thể tăng cường hỏa lực cho các hướng chủ yếu, mục tiêu quan trọng, sau đó có sự điều chỉnh phù hợp, v.v.
Đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong tác chiến phòng thủ chiến lược luôn diễn ra nhanh chóng, quyết liệt, với nhiều tình huống diễn biến phức tạp; thậm chí, có tình huống diễn ra ngoài dự kiến, để xử trí tốt các tình huống, chiến trường phải tổ chức lực lượng dự bị chiến lược. Lực lượng này thường là các đơn vị chủ lực cơ động chiến lược hoặc các đơn vị chiến đấu luân phiên của chiến trường. Thành phần của lực lượng này có thể gồm: một số sư đoàn chủ lực cơ động và một số đơn vị quân chủng, binh chủng chiến đấu, bảo đảm của chiến trường. Trên hướng (khu vực) dự kiến đánh địch đổ bộ đường không chiến lược chủ yếu, chiến trường tổ chức, sử dụng từ một sư đoàn chủ lực trở lên và một số trung đoàn (hoặc nhiều hơn) thuộc quân chủng, binh chủng làm lực lượng dự bị chiến lược, có nhiệm vụ tăng cường lực lượng, hỏa lực cho các hướng, sẵn sàng cơ động xử trí tình huống chiến lược trong quá trình tác chiến. Tuy nhiên, khi sử dụng lực lượng dự bị chiến lược vào giải quyết các tình huống tác chiến, chiến trường phải nhanh chóng tổ chức lực lượng dự bị chiến lược mới để sẵn sàng cơ động xử trí các tình huống tiếp sau.
Như vậy, tổ chức, sử dụng lực lượng đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong tác chiến phòng thủ chiến lược thực chất là sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực. Việc tổ chức, sử dụng lực lượng tác chiến phù hợp, linh hoạt, sáng tạo sẽ phát huy được sở trường, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên chiến trường, đánh thắng địch đổ bộ đường không chiến lược, góp phần giữ vững thế trận tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, PGS, TS. ĐỖ VĂN ĐƠ, Học viện Quốc phòng
Đổ bộ đường không,phòng thủ chiến lược
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc