Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:18 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Trước yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, việc tổ chức hệ thống kho trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, cũng như phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng, song cũng đầy khó khăn, phức tạp, do yếu tố lịch sử để lại và sự phát triển mới của tình hình nhiệm vụ. Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các phương án triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này là rất cấp thiết.
Hệ thống kho trang bị kỹ thuật quân sự (sau đây viết tắt là hệ thống kho) thuộc hệ thống cơ sở bảo đảm kỹ thuật được tổ chức nhằm cất giữ và dự trữ vũ khí, trang bị, vật tư kỹ thuật trong tình trạng kỹ thuật tốt, đồng bộ để sẵn sàng bổ sung cho các đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.
Trong chiến tranh, hệ thống kho có vị trí rất quan trọng, là hậu cứ với nguồn dự trữ để bảo đảm trang bị kỹ thuật liên tục cho lực lượng vũ trang chiến đấu, nên luôn là một trong các mục tiêu quan trọng mà đối phương tập trung đánh phá, v.v. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Quân đội ta đã tổ chức, bố trí được hệ thống kho khá hoàn chỉnh, khoa học, vững chắc, góp phần chi viện kịp thời cho tiền tuyến. Tuy nhiên, do hình thành và phát triển trong chiến tranh giải phóng (với miền Bắc là hậu phương lớn và tận dụng hệ thống kho của Mỹ, Ngụy ở phía Nam,…), nên mặc dù đã được các cấp quan tâm điều chỉnh, quy hoạch, song so với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, hệ thống kho vẫn còn những bất cập. Đơn cử như: hệ thống kho bố trí không đồng đều, nhiều kho không còn phù hợp với phương án tác chiến cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương; việc phân cấp, phân vùng, phân tuyến bảo đảm thiếu đồng bộ; trữ lượng, chủng loại trang bị kỹ thuật dự trữ không sát yêu cầu; tổ chức kho không thống nhất, hạ tầng cơ sở không đủ tiêu chuẩn, xuống cấp, v.v. Thực tế đó đòi hỏi cần có các giải pháp tổng thể nhằm tổ chức hệ thống kho, bảo đảm vừa kế thừa thành quả đã đạt được, vừa phù hợp với những yêu cầu phát triển mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề trọng yếu sau:
Một là, tổ chức hệ thống kho gắn với xây dựng thế trận dự trữ và bảo đảm trang bị kỹ thuật sát yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Đây là nội dung then chốt, mang tính nguyên tắc, quyết định về tổ chức quy hoạch tổng thể hệ thống kho. Xuất phát từ đặc điểm và phương thức tác chiến hiện đại, việc sử dụng vũ khí công nghệ cao sẽ làm mờ ranh giới giữa tiền tuyến với hậu phương (nơi được coi là khu vực an toàn để dự trữ trang bị kỹ thuật). Mặt khác, do địa hình nước ta dài và hẹp, rất dễ bị chia cắt chiến lược; vì vậy, hệ thống kho cần được chủ động bố trí và tính toán cả về trữ lượng và chủng loại trang bị kỹ thuật dự trữ trong thời bình theo hướng: phù hợp cả nhu cầu bảo đảm cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tác chiến trong chiến tranh trên từng địa bàn chiến lược, từng khu vực dự kiến tác chiến và cần phân tán, tránh tổ chức các kho lớn, tập trung lượng dự trữ nhiều trong một khu vực. Điều này đảm bảo hệ thống kho có thế trận rộng khắp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, hình thành bảo đảm theo khu vực hoàn chỉnh, tránh tổn thất lớn khi bị tiến công; đồng thời, sẽ thực hiện được phương thức bảo đảm kỹ thuật linh hoạt, theo phân cấp, kết hợp giữa tại chỗ với cơ động.
Theo đó, về vị trí bố trí từng kho phải phù hợp với phương án tác chiến theo “Quyết tâm A” và quyết tâm tác chiến trong khu vực phòng thủ; sẵn sàng điều chỉnh thế trận dự trữ phù hợp với thực tế chiến tranh. Đặc biệt, cần có vị trí dự bị, sẵn sàng phân tán, sơ tán, di chuyển, dịch chuyển theo yêu cầu tác chiến chiến lược, chiến dịch; đồng thời, cũng phải thuận lợi cho quản lý, tiếp nhận, cấp phát. Về số lượng kho, trữ lượng, chủng loại trang bị, vật tư kỹ thuật, cần xác định trên cơ sở nhu cầu dự trữ trang bị, vật tư kỹ thuật tại các vùng, miền, khu vực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tránh chồng chéo về nhiệm vụ. Lượng dự trữ chủ yếu cần cất giữ và quản lý tại các kho cấp chiến lược theo quyết tâm tác chiến chiến lược; các kho cấp chiến dịch, chiến thuật chỉ nên cất giữ các loại trang bị kỹ thuật tốt, có trong biên chế để bảo đảm cho nhiệm vụ trực tiếp huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trường hợp không có điều kiện tổ chức kho cấp trên, có thể tính toán bố trí lượng dự trữ phù hợp tại các kho cấp dưới, song, phải bổ sung biên chế, vật tư, kinh phí đáp ứng nhu cầu thực hiện công tác kỹ thuật.
Hai là, tổ chức hệ thống kho đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã đề ra mục tiêu xây dựng tổ chức Quân đội tinh, gọn, mạnh, với định hướng rõ về điều chỉnh tổ chức ngành Kỹ thuật, nhất là thay đổi đầu ngành một số chuyên ngành và tinh giản tổ chức, biên chế mọi loại hình đơn vị, trong đó có hệ thống kho tàng quốc phòng. Theo đó, việc tổ chức hệ thống kho, nhất là các kho chuyên ngành sẽ có sự thay đổi tương đối lớn về đầu mối trực thuộc, chức năng, nhiệm vụ cất chứa, phân ngành và phạm vi bảo đảm, v.v. Để đáp ứng những yêu cầu này, việc tổ chức hệ thống kho cần xác định rõ quy mô tổ chức (kho, phân kho độc lập) và đầu mối trực thuộc của các kho trên cơ sở phân công mới về đầu chuyên ngành kỹ thuật hoặc theo phương án điều chuyển kho đảm bảo cho cấp chiến lược và cấp chiến dịch có đủ kho theo phương án tác chiến và phân cấp bảo đảm. Đồng thời, cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, biểu tổ chức, biên chế đơn vị và phạm vi bảo đảm, trữ lượng, chủng loại trang bị kỹ thuật cất giữ và dự trữ làm cơ sở quy hoạch tổng thể, xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của mỗi kho, phân kho đảm bảo chính quy, thống nhất. Với kho chiến lược (đầu ngành), cần tổ chức theo chuyên ngành, do từng chuyên ngành kỹ thuật trực tiếp quản lý và bảo đảm. Trường hợp không thể tổ chức kho chuyên ngành riêng mới tổ chức kho tổng hợp và giao cho một chuyên ngành quản lý chung, các chuyên ngành khác quản lý và bảo đảm cho phần trang bị kỹ thuật của chuyên ngành mình. Số lượng đầu mối kho chiến lược cần tinh giảm theo nguyên tắc: gọn theo vùng, miền; các kho cất chứa trang bị kỹ thuật cùng chủng loại ở gần nhau sẽ chuyển bớt thành phân kho độc lập trực thuộc đầu mối kho chính hoặc chuyển cho cấp chiến dịch quản lý (nếu kho nằm ở tuyến trước theo phương án tác chiến chiến lược); tránh gộp trữ lượng trang bị kỹ thuật về một kho để giảm đầu mối, do trong chiến tranh sẽ có yêu cầu cao về phân tán cơ sở kho tàng. Với kho chiến dịch, tổ chức theo hướng tổng hợp đa ngành và giao cho cơ quan kỹ thuật quản lý, điều hành tập trung cả trong thời bình và thời chiến. Số lượng kho chiến dịch điều chỉnh theo hướng số kho lẻ chuyển thành phân kho độc lập trực thuộc đầu mối kho chính. Với kho chiến thuật, tổ chức theo đầu mối đơn vị, cũng theo nguyên tắc tổng hợp đa ngành và do cơ quan kỹ thuật quản lý.
Cùng với đó, việc điều chỉnh tổ chức hệ thống kho cũng phải gắn với kế hoạch chuyển đổi số ngành Kỹ thuật Quân đội, đảm bảo quản lý, điều hành hệ thống kho và từng kho theo yêu cầu chính quy trên nền tảng số, xây dựng kho thông minh, đạt hiệu quả cao trong hoạt động thường xuyên cũng như sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong chiến tranh.
Ba là, tổ chức hệ thống kho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên toàn quốc và từng địa phương. Cho đến nay, phần lớn các kho đã được bố trí theo khu vực phù hợp với quyết tâm tác chiến của đơn vị. Tuy nhiên, nhiều kho vũ khí - đạn còn nằm trong doanh trại, gần khu dân cư, đô thị; một số trường hợp, do địa phương mở rộng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nên vị trí các công trình xây dựng mới không còn đảm bảo hành lang an toàn đối với kho tàng cũng như đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần có phương án điều chỉnh hệ thống kho để tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội cũng như góp phần xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trong tình hình mới. Thực hiện yêu cầu này, trước hết, ngành Kỹ thuật Quân đội cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị định số 148/2006/NĐ-CP, ngày 12/02/2006 của Chính phủ và Chỉ thị số 96/CT-BQP, ngày 07/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về khoảng cách an toàn của các kho bom, mìn, đạn dược. Đồng thời, rà soát độ an toàn của trang bị kỹ thuật, nhất là bom, mìn, đạn dược, hóa chất độc hại,... cất chứa tại kho tàng gần khu dân cư hoặc liên quan đến hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất phương án đảm bảo an toàn theo hướng: di chuyển vị trí kho tàng xa khu dân cư đông đúc; điều chuyển giảm trữ lượng những trang bị có thể gây nguy hiểm hoặc chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ cất giữ những loại hàng không gây nguy hiểm. Với trường hợp địa phương có nhu cầu mở rộng diện tích đất liên quan đến kho tàng cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các quân khu cần phối hợp làm việc về quy hoạch tổng thể cũng như cụ thể; xác định rõ tính chất cấp bách, khả năng chấp nhận, phương án thay thế, đền bù,... báo cáo Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
Ngoài ra, một vấn đề không nhỏ cần nghiên cứu giải quyết là, quá trình tồn tại hệ thống kho trong nhiều năm qua đã hình thành các “làng quân nhân” bên cạnh kho với nhiều thế hệ gia đình sinh sống ổn định. Trong khi đó, việc quy hoạch và tổ chức hệ thống kho theo yêu cầu mới chắc chắn phải tiến hành theo một số phương án: điều chỉnh ngành quản lý, cấp quản lý và phạm vi bảo đảm của kho; điều chỉnh quy mô (sáp nhập, chuyển kho thành phân kho), vị trí bố trí, giải thể kho, v.v. Tất cả các phương án này đều gây biến động không chỉ tổ chức, hoạt động mà cả tư tưởng của bộ đội và gia đình quân nhân. Do vậy, cần có những giải pháp phù hợp trong việc điều chỉnh tổ chức; nghiên cứu kỹ tình hình và có phương án giải quyết hậu phương đối với số quân nhân trong diện điều chỉnh; chú trọng bố trí vị trí làm việc phù hợp cho đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, nhất là khối nữ, tạo điều kiện ổn định gia đình,... để vẫn đáp ứng yêu cầu về tổ chức hệ thống kho; đồng thời, giảm thiểu tác động không cần thiết của yếu tố tâm lý - xã hội để bộ đội yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trên đây là những trao đổi khoa học về một số vấn đề đặt ra trong tổ chức hệ thống kho, đưa ra một số phương án để các cấp nghiên cứu, vận dụng, kịp thời phát hiện những điểm chưa hợp lý khi triển khai Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống kho vũ khí, trang bị kỹ thuật toàn quân giai đoạn 2018 - 2025 và các năm tiếp theo của Bộ Quốc phòng theo định hướng của Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Nghị quyết số 230-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.
Thiếu tướng, PGS, TS. PHẠM DŨNG TIẾN - Thiếu tá, ThS. NGUYỄN THANH TÙNG1 ______________
1 - Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Kho trang bị kỹ thuật,tổ chức hệ thống,xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,mấy vấn đề
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc