Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Bảy, 19/12/2020, 08:22 (GMT+7)
Mấy vấn đề về phòng, chống vũ khí và ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân

Hiện nay, quốc tế đã có Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân; tuy nhiên, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân và sự cố bức xạ hạt nhân vẫn hiện hữu, không chỉ trong chiến tranh mà ngay trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu giải pháp chủ động phòng, chống vũ khí hạt nhân và ứng phó có hiệu quả sự cố bức xạ, hạt nhân là vấn đề cấp thiết.

Kể từ khi quân đội Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) trong Thế chiến thứ II, cướp đi sinh mạng của hàng vạn người, nhân loại luôn đứng trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt sự sống trên trái đất1. Bên cạnh đó, nguy cơ khủng bố phát tán chất phóng xạ; sự cố do các nhà máy điện hạt nhân, phương tiện sử dụng năng lượng hạt nhân,… gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, môi trường và sức khỏe con người, v.v. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, cộng đồng quốc tế đã ra sức đấu tranh nhằm cấm việc phát triển, thử nghiệm, sản xuất, tàng trữ, chuyển giao, sử dụng và đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân, tiến tới thủ tiêu loại vũ khí nguy hiểm này. Tuy nhiên, đến nay, số quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không những không giảm mà còn tăng thêm. Nguy hiểm hơn là, một số quốc gia lợi dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy nhanh nghiên cứu, phát triển, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, làm cho chúng “thông minh” hơn, sức hủy diệt cao hơn và có thể lẩn tránh được sự giám sát của luật pháp quốc tế. Mặt khác, một số quốc gia, trong đó có các nước trong khu vực đã xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân; nguy cơ rò rỉ, phát tán phóng xạ do sự cố như ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản, năm 2011 là một ví dụ, làm gia tăng nguy cơ sự cố bức xạ, hạt nhân, v.v. Tình hình trên đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi chúng ta phải tích cực xây dựng, củng cố tiềm lực mọi mặt, nâng cao khả năng phòng, chống vũ khí hạt nhân và ứng phó có hiệu quả sự cố bức xạ và hạt nhân, làm giảm thiệt hại tới mức thấp nhất về người và tài sản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Do đặc điểm, tính chất hủy diệt của vũ khí hạt nhân và các tác nhân từ sự cố bức xạ, hạt nhân là vô cùng lớn; vì thế, để phòng, chống vũ khí hạt nhân, ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân đòi hỏi chúng ta phải chủ động huy động nguồn lực, sức mạnh của cả quốc gia, lấy Quân đội làm nòng cốt. Thực hiện mục tiêu đó, trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng hóa nói chung, phòng, chống vũ khí hạt nhân và ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân nói riêng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân về nhiệm vụ quan trọng này; tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực cho phòng, chống vũ khí hạt nhân và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên phạm vi quốc gia. Thực tiễn hiện nay cho thấy, đây là giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu. Để đạt hiệu quả, cùng với lồng ghép trong các chương trình giáo dục chính trị cơ bản, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp với cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, giáo dục về nguy cơ, tác hại, điểm mạnh, yếu của vũ khí hạt nhân, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống phổ biến, cấm vũ khí hạt nhân; nguy cơ sự cố, ý thức phòng ngừa và khả năng tự bảo vệ khi sự cố bức xạ, hạt nhân xảy ra, v.v. Trong quá trình triển khai, chú ý không tuyệt đối hóa uy lực của vũ khí hạt nhân hoặc thổi phồng nguy cơ, sự cố bức xạ, hạt nhân gây tâm lý hoang mang. Đẩy mạnh tuyên truyền làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ các nỗ lực giải trừ toàn diện, không phổ biến vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh quyền của các quốc gia trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế; tranh thủ sự hợp tác kỹ thuật, kinh tế, thương mại, đầu tư, tăng cường tiềm lực mọi mặt trong phòng, chống vũ khí hạt nhân và ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trên phạm vi quốc gia.

Hai là, chủ động nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình, nhất là tình hình về vũ khí hủy diệt lớn, sự cố bức xạ và hạt nhân để xây dựng, phát triển lực lượng, thế trận, kế hoạch đối phó toàn diện. Đây là giải pháp quan trọng, nền tảng để giảm thiểu thiệt hại do vũ khí hạt nhân và sự cố bức xạ, hạt nhân gây ra. Theo đó, các cơ quan chức năng, nòng cốt là Binh chủng Hóa học cần chủ động nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình phát triển các loại vũ khí hủy diệt lớn của thế giới và khu vực; âm mưu, thủ đoạn, các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật, quy mô sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai, cùng những nguy cơ sự cố hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân, thảm họa môi trường, nhất là nguy cơ phát tán phóng xạ lan truyền vào nước ta do sự cố các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chủ trương, biện pháp về tổ chức xây dựng lực lượng, bố trí thế trận phòng hóa trên từng khu vực, địa bàn, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm; xây dựng kế hoạch, sẵn sàng bảo đảm phòng, chống vũ khí hạt nhân, khủng bố, ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân,... không để bị động, bất ngờ. Cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Binh chủng Hóa học chủ động rà soát, bổ sung hoàn thiện, cụ thể hóa các văn bản quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống vũ khí hạt nhân và ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng, phương tiện; hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống vũ khí hạt nhân trong chuẩn bị, phát hiện, ứng phó sự cố; xác định rõ trách nhiệm của các lực lượng, quy chế hoạt động, mối quan hệ chỉ huy, chỉ đạo, hiệp đồng xử lý, khắc phục.

Trong tổ chức xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, các địa phương cần chú trọng xây dựng thế trận phòng hóa vững chắc, cơ động, linh hoạt, phù hợp, vừa giảm thiểu được tổn thất nếu địch sử dụng vũ khí hạt nhân, vừa chủ động ứng phó với các tình huống sự cố bức xạ, hạt nhân. Đồng thời, tăng cường luyện tập, diễn tập ứng cứu, khắc phục sự cố bức xạ hạt nhân, gắn với diễn tập khu vực phòng thủ, nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo, điều hành, sử dụng lực lượng ứng phó sự cố trong thời bình và khả năng vận dụng khi có tình huống.

Ba là, chú trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trong mọi tình huống. Để chủ động đối phó với nguy cơ tiềm ẩn cần nghiên cứu kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng Bộ đội Hóa học của từng cơ quan, đơn vị, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổ chức Quân đội trong tình hình mới. Trọng tâm là, xây dựng, hoàn thiện tổ chức, biên chế Trung tâm ứng phó sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân khu vực Bắc, Trung, Nam; Đội Khắc phục hậu quả môi trường ASEAN; Trung tâm hành động quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường (NACCET). Trong đó, ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ hóa học các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin; tinh thông nghiệp vụ, làm chủ trang bị mới, hiện đại; có năng lực tham mưu, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng trong tác chiến và ứng phó sự cố.

Để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, cơ quan chức năng cần nghiên cứu có chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút, giữ gìn và phát huy đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu; đa dạng hình thức đào tạo, nhất là tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các đối tác chuyển giao công nghệ sản xuất trang bị hóa học để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyên gia. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, điều hành và kỹ thuật ứng phó sự cố cho các đối tượng, nhất là cán bộ chỉ huy trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân; huấn luyện chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách, đủ khả năng xử lý các tình huống phức tạp trong nước và sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ trong khu vực và quốc tế khi có yêu cầu. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng tổ chức xây dựng, huấn luyện lực lượng phòng hóa kiêm nhiệm, dân quân tự vệ phòng hóa và toàn dân về các biện pháp giảm thiểu tác hại của các tác nhân phóng xạ, như: quan sát, phát hiện, thông tin, thông báo, báo động kịp thời dấu hiệu và hành động địch sử dụng vũ khí hạt nhân; cách che chắn, sơ tán, ẩn nấp; thực hiện các biện pháp khoanh vùng ô nhiễm, tẩy xạ sơ bộ,… đáp ứng yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả ban đầu tại địa bàn.

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống vũ khí hạt nhân và ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân. Hiện nay, khoa học - công nghệ quân sự, nhất là lĩnh vực hạt nhân, nguyên tử phát triển mạnh, đã và đang mở ra cơ hội và cả thách thức trong phòng, chống vũ khí hạt nhân, ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân. Vì vậy, các cơ quan chức năng, trực tiếp là Binh chủng Hóa học cần tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu phóng xạ, dự đoán, dự toán thiệt hại do địch sử dụng vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật, chiến dịch, chiến lược và trong các sự cố bức xạ, hạt nhân để xây dựng phương án ứng phó; tự động hóa hệ thống chỉ huy tham mưu, kiểm soát,… giúp người chỉ huy lên phương án đối phó khi có tình huống khẩn cấp. Đẩy mạnh đầu tư mua sắm trang bị, phương tiện theo hướng: đồng bộ, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, nâng cao tính năng kỹ, chiến thuật, độ tin cậy cao, phù hợp với môi trường hoạt động và điều kiện kinh tế đất nước. Tập trung nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ rô bốt, vật liệu mới, internet kết nối vạn vật, công nghệ nanô, in 3D,… để hiện đại hóa dây chuyền công nghệ sản xuất trang bị hóa học hiện có; chế tạo các trang thiết bị trinh sát, quan trắc phóng xạ; các thiết bị tẩy xạ; UAV, rô bốt trinh sát, cứu hộ, cứu nạn,... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng hóa học chuyên trách và kiêm nhiệm.

Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế, nhằm chia sẻ thông tin, huy động nguồn lực; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm phòng, chống vũ khí hạt nhân và ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân của các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến. Tranh thủ sự giúp đỡ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các tổ chức quốc tế để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường tiềm lực bảo đảm an ninh, an toàn bức xạ quốc gia và ứng phó sự cố. Tích cực tham gia các cuộc diễn tập quốc tế; các cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng; tham gia hoạt động của Ủy ban ASEAN về phòng, chống thiên tai (ACDM), Hiệp định Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER),... góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đại tá NGUYỄN ĐÌNH HIỀN, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học
__________________

1 - Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Khoa học Mỹ năm 2017, trên thế giới có khoảng 14.900 đầu đạn hạt nhân, khoảng 2.000 tấn nguyên liệu hạt nhân. Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), từ cuối thế kỷ XX đến nay, có khoảng 2.800 vụ buôn bán trái phép, sở hữu bất hợp pháp, mất cắp các nguyên liệu hạt nhân.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.