Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 14:49 (GMT+7)
Mấy vấn đề về nâng cao chất lượng diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp tiểu đoàn pháo binh hiện nay

Diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp (CTVTH) là hình thức diễn tập có tính ứng dụng cao, huấn luyện tổng hợp nhiều nội dung, sát thực tế chiến đấu, nhằm nâng cao trình độ và khả năng chiến đấu của đơn vị. Đây cũng là hình thức diễn tập chủ yếu trong các đơn vị pháo binh hiện nay. Do đó, nghiên cứu các biện pháp nâng cao chất lượng diễn tập CTVTH cấp tiểu đoàn pháo binh là vấn đề quan trọng, thiết thực.

 

Tiểu đoàn pháo binh được biên chế trong đội hình trung (lữ) đoàn pháo chiến thuật, chiến dịch, các sư đoàn bộ binh, là đơn vị chiến thuật cơ bản của pháo binh. Trong chiến đấu, tiểu đoàn pháo binh thường nằm trong đội hình pháo binh cấp trên hoặc độc lập để chi viện hoả lực cho lực lượng binh chủng hợp thành. Diễn tập CTVTH tiểu đoàn pháo thường vận dụng các hình thức một bên hoặc hai bên; diễn tập có hoặc không bắn đạn thật. Đặc trưng cơ bản của diễn tập CTVTH là đơn vị diễn tập phải liên tục thực hiện các nhiệm vụ hành quân, trú quân, tổ chức chuẩn bị và thực hành các trận chiến đấu bằng nhiều hình thức chiến thuật khác nhau, trong không gian rộng, thời gian dài (cấp tiểu đoàn thường từ 5 đến 7 ngày đêm, hoặc có thể dài hơn), nhiều loại địa hình, cường độ luyện tập cao; bao gồm nhiều nội dung về quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật.

alt

Khẩu đội pháo 152mm chuẩn bị vũ khí huấn luyện. (nguồn: qdnd.vn)

Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, yêu cầu của công tác diễn tập nói chung và diễn tập CTVTH nói riêng, những năm qua, cùng với việc đổi mới công tác huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, công tác diễn tập của Binh chủng Pháo binh cũng được đổi mới theo hướng thiết thực, sát với đối tượng tác chiến, phù hợp với vũ khí, trang bị (VK,TB) hiện có, nghệ thuật quân sự Việt Nam và kinh nghiệm, truyền thống của quân đội và của Binh chủng. Đáng chú ý là, Binh chủng đã tích cực nghiên cứu, tổ chức thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ở các cấp, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nâng cao chất lượng diễn tập; trong đó, đã bổ sung, biên soạn tài liệu chiến thuật tiểu đoàn pháo binh trong chiến đấu tiến công và phòng ngự, trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao (VKCNC). Đồng thời, Binh chủng đã tập huấn, tổ chức diễn tập mẫu và tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện trong các đơn vị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu pháo binh trong tình hình mới. Theo đó, nội dung và phương pháp diễn tập được đổi mới phù hợp với phương pháp tác chiến của binh chủng hợp thành trong từng hình thức chiến thuật, chiến dịch ở các quy mô, hình thức khác nhau. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cho thấy, so với yêu cầu, nhiệm vụ, công tác tổ chức diễn tập ở một số đơn vị còn đơn giản, chưa sát với thực tế chiến đấu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị cho diễn tập chưa đồng bộ, vững chắc...

Từ đặc điểm trên và qua thực tiễn diễn tập ở các đơn vị pháo binh cho thấy, để nâng cao hơn nữa chất lượng diễn tập CTVTH tiểu đoàn pháo binh hiện nay, các đơn vị cần chú trọng thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Trong công tác chuẩn bị. Sau khi có chỉ thị diễn tập của cấp trên, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải tổ chức tốt việc quán triệt nhiệm vụ và tổ chức thành lập Ban Chỉ đạo, Đạo diễn. Tiếp đó, Ban Chỉ đạo, Đạo diễn phải nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chỉ thị của cấp trên, dự kiến khu vực và kế hoạch diễn tập, soạn thảo các văn kiện. Việc soạn thảo ý định diễn tập, đầu bài cơ bản, kế hoạch chiến đấu pháo binh, các văn kiện chỉ đạo, đạo diễn phải làm trên tất cả các nội dung: tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật. Ý định diễn tập phải thể hiện đầy đủ đề mục; mục đích yêu cầu, nội dung và thời gian; biện pháp của người chỉ đạo; thành phần tham gia; khu vực diễn tập; bảo đảm vật chất, trang bị; nhiệm vụ và ý định chiến đấu của người chỉ huy cấp trên, của các bên; nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị diễn tập, đơn vị bạn và địa phương liên quan...

Công tác chuẩn bị diễn tập phải chu đáo, từ khâu quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm đến rèn luyện thể lực, rèn luyện hành quân xa, mang vác nặng... Trước diễn tập, phải tổ chức bồi dưỡng cho các đối tượng, tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ diễn tập và những nội dung còn yếu trên cơ sở kiểm tra diễn tập CTVTH ở cấp đại đội; trong đó, chú trọng tổ chức bổ túc tay lái cho đội ngũ lái xe kéo pháo trên các loại địa hình sát với điều kiện diễn tập. Đồng thời, phải tiến hành kiểm tra toàn diện các nội dung, như: trình độ chuyên môn của các đối tượng tham gia diễn tập, vật chất, VK,TB... Bên cạnh đó, phải tổ chức cho đơn vị học tập, quán triệt chỉ thị diễn tập của cấp trên, các quy định trong diễn tập CTVTH, nhất là quy định bảo đảm an toàn. Các cấp uỷ, chi bộ phải có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác diễn tập; trong đó, chú trọng tổ chức phân công nhiệm vụ cho cán bộ trong cấp ủy phụ trách từng mặt công tác, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác chính trị, tư tưởng cần tập trung xây dựng cho bộ đội có ý chí quyết tâm cao, nắm chắc nhiệm vụ, ý nghĩa của đợt diễn tập, chuẩn bị tốt tư tưởng cho bộ đội sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Cùng với đó, đơn vị còn phải chú trọng chuẩn bị đầy đủ VK,TB, phương tiện, vật chất hậu cần, kỹ thuật; nhất là phương tiện cơ động và vũ khí, đạn dược phục vụ bắn đạn thật, góp phần nâng cao kết quả diễn tập.

Đối với công tác chuẩn bị thao trường, Ban Chỉ đạo, Đạo diễn phải tổ chức trinh sát lựa chọn khu vực diễn tập bảo đảm được các chỉ số cơ bản, như: chính diện, chiều sâu nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị, cung, chặng đường hành quân. Trong đó, khu vực trận địa chính, trận địa dự bị phải đủ kích thước (chiều rộng, chiều sâu), trận địa dịch chuyển phải đúng quy định, đảm bảo an toàn trước hoả lực của địch. Để cuộc diễn tập diễn ra theo đúng ý định, Ban Chỉ đạo còn phải dự kiến việc tạo giả các tình huống trong từng giai đoạn diễn tập, như: hành quân, trú quân chiến đấu, tổ chức chuẩn bị và thực hành các trận chiến đấu phù hợp với đặc điểm, tính chất chiến tranh trong điều kiện địch sử dụng VKCNC.

Diễn tập bắt đầu từ việc chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên cao hoặc vượt cấp lên toàn bộ ngay; sau đó, tổ chức cho đơn vị hành quân vào khu vực tập kết, làm công tác chuẩn bị chiến đấu.

Thực hành diễn tập. Trong điều kiện địch có ưu thế về hoả lực, sức cơ động, người đạo diễn cần chuẩn bị và đưa ra nhiều tình huống sát với thực tế chiến đấu để rèn luyện, nâng cao khả năng vận dụng, xử trí tình huống của người chỉ huy và các bộ phận. Trong chiến đấu, tiểu đoàn pháo binh chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, như: địa hình, thời tiết, khí hậu, đối tượng tác chiến, thủ đoạn chiến đấu của địch. Đồng thời, trong so sánh với đối phương, lực lượng, phương tiện của ta còn hạn chế, nên trong thực hành diễn tập, người chỉ huy cần linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức sử dụng lực lượng, bố trí đội hình chiến đấu theo nguyên tắc “hoả khí phân tán, hoả lực tập trung”. Biện pháp bảo toàn lực lượng cần đồng bộ; trong đó, tích cực cơ động, dịch chuyển đội hình chiến đấu là yếu tố quan trọng, có tính quyết định việc hạn chế tổn thất bởi hoả lực VKCNC của địch. Dịch chuyển đội hình chiến đấu pháo binh có thể được thực hiện theo kế hoạch hoặc theo mệnh lệnh của cấp trên, có thể dịch chuyển toàn bộ hay từng bộ phận (đài quan sát, trận địa bắn). Phương pháp dịch chuyển theo hình thức cuốn chiếu, không để gián đoạn hoả lực. Trận địa dịch chuyển thường lựa chọn ở hai bên sườn, phía sau trận địa chính, cách trận địa vừa bắn tối thiểu từ 300 m đến 500 m trở lên. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, mục đích, yêu cầu của mỗi cuộc diễn tập để đơn vị xác định những nội dung cụ thể trong việc rèn luyện năng lực tư duy và khả năng tổ chức chiến đấu của người chỉ huy và cơ quan; đặc biệt là phát huy sự sáng tạo trong xử trí các tình huống, bảo đảm vừa vận dụng đúng nguyên tắc chiến thuật, vừa có tính thực tiễn cao.

Trong diễn tập, các đơn vị còn phải tập trung giáo dục, rèn luyện bộ đội chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh, kế hoạch, phương án chiến đấu của người chỉ huy, quy định của đơn vị..., nhất là việc chấp hành kỷ luật chiến trường; kể cả các chính sách trong chiến đấu, như: chính sách thương binh, liệt sĩ, tù hàng binh, dân vận,... Tiểu đoàn pháo binh bao gồm nhiều phân đội, mỗi phân đội có chức năng nhiệm vụ riêng, nhưng đều nhằm thực hiện một nhiệm vụ chung là đưa viên đạn đến mục tiêu chính xác, đúng thời cơ. Do vậy, mỗi tập thể, mỗi cá nhân phải quán triệt sâu sắc yêu cầu "Đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể", nắm vững chức năng, nhiệm vụ, xây dựng tính kỷ luật cao, hiệp đồng chặt chẽ trong từng bộ phận (đài, trận địa), từng lực lượng (chỉ huy, pháo thủ, trinh sát, kế toán, thông tin,...), từng thời gian, từng công việc, đáp ứng yêu cầu chi viện hoả lực chính xác, kịp thời, đạt hiệu quả cao.

Khi chuyển giai đoạn chiến đấu hoặc nhận nhiệm vụ chiến đấu mới, người chỉ đạo, đạo diễn có thể giao nhiệm vụ trực tiếp hoặc bằng văn bản để người chỉ huy đơn vị diễn tập tổ chức thực hiện. Người đạo diễn cần tập trung ra tình huống để rèn luyện người chỉ huy trong việc nâng cao khả năng xử lý các tình huống cơ động phòng tránh, đánh trả, ngụy trang, nghi binh, bảo vệ lực lượng trong điều kiện địch sử dụng VKCNC... Yêu cầu quan trọng nhất đặt ra là phải rút ngắn thời gian chuẩn bị; người chỉ huy nhanh chóng tổ chức cho đơn vị làm công tác chuẩn bị chiến đấu theo yêu cầu, nhiệm vụ mới; đồng thời, tự mình khẩn trương làm công tác chuẩn bị chỉ huy bắn. Tuỳ theo điều kiện thực tế và các giai đoạn chiến đấu (diễn tập) để quyết định phương pháp chuẩn bị phần tử; có thể tổ chức bắn thử để tìm lượng sửa cho pháo, nhưng tốt nhất là chuẩn bị phần tử bắn bằng phương pháp đầy đủ để bắn hiệu lực ngay từ loạt đạn đầu. Muốn vậy, các phân đội chuyên môn phải chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, khí tài, như: máy đo xa la-de, bộ đồ khí tượng, máy định vị toàn cầu...

Cùng với tổ chức thực hiện các nội dung về quân sự, các đơn vị còn phải chú trọng thực hiện tốt công tác đảng, công tác chính trị trong diễn tập; chú trọng động viên kịp thời những tập thể, cá nhân dũng cảm, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, kết hợp diễn tập với thực hiện tốt công tác dân vận, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân trong khu vực diễn tập.

Công tác hậu cần, kỹ thuật trong giai đoạn thực hành chiến đấu phải khắc phục khó khăn, tập trung sửa chữa, bảo đảm đầy đủ, kịp thời vật chất, VK,TB kỹ thuật cho công tác diễn tập; chăm lo đời sống, bảo đảm sức khỏe của bộ đội trong suốt quá trình diễn tập. Để nâng cao chất lượng công tác bảo đảm cơ động, bảo đảm trinh sát, thông tin, bảo đảm công sự, ngụy trang, đơn vị phải chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền trong địa bàn diễn tập để huy động lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân tham gia làm đường cơ động, công sự, ngụy trang, bảo vệ trận địa bắn, cứu chữa thương binh,...

Sau mỗi đợt diễn tập, các cấp trong tiểu đoàn phải tổ chức nghiêm túc việc tổng kết đánh giá trên từng mặt, từng giai đoạn, trách nhiệm của từng cấp... Thông qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời, thực hiện tốt khen thưởng, kỷ luật theo chế độ quy định.

Diễn tập CTVTH của tiểu đoàn pháo binh có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện, nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của các đơn vị pháo binh. Để công tác diễn tập đạt chất lượng cao, phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, công tác chuẩn bị phải chu đáo, nghiêm túc; thực hành diễn tập phải đúng nguyên tắc; tình huống diễn tập phải sát thực tế chiến tranh. Đặc biệt, người chỉ huy các cấp phải xử trí linh hoạt, sáng tạo các tình huống, vận dụng nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả chiến đấu pháo binh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá NGÔ MINH NIÊM

Phó TMT Binh chủng Pháo binh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.