Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 20/01/2012, 05:00 (GMT+7)
Mấy vấn đề về huấn luyện lực lượng chuyên môn kỹ thuật ở đơn vị cơ sở

Huấn luyện kỹ thuật cho lực lượng chuyên môn kỹ thuật tại các đơn vị cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật và hiệu quả sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật; đồng thời, góp phần xây dựng nền nếp chính quy và trình độ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Tuy nhiên, thực tiễn huấn luyện vừa qua cho thấy còn một số vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết.

 

Từ thực tiễn và qua theo dõi, nghiên cứu, có thể khẳng định, những năm qua, các đơn vị cơ sở đã chấp hành nghiêm túc Chỉ lệnh Công tác kỹ thuật và Mệnh lệnh huấn luyện của cấp trên; đồng thời, tích cực, chủ động khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ Huấn luyện kỹ thuật (HLKT) cho lực lượng chuyên môn kỹ thuật (LLCMKT). Nhờ đó, kết quả huấn luyện hằng năm khá tốt; qua kiểm tra, có 100% đạt yêu cầu, trong đó, có trên 70% khá, giỏi. Nhưng bên cạnh đó, trong công tác này cũng còn không ít hạn chế, thiếu sót làm ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, từ đó tác động trực tiếp đến hiệu quả khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật (VK,TBKT) ở đơn vị cơ sở. Có thể thấy vấn đề nổi lên khá đa dạng: từ nhận thức, tư tưởng, công tác kế hoạch đến công tác tổ chức và nội dung, hình thức huấn luyện… Những vấn đề trên cần sớm được khắc phục để nâng cao chất lượng huấn luyện LLCMKT ở đơn vị cơ sở. Theo chúng tôi, cần tập trung giải quyết một số vấn đề chính sau:

Một là, chú trọng giáo dục cho cán bộ các cấp và LLCMKT có nhận thức đúng về công tác HLKT. Đây là vấn đề rất quan trọng, vì thời gian vừa qua vẫn còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ có nhận thức chưa đầy đủ về HLKT, chưa thấy được tầm quan trọng của công tác này. Họ cho rằng, LLCMKT đã được đào tạo cơ bản tại các trường kỹ thuật với đầy đủ giáo trình, trang thiết bị hiện đại là đủ, nên không cần thiết phải huấn luyện tại đơn vị. Vì vậy, cán bộ chủ trì thường cắt giảm thời gian hoặc tổ chức HLKT một cách chiếu lệ, hình thức (nhất là những đơn vị rút gọn, biên chế ít VK,TBKT); LLCMKT thì thường có thái độ chủ quan, không chịu cập nhật kiến thức và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp...

Để đưa công tác HLKT vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực, trước hết phải coi trọng yếu tố con người. Bởi, con người là chủ thể mọi hoạt động, quyết định chất lượng huấn luyện, khai thác hiệu quả VK,TBKT. Do đó, cấp ủy, chỉ huy đơn vị phải giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng về nhiệm vụ huấn luyện; từ đó, xây dựng quyết tâm, trách nhiệm đúng đắn. Đặc biệt đối với những người trực tiếp quản lý, sử dụng VK,TBKT, càng phải có quan điểm đúng, trách nhiệm cao đối với công tác này. Cùng với việc xây dựng cho mọi cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, còn phải chú trọng huấn luyện, rèn luyện để họ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu...

Hai là, xây dựng kế hoạch HLKT theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, bám sát nhiệm vụ, chức năng của đơn vị. Kế hoạch HLKT chính là cơ sở để tổ chức thực hiện công tác HLKT và là căn cứ để tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả HLKT. Vì vậy,  hằng năm, cơ quan Kỹ thuật phải căn cứ vào hướng dẫn HLKT (hoặc kế hoạch HLKT) của cấp trên, kế hoạch huấn luyện chiến đấu của đơn vị và đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ công tác kỹ thuật của đơn vị để xây dựng kế hoạch một cách khoa học, hợp lý, có tính khả thi cao. Trong đó phải chú ý phân loại đối tượng để huấn luyện cho phù hợp về nội dung và thời gian, tránh bỏ sót hoặc vì số lượng ít mà huấn luyện giản đơn, qua loa, chiếu lệ; kế hoạch cũng phải thể hiện rõ thời gian học bù, học vét cho các đối tượng này. Khi xây dựng kế hoạch huấn luyện, các đơn vị chú ý sắp xếp công tác huấn luyện gắn với thực hiện nhiệm vụ trong từng giai đoạn để người học vừa có điều kiện học lý thuyết kết hợp với thực hành, vừa hoàn thành nhiệm vụ công tác kỹ thuật. Huấn luyện nghiệp vụ công tác kỹ thuật, như: quản lý, thống kê, ghi chép sổ sách, các quy định, điều lệ công tác của ngành Kỹ thuật... nên tổ chức vào thời điểm tổng kiểm kê (0 giờ ngày 01 tháng 7 hằng năm). Huấn luyện về bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) cho VK,TBKT gồm các nội dung: nguyên lý cấu tạo, vận hành, các quy định và quy trình bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, tăng hạn sử dụng VK,TBKT... có thể tiến hành vào Ngày kỹ thuật, những đợt niêm cất hoặc đồng bộ VK,TBKT; qua đó, có thể huy động được tối đa lực lượng tham gia công tác BĐKT và phục vụ công tác BĐKT. Huấn luyện chiến thuật ngành, gồm: chuyển trạng thái cho VK,TBKT, các bước mở niêm cất, chằng buộc, hành quân, ngụy trang, che đậy, đưa vào vị trí ẩn nấp; hợp luyện hành động giữa các bộ phận và phân đội,… nên tiến hành vào cuối năm - khi đơn vị tổ chức diễn tập vòng tổng hợp hoặc kết hợp với huấn luyện chiến đấu bảo vệ cơ sở kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, thiên tai... Điều quan trọng khi xây dựng kế hoạch huấn luyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của LLCMKT là phải cụ thể cho từng đối tượng; trong đó, thời gian, địa điểm và nội dung huấn luyện mang tính cơ động và linh hoạt; phạm vi huấn luyện tùy theo yêu cầu và điều kiện tổ chức.

Ba là, nội dung huấn luyện phải đáp ứng nhiệm vụ của đơn vị cả trước mắt và lâu dài. Qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, có thể khẳng định, các đơn vị đều hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ HLKT. Tuy nhiên, theo chúng tôi, công tác HLKT mới chỉ tập trung vào huấn luyện để hoàn thành các nhiệm vụ trước mắt của đơn vị, còn huấn luyện với mục đích sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong tương lai thì còn nhiều vấn đề đặt ra. Trước hết là về nội dung huấn luyện BĐKT cho VK,TBKT. Nhìn chung, các đơn vị đã rất chú trọng huấn luyện theo Chỉ lệnh Huấn luyện và Chỉ lệnh Công tác kỹ thuật của trên; các nội dung được biên soạn theo tài liệu chính thống; nhiều phương pháp huấn luyện khoa học và bài bản đã được áp dụng, kết quả kiểm tra đều đạt yêu cầu và có tỷ lệ khá, giỏi rất cao... Tuy nhiên, huấn luyện BĐKT trong điều kiện ban đêm, trong các các trạng thái sẵn sàng chiến đấu thì ít đơn vị tổ chức thực hiện. Tài liệu huấn luyện cho LLCMKT hiện nay rất đa dạng, phong phú, từ vấn đề huấn luyện cơ bản đến huấn luyện thi nâng bậc cho lái xe, thợ sửa chữa và vận hành máy móc, thiết bị… giúp cho LLCMKT thực hiện nhiệm vụ công tác kỹ thuật thường xuyên và tham dự các hội thi, hội thao, nhưng lại thiếu kinh nghiệm xử trí tình huống. Do đó, các đơn vị nên thu thập những kinh nghiệm hay trong công tác BĐKT để phổ biến cho LLCMKT cùng nghiên cứu, thảo luận và tổ chức thực hành thử nghiệm trên các loại trang bị đưa vào diện chuẩn bị thanh lý. Theo chúng tôi, cần thu thập cả những kinh nghiệm BĐKT không có lợi về kỹ thuật và kinh tế nhưng lại đạt được mục đích quân sự (vận dụng trong điều kiện bắt buộc). Hiện nay, có rất nhiều tài liệu bàn về cách đánh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, nhưng chưa cụ thể hóa đối với từng lực lượng, trong đó có LLCMKT; thậm chí, trong nhiều cuộc diễn tập có sử dụng VK,TBKT nhưng cũng không thấy “diễn” về phòng tránh, đánh trả vũ khí công nghệ cao của địch. Một bài học kinh nghiệm quý là, cách đây 39 năm, để bắn được máy bay B-52, Bộ đội Tên lửa đã nghiên cứu biên soạn tài liệu "Cách đánh máy bay B-52 của Bộ đội Tên lửa" và tích cực luyện tập rút kinh nghiệm; sau đó đưa vào áp dụng và đã cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng oanh liệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không lịch sử… Điều đó cho thấy, các đơn vị cần huấn luyện cho LLCMKT hiểu biết về tính năng một số loại VK,TBKT của địch; đồng thời, chỉ ra được cách thức tổ chức phòng tránh, đánh trả.

Bốn là, lựa chọn hình thức huấn luyện phải phù hợp với từng đối tượng. LLCMKT ở các đơn vị cơ sở thường không đồng đều nhau về chuyên môn, ngạch bậc và trình độ hiểu biết, nên hình thức huấn luyện cũng phải đa dạng. Theo chúng tôi, huấn luyện tập trung chỉ dành cho các môn học chung theo Chỉ lệnh hoặc Kế hoạch huấn luyện của trên, như: Luật Giao thông, Điều lệ Ngành… Các nội dung còn lại, cần ưu tiên cho hình thức huấn luyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hình thức huấn luyện này sẽ đạt được hai mục đích: hoàn thành nhiệm vụ công tác và huấn luyện. Đây là hình thức rất cần sự linh hoạt. Cơ quan Kỹ thuật nên để cho các đơn vị hoặc các bộ phận chủ động lựa chọn. Cùng với đó, các đơn vị cần phát huy hiệu quả của phương pháp tự học tập nâng cao trình độ. Nhiệm vụ của LLCMKT ở các đơn vị cơ sở trong thời bình tương đối ổn định, thời gian dành cho huấn luyện chuyên môn không nhiều; có bộ phận phải thường xuyên làm những công việc ngoài chuyên môn được đào tạo nên dẫn đến sự nhàm chán, làm mai một kiến thức. Khi sử dụng họ làm chuyên môn trở lại thì lúng túng, không làm chủ được VK,TBKT, ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị, thậm chí làm hư hỏng trang bị… Do đó, áp dụng hình thức tự học trong huấn luyện LLCMKT sẽ cho hiệu quả thiết thực nhất; không những tiết kiệm thời gian huấn luyện mà còn làm cho người học được học những kiến thức mà mình mong muốn. Vấn đề là chỉ huy các đơn vị phải hiểu cho đúng và tạo điều kiện thuận lợi để LLCMKT phấn khởi, tích cực tự học, tự rèn…

Năm là, tăng cường hội thi, hội thao kỹ thuật. Hiệu quả mà hội thi, hội thao đem lại rất lớn, vì đây vừa là hình thức kiểm tra đánh giá kết quả, vừa tạo ra không khí thi đua học tập sôi nổi. Do đó LLCMKT sẽ rất tự giác học tập, chủ động tìm mọi biện pháp để tích lũy kiến thức, nâng cao kỹ năng, kỹ xảo mà không để cấp trên phải đôn đốc. Mặt khác, xét ở khía cạnh là hình thức kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện, thì đây chính là hình thức kiểm tra trung thực nhất. Bởi vì, cùng một lúc có nhiều cá nhân hoặc tập thể tham dự, sẽ tạo ra bầu không khí thi đua sôi nổi, học tập lẫn nhau ngay trong quá trình hội thi; đồng thời, trước sự chứng kiến của các đơn vị, giám khảo cũng sẽ phải chấm điểm khách quan hơn, khó thiên vị hơn. Vấn đề đặt ra là, cơ quan Kỹ thuật phải tham mưu thật đúng, trúng cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong việc tổ chức hội thi, hội thao. Mỗi hội thi, hội thao phải đề ra mục đích, yêu cầu và quy chế riêng, nhằm thúc đẩy sự tự hoàn thiện và chuyên sâu của mỗi người hoặc sự phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ của một tập thể khi khai thác VK,TBKT. Hội thi, hội thao nên tổ chức vào cuối mỗi giai đoạn huấn luyện hoặc trước các cuộc hội thi, hội thao của trên để chọn ra cá nhân hoặc đội tuyển tiêu biểu. Tùy theo nội dung hội thi, hội thao mà lựa chọn địa điểm cho phù hợp, tránh gây lãng phí, phô trương hình thức. Trong việc lựa chọn cá nhân hoặc đội tuyển dự thi ở cấp trên, theo chúng tôi, các đơn vị không nên sử dụng lại những trường hợp đã đoạt giải mà nên tuyển lựa mới hoàn toàn. Làm như vậy, sẽ thường xuyên xây dựng được LLCMKT có trình độ và tay nghề cao, đủ khả năng đáp ứng tốt mọi yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Thượng tá NGUYỄN CÔNG TÂM

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.