Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 16/06/2017, 07:41 (GMT+7)
Mấy vấn đề về diễn tập cuối khóa ở Trường Sĩ quan Pháo binh

Diễn tập cuối khóa là một nội dung “cứng” trong chương trình đào tạo của các nhà trường Quân đội, trong đó có Trường Sĩ quan Pháo binh. Mục đích của diễn tập nhằm củng cố kiến thức, nâng cao năng lực thực hành tổ chức, chỉ huy chiến đấu cho học viên; đồng thời, qua đó để Nhà trường đánh giá, rút kinh nghiệm, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình,… nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Để nâng cao chất lượng diễn tập cuối khóa cho các đối tượng đào tạo, hằng năm, Nhà trường ra nghị quyết chuyên đề, chủ động triển khai công tác chuẩn bị cho diễn tập, nhất là nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hệ thống đầu bài, xây dựng các phương án, đổi mới nội dung, phương pháp diễn tập sát với sự phát triển của nghệ thuật quân sự, yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng pháo binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Hình thức tổ chức, phương pháp diễn tập được vận dụng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng học viên, mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bước đầu đưa học viên vào sát thực tiễn chiến đấu để rèn luyện toàn diện cả về động tác, tác phong chỉ huy và hành động hiệp đồng chiến đấu của phân đội, v.v. Nhờ đó, kết quả các cuộc diễn tập cuối khóa của Nhà trường đều đạt mục đích, yêu cầu đề ra; trong đó, hành động chiến thuật đạt khá, bắn và chỉ huy bắn đạt giỏi, đơn vị an toàn tuyệt đối. Bản lĩnh, tác phong, phương pháp chỉ huy, kỹ năng sử dụng vũ khí, trang bị và khả năng vận dụng kiến thức đã học vào làm công tác tổ chức chuẩn bị, thực hành trận chiến đấu pháo binh của học viên được nâng lên.

Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đào tạo và thực tế huấn luyện, chiến đấu ở các đơn vị pháo binh, diễn tập cuối khóa ở Nhà trường cũng còn những hạn chế và đặt ra một số vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết cả về nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp diễn tập.

Hiện nay, nội dung cơ bản trong diễn tập cuối khóa của các đối tượng đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Pháo binh thường được xác định gồm: chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (tuần tự hoặc vượt cấp); cơ động, trú quân tập kết chiến đấu; thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật trong giai đoạn tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến đấu (có bắn đạn thật). Trong mỗi nội dung (giai đoạn) diễn tập thường xác định và tập trung vào một số vấn đề trọng tâm phù hợp với mục đích, yêu cầu, thời gian dành cho giai đoạn đó; các yếu tố về địch sử dụng vũ khí công nghệ cao thì chủ yếu mới được đưa ra dưới dạng lý thuyết chung, các tình huống mang tính cơ bản, ít biến động. Như vậy, chương trình chưa đặt trọng tâm huấn luyện các nội dung gắn với điều kiện tác chiến mới. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo, năng lực cán bộ khi về đơn vị công tác. Vì thế, đây là vấn đề đặt ra đối với Nhà trường trong diễn tập cuối khóa. Cụ thể, Nhà trường cần nghiên cứu, lựa chọn, bổ sung các nội dung phù hợp với điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Theo đó, các nội dung này phải đảm bảo yêu cầu phù hợp với nghệ thuật quân sự, cách đánh và trang bị của Bộ đội Pháo binh; tổ chức huấn luyện các khoa, mục theo trình tự khoa học, với thời gian đủ để rèn luyện, nâng cao kỹ năng thực hành cho học viên.

Trước hết, cần tăng cường các bài tập cơ động lực lượng pháo binh trong diễn tập. Đây là nội dung cần đặc biệt quan tâm; bởi lẽ, cơ động vừa để triển khai đội hình chiến đấu đánh địch, vừa là biện pháp hữu hiệu để phòng tránh vũ khí công nghệ cao của địch. Như chúng ta biết, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra) là cuộc chiến tranh hiện đại, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao là chủ yếu; chúng có khả năng trinh sát, tiến công hỏa lực nhanh, mạnh, chính xác vào các mục tiêu chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đồng thời, địch có khả năng cơ động cao, linh hoạt, có thể sử dụng lực lượng bộ binh, lực lượng đổ bộ đường không, đường biển tiến công các đơn vị pháo binh, v.v. Vì thế, nội dung cơ động lực lượng pháo binh phải được đưa vào diễn tập và huấn luyện cơ bản, kỹ lưỡng, từ chuyển các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đến cơ động triển khai đội hình chiến đấu, di chuyển, dịch chuyển lực lượng trong quá trình tác chiến. Trong từng bài tập, từng vấn đề huấn luyện phải đề ra tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện tác chiến mới để người chỉ huy pháo binh các cấp thực hiện trong thực hành diễn tập. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, trong diễn tập cuối khóa, tại mỗi vị trí trận địa, thực hiện nhiệm vụ bắn không quá 10 phút (cả trong bắn đạn thật và bắn bằng phương tiện tượng trưng) là phải di chuyển. Đây là yêu cầu rất cao, do đó cần phải có kế hoạch và đưa vào huấn luyện, luyện tập đầy đủ, chu đáo, từ các học phần khẩu đội, trung đội pháo (cối) trong chiến đấu tiến công, phòng ngự, đến học phần đại đội pháo mới thực hiện được.

Đặc điểm nổi bật trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai là, địch sử dụng đa dạng phương tiện trinh sát hiện đại, có khả năng phát hiện sớm từ vũ trụ, trên không và mặt đất, có thể thấy rõ toàn cảnh chiến trường 24/24 giờ và sử dụng các loại hỏa lực đánh phá. Tuy nhiên, trên thực tế thì các phương tiện trinh sát hiện đại này vẫn có những hạn chế bởi môi trường, thậm chí bị vô hiệu hóa nếu ta làm tốt công tác ngụy trang, nghi trang, nghi binh. Vì vậy, Nhà trường cũng cần chú trọng nội dung ngụy trang, nghi binh và chiến đấu phòng vệ vào diễn tập. Nội dung huấn luyện ngụy trang, nghi binh phải đặt trong điều kiện địch có thể trinh sát cả ban ngày, ban đêm, bằng các phương tiện quang học, ra-đa, laze, hồng ngoại, v.v. Hiện nay, về cơ bản, các đơn vị pháo binh đã được trang bị các phương tiện, khí tài ngụy trang tương đối hiện đại, như: sơn ngụy trang, lưới ngụy trang, dụng cụ tạo màn khói, sử dụng tấm phản xạ góc, v.v. Để thực hiện nội dung này và bảo đảm nhà trường gắn với chiến trường, đơn vị, cơ quan cấp trên cần sớm trang bị các phương tiện này cho Nhà trường để huấn luyện cho học viên. Mặt khác, Nhà trường cần chú trọng kết hợp huấn luyện sử dụng các phương tiện ngụy trang hiện đại với các phương tiện thô sơ, như: cỏ cây, đất đá, tận dụng địa hình, địa vật,... để tăng khả năng che giấu lực lượng và nghi binh theo từng cấp (sử dụng các mô hình, phương tiện tạo giả; sử dụng chất nổ tạo trận địa giả, v.v.). Nội dung chiến đấu phòng vệ phải được tiến hành thường xuyên trong từng giai đoạn diễn tập, vấn đề huấn luyện. Trong đó, tập trung vào việc tổ chức lực lượng bắn máy bay bay thấp, tên lửa hành trình và luyện tập các phương án chiến đấu đánh bộ binh, xe tăng và lực lượng đổ bộ đường không của địch. Ngoài ra, cần quan tâm huấn luyện, rèn luyện kỹ năng phòng, chống trinh sát và chế áp điện tử của địch; xây dựng kế hoạch và vận hành hệ thống thông tin liên lạc cho học viên, nâng cao trình độ, khả năng hiệp đồng chiến đấu của đơn vị pháo binh.

Đào tạo sĩ quan chỉ huy phân đội pháo binh lấy rèn luyện, nâng cao năng lực thực hành chỉ huy pháo binh là mục tiêu hàng đầu; trong đó, rèn luyện, nâng cao kỹ năng tư duy ra quyết định, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thao tác là quan trọng nhất. Thực hiện mục tiêu đó, những năm qua, diễn tập cuối khóa ở Trường Sĩ quan Pháo binh thường vận dụng hình thức diễn tập một bên; trong đó, mọi học viên (cả trong và ngoài khung tập) đều trên cương vị đại đội trưởng, phó đại đội trưởng quân sự và chính trị viên đại đội để thực hiện nhiệm vụ theo một ý định thống nhất. Song, do đa dạng về đối tượng (học viên đào tạo 04 năm và học viên hệ cao đẳng 03 năm), trình độ nhận thức không đều nhau; học viên đảm nhiệm nhiều chức trách, từ chiến sĩ pháo thủ, trinh sát, kế toán, đến cán bộ đại đội; thời gian diễn tập dài (từ 7 đến 9 ngày),… nên khó khăn trong việc tiếp thu của người học và ảnh hưởng đến tiến trình diễn tập. Về phương pháp diễn tập, phần lớn vẫn vận dụng phương pháp truyền thống (diễn theo đạo). Học viên thực hiện “diễn” theo sự dẫn dắt chủ yếu bằng lời của đạo diễn, việc sử dụng phương tiện tượng trưng tạo giả còn hạn chế, chưa sát với điều kiện tác chiến mới. Từ đó dẫn đến người diễn (học viên) thụ động, chờ đợi sự chỉ đạo, hướng dẫn của đạo diễn (giảng viên), thiếu sự tích cực chủ động nắm bắt, tổng hợp tình hình để đưa ra những quyết định, phương án hành động.

Để khắc phục những hạn chế đó, theo chúng tôi, Nhà trường cần đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp diễn tập theo hướng: kết hợp giữa diễn tập chiến thuật với tập chiến thuật. Trong từng bài tập, vấn đề huấn luyện, đạo diễn đặt khung tập là một bộ phận trong đội hình cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật, trận đánh; đồng thời, hạn chế sử dụng lời nói để chỉ đạo mà sử dụng nhiều hơn lực lượng, phương tiện tượng trưng tạo giả để tác động khách quan đến người chỉ huy, phân đội - người học, buộc học viên phải chủ động phân tích tình hình để đưa ra quyết định kịp thời, chính xác. Tùy theo số lượng học viên tham gia diễn tập và điều kiện vật chất bảo đảm để tổ chức khung diễn tập cho phù hợp; các khung tập đồng thời thực hiện các nội dung, nhiệm vụ diễn tập theo một tưởng định chiến thuật. Khi giao nhiệm vụ hoặc ra chỉ thị, mệnh lệnh, đạo diễn có thể tập trung học viên (cả trong và ngoài khung tập) để phổ biến, hoặc dùng phương tiện thông tin, tượng trưng tạo giả, văn bản,… để thông báo tình hình, phát tình huống, bảo đảm trong và ngoài khung tập đều nắm được tình hình, nhiệm vụ của đơn vị diễn tập và tình hình chung có liên quan, làm cơ sở để thực hiện nhiệm vụ. Quá trình điều hành diễn tập, Ban chỉ đạo, đạo diễn và trợ lý đạo diễn thường xuyên theo dõi khung tập thực hiện nhiệm vụ, đi sâu rèn luyện khẩu lệnh, động tác, tác phong chỉ huy và kỹ năng thực hành cho người chỉ huy và đơn vị diễn tập. Khi khung tập thực hiện nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu, hoặc không đúng ý định, thì Ban chỉ đạo, đạo diễn chủ động bổ sung tình huống để dẫn dắt, điều chỉnh, hướng cho khung tập thực hiện nhiệm vụ theo đúng ý định. Trong mọi trường hợp, đạo diễn, trợ lý đạo diễn phải giữ bí mật ý định của tình huống, đáp án bài tập đã chuẩn bị trước và không làm thay học viên. Kết thúc từng vấn đề huấn luyện, đạo diễn nhận xét, đánh giá khung tập, kịp thời chỉ ra những điểm mạnh, yếu để học viên rút kinh nghiệm thực hiện các nội dung diễn tập tiếp theo. Để rèn luyện, phát triển kỹ năng tư duy ra quyết định và kỹ năng giao tiếp của học viên, về phương pháp đạo diễn, trong các giai đoạn chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cơ động, trú quân tập kết chiến đấu, tổ chức chuẩn bị chiến đấu, Ban chỉ đạo, đạo diễn nên vận dụng phương pháp “đạo theo diễn”. Tuy nhiên, trong giai đoạn thực hành chiến đấu vận dụng phương pháp “diễn theo đạo” là chủ yếu; chỉ vận dụng phương pháp “đạo theo diễn” ở một số tình huống nhất định, để bảo đảm an toàn trong thực hiện nhiệm vụ bắn chiến đấu. Để thực hiện phương pháp “đạo theo diễn” - phương pháp lấy người học làm trung tâm - đòi hỏi phải làm tốt công tác bồi dưỡng học viên trước diễn tập. Đồng thời, Ban chỉ đạo, đạo diễn phải thực sự linh hoạt, sáng tạo trong điều hành diễn tập; hệ thống đầu bài, đáp án phải chuẩn bị theo hướng mở, có nhiều phương án, tình huống, đáp án,… để giảng viên (đạo diễn) đủ khả năng dẫn đắt, điều hành, nâng cao chất lượng diễn tập.

Diễn tập cuối khóa ở Trường Sĩ quan Pháo binh là hình thức tổ chức huấn luyện thực hành cao nhất, mang tính tổng hợp, toàn diện, sát thực tế chiến đấu và là điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, giúp học viên trưởng thành về mọi mặt. Trước thực tiễn nghệ thuật quân sự luôn vận động, phát triển, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng diễn tập cuối khóa nói riêng và chất lượng giáo dục - đào tạo của Nhà trường nói chung, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, TS. TRẦN QUYẾT TIẾN, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường Sĩ quan Pháo binh

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.