Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 08/05/2017, 09:35 (GMT+7)
Mấy vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực ngành Tài chính Quân đội

Tài chính quân đội là lĩnh vực có tính đặc thù cao, liên quan đến mọi hoạt động quân sự, quốc phòng, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, làm nòng cốt thực hiện. Nhận thức rõ điều đó, công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Tài chính Quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp. Đây là tiền đề để ngành Tài chính Quân đội không ngừng phát triển, hoàn thành tốt chức năng tham mưu, quản lý về chuyên ngành và bảo đảm kịp thời tài chính cho toàn quân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, công tác đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực ngành Tài chính Quân đội những năm qua còn những hạn chế, bất cập; có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là khi nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển và tiến hành trong điều kiện hội nhập diễn ra mạnh mẽ; cơ chế, chính sách tài chính, kinh tế của Nhà nước có nhiều đổi mới, v.v. Qua nghiên cứu thực tế đào tạo, sử dụng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên tài chính, bài viết xin trao đổi một số vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực ngành Tài chính Quân đội hiện nay.

Thứ nhất, về quy mô đào tạo. Từ năm 1988 về trước, việc đào tạo nhân lực ngành Tài chính Quân đội do Trường Sĩ quan Tài chính đảm nhiệm. Mỗi năm Nhà trường đào tạo khoảng 150 học viên sĩ quan và 100 học viên trung cấp tài chính. Khi Trường Sĩ quan Tài chính giải thể, nhiệm vụ này được chuyển giao cho Trường Sĩ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần); từ đó, quy mô đào tạo thu hẹp. Theo thống kê, từ năm 1989 đến 2014, Học viện Hậu cần đào tạo được gần 700 Sĩ quan Tài chính cấp phân đội; trung bình mỗi năm có gần 50 cán bộ tài chính được bổ sung cho toàn quân. Với biên chế đội ngũ cán bộ (Sĩ quan Tài chính) hiện nay thì số lượng đó chưa đủ bù cho số chuyển ra hằng năm, chưa kể do yêu cầu, nhiệm vụ và thực hiện Thông tư 30/TT-BQP, ngày 24-3-2010 của Bộ Quốc phòng nên số cán bộ tài chính phải chuyển công tác, luân chuyển khá nhiều, dẫn đến đối tượng này ngày càng thiếu. Vì vậy, nếu quy mô đào tạo Sĩ quan Tài chính không có sự thay đổi mà tiếp tục duy trì số lượng như thời gian qua thì sẽ tạo khoảng trống lớn về đội ngũ cán bộ tài chính trong Quân đội.

Có nhiều quan điểm khác nhau trong giải quyết sự mất cân đối này. Có quan điểm cho rằng: số cán bộ tài chính thiếu hụt có thể bù đắp bằng cách tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp khối các trường kinh tế, tài chính ngoài Quân đội và tổ chức huấn luyện sĩ quan dự bị. Thời gian qua, nhiều đơn vị đã bổ sung nguồn cán bộ tài chính bằng cách này. Tuy nhiên, công tác tài chính quân đội có tính đặc thù cao, yêu cầu cán bộ tài chính, nhất là cán bộ phụ trách tài chính đơn vị không chỉ có kiến thức chuyên môn vững mà phải có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực hoạt động quân sự. Một khóa huấn luyện sĩ quan dự bị (04 đến 06 tháng) khó có thể đáp ứng được yêu cầu đó. Thực tiễn cho thấy, cán bộ tài chính chuyển loại có chuyên môn tốt, nhưng rất hạn chế về năng lực tham mưu cho cấp ủy, người chỉ huy, năng lực tổ chức bảo đảm tài chính cho các nhiệm vụ; kém linh hoạt trong giải quyết mối quan hệ với các ngành nghiệp vụ; lúng túng khi xỷ lý tình huống phát sinh, v.v. Do đó, việc tuyển dụng, chuyển loại cán bộ tài chính như trên chỉ phù hợp với một số đơn vị chuyên môn đơn thuần. Về lâu dài, theo chúng tôi cần nghiên cứu tăng quy mô đào tạo đối tượng Sĩ quan Tài chính cấp phân đội để bổ sung cán bộ cho ngành Tài chính. Về quy mô cụ thể, các cơ quan chức năng, trước hết là Cục Quân lực, Cục Cán bộ, Cục Tài chính cần có sự phối hợp, nghiên cứu, tính toán xác định, đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Thứ hai, về chuyên ngành đào tạo. Xuất phát từ tính đặc thù của Quân đội, nên từ trước đến nay, chúng ta chủ yếu đào tạo đối tượng chuyên ngành tài chính dự toán. Trước sự phát triển nhiệm vụ, ngành Tài chính Quân đội đã và đang tiếp cận, tham gia vào nhiều lĩnh vực của công tác tài chính, ngân sách; trong đó, có những lĩnh vực mới, như: thanh toán quốc tế; quản lý các dự án; hoạt động của các tổ chức tài chính, bảo hiểm; phân tích chính sách; định giá tài sản; thuế; hải quan, v.v. Đặc biệt, hiện nay công tác đầu tư xây dựng cơ bản trong Quân đội được đẩy mạnh; hằng năm, ngành Tài chính được giao quản lý khối lượng ngân sách rất lớn. Cùng với đó, ngày càng có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Quân đội tham gia làm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi từ đơn vị dự toán sang hạch toán, tự chủ về tài chính. Điều đó đặt ra yêu cầu phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên tài chính được đào tạo cơ bản, chuyên sâu về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản trị doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện tốt việc quản lý đầu tư, thẩm định tài chính các dự án đầu tư, có kiến thức về bóc tách dự toán xây dựng cơ bản, đấu thầu, quyết toán dự án hoàn thành, v.v. Cũng như thực hiện tốt công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, có khả năng phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp; có kiến thức chuyên sâu về các nghiệp vụ huy động, quản lý, sử dụng vốn; tổ chức hệ thống kiểm soát tài chính trong nội bộ doanh nghiệp; nắm được các kiến thức liên quan đến quy trình hạch toán kế toán, các nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, định giá, chứng khoán; am hiểu các quy định của Nhà nước về quản lý doanh nghiệp, các quy định của Luật thuế, kiến thức về pháp luật kinh doanh - thương mại, v.v. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu cán bộ tài chính trên các lĩnh vực này, chúng ta đang phải tuyển dụng lực lượng bên ngoài vào Quân đội. Thời gian qua, Học viện Hậu cần đã đề xuất và tổ chức đào tạo 01 khóa về chuyên ngành Tài chính - kế toán doanh nghiệp và Quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, chương trình, nội dung đào tạo chưa phân định và thể hiện rõ đặc thù của từng chuyên ngành.

Từ thực tế đó, việc đào tạo cán bộ tài chính Quân đội hiện nay tổ chức 03 chuyên ngành hẹp là: tài chính đơn vị dự toán, tài chính doanh nghiệp, tài chính xây dựng cơ bản là phù hợp. Để đạt hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nội dung đào tạo của các chuyên ngành cần nghiên cứu, thiết kế, đảm bảo tính toàn diện về chuyên môn, nhưng chuyên sâu theo ngành. Tỷ lệ đào tạo cũng cần tính toán cho phù hợp với nhu cầu của các loại hình đơn vị trong toàn quân. Theo chúng tôi, chuyên ngành tài chính dự toán có thể chiếm khoảng 70% - 75% tổng chỉ tiêu đào tạo; chuyên ngành tài chính doanh nghiệp khoảng 10% - 15% và chuyên ngành tài chính xây dựng cơ bản khoảng 15%.

Thứ ba, một số vấn đề về tổ chức đào tạo. Như đã đề cập ở trên, hiện nay nhiệm vụ đào tạo cán bộ tài chính quân đội do Học viện Hậu cần đảm nhiệm. Qua khảo sát và phản hồi từ các đơn vị cho thấy, học viên chuyên ngành tài chính tốt nghiệp Học viện ra trường nhìn chung có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật cao; có kiến thức khá toàn diện, trình độ, nghiệp vụ tài chính cơ bản đáp ứng cương vị chức trách ban đầu. Tuy được trang bị khá đầy đủ kiến thức cơ bản, cơ sở và chuyên ngành, nhưng đa số học viên còn “hổng” về kỹ năng thực hành, kiến thức thực tế; tiếp cận công việc chậm (sĩ quan ra trường phải sau 02 - 03 năm mới có thể độc lập đảm đương được công việc); khả năng tổ chức làm việc theo nhóm, độc lập xử lý các vấn đề thực tế, cũng như tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo, chỉ huy về quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính của một số cán bộ còn hạn chế. Cá biệt có trường hợp không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, phải chuyển sang làm công việc khác (tỷ lệ này chiếm khoảng 05%). Những điểm yếu, hạn chế đó do nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để góp phần khắc phục những điểm tồn tại, hạn chế trên đây, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tài chính, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác tài chính quân đội trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện tổng thể nhiều nội dung, biện pháp. Trong phạm vi cho phép, xin trao đổi, đề xuất một số vấn đề chủ yếu sau.

Theo chúng tôi, trước hết, cần nghiên cứu cải tiến, đổi mới chương trình đào tạo đối tượng Sĩ quan Tài chính theo hướng “thiết thực, chuyên sâu”. Hiện nay, việc phân bố chương trình các môn học của học viên tài chính còn nặng về kiến thức đại cương, dẫn đến tình trạng kiến thức chung quá nhiều, trong khi nội dung chuyên ngành trực tiếp phục vụ nhiệm vụ lại chưa được đào tạo sâu. Vì vậy, cần nghiên cứu phân chia hợp lý hơn giữa các khối kiến thức. Nên tăng thời gian cho các môn cơ sở ngành và chuyên ngành lên khoảng 50% - 60% thời lượng đào tạo. Cùng với đó, cần đa dạng nội dung đào tạo để học viên sẵn sàng đảm nhiệm công việc ở mọi loại hình đơn vị. Trước thực tiễn phát triển nhanh như hiện nay, Học viện Hậu cần cần chủ động cập nhật, bổ sung kiến thức mới về chuyên ngành tài chính, như: cơ chế quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công và các quỹ ngoài ngân sách nhà nước trong Quân đội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, v.v.); các nội dung mới về quản lý tài chính đối với hoạt động có thu trong các đơn vị dự toán quân đội; quy định về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý giá sản phẩm quốc phòng, quản lý tài sản nhà nước trong Quân đội; các chế độ chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mới; chế độ kế toán đơn vị dự toán mới, kế toán đơn vị chủ đầu tư trong Quân đội, v.v. Đây là những kiến thức mà đội ngũ cán bộ tài chính đương nhiệm và Sĩ quan Tài chính mới ra trường đang còn yếu và thiếu.

Đi liền với đó, tăng cường đào tạo kỹ năng thực hành, thực tiễn cho học viên, tạo bước chuyển về năng lực công tác, đảm bảo học viên ra trường đảm đương được ngay cương vị công tác được phân công. Trong đó, chú trọng đào tạo “kỹ năng mềm”, nhất là kỹ năng tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị trong quản lý điều hành ngân sách; kinh nghiệm xử lý các mối quan hệ, các tình huống phát sinh liên quan đến giải quyết tài chính, v.v. Để thực hiện tốt vấn đề này, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, nhất là khắc phục hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ giảng viên, làm cơ sở để đổi mới hơn nữa phương pháp giảng dạy theo hướng dạy học tích cực, thực sự lấy học viên làm trung tâm, thực hiện tốt việc gắn lý thuyết với thực hành. Mặt khác, tăng thời gian thực hành môn học tại trường và đặc biệt là tổ chức tốt thực tập cuối khóa cho học viên, tạo cơ hội, điều kiện để học viên tiếp cận, thực nghiệm nội dung lý luận đã được trang bị, củng cố kỹ năng, năng lực thực tế. Hiện nay, Học viện Hậu cần đang tích cực triển khai xây dựng để sớm đưa vào sử dụng Hệ thống huấn luyện mô phỏng chuyên ngành Tài chính quân đội; trong đó, học viên sẽ được thực hành chức trách mô phỏng trên cương vị tài chính cấp trung đoàn và làm chuyên môn kế toán tài chính. Đây là nội dung thiết thực giúp học viên chủ động làm quen với chức trách ban đầu, hạn chế bỡ ngỡ, lúng túng khi ra đơn vị công tác. Thời điểm đưa học viên đi thực tập (trung tuần tháng 3 hằng năm, sắp tới là tháng 12) như xác định của Học viện là phù hợp. Vì thời gian này các đơn vị cơ sở đã hoàn thành quyết toán tài chính năm, nên có điều kiện để hướng dẫn học viên thực tập. Tuy nhiên, bố trí thời gian thực tập 08 tuần là ít và chưa khoa học. Thời gian thực tập nên bố trí tối thiểu là 03 tháng, để học viên có điều kiện làm quen với tất cả các công việc tài chính của đơn vị và ít nhất là được làm quyết toán tài chính 01 quý. Đối với các đơn vị tiếp nhận học viên đến thực tập, cần phân công, giao nhiệm vụ và tạo điều kiện cho học viên được thực tập đa dạng các vị trí công tác, tránh hiện tượng để học viên chỉ tham quan, dự thính, v.v.

Xây dựng nguồn nhân lực ngành Tài chính Quân đội là một nội dung trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đó, bài viết đề xuất một số vấn đề để cùng nghiên cứu, trao đổi.

 Đại tá, TS. TRẦN ĐÌNH THĂNG, Phó Giám đốc Học viện Hậu cần

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.