Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 03/05/2012, 15:07 (GMT+7)
Mấy vấn đề về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trên địa bàn Quân khu 7

Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Thực hiện tốt công tác này không chỉ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội thường trực, mà còn là cơ sở để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và nguồn cán bộ kế cận chất lượng cao cho địa phương, cơ sở.


Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu động viên nữ chiến sĩ mới Long An trong ngày nhập ngũ
 

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh (ĐU,BTL) Quân khu 7 và cấp ủy, chính quyền các địa phương, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (gọi tắt là công tác tuyển quân) trên địa bàn có nhiều đổi mới và đạt được kết quả thiết thực. ĐU,BTL Quân khu, cấp ủy, chính quyền, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các địa phương đã có sự thống nhất cao về quan điểm, nhận thức và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành thực hiện các bước tuyển quân. Thông qua thực hiện “tròn khâu” trong công tác tuyển quân, các địa phương đều tiến hành đúng quy trình đăng ký, quản lý nguồn, sơ tuyển, xét tuyển, bảo đảm dân chủ, công bằng, đúng Luật NVQS. Cơ quan quân sự các cấp đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ thị, kế hoạch; thực hiện công tác đăng ký, thống kê và tổng hợp báo cáo đúng thời gian quy định. Quân khu đã phát huy tốt vai trò của Hội đồng NVQS, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố trong việc nắm chắc số lượng, chất lượng nam, nữ công dân trong độ tuổi nhập ngũ; đồng thời, xác định đúng các đối tượng tạm vắng, tạm trú và các đối tượng trong diện miễn làm NVQS, miễn gọi hoặc tạm hoãn gọi nhập ngũ theo Điều 29, Điều 30 của Luật NVQS. Các đơn vị nhận quân đã chủ động hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tuyển chọn hồ sơ, thống nhất danh sách, chốt quân số và cùng với địa phương thực hiện tốt công tác giao, nhận quân. Các cấp đã tổ chức đầy đủ khung huấn luyện theo quy định; chuẩn bị chỗ ăn, ở, vệ sinh chu đáo, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp để chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập với đơn vị.

Thường vụ ĐU,BTL Quân khu xác định: làm tốt công tác tuyển quân, trước mắt sẽ tăng cường lực lượng để xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Về lâu dài, sẽ giúp địa phương có nguồn cán bộ kế cận chất lượng cao1 -  “một trong những lời giải cho bài toán về công tác nhân sự của địa phương”. Bởi vậy, ĐU, BTL Quân khu chỉ đạo các cấp chú trọng tuyển chọn những thanh niên có trình độ học vấn, sức khỏe, có độ tin cậy chính trị cao để tuyển chọn vào Quân đội. Những quân nhân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng hay có tay nghề kỹ thuật, sau khi huấn luyện xong sẽ được tuyển lựa, bố trí công việc phù hợp với khả năng hoặc cử đi đào tạo để trở thành sĩ quan, cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực quân sự nếu như họ có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong Quân đội. Khi xuất ngũ, họ sẽ được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo công ăn, việc làm ổn định, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo khi đủ điều kiện. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ tuyển quân, các địa phương đã làm tốt công tác bảo đảm chế độ, chính sách hậu phương quân đội, như: chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp đột xuất cho gia đình quân nhân khó khăn, miễn học phí cho con hạ sĩ quan, chiến sĩ đang tại ngũ; tổ chức tốt việc đón tiếp, đăng ký, quản lý và tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho các quân nhân hoàn thành thời hạn phục vụ tại ngũ, xuất ngũ về địa phương. Việc làm đó đã tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội; là động lực trực tiếp cổ vũ, động viên công dân yên tâm lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Để tạo khí thế sôi nổi động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, công tác tổ chức Hội trại tòng quân được cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn Quân khu quan tâm đặc biệt; nội dung, hình thức tổ chức có nhiều sáng tạo, phong phú và có ý nghĩa chính trị thiết thực. Nhờ đó, hằng năm, các địa phương đều hoàn thành 100% chỉ tiêu, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy trình; chất lượng tuyển quân ngày càng cao. Chỉ tính riêng đợt 1 năm 2012, các địa phương trên địa bàn Quân khu đã tuyển và giao quân cho các đơn vị đạt 100% chỉ tiêu, đúng thời gian quy định. So với cùng kỳ năm 2011, tỷ lệ đảng viên đạt 3,47% (tăng 0,15%); tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 19,03% (tăng 5,62%); trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học đạt 6,86% (tăng 3,91%). Đáng chú ý là, số nữ thanh niên đã tham gia đăng ký và trúng tuyển với số lượng, chất lượng cao, đạt và vượt các tiêu chuẩn quy định (100% sức khỏe loại 1 và 2; 100% đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó 70% có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp). Một số địa phương chỉ đạo chặt chẽ, gọi khám số lượng thấp (điều 3 thanh niên/1 chỉ tiêu), tuyển chọn giao quân chất lượng cao; sau giao quân không có bù đổi, không có đào ngũ hay vắng mặt trái phép, như: Tỉnh Long An, Lâm Đồng. Các địa phương khác cũng đã có nhiều nỗ lực, đạt được kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2011...

Tuy nhiên, công tác tuyển quân trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế. Một số địa phương còn lúng túng trong thực hiện tuyển quân theo phương thức “tròn khâu”; nhận thức của một số ban, ngành, đoàn thể địa phương và một bộ phận nhân dân đối với công tác tuyển quân chưa thật đầy đủ và chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Việc tổ chức thực hiện quy trình tuyển quân từng bước, từng khâu có nơi còn thiếu chặt chẽ; phúc tra nguồn còn bỏ sót; sơ tuyển gọi khám sức khỏe, bình cử gọi công dân nhập ngũ chưa bảo đảm thực sự công khai, minh bạch, dân chủ rộng rãi. Công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân ở độ tuổi nhập ngũ còn thiếu đồng bộ (cả về chính sách và chế tài thực hiện), nên mặc dù nguồn nhiều, chỉ tiêu tuyển quân giảm, nhưng công tác gọi nhập ngũ vẫn gặp khó khăn, nhất là ở các khu vực thành phố, thị xã. Việc quán triệt các chỉ thị, hướng dẫn về công tác tuyển quân của cấp ủy, chính quyền chưa thật sâu sắc; nhận thức về Luật NVQS của nhân dân còn hạn chế; công tác phối hợp giữa địa phương với các đơn vị nhận quân chưa chặt chẽ, nhất là việc nắm bắt về đặc điểm, nhiệm vụ, nhu cầu và yêu cầu tuyển quân của đơn vị. Đối với đơn vị nhận quân, có nơi nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, yêu cầu, nội dung công tác tuyển quân theo quy trình mới; còn có tư tưởng ỷ lại, "khoán trắng” cho địa phương, nên hoạt động phối hợp chưa chặt chẽ... Điều đó không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng công tác tuyển quân mà còn ảnh hưởng đến việc quản lý, huấn luyện, bố trí và sử dụng lực lượng của đơn vị.

 Để khắc phục những hạn chế, tạo sự thống nhất, hiệu quả trong thực hiện công tác tuyển quân trên địa bàn, Thường vụ ĐU,BTL Quân khu đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tuyển quân đợt 1 năm 2012; trong đó, đã làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, giải pháp cho đợt 2 năm 2012 và những năm tiếp theo. Hội nghị nhấn mạnh: Cần tập trung đổi mới phương thức, đẩy mạnh cải cách hành chính, mở rộng dân chủ, bảo đảm công khai, đúng luật định trong xét duyệt, tuyển chọn công dân nhập ngũ. Chú trọng nâng cao chất lượng về mọi mặt, nhất là chất lượng chính trị, ưu tiên tuyển chọn đội ngũ thanh niên trí thức vào Quân đội; tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ tuyển quân, hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch Nhà nước giao năm 2012 và những năm tiếp theo. Đồng thời, các địa phương thường xuyên làm tốt công tác quy hoạch tuyển quân gắn với tạo nguồn động viên, xây dựng các đơn vị dự bị động viên vững mạnh toàn diện; gắn công tác tuyển quân với công tác xây dựng nguồn cán bộ cơ sở, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội... Để thực hiện thắng lợi chủ trương trên, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, Hội đồng NVQS các cấp trên địa bàn Quân khu phải chú trọng một số vấn đề sau:

1- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Hội đồng NVQS các địa phương và nhân dân, nhất là đối với các công dân trong độ tuổi thực hiện Luật NVQS về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyển quân. Đây là nội dung hết sức quan trọng. Bởi lẽ, công tác tuyển quân ở các địa phương chỉ đạt được chất lượng như mong muốn khi đã tạo được sự đồng thuận của tất cả các tổ chức, các lực lượng, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhận thức đầy đủ, tự giác chấp hành Luật NVQS. Vì vậy, cơ quan quân sự các cấp phải thực sự chủ động làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyển quân; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, trong đó có các tổ chức, ban ngành, đoàn thể; đặc biệt là phát huy tốt vai trò của Hội đồng NVQS các cấp. Các địa phương cần thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nắm chắc các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; về quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện Luật NVQS. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhiệm vụ cụ thể ở mỗi địa bàn; đồng thời, khai thác tối đa hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh, truyền hình). Chú ý lồng ghép nội dung Luật NVQS vào trong chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh chính khóa, các hoạt động ngoại khóa ở các nhà trường, nhất là từ cấp trung học phổ thông trở lên để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Các địa phương cần phát huy cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể xã hội: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc,... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật NVQS cho nhân dân. Đồng thời, hết sức chú trọng phát huy dân chủ ở cơ sở trong bình cử, thực hiện tốt phương châm "dân chủ, công khai, công bằng" trong công tác tuyển quân.

2- Chủ động phối hợp, hiệp đồng giữa địa phương với đơn vị nhận quân trong quá trình thực hiện công tác tuyển quân. Trước mỗi giai đoạn tuyển quân, các địa phương cần chủ động phối hợp, trao đổi với các đơn vị nhận quân để nắm chắc đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của đơn vị và yêu cầu về tiêu chuẩn cũng như số lượng quân nhân mà đơn vị cần tuyển chọn; phân chỉ tiêu tuyển quân gắn với xây dựng nguồn động viên ở từng địa bàn, nhất là đối với các ngành chuyên môn kỹ thuật cao và gắn với tạo nguồn cán bộ cơ sở sau này. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị nhận quân nghiên cứu, xét duyệt hồ sơ và cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trước khi chốt danh sách và phát lệnh gọi nhập ngũ. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị nhận quân tổ chức lễ giao quân chặt chẽ, nhanh gọn và thực hiện tốt công tác bù, đổi những thanh niên chưa đủ tiêu chuẩn sau khi các đơn vị phúc tra. Mặt khác, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp chống, trốn hoặc chây ỳ không thực hiện NVQS, tạo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

3- Trong khi chờ đợi sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, về tạm trú, tạm vắng, diện tạm miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình theo Luật NVQS và Luật Cư trú, cơ quan quân sự địa phương cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Hội đồng NVQS các cấp  trong việc đăng ký, quản lý, nắm, vận động, thuyết phục số thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ, nhất là số thanh niên có trình độ học vấn cao, chất lượng chính trị tốt ở địa phương, cơ sở tham gia nhập ngũ. Theo đó, các địa phương cần thường xuyên làm tốt công tác rà soát, đăng ký, phân loại thanh niên (nguồn) trong độ tuổi thực hiện NVQS. Các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch đăng ký, phúc tra; tổ chức tập huấn, phân rõ trách nhiệm cán bộ phụ trách từng địa bàn để nắm chắc chất lượng nguồn ngay từ thôn, xóm, tổ dân phố, trong các cơ quan, nhà trường, công ty, xí nghiệp... Trong quá trình thực hiện, tổ chức phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành: Quân sự, Công an, Y tế, Giáo dục - đào tạo...; phát huy cao vai trò của Hội đồng NVQS, các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố trong việc sơ tuyển theo quy định về tiêu chuẩn: chính trị, đạo đức, trình độ học vấn, sức khỏe,... và lập danh sách công dân thuộc diện miễn, tạm hoãn. Đồng thời, chấp hành nghiêm Thông tư số 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT của Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 38/2007/NĐ-CP, ngày 15-3-2007 của Chính phủ về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ. Qua đó, nâng tỷ lệ thanh niên đã tốt nghiệp trung học phổ thông và thực hiện tốt việc vận động những sinh viên tốt nghiệp các trường  trung cấp, dạy nghề, cao đẳng, đại học vào phục vụ Quân đội. Với việc tập trung thực hiện tốt phương châm: “Giao quân đủ, chất lượng cao, giao người nào được người đó, không có loại trả”, Quân khu 7, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn đã và đang góp phần giải đáp “bài toán” chất lượng nguồn nhân lực cho xây dựng Quân đội, xây dựng địa phương, cơ sở trong tình hình mới./.

Trung tướng PHẠM VĂN DỸ

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu

________

1 - Từ 2006 đến nay, 64% đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương phát triển tốt trên các cương vị chức trách; trong đó có 5% đảng viên đang giữ cương vị chủ tịch, bí thư các xã (phường, thị trấn) và cao hơn.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.