Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 17/10/2016, 08:08 (GMT+7)
Mấy vấn đề về công tác lý luận trong tình hình mới

Công tác lý luận là mặt công tác thường xuyên, quan trọng của Đảng. Để lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng, đòi hỏi Đảng Cộng sản phải không ngừng đổi mới, phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận, gắn lý luận với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Là lãnh tụ vĩ đại, nhà lý luận của giai cấp vô sản, V.I. Lê-nin luôn coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò của công tác lý luận trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng, chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt Nam - cũng chỉ ra rằng: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”2. Điều khẳng định trên của V.I. Lê-nin và Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng, khi lý luận cách mạng được nhận thức, vận dụng sáng tạo và không ngừng bổ sung, phát triển. Nếu không, lý luận sẽ chỉ là “màu xám”. Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cũng với ý nghĩa đó.

Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng ta bao giờ cũng đặt công tác lý luận, nghiên cứu, phát triển lý luận lên hàng đầu; coi đó là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Công tác lý luận luôn thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xác định con đường đúng đắn phía trước cho dân tộc; là cơ sở khoa học để hoạch định chiến lược, chính sách phát triển đất nước, lý giải các vấn đề thực tiễn phát sinh; đồng thời, vạch trần những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống đối. Đó là phương thức đặc thù của lý luận khoa học phục vụ chính trị - là nhiệm vụ chủ yếu trong xây dựng Đảng về chính trị.

Nhìn lại 30 năm đổi mới vừa qua, ta càng thấy rõ hơn vai trò dẫn đường và tầm quan trọng hàng đầu của lý luận chân chính; mà thiếu nó, chúng ta không có một nền móng vững chãi, công cuộc đổi mới khó có những bứt phá mạnh mẽ, thành công, rất dễ sai lầm và vấp váp. Tuy nhiên, những hạn chế, khuyết điểm của công tác lý luận cũng đã được Đảng ta chỉ ra, đó là: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ”3;

Hiện nay, để tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong công tác lý luận, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”. Đồng thời tập trung nghiên cứu làm rõ và thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, nghiên cứu làm rõ những vấn đề về nền tảng tư tưởng của Đảng, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và làm rõ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, những vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện, trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển đất nước; những vấn đề cần nhận thức lại có đối chiếu, so sánh với thực tiễn. Quá trình nghiên cứu, phải tìm kiếm, lý giải thấu đáo những vấn đề thuộc bản chất, tránh đi vào những chi tiết cụ thể và quan trọng là phải chỉ rõ những điểm cần nhận thức lại, những điểm không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam; nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh và khả năng vận dụng vào thực tiễn phát triển đất nước. Không nghiên cứu theo kiểu phong trào, tán dương mà cần những luận cứ khoa học, khái quát thành cơ sở lý luận; làm sáng tỏ nhận thức, quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phát hiện những mâu thuẫn, động lực của sự phát triển; phân tích, chỉ rõ xu hướng, bước đi phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; nghiên cứu những bài học kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra trong các mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới; tổng kết những kinh nghiệm xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những vấn đề trên không chỉ là cơ sở khoa học và lý luận cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giai đoạn mới, mà còn là cơ sở lý luận và thực tiễn tin cậy để từng bước tiến tới xây dựng lý luận tổng thể về con đường phát triển của Việt Nam trong bối cảnh đổi mới, hội nhập và giao lưu quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hai là, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng.

Sau 30 năm đổi mới, Đảng đã tổng kết được hệ thống quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, còn không ít vấn đề lý luận chưa được luận chứng khoa học thấu đáo. Để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ, cần phải đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, gắn chặt với nghiên cứu lý luận, trên cơ sở đó làm sáng tỏ những vấn đề về thời đại, về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về thể chế, thiết chế quản lý, phát triển xã hội. Gắn liền với đó là đẩy mạnh đấu tranh, bác bỏ những luận điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Ba là, nghiên cứu làm rõ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị.

30 năm qua, Đảng ta luôn chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước và hệ thống chính trị, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, nên vừa giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là vai trò của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc. Tuy nhiên “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn chậm, nhất là việc cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có những nội dung còn lúng túng. Chưa xác định rõ nội dung và phương thức cầm quyền”4. Vì vậy, cần phải “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần lưu ý phải phòng ngừa đối với đảng cầm quyền”5. Hiện nay, đây thực sự là vấn đề cấp thiết, cần phải được tiếp tục tổng kết, nghiên cứu một cách sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực tiễn để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị. Theo đó, công tác lý luận cần tiếp tục làm sáng tỏ cả lý luận và thực tiễn mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị; trong đó, Đảng vừa là một bộ phận, vừa là người lãnh đạo của hệ thống; làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của các cơ quan, thiết chế nhà nước (Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp); vấn đề phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; làm rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng và của Nhà nước, mối quan hệ giữa lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp giữa cơ quan, tổ chức đảng với cơ quan, tổ chức nhà nước ở các cấp, với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; làm rõ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện một đảng cầm quyền.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nhiều vấn đề lý luận đã được Đảng ta giải quyết, song cũng còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, cũng như những vấn đề mới nảy sinh từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức phức tạp, có những tác động mạnh đến sự nghiệp cách mạng của nước ta. Đây không phải là nhiệm vụ của riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà là trách nhiệm của tất cả các cấp, từ Trung ương đến cơ sở. Đó không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan nghiên cứu lý luận, các nhà khoa học, mà còn là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi cán bộ, đảng viên. “Từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến các cấp uỷ, ban cán sự Đảng, đảng đoàn đều phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, lý luận.”6. Điều đó đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức đảng các cấp phải thường xuyên làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, khẩn trương triển khai cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII; chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc. Đó là một quá trình đổi mới tư duy, một quá trình kết hợp lý luận với thực tiễn. Có như vậy, công tác lý luận mới thâm nhập cuộc sống, từ cuộc sống để bổ sung ngày càng hoàn thiện.

Đại tá NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

___________________         

1 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 6, Nxb Tiến bộ, M. tr. 32.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 268.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 67.

4 - Sđd, tr. 197.

5 - Sđd, tr. 217.

6 - Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương - Tài liệu nghiên cứu các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 148.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.