Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 17/07/2023, 08:46 (GMT+7)
Mấy vấn đề về chiến tranh phi quy ước hiện nay

Chiến tranh phi quy ước là loại hình chiến tranh đã được Mỹ, phương Tây thực hiện với một số quốc gia đi ngược lại lợi ích hay đối địch với họ, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa. Vậy, nghiên cứu nắm vững bản chất, phương thức tiến hành để có biện pháp phòng, chống hiệu quả là vấn đề quan trọng.

Theo Điều lệnh Tác chiến phi quy ước ATP3 - 05.1 của Mỹ, chiến tranh phi quy ước là: cuộc chiến tranh được tiến hành để hậu thuẫn cho một phong trào phản kháng hoặc nổi dậy nhằm gây sức ép, chống phá hoặc lật đổ một chính quyền hay thế lực đang chiếm đóng, bằng các hành động phối hợp tác chiến giữa các lực lượng Mỹ (liên quân) tại quốc gia, hoặc khu vực chịu sự kiểm soát của chính quyền đối phương hay thế lực đang chiếm đóng. Chiến tranh phi quy ước là công cụ sức mạnh quốc gia của Mỹ. Có thể thấy, đối với thế giới, chiến tranh phi quy ước là loại hình chiến tranh không mới, nhưng với Việt Nam, mặc dù trong Kết luận số 31-KL/BCT, ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược quân sự, khi xác định các hình thái chiến tranh có đề cập đến chiến tranh “phi quy ước”, song loại hình chiến tranh này vẫn còn rất mới. Vì vậy, vấn đề này cần được nhận thức thống nhất và chủ động nghiên cứu các phương cách phòng, chống hiệu quả.

Trên thực tế, để tiến hành một cuộc chiến tranh phi quy ước, cần phải có các điều kiện từ bên trong và bên ngoài. Điều kiện bên trong thường là: chính quyền yếu kém, sai lầm, suy thoái, mâu thuẫn lớn với nhân dân; phần lớn người dân có tư tưởng chống đối hoặc bị tuyên truyền, lôi kéo theo thế lực thù địch; các tổ chức chính trị đối lập được hình thành, dựng được ngọn cờ, có thủ lĩnh, lôi kéo đông đảo quần chúng tham gia, có lực lượng vũ trang được tổ chức và trang bị tương đối hiện đại, có thể đương đầu với lực lượng vũ trang của chính quyền đương nhiệm; có địa bàn thuận lợi cho bạo loạn, nhanh chóng phát triển, mở rộng thành chiến tranh. Về điều kiện bên ngoài: các thế lực thù địch tập hợp được đồng minh, liên minh, nhất là các nước lớn, nước láng giềng của đối phương; tạo được sức mạnh quân sự cần thiết và điều kiện thuận lợi cho can thiệp, hỗ trợ, chi viện có hiệu quả cho lực lượng bạo loạn, chống đối từ bên trong; có cớ để can thiệp quân sự, như: kêu gọi từ các lực lượng bên trong, thao túng Liên hợp quốc, hợp thức hóa, quốc tế hóa cuộc chiến tranh, v.v.

Một cuộc chiến tranh phi quy ước xảy ra nhất thiết phải có đủ cơ bản các điều kiện bên trong và bên ngoài, hợp thành điều kiện tiên quyết để tiến hành chiến tranh và quyết định sức mạnh của chiến tranh phi quy ước. Trong đó, điều kiện bên trong quyết định về thế trận, lực lượng ban đầu, cũng như việc tạo cớ, tạo cơ sở tiến hành chiến tranh thuận lợi, giảm tổn thất cho lực lượng gây ra chiến tranh. Điều kiện bên ngoài quyết định sức mạnh, nhịp độ, tiến trình chiến tranh và thời gian thực hiện mục đích của chiến tranh phi quy ước. Từ phân tích trên cho thấy, điều kiện bên trong và bên ngoài có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau, vừa là điều kiện, vừa là cơ sở, được bổ sung, hoàn chỉnh trong quá trình chiến tranh; trong đó, điều kiện bên trong giữ vai trò quyết định.

Chiến tranh phi quy ước, bạo loạn và chiến tranh truyền thống có sự khác nhau nhất định. Bạo loạn thường có các dạng: bạo loạn chính trị, vũ trang, ly khai; đó cũng là một trong những tình huống quốc phòng, có các quy mô khác nhau, rất nguy hiểm, nhưng chủ yếu là các hoạt động đấu tranh, hoạt động quân sự hạn chế và khó lật đổ được chính quyền đương nhiệm. Chiến tranh truyền thống (chiến tranh xâm lược quy mô lớn) chủ yếu do lực lượng quân sự tiến hành, có kết hợp với các hoạt động đấu tranh khác nhưng giải quyết chiến tranh bằng sức mạnh quân sự là cơ bản. Còn chiến tranh phi quy ước thường phát triển từ bạo loạn nhưng mang đầy đủ đặc điểm, tính chất và phương thức tiến hành của một cuộc chiến tranh với quy mô lớn hơn, sức mạnh và cường độ hoạt động quân sự nhiều hơn; được tiến hành bằng lực lượng bạo loạn và lực lượng quân sự với các hoạt động bạo loạn quy mô lớn kết hợp với hoạt động quân sự ở các trọng điểm, song quy mô và cường độ hoạt động quân sự hạn chế hơn nhiều so với chiến tranh truyền thống.

Với Việt Nam, phương thức tiến hành chiến tranh phi quy ước có thể khái quát như sau: các thế lực thù địch hiếu chiến hoặc nước lớn tiến hành “cách mạng màu”, “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, phối hợp các tổ chức đảng phái phản động ở trong và ngoài nước gây bạo loạn: chính trị, vũ trang, ly khai, chiếm giữ một số mục tiêu trọng yếu, địa bàn chiến lược về quân sự, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, gây nội chiến, tạo cớ can thiệp quân sự từ bên ngoài; kết hợp các biện pháp phi vũ trang và vũ trang, dựng lên tổ chức phản động, chính quyền tay sai đối lập buộc Nhà nước Việt Nam phải thương lượng, chấp nhận yêu sách của chúng; kết hợp thao túng Liên hợp quốc, lập vùng cấm bay, bao vây, cấm vận, cô lập, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để phòng, chống chiến tranh phi quy ước có hiệu quả, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bài viết xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết, về xây dựng nội bộ. Đây là vấn đề cơ bản, có vai trò quyết định trong phòng, chống chiến tranh phi quy ước, vì điều kiện và nguyên nhân bên trong luôn giữ vai trò quyết định. Theo đó, tập trung xây dựng và củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bởi, có lòng tin mới có sự gắn kết mật thiết, có tinh thần xây dựng, phát triển và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc; xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết và gắn bó mật thiết với nhân dân, làm việc vì lợi ích của nhân dân, phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết và phải lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu phấn đấu, làm phương hướng hành động cơ bản; đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, phấn đấu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Chăm lo đến lợi ích của những người có công với cách mạng, các thành phần cơ bản, nòng cốt của Đảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ “rường cột” của cách mạng, nhất là Quân đội, Công an, những người thực thi pháp luật, lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Cùng với đó, coi trọng công tác dự báo, nhất là dự báo chiến lược, kịp thời phát hiện và triệt tiêu các nguy cơ có thể dẫn đến mất ổn định, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, đập tan các tổ chức chính trị đối lập, các mầm mống có thể dẫn đến bạo loạn chính trị, vũ trang, ly khai, triệt tiêu những yếu tố có thể dẫn đến chiến tranh phi quy ước.

Đẩy mạnh xây dựng và củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong điều kiện mới - cơ sở rất quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ xung đột và chiến tranh nói chung, chiến tranh phi quy ước nói riêng; đồng thời, sẵn sàng đánh thắng các hình thái chiến tranh dưới mọi hình thức và quy mô (nếu xảy ra). Phải khơi dậy trong nhân dân khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, quốc gia hùng cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, yêu quê hương, xứ sở, ý chí kiên cường, bất khuất, sự cố kết cộng đồng, dân tộc, giá trị văn hóa vĩnh hằng của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tổ chức tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội, làm sáng tỏ các vấn đề rất mới của chủ nghĩa xã hội ngày nay, nhất là các vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn so với những gì mà chúng ta đã nhận thức trước đây về chủ nghĩa xã hội; chứng minh, làm rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong thực tiễn để củng cố lòng tin của nhân dân, từ đó ra sức bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, có niềm tin vững chắc vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Một đất nước có hệ thống chính trị mà trung tâm là Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh, trong sạch, đoàn kết; nhân dân tin tưởng và quyết tâm phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tất cả là một khối thống nhất, phấn đấu đi lên vì lợi ích quốc gia - dân tộc thì không một thế lực nào có thể xâm phạm được.

Tiếp theo là công tác đối ngoại. Điều kiện bên ngoài rất quan trọng đối với chiến tranh phi quy ước, xét về mặt quân sự, có lúc, có thời điểm quyết định đến thành công hay thất bại của loại hình chiến tranh này. Đôi khi, nhờ vào các hoạt động đối ngoại, có thể tháo gỡ được các ngòi nổ, nguy cơ dẫn đến xung đột và chiến tranh, nên hoạt động đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong ngăn ngừa và đẩy lùi chiến tranh phi quy ước. Theo đó, phải thực hiện đúng đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, Nhà nước ta; Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết và coi đó là mục tiêu cao nhất, chi phối mọi hành xử trong hoạt động đối ngoại với phương châm “thêm bạn, bớt thù”, không ngừng củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Trong quan hệ đối ngoại, cần khẳng định quan hệ với các nước láng giềng có chung đường biên giới là mối quan hệ có ý nghĩa chiến lược, xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển lâu dài, bền vững. Coi trọng quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là với các nước lớn, không để phát sinh mâu thuẫn, bất đồng, không có lợi cho Việt Nam; không để mắc mưu khiêu khích của các thế lực thù địch, không để dẫn đến tình cảnh phải chọn bên, chọn phe trong quan hệ với các nước lớn; kiên trì giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng bằng các giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia - dân tộc. Phải khôn khéo nhưng kiên quyết, không để lợi ích quốc gia - dân tộc bị xâm hại, nhất là đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Kiên quyết ngăn chặn các nguy cơ có thể dẫn đến mất ổn định, hóa giải các nguy cơ có thể gây ra xung đột, chiến tranh. Không cho các thế lực thù địch ở trong nước có thể cấu kết với các thế lực phản động ở bên ngoài làm tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, vô hiệu hóa các điều kiện có thể dẫn đến chiến tranh phi quy ước.

Trong trường hợp bất khả kháng, nếu chiến tranh phi quy ước xảy ra, cần bình tĩnh nghiên cứu tìm hiểu rõ nguyên nhân, nhưng trước hết phải tìm mọi cách triệt tiêu các nguyên nhân và điều kiện dẫn đến chiến tranh.  Khi buộc phải tiến hành chiến tranh, chủ động nắm và đánh giá đúng tình hình, nhất là lực lượng bạo loạn ở bên trong, dự báo khả năng can thiệp quân sự từ bên ngoài; các mục tiêu, địa bàn trọng điểm lực lượng bạo loạn chiếm giữ; quy mô lực lượng, khả năng của lực lượng vũ trang bạo loạn và lực lượng quần chúng bị lôi kéo; quy mô lực lượng, phương tiện, phương thức, âm mưu, thủ đoạn của lực lượng can thiệp quân sự từ bên ngoài. Xây dựng quyết tâm, kế hoạch tác chiến và đấu tranh hợp lý, khẩn trương sử dụng lực lượng chốt giữ các mục tiêu chủ yếu, quan trọng, địa hình có lợi, đầu mối giao thông, trục đường, cửa khẩu, địa bàn biên giới, ven biển, hải cảng trọng điểm, v.v. Khống chế lực lượng vũ trang bạo loạn; chia cắt lực lượng vũ trang bạo loạn với quần chúng bị lôi kéo; bao vây, chia cắt lực lượng can thiệp quân sự từ bên ngoài với lực lượng bạo loạn ở trong nước. Vận dụng chủ yếu phương thức tác chiến tiến công tổng hợp để giải quyết chiến tranh phi quy ước, kết hợp chặt chẽ tiến công quân sự với đấu tranh chính trị ở các trọng điểm chiến lược; trong đó, tiến công quân sự là chủ yếu và phải đi trước một bước.

Tiến công quân sự phải được tiến hành bằng các trận đánh, chiến dịch phòng ngự, phản công, tiến công và lấy hình thức tiến công là chủ yếu; sử dụng lực lượng ưu thế thực hiện đánh nhanh, giải quyết nhanh, tiêu diệt lực lượng vũ trang bạo loạn và lực lượng can thiệp quân sự, tạo điều kiện cho đấu tranh chính trị. Coi trọng đánh tiêu diệt lực lượng can thiệp quân sự dưới mọi hình thức, quy mô, tiến công đường bộ, đổ bộ đường không, đổ bộ đường biển,… không cho chúng có cơ hội mở rộng chiến tranh. Đấu tranh chính trị được tổ chức chặt chẽ với các quy mô, do cấp ủy và chính quyền địa phương ở địa bàn có bạo loạn tiến hành, đấu tranh chính trị phối hợp với tiến công quân sự, tận dụng kết quả của tiến công quân sự. Ở quy mô chiến lược do Trung ương tổ chức, có sự liên kết vùng, tiến hành đấu tranh chính trị ở các trọng điểm chiến lược, thành phố lớn, trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng, địa bàn chiến lược trọng yếu. Quá trình tiến hành chiến tranh, phải kết hợp chặt chẽ các hoạt động đấu tranh chính trị, kinh tế, đối ngoại trên phạm vi quốc gia, quốc tế, tạo sức mạnh tổng hợp để đánh địch, triệt để tận dụng kết quả đấu tranh của các nước láng giềng hữu nghị và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.