Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:14 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Công tác bảo đảm nói chung, bảo đảm hậu cần cho bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng được tiến hành trong điều kiện đặc thù với nhiều khó khăn, phức tạp, khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng hợp của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Vì vậy, nội dung này cần được nghiên cứu thấu đáo từ xây dựng tiềm lực, thế trận, đến tổ chức lực lượng, chỉ huy, hiệp đồng bảo đảm, v.v.
Việt Nam là quốc gia ven biển; vùng biển, đảo của nước ta có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là không gian sinh tồn, phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Với vai trò đó cùng những vấn đề do lịch sử để lại và ý đồ của các nước có liên quan, nên tình hình trên các vùng biển của nước ta luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, phức tạp, khó lường, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền biển, đảo và “trở thành quốc gia mạnh về biển” là nhiệm vụ chiến lược cơ bản, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó Quân đội là lực lượng nòng cốt. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, cần có đường lối chiến lược, sách lược kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, mềm dẻo và phải chuẩn bị chu đáo, toàn diện về mọi mặt ngay từ thời bình. Trong đó, làm tốt công tác bảo đảm hậu cần cho các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những yếu tố quan trọng.
Hiện nay, công tác bảo đảm hậu cần cho bảo vệ chủ quyền biển, đảo có những thuận lợi cơ bản. Thành tựu gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo tiền đề vững chắc cho công tác bảo đảm hậu cần nói chung, cho bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng. Các bộ, ngành, quân khu và địa phương ven biển đã tích cực kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần các cấp trên hướng biển, đảo ngày càng vững chắc. Hậu cần của Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và lực lượng trên các đảo được quan tâm đầu tư cả về lực lượng, vật chất, phương tiện, trang bị.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn tổng thể, hiệu quả kết hợp, xây dựng thế trận, tiềm lực hậu cần còn những mặt hạn chế. Trang thiết bị, phương tiện của hậu cần chiến lược, hậu cần Quân chủng Hải quân phần lớn qua nhiều năm sử dụng, khả năng bảo đảm vươn xa gặp nhiều khó khăn. Công tác chỉ huy, chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của hậu cần Quân đội với hậu cần khu vực phòng thủ, hậu cần nhân dân các địa phương ven biển và các bộ, ngành chưa thành cơ chế chặt chẽ, thống nhất; việc triển khai lực lượng, chỉ huy, điều hành bảo đảm hậu cần trên biển còn gặp nhiều khó khăn, v.v. Tình hình đó đòi hỏi công tác bảo đảm hậu cần cho các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo phải có nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, phương thức tổ chức chuẩn bị, bảo đảm hậu cần cho bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chúng ta biết, công tác bảo đảm hậu cần cho bảo vệ chủ quyền biển, đảo là hoạt động mang tính đặc thù cao, bởi có nhiều lực lượng tham gia; trên địa bàn rộng, xa đất liền; trong điều kiện môi trường, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt; khối lượng bảo đảm lớn; khả năng cơ động, bảo đảm khó khăn. Vì vậy, cùng với chủ động xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các văn kiện, kế hoạch bảo đảm hậu cần cho các phương án, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế phối hợp chuẩn bị, tổ chức bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ quan trọng này; trong đó, xác định rõ mức độ ưu tiên, trách nhiệm của các lực lượng, bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần cho bảo vệ biển, đảo, đáp ứng Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quá trình thực hiện, nhất quán quan điểm: phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, lấy hậu cần Quân đội làm trung tâm; hậu cần Quân chủng Hải quân làm nòng cốt; hậu cần khu vực phòng thủ địa phương ven biển làm nền tảng. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hiệp đồng, chỉ huy, bảo đảm giữa các lực lượng, trọng tâm là giữa hậu cần Hải quân với hậu cần các quân khu, địa phương ven biển; hậu cần Hải quân với lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, trên các đảo. Cùng với đó, nghiên cứu phát triển lý luận, phương thức bảo đảm hậu cần cho tác chiến bảo vệ biển, đảo trong cơ chế thị trường, phù hợp với sự phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự, phương thức đấu tranh quốc phòng trên biển và tiến trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
Hai là, tập trung xây dựng tiềm lực hậu cần tại chỗ trên hướng biển, đảo thực sự vững mạnh. Nước ta có vùng biển rộng, trải dài từ Bắc xuống Nam; các đảo, quần đảo lại cách xa nhau,... trong khi tình hình trên từng vùng biển, đảo diễn biến rất phức tạp, nên việc bảo đảm hậu cần cho các tình huống gặp không ít khó khăn. Vì vậy, coi trọng xây dựng hậu cần tại chỗ trên từng vùng biển, đảo là vấn đề quan trọng hàng đầu, nhằm bảo đảm nhanh, kịp thời cho các nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Để làm được điều đó, cùng với đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ở các vùng ven biển, trên các đảo, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng quy hoạch, phát triển các ngành kinh tế biển có tính lưỡng dụng; xây dựng một số tập đoàn kinh tế biển, các khu kinh tế tổng hợp, cụm công nghiệp ven biển gắn với tạo tiềm lực, xây dựng cơ sở hậu cần tại chỗ, xây dựng lực lượng hậu cần nhân dân rộng khắp, v.v. Đặc biệt, đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng ven biển, trên biển, đảo để vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa tăng cường tiềm lực, thế trận hậu cần trên từng vùng biển, đảo. Nhà nước và các địa phương cần có chính sách ưu đãi hơn nữa để đưa dân ra định cư trên các đảo; quan tâm đầu tư phát triển các nghề sản xuất, chế biến nông sản, hải sản; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, hình thành hệ thống cảng biển, âu tàu, nhà máy, kho, xưởng, cơ sở y tế, dịch vụ logistics phục vụ hoạt động kinh tế, dân sinh, sẵn sàng huy động bảo đảm cho quốc phòng. Các quân khu quan tâm xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố ven biển cả về lực lượng, tiềm lực vật chất, phương án phân cấp dự trữ và cơ chế huy động bảo đảm cho các tình huống quốc phòng và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đối với đơn vị thường trực làm nhiệm vụ trên biển và các đảo, cần tổ chức dự trữ vật chất hậu cần toàn diện, có trọng điểm, có chiều sâu, nhất là các loại vật chất thiết yếu, đảm bảo hoạt động, trụ bám dài ngày.
Ba là, xây dựng thế trận hậu cần trên bờ và trên biển, đảo liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, cơ động cao. Thế trận hậu cần trên bờ, ven biển là chỗ dựa trực tiếp, căn cứ chính để vươn ra bảo đảm cho lực lượng trên biển và các đảo nên phải đặc biệt quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng. Trong đó, chú ý quy hoạch thế bố trí các căn cứ, phân căn cứ hậu cần chiến lược, hậu cần các quân khu, Quân chủng Hải quân và hậu cần khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố ven biển thật sự vững chắc, có khả năng chuyển hóa linh hoạt. Thế trận hậu cần trên biển phải được xây dựng liên hoàn, có khả năng cơ động chuyển hóa, nối liền bờ với đảo. Thế trận hậu cần ở các tuyến đảo phải là cánh tay nối dài của bờ, có đủ tiềm lực bảo đảm cho lực lượng hoạt động trên biển, đảo bám trụ chiến đấu dài ngày; sẵn sàng kết hợp với hậu cần cơ động bảo đảm cho các tình huống trên biển, đảo. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, hậu cần Quân chủng Hải quân cần chủ động dự kiến phương án tổ chức lực lượng, khu vực bố trí, triển khai hậu cần trên biển theo các nhiệm vụ, tình huống tác chiến; có thể nghiên cứu bố trí hậu cần trên tuyến đảo, nhất là ở tuyến đảo giữa, đảo xa,... đảm bảo liên kết chặt chẽ với hậu cần nhân dân trên đảo, hậu cần cơ động trên biển, bố trí hậu cần tại chỗ đồng bộ, mạnh ở từng đảo, cụm đảo, hình thành thế bảo đảm tại chỗ vững chắc. Trên các đảo, nhất là các đảo lớn cần tận dụng, cải tạo các hang động hoặc xây dựng mới hệ thống kho, hầm dự trữ lương thực thực phẩm, nước ngọt, xăng dầu, thuốc quân y,... theo hướng lưỡng dụng, “ngầm hóa”, “kiên cố hóa”, đảm bảo khả năng sinh tồn cao, dài ngày. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư xây dựng các bến đậu, cầu cảng ở ven biển và trên các đảo làm điểm kết nối giữa hậu cần tuyến bờ - biển - đảo và ngược lại.
Bốn là, kiện toàn, xây dựng lực lượng hậu cần ngày càng chính quy, hiện đại. Đây là chủ thể đóng vai trò quyết định cách thức, phương pháp tiến hành và kết quả bảo đảm hậu cần cho các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Vì vậy, cần đẩy mạnh kiện toàn tổ chức ngành Hậu cần Quân đội, xây dựng lực lượng hậu cần thường trực tinh, gọn, mạnh, từng bước hiện đại, làm nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, chỉ huy các đơn vị xây dựng tiềm lực, thế trận, tổ chức huy động và trực tiếp bảo đảm cho các hoạt động bảo vệ biển, đảo. Trước hết, phải làm tốt công tác điều chỉnh tổ chức, lực lượng hậu cần - kỹ thuật ở các cấp; tích cực huy động các nguồn lực đầu tư cải tiến, hiện đại hóa trang bị, phương tiện bảo đảm hậu cần cho bảo vệ chủ quyền biển, đảo của hậu cần chiến lược, hậu cần Hải quân, Cảnh sát biển và các quân khu ven biển, lực lượng trên các đảo, v.v. Thực hiện hiện đại hóa hậu cần Hải quân, Cảnh sát biển đồng bộ với lộ trình hiện đại vũ khí, trang bị. Trọng tâm ưu tiên đóng mới và mua các tàu vận tải, quân y, tàu chở dầu, tra nạp nhiên liệu trên biển hiện đại, có trọng tải lớn, tốc độ cao, khả năng chịu sóng gió tốt; hiện đại hóa phương tiện thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, hiệp đồng bảo đảm hậu cần và trang bị, phương tiện hậu cần trên bờ, trên đảo, nhất là phương tiện bốc xếp vật chất, tra nạp nhiên liệu cho tàu xuất bến nhanh làm nhiệm vụ.
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng lực lượng dự bị động viên hậu cần hùng hậu, có chất lượng cao; chú trọng gắn phát triển lực lượng dân quân tự vệ trong các ngành kinh tế biển và hải đội dân quân thường trực của các tỉnh với xây dựng các phân đội tự vệ chuyên trách hậu cần. Đồng thời, coi trọng xây dựng hậu cần nhân dân khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển và trên các huyện đảo, xã đảo, nhất là đảo có dân, đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng, để sẵn sàng huy động, tham gia chi viện bảo đảm khi cần thiết.
Công tác bảo đảm hậu cần cho bảo vệ chủ quyền biển, đảo tiến hành trong điều kiện có những thuận lợi cơ bản, song đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cần giải quyết. Bởi vậy, cần có sự đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cả lý luận và hoạt động thực tiễn để thực hiện tốt công tác quan trọng này, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá, TS. CAO VĂN KẾ
Bảo đảm hậu cần,chủ quyền biển,đảo,huy động sức mạnh,mấy vấn đề,xây dựng tiềm lực
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc