Thứ Tư, 18/09/2024, 16:03 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường Quân đội, Trường Sĩ quan Thông tin được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thí điểm giảng dạy bằng tiếng Anh, làm cơ sở nghiên cứu, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình học ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây vừa là vinh dự, trách nhiệm, vừa là thách thức đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường.
Quán triệt nghiêm túc chỉ thị của Bộ Quốc phòng và trên cơ sở đánh giá thực trạng tình hình, nhất là kinh nghiệm dạy - học tiếng Anh và thí điểm giảng dạy một số môn chuyên ngành bằng tiếng Anh giai đoạn 2009 - 2013, Nhà trường đã xây dựng Đề án giảng dạy bằng tiếng Anh giai đoạn 2014 - 2020, làm cơ sở để tổ chức thực hiện. Cùng với việc xây dựng Đề án, Ban Giám hiệu Nhà trường, các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị đã tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ để quán triệt và triển khai đến toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên. Trong quá trình thực hiện, Nhà trường gặp không ít khó khăn, nhất là về nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên; nguồn lực con người để triển khai thực hiện; nội dung, chương trình đào tạo, giáo trình, các hoạt động bổ trợ; cơ sở vật chất bảo đảm, v.v. Nhưng với quyết tâm cao, Ban Giám hiệu Nhà trường cùng với lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, khoa, đơn vị học viên đã từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Để triển khai Đề án đạt kết quả cao, Nhà trường xác định tổ chức thí điểm giảng dạy cho đối tượng là học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu thông tin cấp phân đội trình độ đại học (các đối tượng đào tạo khác sẽ nghiên cứu thực hiện sau). Mục tiêu của Đề án là, học viên tốt nghiệp phải đạt trình độ tiếng Anh bậc 3 trở lên (tương đương B1 theo khung tham chiếu châu Âu - CEFR), có khả năng làm việc trong môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh, đọc tài liệu chuyên môn và sẵn sàng tham gia các hoạt động đối ngoại về quốc phòng. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng cán bộ và thực tế năng lực tiếng Anh của đội ngũ giảng viên, học viên, Nhà trường xác định quy mô thí điểm giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh mỗi khóa từ 15% - 20% tổng số học viên; đồng thời, đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép tuyển sinh khối A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), nhằm nâng cao chất lượng tiếng Anh đầu vào.
Để thực hiện được chương trình đào tạo tiếng Anh căn bản, ngay từ đầu mỗi khóa học, Nhà trường tiến hành phân loại học viên theo trình độ tiếng Anh; trong đó, lựa chọn khoảng 15% - 20% học viên học chương trình tiếng Anh nâng cao (học viên lớp nâng cao học mức 3 - Level 3, học viên các lớp cơ bản học mức 2 - Level 2). Sau khi học xong chương trình tiếng Anh chính khóa (300 tiết trong 2 học kỳ đầu tiên), Nhà trường kiểm tra, phân loại toàn bộ học viên của cả hai đối tượng; học viên đạt năng lực bậc 3 sẽ tham gia chương trình đào tạo chuyên môn bằng tiếng Anh (số học viên còn lại sẽ tiếp tục theo học các lớp bồi dưỡng nâng cao để đạt bậc 3 khi ra trường).
Về tổ chức giảng dạy, sau khi học xong chương trình đào tạo tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành, học viên được học các môn học (học phần) kỹ thuật cơ sở, cơ sở ngành và chuyên ngành bằng tiếng Anh, xen kẽ với học một số môn bằng tiếng Việt. Trong giai đoạn này, học viên vừa phải lĩnh hội kiến thức môn học, đồng thời củng cố các kỹ năng sử dụng tiếng Anh, phát triển các miền từ chuyên môn và hoàn thiện kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh. Trong từng học kỳ, cơ quan đào tạo phối hợp với các khoa xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng giảng viên, thông qua bài giảng, giảng thử và tổ chức giảng dạy theo kế hoạch của Nhà trường. Các giảng viên được giao nhiệm vụ đã xác định rõ trách nhiệm, quyết tâm tự học tập, nghiên cứu nâng cao năng lực tiếng Anh (tham gia các lớp bồi dưỡng do Nhà trường tổ chức và tự học để đạt chuẩn), thiết kế xây dựng bài giảng, thục luyện giáo án và thực hành giảng dạy. Đến nay, Nhà trường có 15 giảng viên giảng thành thạo bằng tiếng Anh cho 200 học viên với gần 2.000 giờ giảng. Qua kiểm tra, dự giờ của Ban Giám hiệu Nhà trường và các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Binh chủng, các giờ giảng chuyên môn bằng tiếng Anh được đánh giá đạt chất lượng khá trở lên; chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo, các hoạt động bổ trợ phù hợp với đối tượng đào tạo, trình độ của đội ngũ giảng viên và điều kiện của Nhà trường; kết quả học tập của học viên được nâng lên, có khả năng giao tiếp, đọc dịch tài liệu theo mục tiêu đặt ra; môi trường học tập tạo được động lực cho cả người dạy và người học. Sau 03 năm triển khai thực hiện Đề án, Nhà trường rút ra nhiều kinh nghiệm quý về xây dựng đội ngũ giảng viên; xây dựng chương trình, nội dung, thời gian dạy - học môn tiếng Anh; lộ trình giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh, các hoạt động ngoại khóa, tự học; hình thức, phương pháp dạy - học; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học, v.v.
Trong thời gian tới, trên cơ sở quán triệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội giai đoạn 2015 - 2020, Nhà trường tiếp tục thực hiện giảng dạy một số môn chuyên ngành bằng tiếng Anh cho các khóa đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu thông tin cấp phân đội trình độ đại học theo mô hình đã xác định. Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra, Nhà trường sẽ tập trung ưu tiên chuẩn hóa năng lực tiếng Anh cho giảng viên chuyên ngữ và giảng viên giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh. Phấn đấu đến hết năm 2017, Nhà trường có 100% giảng viên chuyên ngữ có năng lực tiếng Anh đạt bậc 5 (C1) trở lên, trong đó có 20% đạt bậc 6 (C2); 100% giảng viên giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh có năng lực tiếng Anh đạt bậc 4 (B2) trở lên, trong đó có 20% đạt bậc 5 (C1); học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu thông tin cấp phân đội trình độ đại học ra trường đạt chuẩn năng lực bậc 3 (B1) trở lên. Đến năm 2020, giảng viên chuyên ngữ có 40% đạt bậc 6; giảng viên giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh có 40% đạt bậc 5.
Để thực hiện mục tiêu đó, Nhà trường đang tập trung giải quyết một số vấn đề chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục giáo dục, quán triệt tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ, giảng viên, học viên về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh và tổ chức giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh. Đồng thời, thấy rõ cả những thuận lợi và hạn chế, khó khăn hiện nay, từ đó phát huy tốt trách nhiệm, tính chủ động, tích cực trong dạy - học tiếng Anh và giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh.
Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu, điều chỉnh nội dung, chương trình giảng dạy môn tiếng Anh, đảm bảo tính linh hoạt, nhấn mạnh vào các tình huống giao tiếp thực tế. Trên cơ sở đó, các cơ quan, khoa giáo viên tính toán số giờ giảng dạy, giáo trình giảng dạy, đảm bảo phù hợp với chương trình đào tạo chung và đáp ứng các bậc trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam và khung tham chiếu châu Âu (CEFR). Đồng thời, tích cực triển khai các phương pháp dạy - học hiện đại; tăng hình thức thảo luận, thuyết trình nhóm; tăng cường tổ chức các hoạt động học thuật, nhất là các cuộc thi nhỏ trong từng môn học, các mô hình sự kiện để học viên phát biểu, tham luận bằng tiếng Anh.
Toàn cảnh buổi ra mắt Câu lạc bộ Tiếng Anh ở Tiểu đoàn 26. (Ảnh: tcu.edu.vn)
Ba là, xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên tiếng Anh, giảng viên giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và năng lực tiếng Anh theo mục tiêu đã xác định. Thường xuyên tổ chức đánh giá trình độ, năng lực tiếng Anh của đội ngũ cán bộ, giảng viên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, trọng tâm là đội ngũ giảng viên giảng dạy tiếng Anh và giảng viên giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh, giảng viên trẻ. Tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa, tự học của học viên, tạo môi trường cho học viên giao tiếp tích cực bằng tiếng Anh trong mọi hoạt động, cả trong giờ học, trong sinh hoạt và công tác tại đơn vị. Tổ chức tốt hoạt động câu lạc bộ tiếng Anh ở đơn vị bằng các hình thức phong phú, có chất lượng, theo mô hình cấp đại đội, nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm học tiếng Anh giữa học viên với cán bộ, giảng viên đã học tập, công tác ở nước ngoài và đội ngũ chuyên gia Ấn Độ.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học trong nước, quốc tế trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh và giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh. Có chủ trương, giải pháp tích cực, chủ động đưa Nhà trường hội nhập sâu rộng vào hệ thống giáo dục đại học quốc gia, nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng trong xây dựng, phát triển Nhà trường; cập nhật những công nghệ đào tạo mới và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhất là nâng cao năng lực, chuẩn hóa trình độ tiếng Anh và giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh. Tăng cường tổ chức và đăng cai các hội thảo quốc tế nhằm tạo cơ hội cho cán bộ, giảng viên trao đổi, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm trong dạy - học nói chung và giảng dạy tiếng Anh, giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh nói riêng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên tham gia hội thảo, tập huấn bằng tiếng Anh để nâng cao trình độ.
Năm là, có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích những giảng viên tích cực học tập nâng cao trình độ tiếng Anh, giảng dạy bằng tiếng Anh có chất lượng tốt và những học viên tích cực, có thành tích cao trong học tập tiếng Anh. Bên cạnh đó, ban hành và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về chuẩn năng lực tiếng Anh đối với cán bộ, giảng viên và chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu thông tin cấp phân đội trình độ đại học. Đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện dạy - học, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh và giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh. Đầu tư mua sắm tài liệu, kể cả nguồn tài liệu có nguồn gốc từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu tự học và tạo môi trường cho học viên tự chủ hơn trong học tập. Tiếp tục củng cố, nâng cấp và tổ chức khai thác hiệu quả thư viện số của Nhà trường; tăng cường máy tính truy cập, tăng dung lượng đường truyền in-tơ-net phục vụ nhu cầu khai thác thông tin và học trực tuyến của học viên. Tập trung xây dựng hệ thống bài giảng bằng tiếng Anh, nhất là bài giảng điện tử phục vụ tự học; nghiên cứu xây dựng một số giáo trình, tài liệu bằng tiếng Anh để phục vụ huấn luyện.
Giải quyết tốt những vấn đề trên sẽ là tiền đề quan trọng để Trường Sĩ quan Thông tin tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ và nghiên cứu khoa học công nghệ thông tin quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng Binh chủng hiện đại và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng được giao.
Đại tá, TS. BÙI SƠN HÀ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường
sĩ quan thông tin,trường thí điểm,dạy bằng tiếng Anh
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả quản trị các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới 19/08/2024
Bàn về công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới trong Quân đội 31/07/2024
Mấy giải pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực kinh tế hiện nay 29/07/2024
Một số giải pháp xây dựng lực lượng Đặc công đặc biệt tinh nhuệ về chính trị 25/07/2024
Bàn về trận then chốt tiến công địch đổ bộ đường không chiến dịch trong tác chiến phòng thủ quân khu 22/07/2024
Về mô hình tổ chức và hoạt động của lực lượng chính trị nòng cốt trong các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương 11/07/2024
Một số vấn đề về bảo đảm hóa học đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 08/07/2024
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả quản trị các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu