Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:36 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Nghiên cứu dự báo chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng là quá trình phân tích, đánh giá tình hình bằng các phương pháp, công cụ khoa học, đưa ra nhận định về tương lai cả về xu hướng chung và những đột biến, các tình huống quốc phòng. Qua đó, cung cấp cho Đảng, Nhà nước những luận cứ khoa học để hoạch định đường lối, chính sách, chiến lược và lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xử trí các tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác NCDBCL quốc phòng còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Đó là, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn đơn giản, chưa sâu; đánh giá, dự báo ở một số lĩnh vực chưa sát yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong điều kiện mới; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn chưa thống nhất. Năng lực của đội ngũ cán bộ NCDBCL còn có mặt hạn chế.
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục biến động phức tạp. Công tác NCDBCL quốc phòng của đất nước sẽ có nhiều yêu cầu mới cao hơn, nặng nề hơn. Đặc biệt là, lợi dụng quá trình hội nhập, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chống phá toàn diện với những phương thức, thủ đoạn tinh vi và thâm độc. Nếu không kịp thời phát hiện, đối phó có hiệu quả thì những thách thức đó có thể gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ XHCN. Chính vì thế, Đảng ta đã xác định: “bám sát thực tiễn đất nước; chú trọng công tác dự báo, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới”1. Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, chúng ta cần nâng cao chất lượng công tác NCDBCL quốc phòng, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp quy và cơ chế quản lý, điều hành, phối hợp, tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng cho hoạt động NCDBCL quốc phòng. Đây là vấn đề quan trọng, bởi đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được các văn bản hướng dẫn và cơ chế phối hợp cụ thể làm cơ sở cho công tác NCDBCL quốc phòng. Chính vì thế, phương thức thực hiện công tác này chủ yếu vẫn là các hoạt động mang tính độc lập mà chưa có sự liên kết, phối hợp trong hệ thống các cơ quan chức năng của Chính phủ và BQP. Vì vậy, để phối hợp hiệu quả công tác NCDBCL quốc phòng, BQP cần xây dựng và ban hành các chỉ thị, hướng dẫn cụ thể về công tác này. Đồng thời, tham mưu đề xuất với Chính phủ sớm ban hành thông tư, văn bản quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong phối hợp NCDBCL quốc phòng; nhất là việc trao đổi thông tin, phối hợp nghiên cứu dự báo, chuyển giao và sử dụng kết quả nghiên cứu; công tác bảo đảm tài chính, huy động nguồn lực quốc gia… Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt cơ chế: QUTƯ lãnh đạo, thủ trưởng BQP trực tiếp chỉ đạo, điều hành; cơ quan nghiên cứu chiến lược nòng cốt làm tham mưu và là trung tâm phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan có liên quan trong và ngoài BQP. QUTƯ lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng các nội dung chủ yếu trong công tác NCDBCL quốc phòng; đồng thời, định kỳ nghe cơ quan chức năng của BQP, của các bộ, ngành báo cáo và kết luận, chỉ đạo. Thủ trưởng BQP được phân công trực tiếp chỉ đạo, điều hành, chủ trì hội nghị đánh giá kết quả NCDBCL quốc phòng và báo cáo với QUTƯ, Bộ Chính trị về công tác này. Thủ trưởng BQP quyết định nội dung, thời gian, hình thức và đối tượng được chuyển giao, phạm vi sử dụng kết quả dự báo. Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm phối hợp với các tổng cục tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm về kết quả và sử dụng kết quả nghiên cứu dự báo trong lĩnh vực của mình; đồng thời, phân công các cơ quan, đơn vị thuộc quyền đảm nhiệm, chủ trì một lĩnh vực phù hợp và có trách nhiệm tổng hợp kết quả, báo cáo định kỳ trước các kỳ họp có liên quan. Các cơ quan liên quan chủ động phối hợp tổ chức thảo luận kết quả dự báo, nếu có ý kiến khác nhau, kịp thời báo cáo và thực hiện theo kết luận của Thủ trưởng BQP. Kết quả NCDBCL cần thường xuyên bổ sung, điều chỉnh, cập nhật theo sát diễn biến tình hình và phải được đánh giá thẩm định trước khi báo cáo và đưa vào sử dụng. Cơ quan chuyển giao kết quả NCDBCL quốc phòng cần tiếp thu các ý kiến phản hồi để bổ sung, hoàn chỉnh kết quả dự báo. Đối với cơ quan nhận chuyển giao, cần coi trọng việc báo cáo hiệu quả sử dụng và những vấn đề phát sinh, vấn đề chưa rõ hoặc cần bổ sung với cấp trên.
Hai là, coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ NCDBCL quốc phòng. Đây là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác NCDBCL quốc phòng. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này chưa thực sự được các cấp quan tâm, coi trọng. Chính vì thế, hiện nay, đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác NCDBCL quốc phòng trong Quân đội chưa được đào tạo cơ bản, chuyên sâu, một số là kiêm nhiệm; lực lượng cán bộ chủ chốt và chuyên gia NCDBCL quốc phòng giỏi còn đang thiếu. Để khắc phục vấn đề này, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ NCDBCL quốc phòng. Đồng thời, BQP cần hoạch định quy hoạch, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ NCDBCL quốc phòng. Theo đó, cơ quan chuyên trách BQP, Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục, các cơ quan nghiên cứu chiến lược, học viện, nhà trường,… cần tổ chức rà soát, nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ và phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm tính kế thừa vững chắc, đủ số lượng, chất lượng; đặc biệt là số cán bộ chủ trì, chủ chốt, chuyên gia đầu ngành. Các cơ quan chuyên trách cũng cần chú ý kết hợp công tác đào tạo đội ngũ cán bộ trong các học viện, cơ quan nghiên cứu chuyên ngành với đào tạo tại chức, tự bồi dưỡng; đào tạo dài hạn và ngắn hạn; đào tạo ở các cơ quan nghiên cứu dự báo trong nước và nước ngoài phù hợp với từng đối tượng; trong đó, lấy tự đào tạo là biện pháp quan trọng thường xuyên và đào tạo tại trường là biện pháp cơ bản, lâu dài. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức NCDBCL quốc phòng cần toàn diện cả lý luận và thực tiễn; tư duy, phương pháp nghiên cứu, kỹ năng phân tích, thực hành dự báo, ngoại ngữ và tin học; trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng những nội dung hiện tại còn yếu và thiếu. Để bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả, nội dung NCDBCL có thể đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược theo kế hoạch hằng năm. Đối với các cơ quan NCDBCL quốc phòng, cần chủ động mời chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế giới thiệu chuyên đề về phương pháp, mô hình phân tích, dự báo tiên tiến để nâng cao trình độ cho cán bộ. Đồng thời, đề xuất với BQP việc lựa chọn đối tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo cán bộ NCDBCL quốc phòng, trọng tâm là dự báo các vấn đề về thế giới, khu vực, an ninh truyền thống, phi truyền thống cũng như phương pháp, kinh nghiệm dự báo… BQP cũng cần có các chế độ, chính sách đãi ngộ, nhằm thu hút đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ cao, chuyên gia giỏi để tạo nguồn.
Ba là, phát huy hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác NCDBCL quốc phòng. Thời gian qua, Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư ngân sách cho các hoạt động NCDBCL quốc phòng. Tuy nhiên, số ngân sách này so với yêu cầu hoạt động NCDBCL quốc phòng còn eo hẹp. Đây cũng là điều dễ hiểu; bởi, đất nước còn nhiều khó khăn, trong khi công tác NCDBCL quốc phòng có tính đặc thù cao, nhiều lĩnh vực nghiên cứu có tính nhạy cảm, muốn có thông tin phải chi phí cho các hoạt động hợp tác với nhiều tổ chức, lực lượng trong và ngoài nước. Vì vậy, muốn duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động NCDBCL quốc phòng, trước hết, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tham mưu cho BQP, Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội trong việc huy động nguồn lực tài chính, đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật và xây dựng lực lượng phục vụ cho công tác NCDBCL quốc phòng. Các cơ quan chuyên trách NCDBCL quốc phòng cần tập trung nghiên cứu những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tránh dàn trải gây lãng phí về ngân sách. Các đơn vị NCDBCL quốc phòng cần chủ động tận dụng tối đa phương tiện kỹ thuật chuyên dụng từ các cơ quan dự báo chiến lược trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án hợp tác. Đồng thời, huy động các nhà khoa học, chuyên gia ở các viện nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan, nhất là, ở các chuyên ngành mới của công tác NCDBCL quốc phòng. Các cơ quan, đơn vị chuyên trách chủ động lựa chọn và mời một số cán bộ, chuyên gia giỏi (kể cả các đồng chí đã nghỉ hưu) hợp tác thường xuyên hoặc cộng tác theo từng nội dung, thời điểm để có thể đem lại hiệu quả mong muốn. Số lượng chuyên gia, cộng tác viên phối hợp có thể đến 50% biên chế.
Bốn là, tích cực đổi mới phương pháp nghiên cứu, đánh giá kết quả NCDBCL quốc phòng. Đây là vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến kết quả công tác NCDBCL quốc phòng. Bởi, trong điều kiện mới, khi mà đối tượng, mục tiêu của công tác NCDBCL quốc phòng thường xuyên thay đổi, nếu chỉ thực hiện dự báo theo cách truyền thống mà không đổi mới và vận dụng sáng tạo về phương pháp sẽ dẫn đến hiệu quả kém. Do vậy, trong quá trình NCDBCL quốc phòng, các cơ quan chuyên trách cần thường xuyên đổi mới và kết hợp vận dụng nhiều phương pháp, như: nghiên cứu thực tế, điều tra xã hội học, thực nghiệm, thống kê, mô phỏng, mô hình hoá, chuyên gia sử dụng công nghệ thông tin; đưa ra các phương án dự báo khác nhau để phân tích, lựa chọn phương án tối ưu. Các cơ quan chuyên trách NCDBCL quốc phòng cũng cần thực hiện tốt việc đa dạng hoá các mô hình tổ chức dự báo, kết hợp giữa nhóm nghiên cứu dự báo với chuyên gia độc lập; liên kết giữa cơ quan NCDBCL trong và ngoài Quân đội.
Cùng với việc đổi mới phương pháp nghiên cứu dự báo, các cơ quan NCDBCL quốc phòng cần coi trọng đổi mới phương pháp đánh giá kết quả dự báo. Đây là vấn đề hệ trọng; bởi kết quả dự báo chính xác là cơ sở để Đảng, Nhà nước định ra các chủ trương, đối sách chiến lược đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo đất nước. Chính vì thế, phương pháp đánh giá kết quả dự báo cần phải đổi mới theo các tiêu chí cơ bản, như: định hướng chính trị, độ tin cậy, chính xác, cụ thể, cập nhật, kịp thời, khả thi và hiệu quả. Trong đó, độ tin cậy, kịp thời và hiệu quả sử dụng là những vấn đề quan trọng có tính quyết định cần được chú trọng. Bên cạnh đó, các cơ quan NCDBCL quốc phòng có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu kết quả dự báo với các cơ quan khác để đưa ra kết luận khách quan, khoa học.
Công tác NCDBCL quốc phòng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của lãnh đạo, chỉ huy, các cơ quan chiến lược. Công tác này cần phải được nâng cao chất lượng hoạt động để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong điều kiện mới.
Đại tá, TS. VŨ ĐĂNG MINH
Viện Chiến lược Quốc phòng - Bộ Quốc phòng
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 182.
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc