Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 11/10/2012, 12:47 (GMT+7)
Mấy vấn đề đặt ra trong tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) hiện nay

Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) là hình thức huấn luyện tổng hợp cao nhất, nhằm kiểm nghiệm khả năng vận hành cơ chế và huy động tiềm lực các mặt của địa phương cho nhiệm vụ quốc phòng trong thời bình và khi có chiến tranh.Hiện nay, việc nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) đang được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm.


Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra phương án Diễn tập KVPT tỉnh Kon Tum, năm 2012 (Nguồn: kontumcity.vn)
 

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các quân khu đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các tỉnh (thành phố) trên địa bàn tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) đạt kết quả tốt. Nổi bật là, ban chỉ đạo (BCĐ) diễn tập, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng với lực lượng vũ trang (LLVT) tham gia đã quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ thị, hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, các quân khu về diễn tập KVPT các tỉnh (thành phố) trên địa bàn quân khu. Công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành diễn tập được các địa phương triển khai thực hiện ngày càng bám sát với điều kiện thực tế và yêu cầu của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự và ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu” được các địa phương vận dụng, thực hiện khá nhịp nhàng. Thông qua diễn tập, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như trình độ hiệp đồng tác chiến của các sở, ban, ngành và LLVT trên địa bàn được nâng lên. Phương án tác chiến của các đơn vị và kế hoạch đảm bảo của ban, ngành địa phương từng bước được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Nhiều tỉnh (thành phố) trên địa bàn các quân khu đã kết hợp tốt giữa nhiệm vụ diễn tập KVPT với phong trào xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, hiệu quả.

 Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn một số hạn chế. Đó là, giáo trình, nội dung, phương pháp diễn tập chưa thật đổi mới và sát với tình hình; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức bảo đảm diễn tập có nơi chưa chặt chẽ, chất lượng thấp. Để công tác diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) đảm bảo tính thống nhất, chất lượng, hiệu quả, cần tập trung nghiên cứu, giải quyết một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tập trung kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của BCĐ diễn tập. Đây là vấn đề quan trọng; bởi BCĐ giữ vai trò là cơ quan tổ chức, chỉ đạo và điều hành mọi hoạt động trong suốt quá trình diễn tập. Do vậy, việc kiện toàn tổ chức, bảo đảm đủ số lượng, đúng thành phần sẽ thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động của BCĐ diễn tập và kết quả diễn tập. Hiện nay, công tác chỉ đạo tổ chức diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) do quân khu đảm nhiệm (ngoại trừ các cuộc diễn tập do Bộ tổ chức). Thành phần BCĐ gồm cán bộ chủ trì của ngành cơ quan quân khu và tỉnh (thành phố). Tuy nhiên trên thực tế, quân khu là tổ chức về quốc phòng, không có chức năng quản lý hành chính, điều hành và huy động các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội của các địa phương trên địa bàn. Vì vậy, có ý kiến cho rằng: để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành diễn tập, BCĐ diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) trên địa bàn quân khu cần tổ chức theo hai cấp (cấp quân khu và cấp tỉnh). BCĐ cấp quân khu có vai trò chỉ đạo diễn tập; BCĐ cấp tỉnh (thành phố) có nhiệm vụ tổ chức, triển khai thực hiện ý định diễn tập do BCĐ của quân khu đề ra. Tỉnh ủy (thành ủy), ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) quyết định thành lập BCĐ diễn tập của cấp mình để trực tiếp tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ diễn tập (từ công tác chuẩn bị và thực hành diễn tập).

Việc kiện toàn về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của BCĐ diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ. Thực tế các cuộc diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) vừa qua cho thấy, về cơ bản, BCĐ diễn tập cấp tỉnh (thành phố) đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành diễn tập. Nhưng cũng có một số BCĐ còn hạn chế về năng lực chỉ đạo, điều hành. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc diễn tập. Nguyên nhân chính là do việc lựa chọn thành phần vào BCĐ diễn tập chưa đúng và chưa sát với yêu cầu, dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành kém hiệu quả. Để huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn cùng vào cuộc, thì thành phần BCĐ diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) phải gồm các đồng chí cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo chủ trì của địa phương; trong đó, đồng chí bí thư tỉnh ủy (thành ủy), chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố), cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, địa phương là thành phần chính trong BCĐ. Đối với các tỉnh (thành phố) đứng chân trên địa bàn trọng điểm, chiến lược (biên giới, biển, đảo), việc chọn lựa thành phần vào BCĐ diễn tập có thể mở rộng, linh hoạt hơn, nhằm phát huy được hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ diễn tập đề ra.

Hai là, lựa chọn nội dung diễn tập trong từng giai đoạn cho phù hợp. Đây là một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong các cuộc diễn tập KVPT tỉnh (thành phố). Hiện nay, mỗi cuộc diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) thường được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn chuyển LLVT vào các trạng thái SSCĐ và chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng; giai đoạn tổ chức chuẩn bị tác chiến phòng thủ; giai đoạn thực hành tác chiến phòng thủ. Trong mỗi giai đoạn diễn tập lại có yêu cầu riêng và được chia thành những nội dung cụ thể. Thực tế một số cuộc diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) thời gian qua cho thấy, nội dung diễn tập còn dàn trải, chưa sát với đặc thù, nhiệm vụ của địa bàn. Đây cũng là điều dễ hiểu; bởi, trong một nhiệm kỳ (5 năm), đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo chủ chốt các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh (thành phố) có thể chỉ tham gia diễn tập KVPT được một lần. Nhiệm kỳ tiếp theo, đội ngũ đó về cơ bản đã được thay mới. Hơn nữa, phần lớn đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh (thành phố) và một số cán bộ trong LLVT chưa qua thực tế chiến tranh. Vì thế, khi tổ chức diễn tập KVPT, cấp ủy, chính quyền các tỉnh (thành phố) đều mong muốn được thực hiện bài bản, đủ nội dung để rèn luyện đội ngũ cán bộ gần sát với điều kiện thời chiến, nên đây cũng đang là điểm “vướng”.

Tuy nhiên, các địa phương đã triển khai xây dựng KVPT từ mấy chục năm nay với nhiều lần tổ chức diễn tập KVPT tỉnh (thành phố). Do đó, việc thực hiện đầy đủ các nội dung diễn tập là điều không cần thiết; bởi, như thế sẽ dàn trải, trùng lắp nội dung và tốn kém về ngân sách, thời gian, công sức, trong khi chất lượng diễn tập khó được nâng cao. Chính vì vậy, quá trình tổ chức diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) cần căn cứ vào chỉ lệnh công tác quốc phòng, quân sự (QP,QS) của cấp trên, đặc điểm, tình hình của địa phương và trình độ của đội ngũ cán bộ để xác định nội dung diễn tập cho phù hợp. Trong mỗi giai đoạn, có thể lựa chọn từ 01 đến 03 vấn đề để diễn tập. Những vấn đề được lựa chọn diễn tập phải thực sự là vấn đề trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, sát với đặc thù, nhiệm vụ của từng địa bàn. Các nội dung không diễn tập cần có thuyết minh dẫn dắt, bảo đảm tính hệ thống để mọi thành phần tham gia diễn tập tiện theo dõi và thực hiện.

Riêng việc lựa chọn nội dung để thực binh trong diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) cũng là vấn đề cần được điều chỉnh. Bởi, một số cuộc diễn tập KVPT vừa qua coi bắn đạn thật là nội dung chính của thực binh. Trên thực tế, bắn đạn thật nhằm kiểm tra về trình độ kỹ, chiến thuật của LLVT địa phương; do đó, đây chỉ là một nội dung của thực binh trong diễn tập KVPT. Vì vậy, việc lựa chọn nội dung thực binh trong diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) nên sát với những vấn đề “nóng” đang đặt ra ở mỗi địa phương, như: diễn tập phòng, chống bạo loạn; diễn tập tìm kiếm cứu nạn; diễn tập giải tỏa các tụ điểm phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; diễn tập KVPT kết hợp với phong trào xây dựng nông thôn mới…

Ba là, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách động viên quốc phòng. Nhìn lại một số cuộc diễn tập KVPT tỉnh (thành phố), vấn đề khó đặt ra hiện nay vẫn là việc động viên các nguồn lực kinh tế - xã hội phục vụ cho nhiệm vụ QP,QS khi có chiến tranh. Trong đó, một số doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn đang đứng ngoài cuộc. Vì vậy, các tỉnh (thành phố) cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhằm thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp vào xây dựng KVPT. Đồng thời, cần xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm đóng góp của các doanh nghiệp vào công tác QP,QS khi đất nước có chiến tranh; có phương án, kế hoạch trưng dụng, trưng mua, động viên các cơ sở, nhà máy của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm phục vụ nhu cầu thời chiến và khi chiến tranh kết thúc, có chính sách chuyển nhượng lại để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển.

Bốn là, coi trọng việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ các cấp ở địa phương về công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành diễn tập KVPT. Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ các sở, ban, ngành của tỉnh (thành phố) thực hiện nhiệm vụ trong diễn tập KVPT theo từng cương vị, chức trách còn hạn chế, lúng túng; không ít bộ phận cấp trên còn phải làm thay cấp dưới. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có hai nguyên nhân chính: một là, nhận thức về vị trí, vai trò diễn tập KVPT tỉnh (thành phố) chưa đầy đủ; hai là, năng lực của cán bộ hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, tài liệu hướng dẫn về công tác tổ chức diễn tập KVPT còn thiếu và chưa thống nhất; công tác hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chức năng chưa cụ thể; công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức diễn tập cho đội ngũ cán bộ các cấp ở địa phương chưa được thường xuyên.

Do vậy, để nâng cao chất lượng diễn tập, cần coi trọng hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ các cấp, các ngành ở địa phương. Trước hết, chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh. Đồng thời, cần phát huy vai trò tham mưu của cơ quan quân sự các tỉnh (thành phố) giúp cấp ủy, chính quyền tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của diễn tập KVPT, Luật Quốc phòng, các văn bản hướng dẫn về diễn tập KVPT cho đội ngũ cán bộ các cấp; chủ động tổ chức một số lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác QP,QS địa phương cho đội ngũ cán bộ sở, ban, ngành trên địa bàn, trọng tâm là: thứ tự, nội dung, phương pháp các bước tổ chức chuẩn bị và thực hành diễn tập KVPT. Yêu cầu cần đạt được sau mỗi đợt tập huấn, bồi dưỡng là: số cán bộ được tham gia phải đảm nhiệm tốt cương vị của mình trong các giai đoạn diễn tập, từng bước khắc phục tình trạng làm thay, đóng thế.

Mặt khác, cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng cần hoàn chỉnh hệ thống tài liệu, ban hành các văn bản, hướng dẫn về diễn tập KVPT. Đồng thời, đề nghị Bộ Quốc phòng sớm mở lớp tập huấn, bồi dưỡng, thống nhất cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp quân khu và sở, ban, ngành cấp tỉnh (thành phố) một số kiến thức cơ bản về diễn tập KVPT, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác diễn tập, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng TRẦN ANH VINH

Cục trưởng Cục Tác chiến

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.