Thứ Năm, 24/04/2025, 20:25 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Quản lý nhà nước về quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương là một mặt hoạt động quan trọng của bộ máy điều hành đất nước từ Trung ương đến cơ sở. Trong tình hình mới, công tác này đang đặt ra những vấn đề cần tập trung nghiên cứu để có giải pháp phù hợp, làm cơ sở tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Quản lý nhà nước (QLNN) về quốc phòng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của bộ máy điều hành đất nước. Luật Quốc phòng của nước ta đã xác định: “Chính phủ thống nhất QLNN về quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về quốc phòng”. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương là những nơi trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ QLNN về quốc phòng. Bộ Quốc phòng (BQP) là cơ quan trung tâm, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện QLNN về quốc phòng trong phạm vi cả nước; có nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu giúp Chính phủ xây dựng dự án luật, pháp lệnh, nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong công tác QLNN về quốc phòng.
Thời gian qua, công tác QLNN về quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương đã được tiến hành đồng bộ và đạt kết quả quan trọng. Nổi bật là, cơ quan Thường trực công tác quốc phòng thuộc BQP đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tham mưu và giúp Chính phủ nghiên cứu ban hành đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quốc phòng. Trong đó có các văn bản quan trọng, như: Luật Quốc phòng; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Dân quân tự vệ; Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên; Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng; Pháp lệnh về Cảnh sát biển Việt Nam… Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành soạn thảo và ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, trong phạm vi trách nhiệm được giao, các bộ, ngành, địa phương đã thường xuyên tổ chức đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện công tác quốc phòng, quân sự (QP,QS) của các cơ quan, đơn vị thuộc quyền theo kế hoạch. Nhờ vậy, công tác QLNN về quốc phòng đã đạt kết quả tốt, nhất là đối với các nhiệm vụ, như: xây dựng tiềm lực quốc phòng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (QP-AN); xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD); xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và chỉ đạo đấu tranh quốc phòng. Trong đó, việc tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng đã đạt được kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm và kết quả đạt được, công tác QLNN về quốc phòng ở các bộ, ngành và địa phương vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Đó là nhận thức về chức năng, nhiệm vụ QLNN đối với quốc phòng của các bộ, ngành, địa phương nói chung và cơ quan tham mưu chuyên trách nói riêng chưa đầy đủ, còn có sự nhầm lẫn giữa tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng với chức năng QLNN về quốc phòng. Do vậy, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ chưa được cụ thể hóa sát với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của từng bộ, ngành và mỗi địa phương. Điều đó ở những mức độ khác nhau, đã làm hạn chế đến phát huy vai trò, chức năng QLNN của các cơ quan tham mưu chuyên trách ở cả Trung ương và địa phương. Chính vì vậy mà công tác chỉ đạo, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ QP,QS ở một số bộ, ngành và địa phương có mặt còn hạn chế. Mặt khác, việc củng cố, kiện toàn các cơ quan chuyên trách về QP,QS ở các bộ, ngành cũng như các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, tổ chức chưa hợp lý nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả QLNN về quốc phòng.
Để thực hiện tốt công tác QLNN về quốc phòng, theo chúng tôi, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực và hiệu quả hoạt động, tiến hành đồng bộ các hoạt động quản lý về mặt nhà nước; trong đó, tập trung giải quyết mấy vấn đề sau:
Một là, thống nhất nhận thức QLNN về quốc phòng trong tình hình mới. Xây dựng nền QPTD vững chắc để bảo vệ Tổ quốc là một nhiệm vụ chiến lược cơ bản, lâu dài, trong đó QLNN là một nội dung. Vì vậy, không thể đồng nhất việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng với QLNN về quốc phòng. Trong thực tế, sự nhầm lẫn đó đã làm hạn chế vai trò, vị trí quan trọng và hiệu quả của công tác QLNN về quốc phòng. Vì vậy, để thực hiện tốt chức năng QLNN, trước hết các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã được quy định trong Luật Quốc phòng; đồng thời, thống nhất nhận thức về nội hàm của công tác QLNN đối với lĩnh vực quốc phòng. Từ thực tiễn, có thể khái quát: QLNN về quốc phòng là sự thống nhất quản lý của Nhà nước bằng luật pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho mọi quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân được thực hiện đầy đủ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. QLNN về quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương được triển khai đồng thời trên cả ba mặt: tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng các chính sách về quốc phòng; tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật và các chính sách quốc phòng đã được Chính phủ ban hành; tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quyền hạn và phạm vi quy định. Để làm tốt chức năng QLNN về quốc phòng, các bộ, ngành cần chủ động phối hợp với BQP là cơ quan chủ trì trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch Nhà nước về quốc phòng. Đối với các địa phương, cần nhận rõ vai trò, vị trí là cơ quan QLNN về quốc phòng ở địa phương có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành của Trung ương thực hiện tốt công tác QLNN về quốc phòng trong cả nước. Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương phải coi trọng tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, nhất là tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chính sách về quốc phòng cho các đối tượng làm công tác QLNN về quốc phòng.
Hai là, củng cố cơ quan QLNN về quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương. Mỗi bộ, ngành ở Trung ương đều có chức năng nhiệm vụ riêng trong bộ máy Nhà nước. Đối với lĩnh vực quốc phòng, từng bộ, ngành, địa phương đều có liên quan đến xây dựng tiềm lực và thế trận QPTD. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần có kiến thức quốc phòng mới khai thác, phát huy hiệu quả khả năng chuyên ngành để tạo thành sức mạnh tổng hợp. Đặc biệt, đối với QLNN về quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương cần phải có kiến thức QP,QS, năng lực chuyên môn nhất định thì mới hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ. Do vậy, để QLNN về quốc phòng có hiệu quả cần nghiên cứu củng cố lại hệ thống tổ chức và cá nhân chuyên trách ở các bộ, ngành và địa phương. Ở Trung ương, ngoài BQP là cơ quan trung tâm, chủ trì trong QLNN, các bộ, ngành khác tùy theo phạm vi liên quan cần nghiên cứu tổ chức hợp lý các vụ hoặc cán bộ chuyên trách về QP-AN. Đây là hình thức tổ chức cần thiết giúp cho QLNN về quốc phòng đạt chuyên sâu và hiệu quả. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiệm vụ quốc phòng nói chung và QLNN về quốc phòng nói riêng rất nặng nề. Nhưng bộ máy giúp cho chính quyền QLNN về quốc phòng ở địa phương cũng đang còn hạn chế. Trước đây, đã tổ chức thành cơ quan chuyên trách về QP-AN nằm trong ủy ban nhân dân (ở tỉnh gọi là Ban 1 và ở huyện gọi là Phòng 1). Tuy nhiên, hình thức tổ chức này chưa hợp lý, ít hiệu quả nên sau đó đã giao cho cơ quan quân sự đảm nhiệm. Để phát huy tốt khả năng của cơ quan quân sự trong QLNN về quốc phòng ở địa phương, cần nghiên cứu bổ sung biên chế tổ chức cho cơ quan quân sự đủ sức đảm nhiệm chức năng tham mưu chuyên trách về công tác quốc phòng địa phương. Mặt khác, cần coi trọng bồi dưỡng kiến thức QLNN về quốc phòng cho người chỉ huy và cơ quan quân sự các cấp. Vì vậy, việc củng cố cơ quan chuyên trách về quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương là yêu cầu cấp thiết nhằm trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả QLNN về quốc phòng. Tuy nhiên, đây là công việc cần được cân nhắc, tính toán kỹ để bảo đảm hợp lý, gọn nhẹ phù hợp với yêu cầu QLNN về quốc phòng trong tình hình mới.
Ba là, cụ thể hóa nội dung QLNN về quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương. Nội dung QLNN về quốc phòng đã được xác định trong Luật Quốc phòng do Nhà nước ban hành, là cơ sở pháp lý để thực hiện QLNN về quốc phòng. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện QLNN về quốc phòng cần cụ thể hóa các nội dung cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trước hết, từng bộ, ngành, địa phương phải căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động phối hợp với BQP xác định các quy hoạch, kế hoạch xây dựng, tăng cường nền QPTD; kế hoạch động viên quốc phòng; phòng thủ đất nước… theo phạm vi được giao. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về quốc phòng, từng bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đề xuất các nội dung cụ thể để ban hành theo quyền hạn hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành sát với tình hình thực tiễn. Trên cơ sở các nhiệm vụ QP,QS, văn bản pháp luật và chính sách Nhà nước ban hành, các bộ, ngành, địa phương thực hiện giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức theo quy định cho các đối tượng và toàn dân. Quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt chức năng QLNN theo quyền hạn và phạm vi quy định của pháp luật. Nội dung QLNN về quốc phòng thể hiện trước hết là quản lý việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP,QS trên cơ sở cụ thể hóa các kế hoạch của từng ngành, từng địa phương; ban hành các thông tư, chỉ thị, hướng dẫn triển khai, sơ kết, tổng kết; xác định các biện pháp phối hợp, hiệp đồng trong nội bộ và liên bộ, liên ngành. Đi đôi với hướng dẫn, triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương phải duy trì chặt chẽ các chế độ thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy chế, quy định của pháp luật. Như vậy, có thể thấy, thực hiện nội dung QLNN về quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương là cụ thể hóa và duy trì quy trình hoạt động triển khai, giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật.
QLNN về quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương là một trong những yếu tố có vai trò quyết định đối với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới. Vì vậy, tập trung giải quyết tốt những vấn đề trọng tâm, cấp thiết đang đặt ra nêu trên, trước hết, cần thống nhất nhận thức về QLNN ở các bộ, ngành, địa phương đối với công tác quốc phòng; qua đó, sớm củng cố cơ quan chuyên trách QLNN về quốc phòng ở các cấp; đồng thời, nghiên cứu cụ thể hóa nội dung QLNN đối với từng bộ, ngành, địa phương cho sát với thực tiễn. Đó chính là những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu lực QLNN về quốc phòng đối với các cơ quan Trung ương và địa phương, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc.
PGS, TS. HOÀNG XUÂN LÂM
quản lý nhà nước về quốc phòng
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay 24/04/2025
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo 16/04/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1 14/04/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm 26/03/2025
Bàn về tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu 20/03/2025
Về tổ chức, sử dụng lực lượng đánh trận then chốt, chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/03/2025
Mấy vấn đề về “xây dựng điểm” công tác kỹ thuật toàn quân 13/03/2025
Một số vấn đề về công tác tuyên truyền đặc biệt của Quân đội hiện nay 10/03/2025
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả đấu tranh của lực lượng tác chiến thông tin, Bộ Tư lệnh 86 28/02/2025
Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở trong nhà trường Quân đội hiện nay 20/02/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay