Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 25/04/2019, 08:00 (GMT+7)
Mấy vấn đề đặt ra đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên hiện nay

Yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là trước những tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến quốc phòng, an ninh, đặt ra cho công tác giáo dục quốc phòng và an ninh nói chung, cho học sinh, sinh viên nói riêng những vấn đề cấp thiết, cần được quan tâm, giải quyết.

Những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt kết quả tích cực. Điều đó tiếp tục khẳng định chủ trương chiến lược đúng đắn của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh nói chung, cho học sinh, sinh viên nói riêng.

Hiện nay và trong những năm tới, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đứng trước cơ hội, thuận lợi và thách thức đan xen; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biển, đảo, can thiệp vũ trang, chiến tranh cục bộ diễn biến phức tạp, khó lường; thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới quốc phòng, an ninh của từng quốc gia và cộng đồng quốc tế. Những thành tựu, tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ sẽ tạo ra nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh, phương thức tác chiến mới. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn đang ráo riết chống phá cách mạng nước ta, với âm mưu, thủ đoạn mới hết sức nguy hiểm, tinh vi, v.v. Thực tế đó vừa là khó khăn, vừa đặt ra yêu cầu cao đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh nói chung, cho học sinh, sinh viên nói riêng.

Để công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, chủ động định hướng nhận thức, tư tưởng, hành động, xây dựng cho học sinh, sinh viên niềm tin đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay. Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận với nhiều thông tin khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội, v.v. Đây cũng là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch, tổ chức khủng bố, phản động triệt để lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, nói xấu chế độ nhằm kích động, lôi kéo thế hệ trẻ. Thời gian qua, khi Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng, ban hành một số luật, như: Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng,… các thế lực phản động, cơ hội chính trị đã lấy danh nghĩa “yêu nước”, lợi dụng mạng xã hội, ngấm ngầm tuyên truyền, kích động, lôi kéo tụ tập đông người, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Cùng với đó, việc tuyên truyền, khuyếch trương, tuyệt đối hóa sức mạnh, uy lực của các loại vũ khí thế hệ mới, công nghệ cao,… đã tác động không nhỏ tới nhận thức, niềm tin của thế hệ trẻ vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, làm xuất hiện tư tưởng hoài nghi, thiếu tin tưởng vào đường lối quân sự, quốc phòng, nghệ thuật quân sự, vũ khí, trang bị hiện có. Chính vì thế, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên cần làm tốt việc hun đúc lòng yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc; tuyên truyền, giáo dục quan điểm, tư duy mới của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; thông tin, thông báo khách quan, khoa học, kịp thời về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, về vũ khí công nghệ cao, về đối tượng, đối tác, v.v. Thông qua đó, định hướng nhận thức, tư tưởng, hành động đúng cho học sinh, sinh viên; giúp họ luôn cảnh giác, tỉnh táo, không bị lợi dụng, mắc mưu kẻ địch. Đồng thời, xây dựng bản lĩnh, ý chí, niềm tin của thế hệ trẻ vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo cũng như kinh nghiệm, truyền thống, cách đánh, nghệ thuật quân sự, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam và vũ khí, trang bị hiện có.

Hai là, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Những năm qua, nội dung, chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên đã có sự đổi mới, cập nhật một số nội dung cần thiết. Thông tư 03/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã định hướng đưa một số nội dung vào chương trình, như: An ninh phi truyền thống và đấu tranh phòng, chống các đe dọa an ninh phi truyền thống ở Việt Nam; thực hành sử dụng một số loại vũ khí Việt Nam, v.v. Tuy nhiên, nội dung, chương trình hiện nay vẫn còn mất cân đối giữa lý thuyết với thực hành, chưa có tính liên thông; có nội dung chưa thật sự phù hợp với cấp học, chuyên ngành đào tạo và cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở giáo dục, như: kỹ thuật bắn súng ngắn, trung đội bộ binh tiến công, phòng ngự, v.v. Vì vậy, để theo kịp sự phát triển thực tiễn, đáp ứng mục tiêu của môn học, cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, nhất là cập nhật những quan điểm, tư duy mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, được cụ thể hóa trong các nghị quyết, hệ thống các chiến lược quốc gia, chiến lược chuyên ngành và pháp luật về quốc phòng vừa được ban hành. Đồng thời, phân tích làm rõ những kiến thức cơ bản, chuyên biệt về hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh, đảm bảo tích hợp liên ngành theo hướng hiện đại, liên thông, phù hợp với đối tượng, cấp học, bậc học, ngành nghề đào tạo và mục tiêu của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh. Cùng với đó, cần phân bố lại thời gian môn học theo hướng tăng thời gian huấn luyện kỹ năng thực hành, các hoạt động bổ trợ, nhất là tham quan, học tập tại các đơn vị Quân đội. Đi đôi với đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy, cần đổi mới nội dung tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh ở các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh. Thực tế hiện nay, chương trình, nội dung tập huấn, bồi dưỡng hằng năm cho đội ngũ này chậm đổi mới, chưa cập nhật kịp thời sự phát triển của thực tiễn; chưa phân loại đối tượng để có nội dung tập huấn, bồi dưỡng cho phù hợp dẫn đến kết quả còn hạn chế.

Ba là, tích cực đổi mới phương pháp dạy - học môn học giáo dục quốc phòng và an ninh theo hướng hiện đại. Trong tương lai, hoạt động dạy - học sẽ ngày càng được hỗ trợ, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến. Theo đó, phương pháp dạy - học môn học giáo dục quốc phòng và an ninh dù mang tính đặc thù cao cũng phải đổi mới, phát huy ưu thế của phương tiện dạy học hiện đại; chuyển từ truyền thụ một chiều là chủ yếu như hiện nay sang dạy - học tích cực, tiếp cận năng lực người học. Điều đó đòi hỏi giáo viên không bó buộc trong lượng kiến thức ở giáo trình, tài liệu mà phải biết khai thác, sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kỹ năng mô phỏng, hình ảnh, âm thanh vào bài giảng điện tử. Phương pháp này giúp người học được trải nghiệm bài giảng trực quan, sinh động; có cơ hội trình bày quan điểm, ý kiến của mình, kích thích sự say mê, sáng tạo trong học tập. Để đổi mới, thực hiện có hiệu quả phương pháp giảng dạy tích cực, cần đẩy nhanh chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giáo viên cả về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Đặc biệt, cần sớm mở mã ngành đào tạo sau đại học giáo dục quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Hiện nay, học sinh, sinh viên ngày càng có nhiều cơ hội tiếp nhận nguồn kiến thức của bất cứ môn học nào thông qua thiết bị, phương tiện hiện đại, mạng internet,… dẫn đến sự tương tác giữa thầy và trò trở nên “lỏng lẻo”, vai trò của người thầy dễ bị lu mờ nếu không có trình độ, năng lực toàn diện, chuyên sâu. Vì vậy, đội ngũ giáo viên, giảng viên môn giáo dục quốc phòng và an ninh cũng phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm để chủ động gợi mở, dẫn dắt, định hướng, truyền cảm hứng, động cơ học tập đúng đắn cho học sinh, sinh viên trong quá trình giảng dạy. Cùng với đó, người học cũng phải thay đổi phương pháp học, chuyển từ thụ động tiếp thu kiến thức, kỹ năng sang chủ động nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để trau dồi, tích lũy kiến thức, tự hình thành năng lực bản thân. Để đạt kết quả cao, người học phải linh hoạt, sáng tạo trong học tập, tăng cường kết nối với các học viên khác để trao đổi, mở mang hiểu biết. Đồng thời, tích cực rèn luyện, xây dựng ý thức, trách nhiệm trong tự học, tự nghiên cứu và nâng cao kỹ năng làm việc nhóm.

Bốn là, tăng cường đầu tư bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo kịp sự phát triển thực tiễn. Những năm qua, hệ thống cơ sở vật chất ở các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh về cơ bản đáp ứng yêu cầu của môn học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ môn học, trường trung học phổ thông còn nhiều hạn chế, nhất là vũ khí, trang bị, thao trường, bãi tập, nơi ăn ở, v.v. Để đáp ứng yêu cầu phát triển và đặc thù môn học, cần tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ, tiến tới chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các mặt bảo đảm khác, đảm bảo cho học sinh, sinh viên thực sự được trải nghiệm môi trường quân sự. Trước mắt, cần tập trung thực hiện có hiệu quả Quyết định 161/QĐ-TTg, ngày 30-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo”, đảm bảo nguồn ngân sách, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các trung tâm; đầu tư xây dựng hệ thống đường truyền tích hợp, liên kết thông minh, trường bắn ảo, thư viện điện tử và nâng cấp các phòng học chuyên dùng, phòng máy tính, trang thiết bị hiện đại, bảo đảm đủ giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá kết quả, phấn đấu đến năm 2020 có 90% sinh viên được học tập môn học tại các trung tâm. Đặc biệt, cơ quan chức năng của các bộ: Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội cần tăng cường phối hợp, chỉ đạo nhằm bảo đảm tốt trang thiết bị, nhất là vũ khí, đạn, phấn đấu tổ chức bắn đạn thật cho 100% sinh viên để rèn luyện bản lĩnh, tâm lý và đánh giá kết quả môn học. Về lâu dài, cần rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trung tâm; điều chỉnh phân luồng liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh cho phù hợp trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; xem xét miễn học phí môn học này đối với học sinh, sinh viên.

Giải quyết tốt những vấn đề nêu trên sẽ thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, cũng như nhận thức, trách nhiệm của họ đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, TS. PHAN XUÂN DŨNG

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.