Thứ Ba, 26/11/2024, 14:20 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Điều 65, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 bổ sung thêm một nhiệm vụ mới của Quân đội là làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, cán bộ, chiến sĩ Quân đội không chỉ nắm chắc pháp luật Nhà nước, mà còn phải có hiểu biết về luật pháp quốc tế; trong đó, có pháp luật về quyền con người. Vì vậy, tìm các giải pháp nhằm thúc đẩy giáo dục quyền con người trong Quân đội hiện nay là rất cần thiết.
1. Giáo dục quyền con người - quan niệm và quá trình nhận thức
Theo nghĩa chung nhất, quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, tự do cơ bản của con người. “Giáo dục và đào tạo nhân quyền bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, nâng cao nhận thức và học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ tất cả các quyền con người và các quyền tự do cơ bản và do đó góp phần ngăn chặn các vi phạm nhân quyền bằng cách cung cấp cho mọi người kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết và phát triển thái độ, hành vi của họ để trao quyền cho họ đóng góp vào việc xây dựng và thúc đẩy văn hóa phổ quát về quyền con người”1. Nghị quyết số 59/113A, ngày 10/12/1994 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tuyên bố kỷ nguyên giáo dục quyền con người giai đoạn 1995 - 2004, khẳng định: “Các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý trong việc giáo dục nhân quyền; đồng thời, nên đưa vào các chính sách giáo dục ở cấp độ quốc gia”. Sau đó, 3 chương trình giáo dục quyền con người đã được tiếp tục bổ sung từ năm 2005 đến 2019.
Ở Việt Nam, trước năm 1986, các nghiên cứu về nhân quyền và giáo dục đào tạo về nhân quyền hầu như không được chấp nhận. Năm 1986, Đảng ta khởi xướng đường lối đổi mới với quan điểm lấy con người là trung tâm của hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1991, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng đề cập đến quyền con người: “Nhà nước định ra các đạo luật quy định quyền công dân, quyền con người”. Sau đó, Hiến pháp năm 1992, khái niệm về quyền con người được ghi nhận ở Điều 50. Từ năm 1992 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn kiện về quyền con người, trong đó có Quyết định số 1039/QĐ-TTg, ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thông qua Đề án đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục chính thống của hệ thống giáo dục quốc dân; đảm bảo đến năm 2025, 100% các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân giáo dục nội dung này. Hiện nay, giáo dục và đào tạo về quyền con người đã được thực hiện ở cả chương trình giáo dục chính thức và không chính thức. Giáo dục chính thức, được tiến hành trong các cơ sở giáo dục quốc dân, từ cấp tiểu học đến đại học; chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý trung cấp và cao cấp trong hệ thống chính trị. Đồng thời, được thực hiện ở cấp sau đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Khoa học xã hội và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Giáo dục không chính thức, thông qua các khóa tập huấn, hội nghị, giáo dục ngoại khóa.
2. Thực trạng giáo dục quyền con người trong Quân đội hiện nay
Ngày 25/9/2018, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành Quyết định số 1650/QĐ-CT và Quyết định số 1651/QĐ-CT về việc Ban hành chương trình giáo dục các môn khoa học xã hội và nhân văn đào tạo sĩ quan cấp phân đội, trình độ đại học trong Quân đội. Quyết định số 1650 có một chuyên đề Công ước quốc tế về chống tra tấn, Quyết định số 1651 có chuyên đề Luật Quốc tế.
Ngày 11/12/2018, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ban hành Quyết định số 2159/QĐ-CT về Chương trình đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ trung cấp; trong đó, có 2 chuyên đề về giáo dục quyền con người: Quyền con người và Công ước quốc tế về chống tra tấn. Năm 2018 và 2019, tất cả đơn vị trong Quân đội tổ chức các chuyên đề giáo dục pháp luật ngoại khóa cho cán bộ, chiến sĩ: Quyền con người trong tố tụng hình sự; Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.
Mặc dù, một số đơn vị đã đưa nội dung giáo dục quyền con người vào giáo dục pháp luật, nhưng công tác giáo dục quyền con người trong Quân đội hiện nay còn một số hạn chế. Đó là, còn thiếu tính chỉnh thể, tính liên thông, tính cập nhật và thống nhất theo cách tiếp cận “giáo dục dựa trên quyền” - cách tiếp cận phổ biến của cộng đồng quốc tế hiện nay. Dung lượng kiến thức về giáo dục quyền con người trong chương trình giảng dạy của đa số các trường sĩ quan còn ít, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ mới của Quân đội. Đặc biệt, chưa đưa ra các quan điểm, cách tiếp cận của Đảng, Nhà nước về giáo dục quyền con người, giúp người học nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Đồng thời, chưa có một chương trình chi tiết về giáo dục quyền con người thống nhất trong các trường sĩ quan; việc đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giảng dạy còn tùy thuộc vào nhận thức về mức độ cần thiết và năng lực của mỗi đơn vị. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, người học và chiến sĩ chưa được trang bị kiến thức cơ bản về giáo dục quyền con người; tài liệu giảng dạy, học tập ở các cơ sở đào tạo còn thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục quyền con người trong Quân đội.
3. Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong Quân đội hiện nay
Để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quốc tế của Quân đội trong thời gian tới và khắc phục hạn chế, thiếu sót nêu trên, cần thực hiện đồng bộ, kịp thời các nhóm giải pháp sau đây:
Một là, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức được vai trò của giáo dục quyền con người trong bối cảnh Quân đội hội nhập quốc tế hiện nay. Giáo dục quyền con người đã trở thành một vấn đề quốc tế quan trọng sau Hội nghị quốc tế về quyền con người tổ chức tại Viên năm 1993. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng được ghi ở Lời thề Thứ Năm trong 10 Lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam: Nêu cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa,... làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước.
Giáo dục tốt nội dung này, còn giúp cán bộ, chiến sĩ có nhận thức và hành động đúng trong đối xử với tù hàng binh. Bởi vì, bản chất của chiến tranh là việc sử dụng bạo lực của các bên nhằm làm suy yếu và phá hủy sức mạnh quân sự của kẻ thù. Bất luận trong trường hợp nào, chiến tranh không bao giờ là mối quan hệ giữa con người với nhau mà là quan hệ giữa các quốc gia, trong đó các cá nhân vô tình trở thành kẻ thù của nhau không phải với tư cách con người hay công dân nói chung mà là với tư cách của những người lính. Bởi vì, mục đích trước mắt của chiến tranh là tiêu diệt kẻ thù, cho nên việc giết người lính của đối phương khi họ đang cầm súng được coi là hợp pháp. Nhưng khi họ đã hạ vũ khí và đầu hàng, thì không còn là kẻ địch mà là một người dân thường. Bởi vậy, việc giết chết họ trong trường hợp này là bất hợp pháp2.
Hai là, tổ chức tốt nguồn nhân lực, vật lực cho giáo dục quyền con người trong Quân đội. Giáo viên và báo cáo viên pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong công tác giáo dục quyền con người hiện nay. Vì vậy, tăng cường công tác tổ chức cán bộ và bảo đảm vật chất cho giáo dục quyền con người là rất quan trọng. Trong những năm tới cần: (1). Tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên pháp luật và báo cáo viên pháp luật đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; (2). Duy trì nền nếp hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; (3). Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể trong giáo dục quyền con người, nhất là Công đoàn, Hội Phụ nữ các cấp trong Quân đội.
Bên cạnh việc tăng cường nguồn nhân lực kể trên thì việc đầu tư giáo trình, tài liệu tham khảo chính thống cho các đơn vị là cần thiết. Mặc dù, trong thời đại bùng nổ thông tin, trên các trang mạng xã hội, chúng ta có thể thấy vô số các thông tin về nhân quyền. Tuy nhiên, cần thống nhất nguồn tài liệu chính thống nhằm định hướng nội dung bảo đảm tính nhất quán theo quan điểm, đường lối của Đảng, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận diện và phòng, chống các thông tin xấu độc về nhân quyền. Do đó, việc bảo đảm vật chất, tài liệu học tập chính thống cho công tác này ở các đơn vị trong toàn quân cần được quan tâm thực hiện.
Ba là, đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp giáo dục quyền con người trong Quân đội theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Thực tiễn chỉ ra rằng, nội dung, chương trình chưa thống nhất, đầy đủ thì các chủ thể giáo dục rất khó có được hình thức, phương pháp giáo dục thống nhất và hiệu quả. Do vậy, cần chuẩn hóa và công nghệ hóa nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục pháp luật nhằm đảm bảo sự thống nhất về chất lượng giáo dục quyền con người trong toàn quân. Chú trọng đổi mới hình thức trong giáo dục quyền con người cho cán bộ, chiến sĩ, như: sân khấu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, v.v. Tăng cường hơn nữa nội dung quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế vào chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ hằng năm.
Bốn là, tập trung giáo dục quyền con người trong các nhà trường Quân đội. Giáo dục quyền con người trong Quân đội hiện nay gồm 2 mảng chính là giáo dục chính thức trong các nhà trường Quân đội và giáo dục không chính thức thông qua mô hình “Ngày Pháp luật” hằng tháng ở các đơn vị. Ngày Pháp luật đã và đang được thực hiệt tốt và ngày càng chứng minh hiệu quả của mô hình này thông qua chỉ số vi phạm pháp luật trong toàn quân đang giảm dần, nhận thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ ngày càng được củng cố và nâng cao. Trong những năm trước mắt cần tập trung vào giáo dục quyền con người trong các nhà trường Quân đội. Bởi, đây là nơi đào tạo ra sĩ quan chỉ huy, giáo viên, báo cáo viên pháp luật cho toàn quân. Để nâng cao chất lượng giáo dục, các nhà trường Quân đội, nhất là các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy và sĩ quan chính trị cần tập trung đào tạo cán bộ, giảng viên nòng cốt; đầu tư về nội dung, chương trình, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy để thúc đẩy hoạt động giáo dục quyền con người trong toàn quân.
Giáo dục quyền con người là nhiệm vụ cần thiết. Việc thực hiện các giải pháp trên góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về thực hiện quyền con người trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN VI, Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự __________________
1 - Điều 2, Tuyên ngôn Liên hợp quốc về giáo dục quyền con người năm 2011.
2 - Jean Jacques Rousseau - Bàn về khế ước xã hội, Nxb Chính trị - Hành chính, H. 2013, tr. 61.
Giáo dục quyền con người
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc