Thứ Bảy, 14/09/2024, 08:43 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng trong nâng cao ý thức, văn hóa pháp luật; qua đó, thiết thực góp phần vào việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của người quân nhân cách mạng. Trước yêu cầu xây dựng Quân đội hiện nay, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này.
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Thông tư 42/2016/TT-BQP, ngày 30-3-2016 của Bộ Quốc phòng quy định về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội, các đơn vị trong toàn quân tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục pháp luật, đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế hiện nay.
Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam là hoạt động có định hướng, được các đơn vị tổ chức thường xuyên bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp với từng loại hình, đối tượng. Giáo dục pháp luật gồm các yếu tố cấu thành cơ bản: mục đích - kết quả, chủ thể - đối tượng, nội dung - hình thức, phương pháp - phương tiện.
Năm 2016, qua khảo sát thực trạng hoạt động truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của 8 đơn vị1 cho thấy: hoạt động giáo dục pháp luật đã được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thông qua nghị quyết, kế hoạch hằng tháng; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thời gian, đổi mới nội dung, hình thức, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, … đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đối với công tác này. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra và qua thực tế tìm hiểu chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức, phương tiện, vật chất bảo đảm cho hoạt động này của các đơn vị, có nhiều vấn đề cần khảo cứu thêm. Mặc dù các đơn vị đều có Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, nhưng chưa đơn vị nào có báo cáo viên pháp luật chuyên trách. Nội dung giáo dục pháp luật tuân theo chỉ đạo thống nhất của Bộ, nhưng hình thức, phương pháp thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất, nên kết quả chưa đạt như mong muốn, có nơi hoàn thành tốt, có nơi chưa đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Mặc dù có 77,25% cán bộ, chiến sĩ cho rằng, pháp luật có vai trò rất quan trọng trong quản lý bộ đội và có 60% cán bộ, chiến sĩ đã tham gia Ngày Pháp luật 12 buổi/1 năm, nhưng khi được hỏi về thực trạng kiến thức pháp luật của bản thân, có: 62% tự nhận có kiến thức pháp luật ở mức độ trung bình khá, 20,38% tự nhận có kiến thức pháp luật tốt. Khảo sát về phương pháp giáo dục pháp luật ở các đơn vị cho thấy: 33% cán bộ, chiến sĩ cho rằng phương pháp giáo dục pháp luật của các báo cáo viên ở đơn vị là hấp dẫn, lôi cuốn; 52,5% cán bộ, chiến sĩ nhận xét bình thường; 11,9% cán bộ, chiến sĩ cho rằng chưa hay. Cũng qua đợt khảo sát này, có tới 40% cán bộ, chiến sĩ cho rằng, động cơ, thái độ tham gia Ngày Pháp luật của cán bộ, chiến sĩ chưa tốt là nguyên nhân cơ bản dẫn đến kết quả chưa cao, v.v.
Từ thực tiễn trên xin nêu mấy giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục pháp luật trong Quân đội thời gian tới.
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt công tác giáo dục pháp luật trong Quân đội. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giáo dục pháp luật trong Quân đội. Vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục pháp luật đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Nhận thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ chỉ có thể có được thông qua giáo dục pháp luật một cách thường xuyên, liên tục, bền bỉ. Bởi vì, kết quả giáo dục pháp luật không thể hiện rõ ngay lập tức giống như một số hoạt động giáo dục khác, mà đó là một quá trình tích tụ lâu dài và bền bỉ từ tất cả các yếu tố cấu thành hoạt động này: chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện, mục đích và kết quả. Bên cạnh việc chú trọng nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục pháp luật hằng tháng, các cấp cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát ở các đơn vị. Bất kỳ một hoạt động nào, nếu thiếu sự kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm và đánh giá kết quả thì chất lượng sẽ không cao. Do vậy, công tác kiểm tra chất lượng giáo dục pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, gắn với kiểm tra công tác đảng, công tác chính trị hằng năm, 6 tháng, lấy đó là một trong những nội dung thi đua của cá nhân và đơn vị, hoặc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật giữa các đơn vị, qua đó để nắm chất lượng giáo dục pháp luật. Thông qua kiểm tra, phát hiện những mô hình tiến tiến, hiệu quả, cách làm hay để phổ biến, nhân rộng; đồng thời, chấn chỉnh, khắc phục những nơi làm chưa tốt, trách nhiệm chưa cao, hình thức, đối phó, hiệu quả thấp, tỉ lệ vi phạm kỷ luật cao, v.v.
Để đánh giá khách quan, chính xác, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng “Bộ tiêu chí” đánh giá chuẩn chất lượng giáo dục pháp luật trong Quân đội theo Quyết định 619/QĐ-TTg, ngày 08-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, cần có các chỉ số cụ thể: số lượng người được giáo dục pháp luật hằng tháng, số vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, số vụ việc vi phạm kỷ luật,... để xây dựng.
Hai là, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật. Việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật cần theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Đối với mỗi nội dung, mỗi đối tượng, cần sử dụng hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật phù hợp với khả năng nhận thức, điều kiện tổ chức và thời gian, vật chất bảo đảm. Giáo dục pháp luật thường rất chặt chẽ, khô khan, dễ gây nhàm chán cho người nghe. Bởi vậy, việc đổi mới nội dung, hình thức phương pháp giáo dục pháp luật càng phải được chú trọng và tiến hành thường xuyên, phù hợp với đặc thù đơn vị, đối tượng và điều kiện bảo đảm. Mặc dù giáo dục pháp luật đã trở thành một chế độ bắt buộc ở các đơn vị hằng tháng, nhưng phải tích cực đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục để hoạt động này không chỉ là “việc buộc phải làm” mà là một hoạt động mọi cán bộ, chiến sĩ “thích được làm”. Cùng với đó, cần sử dụng nhiều hình thức, phương pháp giáo dục tích cực, như: sân khấu hóa, thi tìm hiểu pháp luật, phương pháp xử lý tình huống pháp luật, thảo luận nhóm, v.v. Với tinh thần đổi mới, Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự luôn sử dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với xử lý tình huống pháp luật, theo phương châm “Mỗi bài học, một tình huống”, làm cho các buổi học pháp luật trở nên hấp dẫn hơn, dễ nhớ, dễ hiểu hơn.
Ba là, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, báo cáo viên pháp luật. So với yêu cầu đề ra, hiện nay, còn nhiều giáo viên pháp luật tại các nhà trường chưa đạt chuẩn. Qua khảo sát tại 4 nhà trường trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật cho thấy: chỉ có 02 giáo viên pháp luật của Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự được đào tạo đúng chuyên ngành luật, số giáo viên pháp luật của 3 trường còn lại là của các môn học khác phải kiêm nhiệm. Vì vậy, các cấp cần có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chuyên về pháp luật, bằng cách cử họ đi học văn bằng 2 về luật để chuẩn hóa chủ thể, yếu tố quyết định đến chất lượng của giáo dục pháp luật. Đối với đội ngũ báo cáo viên cũng cần chuẩn hóa theo quy định tại Điều 35 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Điều 37 của Thông tư 42/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng. Việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, báo cáo viên pháp luật được tiến hành bằng nhiều hình thức, biện pháp; kết hợp giữa đào tạo tại nhà trường với bồi dưỡng tại chỗ, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cán bộ có trình độ, kinh nghiệm bồi dưỡng cho cán bộ trẻ, mới; đồng thời, phát huy vai trò tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng của đội ngũ này.
Bốn là, tăng cường công tác bảo đảm vật chất cho công tác giáo dục pháp luật trong Quân đội. Đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác giáo dục pháp luật là điều kiện rất cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trước hết, các đơn vị cần tổ chức hệ thống thông tin pháp lý, “Tổ tư vấn pháp luật”, nhằm cập nhật nội dung pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ cũng như đáp ứng yêu cầu tư vấn pháp luật cho quân nhân khi có yêu cầu. Đồng thời, cần có phần mềm “Thư viện pháp luật” để cán bộ, chiến sĩ có thể tìm kiếm các văn bản pháp luật cần thiết một cách kịp thời, chính xác và nguồn ngân sách riêng cho công tác giáo dục pháp luật theo đúng quy định của Thông tư liên tịch 14 (năm 2014) của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cũng như Thông tư 42 (năm 2016) của Bộ Quốc phòng.
Pháp luật là công cụ quan trọng nhất để Nhà nước quản lý xã hội. Trong Quân đội, giáo dục pháp luật là biện pháp quan trọng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật, hạn chế vi phạm kỷ luật, xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Học tập pháp luật là một trong những quyền và nghĩa vụ quan trọng của quân nhân. Mọi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội cần tích cực, chủ động tham gia công tác giáo dục pháp luật để “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Đại tá, ThS. NGUYỄN VĂN VI, Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự
________________
1 - Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự, Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô, Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí, Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung, Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4), Lữ đoàn 77 (Quân khu 7), Bệnh viện 175 và Liên hiệp xí nghiệp Z751 (mỗi đơn vị 100 người, gồm: 25 cán bộ và 75 chiến sĩ, học viên, công nhân viên).
giáo dục pháp luật,Quân đội,giải pháp
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả quản trị các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới 19/08/2024
Bàn về công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới trong Quân đội 31/07/2024
Mấy giải pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực kinh tế hiện nay 29/07/2024
Một số giải pháp xây dựng lực lượng Đặc công đặc biệt tinh nhuệ về chính trị 25/07/2024
Bàn về trận then chốt tiến công địch đổ bộ đường không chiến dịch trong tác chiến phòng thủ quân khu 22/07/2024
Về mô hình tổ chức và hoạt động của lực lượng chính trị nòng cốt trong các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương 11/07/2024
Một số vấn đề về bảo đảm hóa học đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 08/07/2024
Một số vấn đề về sử dụng lực lượng phòng không lục quân đánh phương tiện bay không người lái trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 27/06/2024
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả quản trị các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh