Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 25/02/2016, 08:04 (GMT+7)
Mấy giải pháp nâng cao chất lượng công tác tư tưởng đối với học viên ở các trường sĩ quan hiện nay

Công tác tư tưởng đối với học viên đào tạo sĩ quan ở các nhà trường Quân đội có vai trò rất quan trọng, góp phần định hướng, xây dựng bản lĩnh chính trị, động cơ nghề nghiệp, ý thức học tập, rèn luyện để họ phấn đấu trở thành người đảng viên, sĩ quan Quân đội. Vì vậy, cần có các giải pháp đồng bộ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác này.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, các trường sĩ quan trong Quân đội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp và tổ chức thực hiện hiệu quả; gắn công tác tư tưởng với các mặt công tác khác, tạo điều kiện thuận lợi để học viên phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Nổi bật là, các chế độ, nền nếp công tác tư tưởng được duy trì nghiêm; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, đơn vị với gia đình, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên người học thi đua, khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ học tập, rèn luyện. Trong giáo dục khoa học xã hội và nhân văn, các nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp theo hướng dạy - học tích cực, lấy người học làm trung tâm, gắn lý luận với thực tiễn làm cho bài học sinh động, có tính thuyết phục cao. Các phong trào thi đua, cuộc vận động của các cấp, ngành; nhất là, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”; các hoạt động văn nghệ, thể thao; xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”,… được đẩy mạnh, thực sự là phong trào hành động cách mạng sâu rộng để giáo dục, rèn luyện học viên. Nhờ đó, tuyệt đại đa số học viên luôn xác định động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn, tích cực phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực và phương pháp, tác phong công tác; phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh; bản lĩnh chính trị vững vàng; có kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đến nơi khó khăn khi ra trường.

Tuy vậy, so với yêu cầu, công tác tư tưởng đối với học viên ở các nhà trường còn có những hạn chế, đó là: nội dung, hình thức và phương pháp chậm được đổi mới; tính đấu tranh, thuyết phục chưa cao. Việc nắm bắt, dự báo, giải quyết tư tưởng nảy sinh thiếu chủ động, nhạy bén. Tư tưởng trung bình chủ nghĩa, ngại học, ngại rèn còn tồn tại trong một bộ phận học viên, cá biệt còn có trường hợp vi phạm kỷ luật nghiêm trọng,… mà trách nhiệm chủ yếu thuộc về lãnh đạo, chỉ huy các cấp1.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội đặt ra yêu cầu cao đối với công tác tư tưởng trong Quân đội nói chung, ở các trường sĩ quan nói riêng. Trong khi đó, học viên là những người còn trẻ, chưa trải nghiệm nhiều trong cuộc sống nên dễ chán nản, thiếu kiên trì khi gặp khó khăn, thử thách. Đây cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch kích động, lôi kéo, làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, tha hóa về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Cùng với đó, mặt trái kinh tế thị trường, những tiêu cực trong đời sống xã hội; thông tin đa dạng, đa chiều, văn hóa, lối sống lai căng đang hằng ngày, hằng giờ tác động đến tâm tư, tình cảm, quyết tâm học tập, rèn luyện của học viên, v.v. Vì vậy, các nhà trường cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành đồng bộ các chủ trương, giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tư tưởng đối với học viên. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin trao đổi một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, lực lượng về công tác tư tưởng đối với học viên. Bởi, có nhận thức đúng mới phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong tiến hành công tác tư tưởng và chỉ đạo hành động thực tiễn. Vì vậy, các nhà trường cần tăng cường quán triệt, giáo dục làm cho các đối tượng nhận thức được sự cần thiết phải tiến hành công tác tư tưởng cho đối tượng học viên đào tạo sĩ quan trong các nhà trường Quân đội. Trong đó, tập trung quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng2 về công tác tư tưởng; những yếu tố tác động đến tình hình tư tưởng của học viên; đặc điểm, nhiệm vụ đào tạo của nhà trường và những vấn đề cần quan tâm giải quyết liên quan đến công tác tư tưởng. Trên cơ sở nhận thức đúng và nắm vững quy luật, nguyên tắc và phương pháp tiến hành, các cấp đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Cần thống nhất nhận thức rằng, công tác tư tưởng đối với học viên là của các tổ chức, lực lượng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, ban giám đốc, ban giám hiệu các học viện, nhà trường Quân đội; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, cho rằng công tác này là của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị mà không quan tâm tổ chức thực hiện. Cấp ủy, tổ chức đảng ở các đơn vị quản lý học viên cần tăng cường lãnh đạo, có chủ trương, biện pháp sát đúng, phân công, phân nhiệm rõ ràng, triển khai thực hiện nghiêm túc, kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm cho công tác tư tưởng đối với học viên được tiến hành thường xuyên, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, trọng tâm là giáo dục khoa học xã hội và nhân văn. Giáo dục khoa học xã hội và nhân văn là chương trình, nội dung cơ bản, chủ yếu trong chương trình đào tạo ở các trường sĩ quan, nhằm cung cấp cho người học kiến thức, cơ sở khoa học xây dựng niềm tin, phương pháp nhận biết đúng - sai, sự kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng, mục tiêu lý tưởng: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của thế giới, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, các nhà trường cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn, bảo đảm sinh động, hấp dẫn, thuyết phục, làm rõ những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, Quân đội, nhà trường và địa phương; các giá trị, chuẩn mực phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; về đối tượng, đối tác theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI); về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Quá trình giáo dục, nêu cao tính chiến đấu, kiên quyết đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu chống phá, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch; ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nhà trường.

Ba là, đa dạng hóa hình thức, phương pháp công tác tư tưởng phù hợp với tâm lý của tuổi trẻ. Một đặc điểm lớn của học viên là đang ở độ tuổi thanh niên, có nhận thức nhanh, có trình độ từ khá trở lên, trúng tuyển qua các kỳ thi tuyển sinh đại học hằng năm, ưa thích và muốn khám phá cái mới, hoạt động sôi nổi, v.v. Vì vậy, các nhà trường cần khai thác, phát huy thế mạnh bằng biện pháp tổng hợp với sự tham gia của các tổ chức, lực lượng trong nhà trường. Trong đó, chú trọng đổi mới, lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục trong các hoạt động, nhiệm vụ. Đề cao vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên trong tổ chức các hoạt động: văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hội thi, tọa đàm, diễn đàn, giao lưu tuổi trẻ giữa học viên với sinh viên các trường ngoài Quân đội; xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các câu lạc bộ: “Học viên giỏi”, “Chi đoàn không có đoàn viên vi phạm kỷ luật”, “Đôi bạn học tập”, “Tổ ba người”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý”, v.v. Qua đó, giúp học viên tìm hiểu, học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, khẳng định mình, tăng thêm lòng tự hào, yêu mến nghề nghiệp; đồng thời, giáo dục kỹ năng giải quyết các tình huống trong cuộc sống, khắc phục biểu hiện tâm lý bi quan, chán nản, bức bách dễ dẫn đến vi phạm kỷ luật, pháp luật.

Cùng với đó, các nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với phong trào thi đua, cuộc vận động của các tổ chức, các ngành. Từng đơn vị cần thực hiện tốt quy trình công tác tư tưởng, các chế độ nền nếp công tác giáo dục chính trị, Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần, Quy chế Dân chủ ở cơ sở, công tác khen thưởng, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn các ấn phẩm xấu độc xâm nhập vào nhà trường, v.v. Đây là những biện pháp mang lại hiệu quả cao, được thực tiễn kiểm nghiệm, góp phần xây dựng các tổ chức vững mạnh, xây dựng môi trường văn hóa, sư phạm lành mạnh, là nhân tố tích cực tác động trở lại đối với tư tưởng của học viên.

Bốn là, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên, trực tiếp là cán bộ quản lý học viên. Cán bộ là người cùng sinh hoạt, học tập, công tác, người thầy thứ hai của học viên. Thực tiễn cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm kỷ luật của học viên là do cán bộ thiếu chủ động, nhạy bén, buông lỏng quản lý, chưa giải quyết tốt tư tưởng. Do đó, đòi hỏi cán bộ, giảng viên, nhất là đối với đội ngũ cấp ủy, chính ủy, chính trị viên phải chủ động, nhạy bén trong công tác tư tưởng; sâu sát, gần gũi, động viên, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, uốn nắn, chấn chỉnh nhận thức, việc làm chưa đúng của học viên, v.v. Thông qua việc làm của cán bộ quản lý để học viên cảm nhận được họ thực sự “như người chị, người bạn, người anh” trong đơn vị, từ đó cảm phục, học tập và làm theo. Đây là việc làm thiết thực, phát huy tinh thần tự giác, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, biến ước mơ hoài bão thành hành động cụ thể trong học tập, rèn luyện. Một yêu cầu quan trọng hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên phải tích cực học tập, tu dưỡng rèn luyện về đạo đức, lối sống; khắc phục có hiệu quả khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); thực hiện “nói” đi đôi với “làm”, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, thực sự là tấm gương sáng để học viên noi theo.

Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng đối với học viên đào tạo sĩ quan là yêu cầu khách quan, nhiệm vụ quan trọng trong các trường sĩ quan. Do đó, cần có sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành và mọi lực lượng; mà trực tiếp là các đơn vị quản lý học viên, với những giải pháp đồng bộ, thiết thực, tạo sự ổn định về tư tưởng, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tá, ThS. TRẦN XUÂN KỲ, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
________________

1 - Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2016 - 2020 của các Trường: Sĩ quan Lục quân 1, Công binh, Sĩ quan Kỹ thuật quân sự, Phòng hóa, v.v.

2 - Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 24-3-2015, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2020”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.