Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 23/03/2020, 10:25 (GMT+7)
Mấy giải pháp bảo đảm hậu cần tác chiến phòng thủ ở địa bàn Quân khu 9

Quân khu 9 nằm ở cực Nam của Tổ quốc, gồm 12 tỉnh, thành phố, một mặt tiếp giáp với Biển Đông, một mặt tiếp giáp với nước bạn Cam-pu-chia. Địa hình đa dạng, khu vực đồng bằng chiếm diện tích lớn (khoảng 85%), có tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản tập trung. Rừng chủ yếu là Tràm và Đước tập trung thành từng khu vực lớn, như: U Minh Thượng, U Minh Hạ, Trà Sư,… rất thuận lợi cho xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương và căn cứ hậu cần, kỹ thuật,… Hệ thống giao thông từng bước phát triển, hiện có 6.400 km đường nhựa, khoảng 23.000 km đường cấp phối, 04 sân bay; hệ thống sông ngòi, kênh rạch và cảng sông, cảng biển thường xuyên được củng cố, đáp ứng cho cơ động lực lượng, vận tải hàng hóa, vật chất trong thời bình cũng như khi tác chiến phòng thủ Quân khu. Vùng biển, đảo rộng lớn chiếm khoảng 150.000 km2 với hơn một trăm đảo lớn, nhỏ là tiền đồn phòng thủ trên hướng Đông Nam và Tây Nam của Tổ quốc. Các địa phương trên địa bàn có nguồn nhân lực dồi dào, nhân dân có truyền thống cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất,... nên kinh tế - xã hội phát triển tương đối nhanh, tạo nguồn nhân lực, vật chất hậu cần tại chỗ dồi dào. Đó là những thuận lợi cơ bản để bảo đảm hậu cần hoạt động tác chiến phòng thủ Quân khu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Luật Quốc phòng năm 2018,… Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đơn vị trong bảo đảm hậu cần tác chiến phòng thủ đạt được kết quả quan trọng. Nhờ đó, đáp ứng được hoạt động thường xuyên của lực lượng vũ trang trong thời bình, sẵn sàng chuẩn bị cho thời chiến và xử lý các tình huống về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thiên tai, thảm họa trên địa bàn. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa toàn diện, do những khó khăn về khả năng kinh tế, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nhận thức, cơ chế, phương pháp triển khai thực hiện cũng có những tồn tại, vướng mắc nhất định. Để phát huy và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của các địa phương bảo đảm hậu cần tác chiến phòng thủ trên địa bàn Quân khu trong thời gian tới, cần nghiên cứu thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau.

Đại tá Phan Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần, Quân khu 9, trực tiếp điều phối đưa người từ sân bay Cần Thơ về các điểm cách ly tập trung tại khu vực Tây Nam bộ (Ảnh: thanhnien.vn)

Một là, xây dựng kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững, kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng và an ninh, tạo tiềm lực vật chất bảo đảm hậu cần tác chiến phòng thủ. Địa bàn Quân khu rất dễ bị chia cắt giữa các tỉnh, thành phố, đặc biệt là chia cắt chiến lược khi xảy ra chiến tranh, do vậy sự chi viện, hỗ trợ giữa các địa phương và sự viện trợ của Trung ương sẽ rất khó thực hiện. Mặt khác, tình hình kinh tế của từng địa phương phát triển không đồng đều. Vì thế, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tiềm lực kinh tế cần phải đẩy mạnh liên kết vùng, tiểu vùng theo điều kiện thực tế, chứ không đơn thuần theo địa giới hành chính. Trong quy hoạch, phân vùng phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương cần quan tâm cả 3 yếu tố: hiệu quả kinh tế, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, song cũng phải tính đến khả năng biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Về mặt nhận thức, cần xác định rõ tiềm lực kinh tế chỉ trở thành tiềm lực quốc phòng khi nó gắn kết với quốc phòng, an ninh và sẵn sàng chuyển thành thực lực vật chất phục vụ chiến tranh. Do đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn dân. Trước thực tiễn mật độ đường bộ trên địa bàn Quân khu tương đối thấp so với cả nước, đây là nút thắt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Để giải bài toán này, cùng với đầu tư của Trung ương, các địa phương cần tích cực nâng cấp các tuyến giao thông hiện có, phối hợp xây dựng các tuyến đường bộ quan trọng. Đồng thời, nạo vét tuyến giao thông đường thủy, củng cố mở rộng hệ thống cảng biển, cảng sông; xây dựng lực lượng vận tải đường thủy đủ mạnh, phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vừa nâng cao khả năng cơ động lực lượng, bảo đảm vật chất hậu cần khi có chiến tranh.

Các địa phương có biển, đảo cần phát huy lợi thế phát triển kinh tế biển gắn với phòng thủ biển, đảo. Các đảo quan trọng như: Phú Quốc, Nam Du, Thổ Chu,... tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng công trình phòng thủ, công trình dịch vụ hậu cần kinh tế biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ biển, đảo mạnh để có khả năng mở rộng phân cấp bảo đảm cho các hoạt động của ngư dân và các lực lượng trên biển tham gia đấu tranh giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển, đảo. Lực lượng Hậu cần Quân khu phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các địa phương xây dựng và quản lý lực lượng dự bị động viên, tự vệ chuyên ngành hậu cần (y tế, giao thông vận tải,...). Tăng cường các hoạt động phối hợp giữa hậu cần Quân khu với hậu cần các đơn vị chủ lực của Bộ trên địa bàn và hậu cần các sở, ban, ngành trong khu vực phòng thủ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh. Đồng thời, chú trọng nâng cao khả năng phối hợp hoạt động bảo đảm hậu cần thường xuyên, cũng như khi tác chiến phòng thủ.

Hai là, tập trung xây dựng thế trận hậu cần vững chắc, liên hoàn, linh hoạt nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng thủ. Thế trận hậu cần được xây dựng trên cơ sở bố trí các lực lượng Hậu cần Quân khu, hậu cần khu vực phòng thủ, kết hợp chặt chẽ với các cơ sở kinh tế - xã hội địa phương. Hình thành lực lượng hậu cần tổng hợp có khả năng độc lập, tự lực bảo đảm tại chỗ cho các lực lượng vũ trang địa phương, các lực lượng binh chủng, nhất là lực lượng của các binh đoàn chủ lực cơ động của Bộ. Trên cơ sở thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, cần tăng cường kiểm tra, nghiên cứu điều chỉnh, bảo đảm thế trận hậu cần phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện để đánh địch rộng khắp, nhưng tập trung vào hướng, khu vực phòng thủ chủ yếu. Đồng thời, phải chuẩn bị lực lượng hậu cần cơ động mạnh, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi tình huống. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, Quân khu có thể chủ động tổ chức thêm một số căn cứ hậu cần, hệ thống kho, trạm để dự trữ đủ lượng vật chất bảo đảm cho từng hướng, khu vực; sẵn sàng chuyển hóa thế trận hậu cần khi tác chiến. Khu vực bố trí cần phải chọn vị trí hợp lý, khoảng cách phù hợp tới các bộ phận hậu cần của đơn vị chủ lực tham gia tác chiến và liên kết chặt chẽ với các căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; chính thức, dự bị, dã chiến bảo đảm bí mật, thuận tiện cho cơ động, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và cơ sở vật chất hậu cần trước các đòn tiến công hỏa lực đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Để phát huy sức mạnh tổng hợp hậu cần toàn dân, Quân khu cần nghiên cứu đưa ra các chính sách thu mua, trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển hợp lòng dân, bảo đảm hậu cần tại chỗ vững chắc cho tác chiến phòng thủ rộng khắp của mọi lực lượng và nhân dân trên địa bàn.

Ba là, trên cơ sở kế hoạch bảo đảm nhu cầu năm đầu chiến tranh, các địa phương chủ động triển khai thực hiện sẵn sàng bảo đảm cho thời chiến. Căn cứ Quyết tâm tác chiến phòng thủ của Tư lệnh Quân khu, cơ quan quân sự địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan xác định nhiệm vụ, khả năng, giải pháp huy động tiềm lực kinh tế - xã hội theo kế hoạch bảo đảm nhu cầu năm đầu chiến tranh. Theo đó, cơ quan hậu cần quân sự địa phương tích cực tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp mình xây dựng, quản lý và thực hiện kế hoạch đảm bảo hậu cần, có tính khả thi cao, đáp ứng nhu cầu chiến tranh hiện đại. Trước mắt, các địa phương tiếp tục tập trung vào củng cố, xây công trình hậu cần mới, bảo đảm chiến đấu trên tuyến biên giới, ven biển, đảo, quần đảo; thường xuyên kiểm tra, củng cố, hoàn thiện các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật. Trong đó, ưu tiên xây dựng cơ sở sản xuất trong vùng dự án, phát triển giao thông thủy, bộ kết nối căn cứ hậu phương với các căn cứ hậu cần, kỹ thuật trên hướng tác chiến quan trọng; đầu tư y tế, thông tin liên lạc cấp (huyện, xã) trong khu vực phòng thủ. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần xây dựng kế hoạch đầu tư, quy hoạch (tổng thể và phân đoạn), xác định rõ lộ trình và nhu cầu ngân sách hàng năm, kế hoạch dài hạn 5 năm và tầm nhìn xa hơn để các địa phương chủ động thực hiện. Sử dụng ngân sách địa phương, kết hợp nguồn vốn của Nhà nước thông qua các dự án, công trình lưỡng dụng, như: xây dựng tuyến giao thông quan trọng, đường tuần tra biên giới, khu kinh tế - quốc phòng, công trình hậu cần trên đảo, chương trình kết hợp quân, dân y, v.v.

Bốn là, bố trí hợp lý, chuẩn bị chu đáo cơ sở hậu cần để huy động, tiếp nhận, bảo quản vật chất được nhanh, gọn, hiệu quả. Việc bố trí và tổ chức hoạt động của các cơ sở hậu cần tác chiến phòng thủ, như: hệ thống kho, trạm hậu cần, cơ sở quân y và vận tải, cơ sở sản xuất,… ảnh hưởng trực tiếp đến bảo đảm hậu cần cho tác chiến phòng thủ. Vì vậy, khi thực hiện cần phải căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ từng cơ sở để bố trí, triển khai lực lượng và phương tiện phù hợp; trong đó cơ sở quân y (bệnh xá, đội điều trị,…), đơn vị vận tải bố trí nơi thuận tiện cho việc tiếp nhận, vận chuyển thương binh, bệnh binh và hàng hóa, ưu tiên hướng phòng thủ chủ yếu. Các kho, trạm sửa chữa và sản xuất hậu cần đặt ở các căn cứ đã được xây dựng từ thời bình; đồng thời, cần xác định và bố trí thêm một số vị trí mới lui về phía sau, tiện giao thông thủy, bộ, bảo đảm an toàn. Cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh thường bố trí ở trong khu vực hậu phương, nơi thuận lợi nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh, bệnh binh. Kho xăng dầu bố trí phân tán, hợp lý trong từng căn cứ, xa các cơ sở hậu cần để tránh gây cháy nổ lớn ảnh hưởng đến hoạt động chung của toàn căn cứ.

Trên cơ sở bố trí các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật của các khu vực phòng thủ, công tác bảo đảm hậu cần trong các cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ trên địa bàn Quân khu và những điều kiện kinh tế của cả nước nói chung, các địa phương của quân khu nói riêng cho thấy, việc tiếp tục nghiên cứu phát triển lý luận và thực tiễn bảo đảm hậu cần tác chiến phòng thủ quân khu là vấn đề hết sức cần thiết, đề nghị bạn đọc cùng tham gia trao đổi để công tác này ngày càng hoàn thiện hơn.

Đại tá, TS. NGUYỄN THẾ MAU, Phó Tham mưu trưởng Quân khu

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.