Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:44 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Sau chiến thắng ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam xuất hiện. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa...”, Quân đoàn 2 đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc dọc miền duyên hải, kịp thời tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tư lệnh Quân đoàn 2 - Thiếu tướng Nguyễn Hữu An trao Cờ quyết thắng cho Lữ đoàn xe tăng 203 trước chiến dịch. (Ảnh tư liệu)
Ngày 06-4-1975, Quân đoàn 2 chính thức nhận lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn (riêng Sư đoàn 324 ở lại bảo vệ Huế, Đà Nẵng và làm dự bị). Theo kế hoạch, ngày 24-4-1975 Quân đoàn phải có mặt tại vị trí tập kết ở Xuân Lộc (Long Khánh). Xác định đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao trước lịch sử của dân tộc, nên từ cán bộ đến chiến sĩ đều phấn khởi, không quản ngại gian khổ, hy sinh, tích cực, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc hành quân với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”. Đúng 9 giờ ngày 07-4-1975, phân đội được phái đi trước bắt đầu xuất phát từ Đà Nẵng, đến khoảng 3 giờ ngày 24-4-1975, toàn đội hình Quân đoàn đã vào vị trí tập kết theo kế hoạch. Đây thực sự là một kỳ tích, như đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Cuộc hành quân thần tốc của cánh quân phía đông với hơn 32.000 quân và 2.276 xe, pháo, tăng, thiết giáp qua gần một nghìn ki-lô-mét, vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, đánh địch trong hành tiến, là một đòn chiến lược sáng tạo, kịp thời, tạo bất ngờ lớn cho quân địch, đập tan ý định co cụm lớn của chúng trên dọc miền duyên hải, đánh thông tuyến đường số 1 từ miền Bắc vào tận cửa ngõ phía Đông và Đông Bắc Sài Gòn, mở thêm một đường tiếp tế hậu cần chiến lược, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, tạo điều kiện hết sức quan trọng và một thế chiến lược rất thuận lợi cho cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định.”[1]. Việc đưa đội hình và toàn bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật vào khu vực tập kết đúng thời gian quy định đã đảm bảo cho Quân đoàn kịp thời làm công tác chuẩn bị và phối hợp với các cánh quân khác để 17 giờ ngày 26-4-1975, trên mặt trận phía Đông và Đông Nam Sài Gòn bắt đầu nổ súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Thắng lợi của cuộc hành quân thần tốc dọc miền duyên hải đã để lại cho Quân đoàn nhiều bài học quý báu. Trước hết là, phải thực hiện tốt việc quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức, quyết tâm, trách nhiệm của bộ đội. Thực tế trên chiến trường cho thấy, trước mỗi tình huống, nhất là vào thời điểm có tính quyết định, nếu người lính không có bản lĩnh vững vàng thì rất dễ hoang mang, dao động, chần chừ trước khó khăn, thử thách, hoặc chủ quan, thỏa mãn dừng lại, v.v. Nhận thức rõ điều đó, sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngày 03-4-1975, Hội nghị Đảng ủy Quân đoàn đã đánh giá nguyên nhân thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế – Đà Nẵng; đồng thời, xác định tư tưởng, ý chí quyết tâm của bộ đội sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới là hành quân chiến đấu đường dài bằng cơ giới. Đây là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, tiến hành trong điều kiện khẩn trương, ta chưa nắm chắc các yếu tố về địch, địa hình, đường xá; kế hoạch hành quân chủ yếu dựa trên bản đồ để dự kiến, v.v. Nếu không làm tốt công tác giáo dục chính trị, quản lý chặt chẽ tư tưởng bộ đội sẽ dễ nảy sinh những vấn đề phức tạp. Vì vậy, ngay khi chính thức nhận lệnh hành quân thần tốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã kịp thời quán triệt cho cấp ủy, cơ quan và cán bộ chủ trì các cấp hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu nhiệm vụ của cuộc hành quân thần tốc, xác định trách nhiệm chính trị, vai trò, vị trí của chỉ huy từng cấp, từng người. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp làm tốt công tác tư tưởng, củng cố tổ chức, làm cho bộ đội nhận thức đúng thời cơ, khó khăn, thuận lợi cũng như niềm vinh dự, tự hào được tham gia vào cuộc chiến đấu mang ý nghĩa lịch sử trọng đại này. Mặt khác, các đơn vị luôn coi trọng công tác thi đua trong hành quân, chiến đấu, cổ vũ chiến trường, tuyên truyền về những tấm gương chiến đấu dũng cảm. Trong đó, đặc biệt quan tâm quản lý, giáo dục đội ngũ lái xe; bởi đây là lực lượng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức cơ động, khả năng chiến đấu của đơn vị.
Một trong những nguyên nhân, cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc mà Quân đoàn rút ra là, công tác tổ chức chỉ huy, chỉ đạo phải chặt chẽ, cụ thể, sáng tạo. Đánh giá về công tác tổ chức chỉ huy của Quân đoàn 2, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã viết: “Tổ chức cho 2.000 xe của Quân đoàn vượt qua sáu con sông lớn, chưa kể phải đánh địch trên đường đi, là cả một công tác tổ chức, chỉ huy phức tạp...”[2]. Cuộc hành quân với quãng đường gần bằng nửa chiều dài đất nước đã có rất nhiều tình huống xảy ra ngoài dự kiến, đòi hỏi phải “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “tiến công trong hành tiến”. Do hành quân chiến đấu gấp, Quân đoàn không có điều kiện tổ chức cho cán bộ đi nghiên cứu địa hình trước khi xây dựng kế hoạch hành quân tổng thể, nên việc xây dựng kế hoạch, phương pháp tổ chức đội hình hành quân được tính toán khoa học, hợp lý, có các phương án điều chỉnh theo diễn biến thực tế. Quân đoàn tổ chức đội hình thành nhiều khối, lấy đơn vị cơ sở là sư đoàn, lữ đoàn bộ binh và binh chủng để tổ chức, tiện cho chỉ huy hành quân và chỉ huy chiến đấu. Mỗi khối (ngay từ đầu) được tăng cường thêm một số đơn vị binh chủng chiến đấu và bảo đảm, để có thể tự giải quyết các trở ngại về đường sá, đủ sức tự bảo vệ và tiến công quy mô nhỏ diệt địch trên dọc đường hành quân. Riêng khối đi đầu (Sư đoàn 325) làm nhiệm vụ chiến đấu mở đường được tăng cường xe tăng, thiết giáp, pháo binh, cao xạ, công binh, hóa học,... bảo đảm đồng bộ, đủ sức xử lý các tình huống để hoàn thành nhiệm vụ. Đại tướng Lê Trọng Tấn đã đánh giá cao việc triển khai đội hình hành quân của Quân đoàn: “Đội hình hành quân được bố trí theo yêu cầu triển khai chiến đấu nhanh chóng. Thành phần các lực lượng, binh chủng như bộ binh, xe tăng, pháo binh, phòng không được bố trí thích hợp, đồng bộ để dễ điều động lực lượng trong thứ tự hành quân”[3].
Trong giai đoạn 1 (cung đường từ Đà Nẵng đến Cam Ranh), do cung đường dài, phải qua nhiều cầu cống, mà hầu hết các cầu qua sông lớn đã bị địch đánh sập, nên Quân đoàn bố trí lực lượng công binh đi sau đội hình tiền trạm để khắc phục sửa chữa cầu phà, mở đường vòng tránh; tổ chức lực lượng sửa chữa cứu kéo trên cung và mỗi chặng, nhằm hạn chế ùn tắc, duy trì và đẩy nhanh tốc độ hành quân. Giai đoạn 2 (cung đường từ Phan Rang trở vào đến Nam Xuân Lộc), phải đánh địch trong hành tiến, nên Quân đoàn bố trí lực lượng xe tăng, thiết giáp đi sau bộ phận tiền trạm để gặp địch là triển khai tiến công ngay. Các đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu được tăng cường hỏa lực, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh đột kích phá vỡ tuyến phòng ngự, ngăn chặn của địch, giữ vững tốc độ, đội hình hành quân. Trận tiến công trong hành tiến vào tuyến phòng thủ thị xã Phan Rang ngày 16-4-1975, giành thắng lợi nhanh chóng là một điển hình về công tác tổ chức đội hình hành quân “tiến công trong hành tiến” chặt chẽ, hợp lý, khoa học; trong đó, xe tăng, thiết giáp là lực lượng đột kích mạnh, tạo nên sự bất ngờ, gây nỗi kinh hoàng, hoang mang dẫn đến sự tan rã nhanh chóng của quân địch ở đây. Sự năng động, sáng tạo thể hiện ở việc lựa chọn trục đường hành quân và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trong quá trình hành quân, chiến đấu. Khi có lệnh hành quân, đội hình đứng chân của Quân đoàn trải rộng khắp 3 tỉnh từ Tây Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị đến Bến Giàng, Thượng Đức (Tây Quảng Nam – Đà Nẵng), nếu chờ đợi thu quân, dồn dịch đội hình để đồng thời cùng xuất phát sẽ chậm thời gian, nên Quân đoàn chủ trương: “Vừa tập kết lực lượng, vừa chuẩn bị hành quân, vừa tổ chức xuất phát sớm. Đơn vị nào tương đối gọn, tổ chức bảo đảm cho đơn vị đó hành quân ngay, không chờ đợi cầu toàn”. Đảng ủy Quân đoàn xác định đường hành quân là quốc lộ 1 sẽ bảo đảm được lưu lượng lớn và tốc độ cao cho phương tiện cơ giới. Đây cũng là một quyết định sáng suốt, vì lực lượng không quân và hải quân ngụy lúc này đã suy yếu, giảm sút ý chí chiến đấu, ta sẽ ít bị tổn thất khi hành quân bằng con đường này. Nhờ chủ động, linh hoạt sáng tạo, kịp thời điều chỉnh kế hoạch và xử lý các tình huống đột biến mau lẹ, nên mặc dù kế hoạch, thời gian hành quân không đúng như dự kiến ban đầu, nhưng Quân đoàn vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với địa phương, phát huy hiệu quả sức mạnh tại chỗ cũng là một trong những bài học đảm bảo cho Quân đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hành quân thần tốc. Khi tổ chức hành quân chiến đấu đường dài bằng cơ giới trên một chiến trường mà ta chưa nắm chắc tình hình mọi mặt thì ngoài việc tranh thủ sự chi viện, giúp đỡ chỉ đạo của cấp trên, thì quan hệ hiệp đồng chặt chẽ với địa phương, đơn vị bạn, nhằm khai thác mọi tiếm năng sẵn có (lực lượng, phương tiện, vật chất, nắm địch...), tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần bảo đảm và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Khi không đủ phương tiện vận chuyển, một mặt, Quân đoàn báo cáo lên trên xin ý kiến chỉ đạo; mặt khác, chủ động tìm giải pháp tự điều chỉnh kế hoạch, mạnh dạn đề nghị hành quân bằng đường biển và tranh thủ sự hỗ trợ, huy động phương tiện của địa phương, đơn vị bạn. Trong quá trình tổ chức hành quân, Quân đoàn đã phải huy động 2.491 xe ô tô vận tải các loại. Trong đó, xe trong biên chế của Quân đoàn là 841 chiếc, Bộ Tư lệnh 559 tăng cường 669 chiếc, huy động của địa phương 494 chiếc và hàng trăm xe chiến lợi phẩm, cùng 5 tàu vận tải được Hải quân chi viện. Tổng số 6.591 tấn vật chất cần vận chuyển và sử dụng trong quá trình hành quân, có 4.335 tấn do Quân đoàn tự vận chuyển và hậu cần chiến lược bảo đảm, còn lại 1.639 tấn (24,3%) là do Quân khu 5 và nhân dân địa phương cung cấp, giúp đỡ vận chuyển; 617 tấn (10,7%) là chiến lợi phẩm tận thu được của địch, v.v. Ngoài ra, ở mỗi cung, mỗi chặng đường hành quân chiến đấu, để “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Quân đoàn cũng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, tranh thủ sự hỗ trợ to lớn của đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương. Trên đoạn đường từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn, được sự hỗ trợ của địa phương, bộ đội ta đã nhanh chóng khắc phục 8 cầu bị địch đánh hỏng, mở mới hàng chục ki-lô-mét đường quân sự làm gấp, hoặc đưa xe, pháo đi vòng tránh qua những cầu hỏng chưa sửa chữa được. Ở Phú Yên, Khánh Hòa, máy bay địch thường xuyên xuất kích đánh chặn, nhân dân vẫn không sợ hy sinh, nô nức đi sửa chữa cầu đường; giúp bộ đội nắm tình hình, chỉ dẫn đường và đảm nhiệm công tác liên lạc. Dọc đường từ Phan Rang vào Phan Thiết, mặc dù không kịp tổ chức hiệp đồng trước, nhưng sự phối hợp giữa 3 thứ quân vẫn rất nhịp nhàng, ăn khớp; lực lượng nổi dậy của quần chúng cách mạng đã kịp thời thông báo tình hình địch ở phía trước và dẫn đường đánh chiếm các căn cứ địch trong vùng. Tinh thần tích cực, chủ động của các lực lượng tại chỗ đã giúp cho cuộc hành quân chiến đấu của Quân đoàn rất thuận lợi. Có thể khẳng định, suốt dọc đường hành quân, ở bất cứ nơi nào, các chiến sĩ ta cũng nhận được sự chi viện tích cực của địa phương với tình cảm đoàn kết gắn bó quân - dân mật thiết. Đó chính là sức mạnh của chiến tranh nhân dân, “thế trận lòng dân”, tạo điều kiện thuận lợi để Quân đoàn đến đích an toàn, đúng thời gian quy định, kịp thời bố trí lực lượng, cùng 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa giang sơn thu về một mối./.
NGUYỄN CÔNG TÂM
[1]- Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 1308
[2]- Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tuyển tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 671.
[3]- Đại tướng Lê Trọng Tấn - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 513.
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc