Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 22/02/2018, 07:42 (GMT+7)
Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Bắc

Từ yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đặc thù của khu vực Tây Bắc đòi hỏi việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn phải được đặc biệt coi trọng, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, bằng các biệp pháp linh hoạt, đồng bộ, phù hợp.

Tây Bắc là địa bàn miền núi, biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; mảnh đất “phên giậu” của Tổ quốc, có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh được chú trọng, bước đầu đạt kết quả tích cực. Tây Bắc đã có bước phát triển cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Cơ cấu kinh tế của các địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là điện, đường, trường, trạm được nâng cấp, mở rộng; nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xây dựng, đi vào hoạt động. Các dự án đầu tư vào khu vực tăng cả về số lượng, quy mô; trong đó, có nhiều dự án trọng điểm quốc gia. Nông - lâm - ngư nghiệp bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành một số vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, đạt hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” và các khu vực phòng thủ trên địa bàn được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được quản lý, bảo vệ vững chắc, góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Bắc còn những hạn chế nhất định. Hiện nay, Tây Bắc vẫn là địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế so với các vùng, miền khác của cả nước; kinh tế phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực thấp nhất cả nước; tỷ lệ hộ nghèo cao; hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi chưa vững chắc, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thấp. Đây cũng là địa bàn rất nhạy cảm về quốc phòng, an ninh; các thế lực thù địch coi đây là một trọng điểm tập trung chống phá; tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nguy cơ gây mất ổn định không thể xem nhẹ, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đáng chú ý là, các thế lực thù địch lợi dụng đói nghèo, lòng tin, vấn đề dân tộc, tôn giáo và những bức xúc trong nhân dân chưa được giải quyết thấu đáo để xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động biểu tình, bạo loạn, đòi ly khai thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông tự trị”. Bên cạnh đó, hoạt động tôn giáo trái pháp luật, di cư tự do, các loại tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, v.v.

Từ thực tế đó, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Bắc là vấn đề đặt ra cấp thiết. Để khắc phục những hạn chế và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả sự kết hợp này, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền các cấp trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, đảm bảo cho chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Bắc đi vào thực tiễn một cách thực chất, hiệu quả. Theo đó, cùng với tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, cần chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp về vấn đề này. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, quy chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện, đảm bảo thống nhất, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Trong đó, cần xác định cụ thể mục tiêu, nội dung kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; cơ chế phối hợp, tham vấn, đánh giá tác động, chính sách hỗ trợ, cơ chế cung cấp thông tin, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật, sơ kết, tổng kết và quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện. Với đặc thù của mình, Tây Bắc hiện là khu vực đang có nhu cầu đầu tư lớn; đồng thời, cũng là địa bàn thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ kinh nghiệm của các địa phương đi trước, các tỉnh Tây Bắc chú ý rà soát, thẩm định, giám sát kỹ khi phê duyệt phân vùng, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, dự án đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, để đảm bảo luôn kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, cần phòng ngừa, chống biểu hiện tuyệt đối hóa mục tiêu kinh tế, nhất là khi các địa phương còn nhiều khó khăn dễ làm nảy sinh tư tưởng phát triển kinh tế bằng mọi giá, chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần coi trọng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; năng lực, trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ chuyên trách làm công tác tham mưu về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, nhất là cán bộ chủ chốt ở địa phương, cán bộ người dân tộc thiểu số, làm cơ sở vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, nghiên cứu, có cơ chế đặc thù và chế tài phù hợp để việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh được tiến hành thực sự hiệu quả.

2- Gắn kết chặt chẽ mục tiêu kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh ngay từ hoạch định, phân vùng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển của từng địa phương và vùng Tây Bắc. Đây là cơ sở để đảm bảo mỗi bước phát triển, mỗi thành tựu, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; ngược lại, mỗi thành quả trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là tiền đề giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả địa bàn, hướng đến phát triển bền vững. Theo đó, các địa phương cần chủ động triển khai nội dung kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế ngay trong hoạch định các chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, ngành, lĩnh vực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mình. Trước hết, chú trọng xây dựng, hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, bố trí quốc phòng; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, gắn với bảo đảm an ninh lương thực, môi trường sinh thái và tích lũy cho nhu cầu quốc phòng; quy hoạch sử dụng đất, phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực gắn với điều chỉnh, bố trí lực lượng và gắn các dự án xây dựng khu đô thị, nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng với quy hoạch thế trận quốc phòng, thế trận khu vực phòng thủ địa phương, v.v. Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh của các địa phương phải được thực hiện một cách toàn diện, nhưng cần tập trung, có trọng tâm, coi trọng tính “lưỡng dụng” của các chương trình, dự án, ưu tiên địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng căn cứ cách mạng, nơi kinh tế khó khăn, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Xuất phát từ vị trí trọng yếu của Tây Bắc, Đảng, Nhà nước cần xây dựng quy hoạch vùng, cơ chế liên kết vùng, cần thiết có thể ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh ở khu vực này để nâng cao hiệu quả kết hợp, đáp ứng mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh cả trước mắt và lâu dài, tránh tình trạng “mạnh ai lấy làm”, dẫn đến chồng chéo hoặc bỏ sót, thiếu đồng bộ.

3- Thực hiện đồng bộ các biện pháp tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Bắc. Sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc để củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Với khu vực Tây Bắc, điều đó càng có ý nghĩa thiết thực. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng Tây Bắc; trước hết, tập trung triển khai có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, các thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khoáng sản, thủy điện, kinh tế đối ngoại; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, nâng cao dân trí, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững, tạo nền tảng tinh thần, vật chất, kỹ thuật vững chắc cho xây dựng, củng cố quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, các tỉnh Tây Bắc tiếp tục đa dạng hoá nguồn lực, phân bổ đầu tư hợp lý cho phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quan tâm đến đối tượng con em đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, đảm bảo an dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, v.v. Nhà nước và các địa phương cần có kế hoạch, chính sách tạo lập môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư và đẩy mạnh liên kết vùng bằng các mô hình, loại hình liên kết, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của Tây Bắc. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện bền vững, nhất là về đất ở, đất sản xuất, sinh kế, để đồng bào định canh, định cư, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, khắc phục tình trạng di cư, dịch cư tự do, tự cung, tự cấp. Đặc biệt, chú ý đúng mức việc xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng, hoạt động tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của các đơn vị Quân đội trên địa bàn. Những năm qua, Quân khu 1, Quân khu 2 đã phối hợp với các địa phương quy hoạch, triển khai xây dựng một số khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn xung yếu và đạt hiệu quả tích cực. Phát huy kết quả đó, cần tiếp tục củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng. Trong đó, chú trọng huy động, kết hợp các nguồn lực thực hiện tốt đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đưa văn hóa, y tế về thôn, bản, kết hợp tổ chức, bố trí lại dân cư trên địa bàn, từng bước hình thành các điểm, cụm dân cư tập trung trên vành đai biên giới, tạo nên diện mạo, thế và lực mới cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên vùng đất biên cương Tây Bắc, góp phần xây dựng khu vực trọng yếu này ngày càng phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững mạnh về quốc phòng, an ninh, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng PHÙNG NGỌC SƠN, Tư lệnh Binh chủng Công binh

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.