Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 15:20 (GMT+7)
Hội thi chỉ huy trưởng và chính ủy bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố – kết quả và vấn đề đặt ra

Tháng 10 năm 2011, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thi chỉ huy trưởng, chính ủy bộ chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thông qua Hội thi, chẳng những cơ quan tổ chức và người dự thi đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích, mà còn hướng đến một phong trào thi đua mới cho đội ngũ cán bộ chủ trì cơ quan quân sự địa phương các cấp trên toàn quốc nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt của đội ngũ này, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (QP,QS) ở địa phương trong tình hình mới.            

 

Những năm qua, cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp củng cố quốc phòng - an ninh của các địa phương trên cả nước đã đạt được những kết quả quan trọng. Kết quả bao trùm nhất là các địa phương giữ vững sự ổn định về chính trị - xã hội, tăng cường một bước về thế và lực trong khu vực phòng thủ (KVPT) và làm thất bại nhiều thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Có được những kết quả đó là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của nhân dân. Song có thể nói, sự đóng góp của lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương, sự phát huy tốt vai trò làm tham mưu và vai trò nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ QP,QS ở địa phương của cơ quan quân sự các cấp là rất quan trọng.

Tuy vậy, yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ QP,QS của cơ quan quân sự các cấp ở địa phương, đặc biệt là chỉ huy trưởng và chính ủy BCHQS tỉnh, thành phố ngày càng cao. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định về quốc phòng. Đó là: Nghị định số 152/2007/NĐ-CP, ngày 10-10-2007 của Chính phủ về xây dựng KVPT vững chắc; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới; Nghị định số 32/2009/NĐ-CP, ngày 03-4-2009 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều luật của Luật Quốc phòng về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; Nghị định số 30/2010/NĐ-CP, ngày 22-4-2010 của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Nghị định số 77/2010/NĐ-CP, ngày 12-7-2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nhiệm vụ quốc phòng. Để các nghị quyết, nghị định đó đi vào cuộc sống, cơ quan quân sự các cấp phải nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, nhất là tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ QP,QS. Nói cách khác, bên cạnh phẩm chất chính trị, chỉ huy trưởng và chính ủy BCHQS tỉnh, thành phố còn phải có năng lực lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu toàn diện, có kiến thức quản lý nhà nước không chỉ về lĩnh vực QP,QS mà còn cả về lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội,... và nắm chắc tình hình ở địa phương. Riêng đồng chí chỉ huy trưởng, với tư cách là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy (thành ủy) còn tham gia hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển địa phương, cùng với ban thường vụ lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách đó. Vì vậy, năm 2011, Bộ Quốc phòng thấy cần phải tổ chức Hội thi nhằm đánh giá một cách toàn diện về trình độ, năng lực của chỉ huy trưởng, chính ủy BCHQS tỉnh, thành phố, làm cơ sở để các cấp rút kinh nghiệm về chỉ đạo, bồi dưỡng cán bộ trong những năm tiếp theo.

Để thực hiện ý định trên, các cơ quan của Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị số 89/CT-BQP, ngày 07-6-2011 về việc tổ chức Hội thi chỉ huy trưởng, chính ủy BCHQS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011; về thành lập Ban chỉ đạo, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thi, Ban Giám khảo, Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Thanh tra, giám sát và các tiểu ban khác. Ngay sau khi có Chỉ thị, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo đã tiến hành soạn thảo văn bản, kế hoạch và chuẩn bị các mặt đảm bảo cho Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức quán triệt Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, học viện liên quan làm công tác chuẩn bị.

Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Tiểu ban Nội dung đã soạn thảo quy chế, nội dung và các văn bản hướng dẫn người dự thi ôn luyện; trong đó, về nội dung, người dự thi phải hoàn thành 4 phần thi: lý luận, nhận thức, công tác tham mưu, Điều lệnh đội ngũ và bắn súng. Phần thi lý luận, nhận thức, tập trung vào vấn đề sử dụng LLVT tỉnh, thành phố phối hợp với bộ đội chủ lực (cấp sư đoàn) trong các hình thức tác chiến; nội dung cơ bản của các văn bản quy phạm pháp luật về QP,QS; công tác tham mưu của cơ quan quân sự cho cấp ủy, chính quyền trong thời bình, thời chiến; nội dung, biện pháp xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, xây dựng tỉnh, thành phố thành KVPT vững chắc và trong xử lý các tình huống bạo loạn có vũ trang ở địa phương. Phần thi công tác tham mưu đối với chỉ huy trưởng, tập trung vào thực hành soạn thảo và báo cáo “Quyết tâm tác chiến phòng thủ của tỉnh, thành phố” (trên địa bàn bất kỳ, phụ thuộc vào kết quả bốc thăm); đối với chính ủy là soạn thảo nghị quyết lãnh đạo của đảng ủy quân sự tỉnh (thành phố) về lãnh đạo tác chiến phòng thủ, thực hành điều hành hội nghị đảng ủy quân sự thông qua Quyết tâm và trực tiếp soạn thảo các văn kiện khác. 

Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tổ chức Hội thi, các quân khu đã quán triệt, giao nhiệm vụ cho các cán bộ tham gia dự thi, hướng dẫn ôn luyện và tổ chức thi ở cấp quân khu.

Mặc dù lần đầu tiên tổ chức, khối lượng công việc đảm bảo rất lớn, nhất là đảm bảo nội dung thi, song với tinh thần chủ động, tích cực của cả khối cơ quan của Bộ Quốc phòng, các cơ quan của các quân khu và của số cán bộ trực tiếp dự thi, tháng 10 năm 2011, Hội thi được tổ chức theo đúng kế hoạch đề ra. Kết quả là: 100% đồng chí dự thi đạt khá, giỏi, trong đó có 45,24% đạt loại giỏi. BCHQS tỉnh Hà Tĩnh giành giải Nhất (Chỉ huy trưởng và Chính ủy BCHQS Tỉnh đều đoạt giải nhất cá nhân). Qua Hội thi cho thấy, hầu hết chỉ huy trưởng, chính ủy BCHQS tỉnh, thành phố có đủ trình độ, năng lực tương xứng với cương vị được giao. Các cán bộ dự thi đã nắm chắc nghị quyết, nghị định, thông tư về QP,QS, đặc biệt là thấy rõ vai trò làm tham mưu của BCHQS đối với cấp ủy, chính quyền; qua đó, đề xuất được nhiều biện pháp thiết thực trong xây dựng KVPT, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ và trong việc xử lý các tình huống quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Trong xây dựng “Quyết tâm tác chiến phòng thủ”, nhiều đồng chí chỉ huy trưởng đã nắm chắc các hình thức chiến thuật, thực hành soạn thảo Quyết tâm đúng, đủ nội dung và thời gian quy định. Phần thực hành báo cáo Quyết tâm, nhiều chỉ huy trưởng thể hiện được năng lực, tác phong chỉ huy, công tác sát với yêu cầu tác chiến trong thời chiến. Trong phần thực hành dự thảo nghị quyết, soạn thảo các văn kiện và điều hành hội nghị, đa số các đồng chí chính ủy đã đề ra được những chủ trương, biện pháp lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, sát với đặc điểm, nhiệm vụ và khả năng của địa phương.

Sau Hội thi, Ban Chỉ đạo đã kịp thời rút kinh nghiệm về công tác chuẩn bị và công tác tổ chức; trong đó, nhấn mạnh: phải xây dựng quy chế thi chặt chẽ; lựa chọn Ban Giám khảo là những người có trình độ, có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm cao và có thái độ nghiêm túc, khách quan, trung thực trong quá trình chuẩn bị và tổ chức chấm thi; nội dung thi phải sát với chức trách, nhiệm vụ của chỉ huy trưởng và chính ủy BCHQS tỉnh, thành phố. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo còn xác định những vấn đề mà các cấp cần phải quan tâm trong thời gian tới. Đó là:

1. Các cơ quan của Bộ Quốc phòng phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung lý luận và kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng KVPT trong tình hình mới theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở Hội thi này, cơ quan có liên quan tiếp tục hoàn thiện quy chế, nội dung thi; qua đó, tổ chức thi toàn diện cho BCHQS, bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố mỗi nhiệm kỳ ít nhất một lần; đồng thời, đề xuất chương trình bồi dưỡng cán bộ quân sự địa phương sao cho phù hợp với nhiệm vụ QP,QS của địa phương trong giai đoạn mới.

2. Các Bộ Tư lệnh quân khu và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức huấn luyện, diễn tập theo Chỉ lệnh công tác quân sự của Tổng Tham mưu trưởng, đúng ý định được phê duyệt và cần xây dựng kế hoạch công tác quân sự trong 5 năm có tổ chức hội thi ở cấp huyện, quận ít nhất một lần để nâng cao trình độ cho cán bộ cơ quan, đơn vị.

3. Các BCHQS tỉnh, thành phố, trước hết, phải thường xuyên tổ chức cho cán bộ học tập, nghiên cứu nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật về QP,QS và biết cụ thể hóa các văn bản đó vào đặc điểm, điều kiện địa phương. Hai là, nghiên cứu, xây dựng “Quyết tâm tác chiến phòng thủ” sát thực tiễn, đúng địa hình; dự kiến đúng về địch, về sử dụng LLVT địa phương, trên cơ sở đó tổ chức huấn luyện, luyện tập thành thục phương án. Ba là, xây dựng kế hoạch và tổ chức hội thi cho chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự huyện, quận. Bốn là, nâng cao khả năng hiệp đồng giữa lực lượng Quân sự với Công an, Biên phòng và giữa LLVT địa phương với lực lượng của cấp trên khi phối hợp tác chiến trên địa bàn. Năm là, các đồng chí chính ủy (chính trị viên) cần tích cực nghiên cứu, nắm vững nhiệm vụ cụ thể của địa phương để nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết lãnh đạo về công tác QP,QS; đồng thời, chú ý xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, đảm bảo cho LLVT địa phương thực sự là lực lượng nòng cốt về QP,QS, là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng LÊ XUÂN CHUYỂN

Phó Cục trưởng Cục Tác chiến

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.