Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 20/05/2021, 08:36 (GMT+7)
Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I. Lênin và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam

Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một đóng góp lớn của V.I. Lênin vào kho tàng lý luận Mác - Lênin; được Đảng Cộng sản Việt Nam trung thành, vận dụng sáng tạo trong quá trình lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. 

1. Học thuyết của V.I. Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Từ thực tiễn tình hình thế giới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và công cuộc đấu tranh chống xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ chính quyền Xô viết non trẻ - Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới; đồng thời, kế thừa tư tưởng vũ trang quần chúng bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa của C. Mác và Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã tổng kết, bổ sung, phát triển, xây dựng nên học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Ông đã khái quát và luận giải những vấn đề có tính nguyên tắc đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, như: tính tất yếu khách quan, mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức, lực lượng và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của Nhà nước; xây dựng và củng cố khả năng quốc phòng; tổ chức, xây dựng quân đội kiểu mới; vấn đề vũ trang cho toàn dân; mối quan hệ giữa xây dựng với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, v.v.

Theo V.I. Lênin, để bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được, giai cấp vô sản tất yếu phải cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người viết: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại được. Giai cấp thống trị không bao giờ nhường chính quyền cho giai cấp bị trị. Nhưng giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng họ không những có khả năng lật đổ bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để tự bảo vệ lấy mình”1. Đồng thời, bảo vệ Tổ quốc bao giờ cũng gắn với bảo vệ Đảng Cộng sản, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Người chỉ rõ: “Chúng ta tán thành “bảo vệ tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa Xô viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”2.

Trong bối cảnh Nhà nước Xô viết vừa mới ra đời, để chống lại sự tấn công vũ trang của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động bên trong, V.I. Lênin nhấn mạnh phương thức đấu tranh bằng vũ trang của giai cấp vô sản và quần chúng lao động để bảo vệ Tổ quốc; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, của lực lượng quần chúng công - nông - binh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự tổ chức, quản lý của Chính quyền Xô viết, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Trong đó, V.I. Lênin đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát huy nhân tố chính trị, tinh thần của quần chúng nhân dân lao động, Người chỉ rõ: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”3. Cùng với đó, V.I. Lênin luôn quan tâm đến xây dựng và củng cố quốc phòng cả về tiềm lực và thế trận, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước. Người căn dặn, phải tranh thủ thời gian hòa bình, tận dụng mọi điều kiện thuận lợi, ra sức xây dựng các tiềm lực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, quân sự và chuẩn bị đất nước sẵn sàng chiến đấu, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân biến các tiềm lực và thế trận quốc phòng thành sức mạnh hiện thực để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là trách nhiệm của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự tổ chức, quản lý của Nhà nước chuyên chính vô sản. Người khẳng định: “Nghĩa vụ tuyệt đối của toàn thể quần chúng lao động là đem hết sức mình ra để khôi phục và tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước”4 và “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”5. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là vấn đề được V.I. Lênin luôn quan tâm; là nguyên tắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Người đã đề ra hệ thống lý luận, nguyên tắc về tổ chức, xây dựng và hoạt động của quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân; đồng thời, yêu cầu Đảng Cộng sản, Nhà nước phải hết sức chăm lo xây dựng quân đội hùng mạnh, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trên cơ sở vũ trang toàn dân.

Thực tiễn công cuộc bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga do V.I. Lênin và Đảng Bolshevik (Bôn-sê-vích) lãnh đạo và công cuộc bảo vệ Tổ quốc của các nước xã hội chủ nghĩa đã khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng to lớn của học thuyết bảo vệ Tổ quốc của V.I. Lênin. Những tư tưởng đó, không những có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa hiện thực tiếp tục chỉ đạo công cuộc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

2. Sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên định, vận dụng sáng tạo học thuyết của V.I. Lênin đề ra đường lối cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, nhất là trong trong công cuộc đổi mới đất nước. Trước hết, tư duy lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển, chuyển từ coi bảo vệ Tổ quốc chủ yếu là các vấn đề quân sự và chiến tranh sang tư duy bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và tất cả lực lượng; bảo vệ Tổ quốc ngay từ thời bình, từ sớm, từ xa, từ lúc đất nước chưa nguy. Đảng xác định và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là: “Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là quy luật phát triển của cách mạng nước ta”6. Đây là sự khẳng định đúng đắn, có tính quy luật, trên cơ sở lý luận và thực tiễn cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng như trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”7.

Về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, nhận thức của Đảng ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn, thấy rõ mối quan hệ biện chứng giữa các mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”8.

Về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam, Đảng ta chỉ rõ: những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác và bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Xác định như vậy là sự phát triển về tư duy, nhận thức của Đảng về đối tượng, đối tác, thấy được sự đan xen, chuyển hóa giữa đối tượng, đối tác, trong đối tượng có những mặt cần tranh thủ hợp tác, trong đối tác có những mặt cũng cần cảnh giác, đấu tranh. Nhờ đó, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Về phương thức và lực lượng, Đảng chủ trương phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại.

Trung thành, vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, Đảng luôn quan tâm, đề ra đường lối, nguyên tắc tổ chức, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm Quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Nhờ đó, Quân đội nhân dân cùng toàn Đảng, toàn dân lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực sự là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay trước yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”9. Đồng thời, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu cao. Vì vậy, hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần nhận thức sâu sắc, vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội của nghĩa của V.I. Lênin đề ra đường lối, chiến lược bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Đại tá, TS. NGUYỄN TIẾN CHUNG, Học viện Quốc phòng
______________

1 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 38, Nxb Tiến bộ, M. 1978,  tr.165 - 166.

2 - Sđd, Tập 36, tr. 102.

3 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 41, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 147.

4 - Sđd, Tập 36, tr. 153.

5 - Sđd, Tập 35, tr. 480 - 481

6 - ĐCSVN – Ban Chấp hành Trung ương - Ban Chỉ đạo tổng kết - Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb CTQG, H. 2015, tr. 179.

7 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 110.

8 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 156.

9 - Sđd, Tập I, tr. 157 - 158.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.