Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:26 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Ngày 28-11-2013, trong không khí trang nghiêm, tràn đầy xúc động, với đa số phiếu tuyệt đối, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Ðây là một sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta.
Đại biểu Quốc hội vui mừng sau khi tiến hành biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Kể từ ngày Quốc hội ra Nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (tháng 8-2011) đến nay, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, tâm huyết, với trí tuệ và cách làm khoa học, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đã tham gia xây dựng dự thảo bản Hiến pháp này. Ðã có hơn 26 triệu lượt ý kiến nhân dân, 28 nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Quốc hội đã dành ba kỳ họp (kỳ 4, kỳ 5 và kỳ 6), thảo luận, cho ý kiến và sửa trực tiếp vào dự thảo; hai lần trình Ban chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI (Trung ương 5, Trung ương 7) và rất nhiều lần xin ý kiến Bộ Chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan. Tuy còn ý kiến khác, nhưng có thể nói rằng, bản Hiến pháp (sửa đổi) đã kết tinh được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, thể hiện được ý Ðảng, lòng dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị.
Bản Hiến pháp (sửa đổi) có nhiều điểm mới quan trọng cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Ðây là bản Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc Ðổi mới, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của nước ta trong thời kỳ mới.
Bản Hiến pháp (sửa đổi) đã khẳng định mạnh mẽ ý chí, chủ quyền của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta. Hiến pháp khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; khẳng định nước ta do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quy định như vậy để mỗi cơ quan phát huy đầy đủ trách nhiệm và thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; hạn chế và không để xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực; phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời để nhân dân có cơ sở Hiến định giám sát quyền lực Nhà nước. Hiến pháp quy định nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Kế thừa Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục khẳng định: Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là một quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc... Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
Ðại đoàn kết toàn dân tộc là động lực rất quan trọng, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Hiến pháp khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các thành viên khác của Mặt trận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Ðảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với một vị trí trang trọng, tại Ðiều 4, Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Ðảng Cộng sản Việt Nam; làm rõ và sâu sắc hơn bản chất tiên phong, bản chất nhân dân của Ðảng. Khẳng định Ðảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Ðảng như vậy nên nhân dân ta thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Ðảng và ghi nhận vào Hiến pháp - Ðạo luật cơ bản của Nhà nước. Ðồng thời, Hiến pháp bổ sung một điểm mới rất quan trọng đó là Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Ðây là điều mà Ðảng ta ngay từ khi mới thành lập, trong suốt quá trình cách mạng, lãnh đạo đất nước và mãi sau này Ðảng ta luôn thực hiện. Ðó là quy luật tồn tại, sức sống và sự phát triển tất yếu của Ðảng.
Về đối ngoại, Hiến pháp thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Phát huy đầy đủ nhân tố con người, Hiến pháp thể hiện sâu sắc hơn quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội phải do Hiến pháp quy định. Mọi sự hạn chế quyền công dân phải do luật định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Quy định rõ hơn các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Ðất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác đều thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện và thống nhất quản lý. Việc thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết phải do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, phải công khai, minh bạch và phải được bồi thường để tránh việc thu hồi đất tùy tiện, tràn lan.
Với quan điểm phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; quy định về giáo dục, khoa học và công nghệ trong cùng một chương trong Hiến pháp (sửa đổi) với những mục tiêu và chính sách cơ bản ở tầm hiến định, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, là sự nghiệp của toàn dân. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, quyền cao quý của công dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, Hiến pháp khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.
Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Sửa đổi, bổ sung một số nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân theo định hướng cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của các cơ quan tư pháp, thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử.
Hiến pháp (sửa đổi) lần này xác định và quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực có hiệu lực và hiệu quả trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Về chính quyền địa phương, Hiến pháp (sửa đổi) giữ quy định về các đơn vị hành chính như Hiến pháp năm 1992, có bổ sung đơn vị hành chính tương đương cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc trung ương; quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định tạo cơ sở hiến định cho việc xây dựng luật chính quyền địa phương. Hiến pháp quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Lần đầu tiên trong Hiến pháp quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước là những thiết chế hiến định độc lập thể hiện rõ tính dân chủ và pháp quyền của Nhà nước ta. Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Kiểm toán nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Hiến pháp quy định thẩm quyền, thủ tục, trình tự của việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp; quy định thời hạn công bố và thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp; việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định. Là đạo luật cơ bản, Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất; mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều phải bị xử lý. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.
Với bố cục 11 chương, 120 điều (giảm 01 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) và kỹ thuật lập hiến chặt chẽ, hiện đại, bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.
Ðể sớm đưa Hiến pháp vào cuộc sống, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp, trong đó xác định rõ trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguồn: nhandan.com.vn
Hiến pháp,đổi mới,Việt Nam
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc