Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 10/02/2020, 07:01 (GMT+7)
Giáo dục lối sống văn hóa cho học viên đào tạo ở Học viện Hậu cần

Học viên trong các nhà trường Quân đội nói chung, Học viện Hậu cần nói riêng là nhân tố quan trọng, góp phần quyết định sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội. Để họ trở thành cán bộ có phẩm chất, đạo đức, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề; trong đó, giáo dục lối sống văn hóa là nền tảng quan trọng đối với xây dựng nhân cách toàn diện cho học viên.

Giáo dục lối sống văn hóa cho học viên có vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức xã hội “chân, thiện, mỹ” nói chung cũng như tiêu chuẩn học viên đào tạo cán bộ hậu cần Quân đội nói riêng. Những giá trị văn hóa và tiêu chuẩn đó giúp cho mỗi học viên có thể tự đánh giá, kiểm tra, điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình. Thông qua quá trình giáo dục lối sống văn hóa, giúp mỗi học viên nhận thức đúng các chuẩn mực đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, nghề nghiệp, làm cơ sở phát triển, hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng.

Việc lĩnh hội các giá trị văn hóa, các chuẩn mực xã hội thông qua giáo dục và tự giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với hoạt động thực tiễn,… giúp học viên nâng cao hiệu quả quá trình lựa chọn, tiếp nhận, khả năng vươn tới hoàn thiện các phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ. Đó chính là quá trình tạo “năng lượng nội sinh” để đấu tranh có hiệu quả với các hành vi phản văn hóa, lối sống vị kỷ, thực dụng, lệch chuẩn lý tưởng,... trong đời sống xã hội cũng như trong nhận thức, tư tưởng của học viên. Mục đích giáo dục lối sống văn hóa cho học viên là làm cho lý tưởng cách mạng, giá trị văn hóa, thẩm mỹ, nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức dân tộc thấm sâu và trở thành những chuẩn mực giá trị, thói quen trong nếp nghĩ, lối sống và cách ứng xử của mỗi học viên. Trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về lối sống văn hóa, giá trị của giáo dục lối sống văn hóa, từ đó phấn đấu vươn lên, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện để trở thành cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ lâu dài trong Quân đội. Vì vậy, giáo dục lối sống văn hóa cho học viên phải hướng vào mục tiêu xây dựng theo chuẩn mực con người mới, đó là: “phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”1.

Thực tế cho thấy, hoạt động giáo dục lối sống văn hóa cho học viên Học viện Hậu cần những năm qua đã góp phần quan trọng trong định hướng lý tưởng sống, xây dựng động cơ học tập đúng đắn, rèn luyện ý chí, niềm tin, phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật người học viên. Song bên cạnh đó, lối sống của học viên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số học viên nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, lý tưởng sống, về các giá trị văn hóa; vẫn có biểu hiện thiếu trung thực trong thi cử, ứng xử thiếu văn hóa, phai nhạt lý tưởng sống, vi phạm phẩm chất, đạo đức người quân nhân cách mạng, làm ảnh hưởng đến quá trình giáo dục, đào tạo của Học viện cũng như việc hình thành nhân cách mỗi học viên.

Sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có năng lực toàn diện, hội tụ đầy đủ cả “đức, trí, thể, mỹ”. Điều đó đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giáo dục, định hướng lý tưởng sống, bồi dưỡng đạo đức, lối sống và tạo môi trường thuận lợi để phát triển, hoàn thiện nhân cách học viên. Để nâng cao hiệu quả giáo dục lối sống văn hóa cho học viên đào tạo cán bộ hậu cần cấp phân đội, trình độ đại học ở Học viện Hậu cần hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp cơ bản sau.

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đối với việc giáo dục lối sống văn hóa cho học viên. Trong đào tạo, cần coi trọng việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, nhất là vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong việc nêu gương và giáo dục lối sống văn hóa. Đồng thời, gắn công tác lãnh đạo chính trị, tư tưởng với giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức, lối sống, góp phần hoàn thiện nhân cách của người học viên, tạo “vốn văn hóa” để học viên biết tự đánh giá, lựa chọn giá trị trong cuộc sống; tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa sư phạm trong Học viện và các thiết chế xã hội theo hướng chính quy, trong sạch, vững mạnh. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống các quan hệ xã hội trong sáng, lành mạnh; phải “chính quy hóa” đi liền với “văn hóa hóa” các quan hệ, như: cán bộ quản lý với học viên, giảng viên với học viên, học viên với học viên, v.v. Xây dựng các chuẩn giá trị và làm tốt việc định hướng giá trị văn hóa để mỗi học viên tự giác học tập, rèn luyện theo chuẩn mực và định hướng đó, tạo sức mạnh tinh thần thúc đẩy và hướng tới chuẩn mực về nhân cách và tầm cao trí tuệ. Đồng thời, giải quyết đúng đắn, hài hòa các mối quan hệ, giúp người học thấy rõ lợi ích của việc học tập, rèn luyện; ưu tiên việc đánh giá kết quả của người học thật sự khách quan, trung thực, không thiên vị; tôn vinh, tạo cơ hội phát triển đối với học viên có kết quả học tập, rèn luyện tốt.

Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức giáo dục lối sống văn hóa cho học viên. Trước hết, thực hiện tốt việc giáo dục lối sống văn hóa thông qua các hoạt động dạy - học ở các môn học, như: Triết học, Đạo đức học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cơ sở văn hóa Việt Nam, v.v. Trên cơ sở đó, giúp người học có thế giới quan, phương pháp luận, tạo “lăng kính văn hóa” để học viên tự nhận thức, tự lựa chọn và định hướng các giá trị văn hóa. Điều căn bản là phải lồng ghép việc giáo dục văn hóa trong từng giờ giảng, từng bài học; lấy đội ngũ giảng viên là “tấm gương sống” để giáo dục văn hóa cho học viên. Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục lối sống văn hóa cho học viên và hướng đến mục tiêu: “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ”2, thực hiện tốt việc giáo dục toàn diện về chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực nghề nghiệp cho học viên, tạo “kênh” liên lạc thường xuyên giữa gia đình và Học viện trong việc nắm bắt nhu cầu, định hướng và năng lực thực hành văn hóa của học viên để có biện pháp giáo dục kịp thời, hiệu quả.

Thứ tư, sử dụng sáng tạo, hiệu quả các phương tiện thông tin, truyền thông để giáo dục lối sống văn hóa cho học viên. Thông qua đó, phổ biến, truyền bá đường lối và chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước, nội dung xây dựng môi trường văn hóa, các định hướng giá trị văn hóa, thẩm mỹ. Nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình tuyên truyền: phim ảnh, báo chí, truyền hình, phát thanh, truyền thanh nội bộ, pa-nô, áp phích,… nhằm tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm, thái độ sống, cách ứng xử, trách nhiệm của học viên đối với Học viện nói riêng, xã hội nói chung. Muốn phát huy tốt vai trò của thông tin, truyền thông, cần có sự lãnh đạo chặt chẽ, định hướng, kiểm duyệt nghiêm túc của các cơ quan chức năng cũng như của lãnh đạo, chỉ huy khoa, ban, hệ, tránh biểu hiện tùy tiện, nhất là về định hướng chính trị, đạo đức, lối sống,… trên các phương tiện thông tin, truyền thông.

Thứ năm, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo của học viên trong giáo dục lối sống văn hóa. Để tri thức văn hóa của dân tộc và nhân loại trở thành tri thức, văn hóa, vốn sống của cá nhân thì mỗi học viên cần phải chủ động, tự giác tiếp nhận, chắt lọc, sáng tạo và chuyển thành giá trị văn hóa nhân cách đặc trưng của mình. Muốn đạt được điều đó, đòi hỏi quá trình đào tạo, học viên phải tự học, tự rèn luyện, tự hoàn thiện, tự biến đổi, tự thích ứng với yêu cầu về phẩm chất, năng lực theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo, thích ứng với môi trường, điều kiện sinh hoạt và hoạt động của Học viện. Đó là quá trình học viên tự vươn lên nắm vững những kiến thức được học, đồng thời biến những tri thức, lối sống văn hóa đã tích luỹ được thành giá trị văn hóa đặc trưng của mình. Quan trọng hơn là từ tri thức văn hóa đó, học viên biết chuyển thành tình cảm, ý chí, niềm tin và được thể hiện trong hành vi văn hóa của họ.

Thứ sáu, nâng cao nhận thức về lĩnh vực này cho các lực lượng tham gia giáo dục lối sống văn hóa. Để làm tốt điều đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức: Đảng, Hội đồng quân nhân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, v.v. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, mỗi tổ chức, lực lượng tác động vào quá trình giáo dục lối sống văn hóa bằng những hình thức, biện pháp khác nhau, nhưng đều phải nhằm mục đích chung là đáp ứng mục tiêu xây dựng hệ giá trị văn hóa lành mạnh cho học viên. Trong đó, lực lượng có vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ nhất đối với nhân cách văn hóa của học viên chính là đội ngũ giảng viên. Phẩm chất đạo đức, lối sống văn hóa, trình độ học vấn và sự phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của học viên không chỉ phụ thuộc vào chương trình giáo dục, tài liệu,... mà còn phụ thuộc năng lực văn hóa, kỹ năng sư phạm, phẩm chất, lối sống của đội ngũ giảng viên. Trong quá trình dạy - học, giảng viên là người trực tiếp tiếp xúc với học viên, nắm được tâm tư, nguyện vọng của học viên, qua đó điều chỉnh, uốn nắn, định hướng giá trị, động viên, khích lệ, giúp họ vươn lên tự hoàn thiện bản thân. Đội ngũ giảng viên cũng là người dễ nhận biết các hiện tượng lệch chuẩn, những cám dỗ dẫn đến sự tha hóa về đạo đức, lối sống của học viên. Với kỹ năng nghề nghiệp “trồng người”, hình thức, phương pháp, lương tâm, lý tưởng và lối sống tốt đẹp của đội ngũ nhà giáo có tác động rất lớn đối với việc giáo dục lối sống văn hóa cho học viên. Do đó, Học viện chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có chuẩn mực về lối sống văn hóa, cơ sở khoa học có ý nghĩa quyết định đến việc giáo dục lối sống văn hóa cho học viên.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên với tư cách là người đại diện của tuổi trẻ, là lực lượng xung kích trong thực hiện các nhiệm vụ và là “trường học cộng sản” trong giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức, lối sống của tuổi trẻ. Điều đó đòi hỏi tổ chức Đoàn phải có chương trình hành động cụ thể, thiết thực về giáo dục lý tưởng, khát vọng, hoài bão, thế giới quan, nhân sinh quan, niềm tin cộng sản, trách nhiệm, nghĩa vụ của người quân nhân cách mạng. Theo đó, cần nâng cao hiệu quả các hình thức và chương trình hoạt động, như: thi tìm hiểu, diễn đàn thanh niên, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng, v.v. Tích cực nghiên cứu, thử nghiệm các hình thức mới để tập hợp, giáo dục đoàn viên hiệu quả hơn, tránh khuynh hướng qua loa, đại khái, dập khuôn máy móc trong việc xác định các hình thức hoạt động cho thanh niên.

Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội, hay nói cách khác, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, trong đó có Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Bởi vậy, việc giáo dục lối sống văn hóa cho học viên trong các nhà trường Quân đội nói chung, Học viện Hậu cần nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá, TS. NGUYỄN HUY ĐỘNG, Học viện Hậu cần

___________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG, H. 2014, tr. 46-47.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb CTQG, H. 1998, tr. 60.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.