Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 26/10/2020, 10:22 (GMT+7)
Giải pháp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên vùng biển và ven biển Đông Bắc

Vùng biển và ven biển Đông Bắc có vị trí rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, nghiên cứu giải pháp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn này là vấn đề hết sức cần thiết hiện nay.

Những năm qua, quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng, quân sự, nhất là đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân; trong đó, có thế trận quốc phòng toàn dân của Đảng, toàn đảng, toàn dân và toàn quân nói chung, quân, dân các tỉnh ven biển Đông Bắc nói riêng đã tập trung mọi nỗ lực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; “thế trận lòng dân” thường xuyên được củng cố, tăng cường. Hệ thống công trình trong các khu vực phòng thủ huyện, tỉnh, như: căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật thường xuyên được điều chỉnh, củng cố và nâng cấp, xây mới ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trong thời bình và thời chiến. Những kết quả đó, trực tiếp góp phần tạo lập thế trận quốc phòng toàn dân khu vực Đông Bắc có đủ sức mạnh và khả năng vô hiệu hóa các hoạt động gây rối, kích động tại địa phương; kịp thời phát hiện và xử lý các mưu đồ bạo loạn, tệ nạn và tội phạm, thách thức an ninh phi truyền thống,... giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, xã hội; giành quyền chủ động cho các lực lượng chiến lược tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, các cơ quan đầu não khi có tình huống bất trắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng còn một số hạn chế; công tác quy hoạch, kinh phí bảo đảm, số lượng các công trình đã được xây dựng trong khu vực phòng thủ huyện, tỉnh qua sử dụng bộc lộ nhiều bất cập, do sự phát triển nhanh kinh tế, xã hội. Hiện nay, xuất hiện các loại hình chiến tranh mới: chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng, chiến tranh ủy nhiệm, nhất là sự phát triển của vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, đặt ra yêu cầu cao đối với việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Để giải bài toán này, ở địa bàn khu vực Đông Bắc Tổ quốc cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tổ chức, điều chỉnh, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội khu vực Đông Bắc. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhằm từng bước thống nhất kế hoạch, phù hợp với Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình mới để ngăn ngừa, đối phó thắng lợi mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, sẵn sàng chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến. Lực lượng quốc phòng ở vùng biển, ven biển Đông Bắc, gồm lực lượng toàn dân và lực lượng vũ trang ba thứ quân; trong đó, lực lượng vũ trang ba thứ quân là nòng cốt. Lực lượng toàn dân có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, bởi lực lượng này nằm trong dân, trực tiếp nắm bắt tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và là lực lượng tại chỗ, chịu trách nhiệm xử trí nhanh mọi tình huống xảy ra tại địa bàn; đồng thời, báo cáo theo phân cấp. Lực lượng này, gồm: nhân dân các địa phương, lực lượng trực tiếp công tác, lao động, sản xuất ở các cấp, các ngành, các đơn vị kinh tế, cùng với các đơn vị chấp pháp là Chi cục kiểm ngư vùng, hải đội, hải quan, v.v. Đây là lực lượng chủ yếu, trực tiếp xây dựng, phát triển kinh tế biển và tự bảo vệ trong quá trình lao động, sản xuất ở ven biển, trên biển, đảo; lực lượng đông đảo nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất có thể huy động tham gia phối hợp với lực lượng đứng chân trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đấu tranh quốc phòng, xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình trên vùng biển và ven biển Đông Bắc. Vì vậy, việc điều chỉnh, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng cần được cấp ủy, chính quyền các tỉnh ven biển Đông Bắc quan tâm ngay trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển, đảo, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực kinh tế biển hay trong quá trình xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển và xây dựng kết cấu hạ tầng, khu kinh tế - quốc phòng vùng biển, đảo Đông Bắc, trong thực hiện các chính sách di dân, phân bố lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới, v.v. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, hợp tác quốc tế trên biển, ven biển, như: vận tải biển, khảo sát, thăm dò dầu khí, khai thác khoáng sản, nghiên cứu khoa học biển, đánh bắt xa bờ,… nhằm tăng cường các hoạt động dân sự trên địa bàn, tạo thế đan cài lợi ích vừa để đấu tranh quốc phòng, vừa khẳng định và bảo vệ chủ quyền vùng biển, ven biển Đông Bắc.

Đối với lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ trên vùng biển, ven biển Đông Bắc; trong đó, bộ đội chủ lực (Hải quân, Phòng không - Không quân, Pháo binh, Đặc công, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) đóng quân trên địa bàn là lực lượng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, lực lượng nòng cốt xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, chỗ dựa vững chắc để nhân dân yên tâm lao động, sản xuất trên biển, đảo. Do đó, cần sớm có kế hoạch điều chỉnh, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng theo hướng rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự bảo vệ biển, đảo, chức trách, nhiệm vụ được giao, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược, khu vực nhạy cảm về quốc phòng, như: Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, Vân Đồn, đảo tiền tiêu, khu vực biển giáp ranh với các nước và vùng biển quốc tế.

Hai là, tiếp tục rà soát, bổ sung, củng cố, xây mới hệ thống công trình quân sự, quốc phòng, hệ thống các căn cứ chỉ huy, tác chiến, hậu cần, kỹ thuật,... đảm bảo đấu tranh quốc phòng và sẵn sàng đấu tranh vũ trang chống lại các hành động, hành vi xâm phạm lợi ích, chủ quyền quốc gia, dân tộc, v.v. Việc xây dựng các công trình quân sự, quốc phòng, căn cứ bảo đảm tác chiến, hậu cần, kỹ thuật tuyến ven biển và đảo gần bờ cần được kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo, nâng cấp với xây mới, theo hướng: cơ bản, đồng bộ, vững chắc và từng bước hiện đại, tạo chiều sâu của thế trận phòng thủ biển, đảo, bờ; đồng thời, tạo điểm tựa, bàn đạp vững chắc, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho các lực lượng hoạt động trên các tuyến biển xa. Theo đó, các đơn vị phòng thủ biển, đảo, dân quân tự vệ cần nắm chắc địa hình, triệt để khai thác, tận dụng địa hình có sẵn, như: điểm cao, rừng núi, hang động, sông, suối tự nhiên,... xác định hướng tiến công chủ yếu của địch để kịp thời điều chỉnh, xây mới hệ thống các căn cứ: sở chỉ huy, điểm tựa, cụm điểm tựa trọng điểm, khu vực phòng ngự, khu giấu quân bí mật, trận địa hỏa lực, công trình ngầm, đường hầm sở chỉ huy trên đảo, các chốt chiến dịch; các công trình chiến đấu cho các đơn vị: bộ binh, binh chủng, quân chủng. Đó còn là công trình cất giấu vũ khí, trang bị; hệ thống đường cơ động, vật cản; khu vực chống đổ bộ đường biển, đường không ở ven biển, trên các đảo,... ưu tiên trên các hướng trọng điểm, địa bàn xung yếu và coi trọng công tác ngụy trang, nghi trang giữ bí mật. Đồng thời, chú trọng xây dựng các công trình lưỡng dụng, như: sân bay, cảng biển, đường xuyên đảo, ven biển, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, dịch vụ nghề cá, v.v.

Đối với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng đóng quân nơi đây cần triệt để lợi dụng thế thiên hiểm của địa hình ven biển, đảo, đặc điểm môi trường, thủy văn, luồng, lạch để xây dựng các công trình, như: bến cảng, sở chỉ huy, trận địa pháo binh, tên lửa của hải quân, hệ thống công sự trận địa trong các căn cứ hải quân, cảnh sát biển, đồn, trạm biên phòng, các điểm trú đậu tàu, thuyền, khu sơ tán bí mật, vị trí quan sát, trinh sát trên biển, dưới biển, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, hệ thống thông tin, liên lạc, thông báo hàng hải, cứu hộ, cứu nạn trên biển, v.v. Đối với lực lượng Phòng không - Không quân, tổ chức xây dựng toàn diện; trong đó, chú trọng hệ thống sở chỉ huy, công sự, trận địa, đài quan sát, trinh sát trên không, trên biển, hệ thống sân bay, bãi cất, hạ cánh dã chiến; chủ động xây dựng một số đoạn đường trên quốc lộ cao tốc để các loại máy bay chiến đấu có thể cất, hạ cánh. Ngoài ra, các lực lượng khác, như: pháo binh, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử,... cũng cần xây dựng các công trình chiến đấu, bảo đảm chiến đấu, phục vụ cho đấu tranh quốc phòng trong thời bình và tác chiến khi có chiến tranh. Những đảo tiền tiêu được xác định là trọng điểm ưu tiên, cần chú trọng xây dựng hệ thống công trình chiến đấu, bảo đảm chiến đấu một cách cơ bản, đồng bộ, hoàn chỉnh, có chính diện, chiều sâu phù hợp, tạo thế trận liên hoàn, vững chắc, đáp ứng yêu cầu tác chiến độc lập, tác chiến hiệp đồng dài ngày, làm chỗ dựa vững chắc cho các lực lượng vũ trang mở rộng chiến tranh nhân dân trên biển.

Ba là, kết hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển và vùng ven biển. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân là vấn đề mang tính nguyên tắc, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng: Quân đội, Công an và lực lượng toàn dân, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội, v.v. Bởi lẽ, đây là các lĩnh vực mà thế lực thù địch luôn tìm cách tiến công ta ngay trong thời bình, khi chúng chưa tập hợp đủ các lý do để tấn công quân sự. Do vậy, muốn giữ vững hòa bình, ổn định, không thể xử lý bằng bạo lực hoặc bằng sức mạnh quân sự, mà phải dùng nội trị sáng suốt, ngoại giao mềm dẻo, trí tuệ uyên bác,... để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Khi xây dựng, cơ quan quân sự và công an các tỉnh khu vực Đông Bắc chủ động tham mưu cho tỉnh ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị về quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước thành các đề án, kế hoạch, chương trình, lộ trình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở địa phương mình; các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội đều gắn với củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, công tác dân vận, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh.

Trên đây là một số nghiên cứu bước đầu, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên vùng biển và ven biển Đông Bắc vững chắc, nhằm ngăn ngừa, xử lý kịp thời các nguy cơ, thách thức quốc phòng, an ninh truyền thống và phi truyền thống ngay trong thời bình, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ vùng biển, đảo Đông Bắc Tổ quốc.

Thượng tá, ThS. CẢNH CHÍ CƯỜNG, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.