Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 28/10/2021, 10:13 (GMT+7)
Giải pháp xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc và chủ trương, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong giai đoạn mới, cùng với xây dựng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo vững mạnh, việc xây dựng, phát triển lực lượng dân quân tự vệ biển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ là vấn đề cấp thiết cả trước mắt và lâu dài.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng lực lượng dân quân tự vệ nói chung, dân quân tự vệ biển nói riêng “vững mạnh, rộng khắp”, chất lượng ngày càng cao, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyển biển, đảo theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ đó, dân quân tự vệ biển đã phát huy vai trò, chức năng vừa tham gia phát triển kinh tế, vừa phối hợp với các lực lượng hoạt động trên biển, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển ngày càng vững chắc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về mô hình tổ chức, quản lý quân số, điều kiện hoạt động. Đầu tư trang bị tàu thuyền, vũ khí, công cụ hỗ trợ và thiết bị đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế. Trong khi đó, hoạt động xâm phạm chủ quyền, khai thác tài nguyên trái phép trên vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày một gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sản xuất, kinh doanh trên biển, đe dọa chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Để khắc phục những hạn chế, bất cập, phát huy vai trò lực lượng dân quân tự vệ biển trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bài viết đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển vững mạnh, rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu cao là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quốc phòng, quân sự của các địa phương, đơn vị có biển, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tập trung, thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, trực tiếp là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược quân sự, Luật Dân quân tự vệ,... các tỉnh, thành phố ven biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động và các đề án, kế hoạch tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động, cũng như bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ biển phù hợp với tình hình thực tế địa phương, cơ sở. Quá trình triển khai thực hiện, các ban, ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở tuân thủ nghiêm quy trình xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân cử, dân chăm lo”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người đứng đầu các cơ sở, cơ quan, tổ chức có lực lượng, phương tiện hoạt động trên biển về việc đăng ký, xây dựng kế hoạch tổ chức, hoạt động tự vệ biển theo quy định, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, khắc phục những bất cập nảy sinh từ thực tiễn.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung làm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân quân tự vệ nói chung, tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển nói riêng, nhất là các các quy định mới bổ sung của Luật Dân quân tự vệ năm 2019, như: tổ chức Hải đội dân quân thường trực đối với các tỉnh, thành phố ven biển (Khoản 4, Điều 15); quy định về kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ biển (Điều 8); điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp (Điều 17), v.v. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, phát triển lực lượng dân quân tự vệ biển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là, chú trọng kiện toàn tổ chức, biên chế và đầu tư phương tiện, trang bị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đây là nội dung quan trọng, trực tiếp quyết định chất lượng lực lượng dân quân tự vệ biển. Các tỉnh, thành phố ven biển cần thực hiện tốt phương châm: xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển phải gắn kết giữa lợi ích kinh tế với quốc phòng, an ninh; phù hợp với tổ chức, biên chế theo Luật định và khả năng bảo đảm trang bị kỹ thuật cũng như trình độ của các lực lượng dân quân biển. Căn cứ vào đặc điểm tình hình trên từng khu vực, nhiệm vụ được giao, các tỉnh, thành phố ven biển cần tổ chức lực lượng dân quân tự vệ biển có cơ cấu, số lượng hợp lý trên từng hướng, vùng biển; lấy công ty dịch vụ tàu biển và hợp tác xã nghề cá làm cơ sở để xác định lực lượng cụ thể. Về tổ chức, cần phân bố theo ngành nghề sản xuất, ngư trường đánh bắt, gắn với các loại hình tổ chức sản xuất,… để thuận tiện quản lý, chỉ huy và huy động lực lượng, phương tiện khi cần thiết. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động để phát huy thế mạnh của từng lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp trong các hoạt động tác chiến trên biển, đảo. Quá trình tuyển chọn, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm đến trình độ văn hóa, sức khỏe và kinh nghiệm hoạt động trên biển; ưu tiên các công dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở các đơn vị Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và những người có kinh nghiệm hoạt động trên biển bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng, trung đội trưởng trong các đơn vị dân quân tự vệ biển.

Cùng với kiện toàn tổ chức, biên chế, cần trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện cho lực lượng dân quân tự vệ biển, nhất là các phương tiện trên biển đa năng và phương tiện thông tin hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hoạt động trên biển xa, dài ngày. Mặt khác, xây dựng kế hoạch phát triển các đội tàu vỏ thép công suất lớn, khả năng chịu gió bão tốt và nâng cao năng lực phòng hộ của tàu thuyền, đảm bảo ứng phó hiệu quả với mọi tình huống trên biển.

Ba là, tập trung huấn luyện nâng cao năng lực hoạt động tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của dân quân tự vệ biển. Đây là mặt công tác quan trọng, bảo đảm cho dân quân tự vệ biển có đủ trình độ và khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong thời bình và thời chiến. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật biên đội và chỉ huy phối hợp, hiệp đồng chiến đấu của dân quân tự vệ biển với các lực lượng khác trên biển, đảo. Thực hiện mục tiêu đó, các tỉnh, thành phố ven biển chủ động phối hợp với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư để bồi dưỡng dân quân tự vệ biển nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ trên biển. Chú trọng xây dựng phương án bảo vệ chủ quyền, vận tải, đảm bảo y tế và tìm kiếm, cứu nạn trên biển; phương án phối hợp, hiệp đồng giữa dân quân tự vệ biển với các đơn vị chủ lực và các lực lượng khác cùng hoạt động trên biển. Trên cơ sở đó, định kỳ tổ chức luyện tập, diễn tập về chỉ huy, hiệp đồng, tìm kiếm, cứu hộ giữa các đơn vị chủ lực và lực lượng dân quân tự vệ biển; tổ chức huấn luyện bắn đạn thật trên biển bằng vũ khí hạng nhẹ, tổ chức cho các biên đội tàu thực hiện nhiệm vụ trinh sát, chiến đấu, cứu hộ, sửa chữa, vận chuyển trên biển,... nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng phối hợp hành động giữa lực lượng dân quân tự vệ biển với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, tổ chức nghề cá, vận tải biển trong giải quyết các vấn đề trên biển.

Cùng với huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường huấn luyện nâng cao hiểu biết về luật pháp, chủ quyền pháp lý đối với biển, đảo, Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; đồng thời, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giúp ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, gắn lao động sản xuất, phát triển kinh tế với giữ vững an ninh trật tự trên biển.

Bốn là, quan tâm làm tốt công tác bảo đảm, công tác chính sách cho dân quân tự vệ biển. Do đặc thù nhiệm vụ, lực lượng dân quân tự vệ biển thường phải hoạt động dài ngày trên biển, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm bố trí ngân sách, bảo đảo đảm đầy đủ, đồng bộ vũ khí, trang bị, công cụ hỗ trợ cho dân quân tự vệ biển. Thường xuyên kiểm tra công tác kỹ thuật, chú trọng bảo quản động cơ, bánh lái, mỏ neo, hệ thống điện, thông tin liên lạc và phương tiện cứu hỏa, cứu sinh; bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước ngọt, xăng dầu trước khi thực hiện nhiệm vụ trên biển. Trang bị đồng bộ hộp cấp cứu tổng hợp, thuốc chữa trị và nâng cao khả năng cứu chữa trên các tàu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách ưu đãi, động viên đối với lực lượng dân quân tự vệ biển khi thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ và hậu phương cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ biển trong quá trình huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ trên biển; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thực hiện tốt các giải pháp trên là tiền đề quan trọng để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển vững mạnh, nâng cao năng lực phối hợp với các lực lượng liên quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đại tá, TS. NGUYỄN TRỌNG VĨNH

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.