Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 27/05/2022, 07:59 (GMT+7)
Giải pháp xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý vòng đời vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao

Hạ tầng dữ liệu là nền tảng quan trọng để phát triển khoa học, công nghệ mũi nhọn, nhất là trong lĩnh vực quân sự và công nghiệp quốc phòng. Vì vậy, xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác vũ khí, trang bị công nghệ cao theo vòng đời là đòi hỏi tất yếu trong quá trình hiện đại hóa Quân đội. Đây là vấn đề cấp thiết, cần được nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn.

Quản lý vòng đời sản phẩm là quá trình liên kết và điều hành toàn bộ các giai đoạn: xây dựng ý tưởng, thiết kế cấu hình, chế thử, sản xuất, khai thác và đào thải dựa trên một hệ thống dữ liệu thống nhất. Nó cho phép tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực, nguyên liệu trong chế tạo, sản xuất, khai thác và bảo đảm kỹ thuật; phát huy được tính kế thừa về tri thức, hạ tầng khoa học, công nghệ trong việc tăng hạn, cải tiến, nâng cấp hoặc thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị mới. Các nước công nghiệp phát triển đều ứng dụng rộng rãi phương thức này trong công nghiệp và nhiều lĩnh vực, như: giao thông, hàng không, tài chính ngân hàng,… nhất là công nghiệp quốc phòng. Nếu Việt Nam vẫn sử dụng phương thức bảo đảm kỹ thuật truyền thống (sửa chữa, thay thế linh kiện khi có hư hỏng) cho vũ khí, trang bị công nghệ cao sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập, điển hình là: phần lớn các hư hỏng phải gửi đi nước ngoài sửa chữa, hoặc phải đặt hàng nhà sản xuất các cụm, khối, mô đun tích hợp để thay thế,… gia tăng nhiều đơn hàng lẻ, nhỏ, gây tốn kém cả về ngân sách và thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm an toàn cho vũ khí, trang bị. Trước thực tế đó, thời gian qua, trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xác định tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, phát triển hai nội dung trọng yếu: tự động hóa hoạt động chỉ huy, quản lý, điều hành lĩnh vực quân sự, quốc phòng và chuyển giao công nghệ quản lý vòng đời vũ khí, trang bị kỹ thuật cao.

Tuy nhiên, vũ khí, trang bị thế hệ mới, công nghệ cao có cấu tạo phức tạp, nhiều thành phần thông minh, được chế tạo tự động hóa dưới dạng cụm, khối, tích hợp hệ thống điều khiển tự động, độ chính xác cao trong từng chi tiết; mã nguồn phần mềm điều khiển chế tạo được bảo mật, do nhà sản xuất nắm giữ; quá trình khai thác, bảo đảm kỹ thuật cần nhiều phần mềm chuyên dụng, quy trình công nghệ khắt khe. Quá trình sử dụng muốn can thiệp sâu vào hệ thống điều khiển và thay thế linh kiện tại chỗ khi có sự cố, hỏng hóc cần phải có đầy đủ tài liệu kỹ thuật, hệ thống giá thử, máy đo để kiểm soát đồng bộ, chính xác tham số kỹ thuật. Do thiếu cả hệ thống dữ liệu và thiết bị công nghệ nên phần nhiều cán bộ, nhân viên kỹ thuật chưa đủ trình độ đáp ứng được yêu cầu quản lý, khai thác vũ khí công nghệ cao. Điều đó đặt ra nhiệm vụ cấp thiết đối với ngành Kỹ thuật Quân đội là phải nhanh chóng triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu các loại vũ khí, trang bị công nghệ cao trong biên chế. Trong khi đó, hiện nay, công tác thu thập, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu vũ khí, trang bị công nghệ cao của ta gặp nhiều khó khăn do: yếu tố sở hữu trí tuệ, mã nguồn, bảo mật công nghệ lõi khi chuyển giao công nghệ không đầy đủ; kinh phí mua sắm, nghiên cứu hạn hẹp; chưa có nhân lực khoa học dữ liệu; chế tài tổ chức thực hiện bất cập, v.v. Để xây dựng hệ thống dữ liệu quan trọng này, đòi hỏi phải áp dụng đồng bộ các giải pháp. Phạm vi bài viết xin nêu một số giải pháp về tổ chức, kỹ thuật, công nghệ số chủ yếu, để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Một là, xây dựng môi trường pháp lý về thu thập, xây dựng, bảo đảm an toàn hệ thống dữ liệu trên không gian số. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện và kế thừa các chương trình, đề án lớn của Nhà nước về ứng dụng thành tựu của khoa học dữ liệu vào quản trị, khai thác dữ liệu lớn, phát triển hạ tầng số và dữ liệu số quốc gia1, cơ quan chức năng, trực tiếp là Tổng cục Kỹ thuật tập trung nghiên cứu, tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định chiến lược, quy hoạch để nâng cao hiệu quả trong chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào thực tiễn quản lý, khai thác vũ khí, trang bị theo vòng đời, xây dựng hạ tầng dữ liệu. Xây dựng chế tài quản lý vũ khí, trang bị công nghệ cao theo vòng đời; hỗ trợ chuyển giao công nghệ dài hạn; nâng cao năng lực tiếp nhận, trình độ thẩm định công nghệ. Đồng thời, có kế hoạch, lộ trình nâng cao khả năng bảo đảm ngân sách, lựa chọn đối tác chiến lược trong các dự án mua sắm vũ khí, trang bị, nhằm đi đến thỏa thuận các điều khoản về chuyển giao tài liệu kỹ thuật, dây chuyền công nghệ đồng bộ, hỗ trợ dài hạn công tác bồi dưỡng cán bộ, nhân viên kỹ thuật và đảm bảo vật tư kỹ thuật dự phòng khi hết thời hạn bảo hành.

Nghiên cứu ban hành các chế độ, quy định giúp cán bộ, nhân viên kỹ thuật nắm chắc tình trạng kỹ thuật; theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình khai thác, bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị công nghệ cao theo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật; thống kê, thu thập đầy đủ số liệu khai thác trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; dự trù được số lượng, chủng loại phụ tùng thay thế; đề xuất các dự báo hỏng hóc; chủ động, kịp thời bảo dưỡng, sửa chữa,… làm cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá, đề ra các nội dung, mức độ cải tiến, nâng cấp, sửa chữa, tăng hạn hoặc điều chỉnh thiết kế cho các phiên bản tiếp theo. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cần có cơ chế huy động các thế hệ cán bộ có kiến thức, trình độ, kinh nghiệm tham gia xây dựng hệ thống dữ liệu và triển khai quản lý vũ khí, trang bị theo vòng đời; nhất là các cơ chế đặc thù, chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm tuyển dụng, thu hút nhân tài, hình thành đội ngũ chuyên gia về khoa học dữ liệu và các lĩnh vực khoa học, công nghệ mang tính đột phá; quy định cụ thể việc chia sẻ dữ liệu khoa học, kỹ thuật do Quân đội quản lý; cho phép các doanh nghiệp công nghệ tham gia nghiên cứu, phát triển từng phần trong sản phẩm quốc phòng, v.v.

Hai là, thành lập Trung tâm chuyên trách xây dựng, quản lý hệ thống dữ liệu. Đây là cơ sở quan trọng để ngành Kỹ thuật Quân đội xây dựng kế hoạch, chương trình, điều phối một cách khoa học, thống nhất mọi hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ về quản lý, khai thác vũ khí, trang bị công nghệ cao. Trung tâm có thể gồm các phòng quản lý dữ liệu theo nhóm vũ khí, trang bị công nghệ cao, phòng nghiên cứu, phát triển và một số cơ sở thu thập xử lý, tổng hợp dữ liệu; có cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chí cơ bản của trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn đạt chuẩn quốc tế. Trước mắt, Trung tâm tập trung nghiên cứu hoàn thiện cấu trúc hệ thống dữ liệu, xây dựng quy trình, cách thức tiến hành và phát triển các phần mềm, công cụ thu thập, phân loại, hệ thống hóa dữ liệu; nhận chuyển giao công nghệ xử lý, phân tích dữ liệu và kỹ thuật quản lý, vận hành hệ thống dữ liệu. Về lâu dài, Trung tâm có nhiệm vụ thiết kế, lắp đặt và bảo đảm vận hành các hệ thống: máy chủ, máy tính, thiết bị xử lý dữ liệu, lưu trữ ở các cơ sở; đường truyền số liệu bảo đảm băng thông, tốc độ, bảo mật. Chủ trì xây dựng, cung cấp và bảo đảm các phần mềm chuyên dụng, phần mềm mã hóa; chuẩn hóa các tài liệu, ký hiệu và thuật ngữ quân sự trong toàn quân; phân cấp dữ liệu và cấp quyền truy cập vào các mảng, vùng dữ liệu; xây dựng và ban hành các hướng dẫn, quy trình về tổng hợp quản lý dữ liệu; quy định cụ thể định dạng lưu trữ đối với từng loại dữ liệu; thường xuyên cập nhật các phiên bản để đảm bảo tính bảo mật và tổ chức tập huấn cho các lực lượng, v.v.

Ba là, mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học dữ liệu, các vấn đề chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực. Những năm gần đây, trước yêu cầu thích nghi và tạo đà phát triển trong bối cảnh bùng nổ nguồn tài nguyên dữ liệu lớn, các doanh nghiệp công nghệ trong nước, như: Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn của Tập đoàn VinGroup; Viện John von Neumann của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí minh,… đã chủ động, nhạy bén triển khai chương trình chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, phát triển. Đây là cơ sở quan trọng để ngành Kỹ thuật Quân đội có thể mở rộng hợp tác nghiên cứu các mô hình chuyển đổi số, quản lý vòng đời vũ khí, trang bị công nghệ cao; tiếp thu, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm về quản lý, khai thác hạ tầng dữ liệu, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực; đồng thời, là nội dung để tăng cường kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, Ngành có thể hợp tác với Đại học Kỹ thuật Bauman, Liên Bang Nga và một số cơ sở đào tạo nước ngoài có chuyên ngành khoa học dữ liệu.

Trong đào tạo nhân lực, có thể lựa chọn các sĩ quan trẻ từ Tập đoàn Viettel, các học viện, viện nghiên cứu, quân, binh chủng kỹ thuật,… có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt đã được đào tạo ở các chuyên ngành gần, như: Toán thống kê, Lập trình, Công nghệ thông tin, An ninh mạng, Tự động hóa,… để đưa đi đào tạo cán bộ, chuyên gia về nghiên cứu, phân tích, xử lý dữ liệu, chuyên viên quản lý, bảo đảm vận hành trung tâm dữ liệu; giảng viên chuyên ngành khoa học dữ liệu; tổng hợp, quản lý, bảo đảm vận hành cơ sở dữ liệu thuộc các quân, binh chủng và tương đương. Lựa chọn các nhân viên kỹ thuật có trình độ về tin học, ngoại ngữ đi bồi dưỡng, tập huấn chuyển loại để kiêm nhiệm vận hành, khai thác hệ thống dữ liệu; có khả năng sử dụng các phần mềm, máy, công cụ thu thập, lưu trữ dữ liệu và tổng hợp về cơ quan lưu trữ cấp trên. Ưu tiên đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để tạo nguồn ban đầu và mở chuyên ngành Khoa học dữ liệu tại Học viện Kỹ thuật quân sự; khi đã có nguồn cán bộ thì lấy bồi dưỡng, tập huấn trong nước là chủ yếu. Cùng với đó, các học viện, nhà trường trọng điểm của Quân đội cần nghiên cứu đưa vào giảng dạy những chuyên ngành mới như: khoa học dữ liệu, máy học, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật,… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Nhu cầu mua sắm vũ khí, trang bị đồng bộ với tài liệu, vật tư kỹ thuật dự phòng đảm bảo khai thác lâu dài là rất lớn; vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, chúng ta cần có cơ chế, chính sách ưu tiên cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu, tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, đổi mới phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ cao, nhằm bắt kịp với các xu thế chung của thế giới và khu vực trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Kế hoạch bảo đảm ngân sách phải tương xứng với phương thức, trình độ quản lý, bảo đảm kỹ thuật được chuyển giao, đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu, nghiên cứu, ứng dụng quản lý vòng đời vũ khí, trang bị công nghệ cao, góp phần thúc đẩy chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Đại tá, TS. LÊ VĂN HẢI - Đại uý, TS. ĐÀO HOÀI NAM, Học viện Kỹ thuật quân sự
_________________

1 - Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025; Nghị định số 36/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang, thiết bị y tế theo chu trình vòng đời sản phẩm; Chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.