Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 03:25 (GMT+7)
Giải pháp tăng cường thế trận khu vực phòng thủ địa bàn ven biển, đảo

Xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) địa bàn ven biển, đảo vững chắc trong thế trận phòng thủ chung của cả nước là chủ trương lớn của Đảng trong chiến lược phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là một nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu.

 

Trong xây dựng KVPT nói chung, KVPT địa bàn ven biển, đảo nói riêng, thì xây dựng thế trận là một trong những nội dung cốt lõi quan trọng nhất, được thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện địa lý, khí tượng, thủy văn của từng khu vực, địa phương; tập trung vào những nội dung chính sau:

Một là, tạo dựng thế trận phòng thủ "liên hoàn, vững chắc", đảm bảo an ninh, chủ quyền, sẵn sàng đánh bại kẻ xâm lược, bảo vệ biển, đảo khi có chiến tranh. Tác chiến phòng thủ biển, đảo trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc có hai đặc trưng cơ bản: Thứ nhất, đây là bộ phận hợp thành của tác chiến phòng thủ trên đất liền, nhưng đồng thời lại có tính chất độc lập cao, với những đặc thù riêng. Thứ hai, mục tiêu tác chiến phòng thủ biển, đảo là ngăn chặn, đánh bại quân xâm lược từ hướng biển và trấn áp các nhân tố gây bất ổn định ở nội địa, bảo đảm an ninh mọi mặt, bảo vệ biển, đảo của quốc gia. Do vậy, việc xây dựng thế trận phòng thủ "liên hoàn, vững chắc" là một yêu cầu quan trọng quyết định đến khả năng bảo vệ biển, đảo, phải được làm tốt ngay từ thời bình và đáp ứng các đặc trưng cơ bản nêu trên. Nước ta có bờ biển trải dài theo chiều dọc đất nước, địa hình ven biển khá đa dạng, phức tạp, với nhiều đảo, nên trong xây dựng thế trận của KVPT ven biển, đảo, cần nghiên cứu bố trí lực lượng, phương tiện chiến đấu tạo thành các tuyến phòng thủ từ xa đến gần, các trận địa phòng thủ kiên cố, vững chắc, đảm bảo khả năng tác chiến độc lập, tác chiến hiệp đồng, sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa bờ và các đảo, giữa các khu vực, vùng, miền để ngăn chặn, đánh bại tiến công của địch, bảo vệ biển, đảo. Trong từng KVPT, các địa phương, đơn vị cần xác định các hướng tiến công, tập kích, đột kích bằng đường biển, đường không của địch, các mục tiêu, địa bàn trọng yếu cần bảo vệ; triệt để lợi dụng địa hình, địa vật, điều kiện thời tiết, khí hậu, thuỷ văn,... để lập kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ biển, đảo; trong đó, chú ý các kế hoạch phòng thủ dân sự, bố trí, sử dụng lực lượng, hoả lực, tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng, nhất là bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ biển với lực lượng Hải quân, Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, các đơn vị làm kinh tế và quần chúng nhân dân định cư, hoạt động trên biển, đảo,... Kế hoạch sử dụng lực lượng cần tính toán kỹ, đảm bảo lực lượng tác chiến tại chỗ, lực lượng cơ động, lực lượng dự bị sẵn sàng bổ sung khi cần thiết. Kế hoạch sử dụng hỏa lực cần chú trọng hỏa lực hiệp đồng của các lực lượng, nhằm tạo lưới lửa dày đặc, tập trung để khống chế, tiêu diệt địch trên các hướng, mũi tiến công, đội hình tiến công chủ yếu của chúng; có hỏa lực đánh địch từ xa, hỏa lực chi viện giữ biển, đảo, hỏa lực bắn máy bay, đánh quân đổ bộ đường không, đường biển, hỏa lực chi viện phản kích, hỏa lực tập kích địch rút chạy... Trong điều kiện các ngành kinh tế biển ngày càng phát triển mạnh, tốc độ đô thị hóa ở địa bàn ven biển diễn ra ngày càng nhanh, các địa phương, đơn vị cần thường xuyên rà soát, hoàn chỉnh kế hoạch phòng thủ phù hợp với thay đổi thực tế; đồng thời, tổ chức tốt việc luyện tập, diễn tập theo các phương án tác chiến của KVPT nhằm nâng cao trình độ lãnh đạo, chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các cấp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị lực lượng vũ trang.


Bảo quản vũ khí, khí tài của hệ thống tên lửa bờ ở Đoàn 679 (Quân chủng Hải quân) - nguồn: qdnd.vn
 

Hai là, thực hiện tốt mọi mặt công tác chuẩn bị phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến phòng thủ biển, đảo. Theo đó, các đơn vị cần chú trọng xây dựng hệ thống công sự, hầm hào, trận địa phòng thủ và các công trình chiến đấu khác kiên cố, vững chắc; mạng lưới đường cơ động thuận tiện, kín đáo; hệ thống bảo đảm thông tin liên lạc vững chắc, nhất là thông tin chỉ huy tác chiến, thông tin liên lạc giữa đất liền với các đảo, cụm đảo xa bờ; tổ chức trinh sát, tăng cường tuần tra, kiểm soát để quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự pháp luật trên vùng trời, vùng biển, đảo, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động tội phạm có tổ chức, các hành động vi phạm pháp luật, sẵn sàng đánh bại âm mưu, thủ đoạn xâm chiếm biển, đảo của đối phương. Cùng với đó, các đơn vị chú ý xây dựng hệ thống vật cản đa dạng, hiểm hóc, kết hợp nhiều chủng loại, cả vật cản tự nhiên và vật cản nhân tạo, vật cản nổ và vật cản không nổ, vật cản cố định và cơ động; chú trọng tập trung trên các hướng, khu vực, bãi đáp mà địch có khả năng đổ bộ đường không, đường biển, góp phần ngăn chặn, làm chậm tốc độ tiến công của đối phương và tạo điều kiện cho các lực lượng KVPT tác chiến tiêu diệt địch. 

Trong tiến công xâm lược từ hướng biển, kẻ địch sẽ rất chú trọng sử dụng sức mạnh hỏa lực để thực hiện chia cắt chiến lược, chiến dịch. Do vậy, cùng với chuẩn bị tác chiến chống chia cắt của địch, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật là một nhiệm vụ quan trọng, một mặt trọng yếu quyết định đến khả năng phòng thủ biển, đảo. Kinh nghiệm và thực tiễn cho thấy, để làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho tác chiến, các địa phương cần thực hiện tốt quan điểm chiến lược kết hợp phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển với củng cố, nâng cao khả năng phòng thủ bảo vệ biển, đảo; chú trọng bảo đảm nguồn hậu cần của trên với nguồn hậu cần tại chỗ, hậu cần nhân dân, nhất là liên kết giữa các đơn vị quân đội với các ban, ngành kinh tế, xã hội, doanh nghiệp trong bảo đảm các mặt hậu cần, kỹ thuật; đặc biệt coi trọng bảo đảm nguồn vật chất dự trữ chiến đấu theo quy định, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn đầu chiến tranh và tác chiến lâu dài bảo vệ biển, đảo. Cùng với đó, thường xuyên duy trì và phát huy hiệu quả, hiệu lực quản lý biển, đảo của Nhà nước, công tác chỉ huy tác chiến của cơ quan chỉ huy quân sự các cấp; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân; tăng cường "thế trận lòng dân" trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, quản lý, bảo vệ vững chắc biển, đảo Tổ quốc.   

Ba là, vận dụng tốt các nguyên tắc tác chiến để phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận KVPT trong quản lý, bảo vệ biển, đảo. Tác chiến phòng thủ biển, đảo là một hình thức tác chiến chủ yếu trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc và thường phải đối phó với đối phương có tiềm lực lớn, mạnh hơn ta. Do đó, để giành thắng lợi, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự truyền thống "lấy nhỏ thắng lớn", "lấy ít địch nhiều", "lấy kém hiện đại hơn để đối phó với hiện đại" của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, trên cơ sở quán triệt và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc tác chiến mang tính chỉ đạo. Nguyên tắc quan trọng hàng đầu là chủ động.Nguyên tắc này đòi hỏi phải chủ động về thời gian, không gian tác chiến và cách đánh, nhằm giành và giữ quyền chủ động tác chiến. Muốn vậy, cùng với việc chuẩn bị thế trận KVPT nêu trên, các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo phải được xây dựng vững mạnh về mọi mặt, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, khi có lệnh là triển khai chiến đấu được ngay và chiến đấu dài ngày trong điều kiện chiến tranh khắc nghiệt, nhiều chiều (không, bộ, biển, vũ trụ, điện từ). Trong lập kế hoạch và thực hành tác chiến, chú ý dự kiến nhiều phương án tác chiến khác nhau, chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cho tác chiến trong đội hình phòng thủ chung cũng như phòng thủ độc lập; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao và các mặt đấu tranh khác; tận dụng lợi thế về địa hình, địa vật để nghi binh lừa địch, phát huy sức mạnh tổng thể của các loại lực lượng, hoả lực, kết hợp lực lượng phòng ngự chốt giữ của bộ đội địa phương với lực lượng tác chiến cơ động của bộ đội chủ lực, tác chiến phòng ngự với tiến công bằng nhiều hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu,...; tích cực chủ động đánh địch từ xa tới gần, nhiều tầng, nhiều hướng, mọi phương vị, đánh quân địch đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, vu hồi đường sông, vu hồi đường bộ. Trong điều kiện có lợi thế về trình độ công nghệ cao, địch rất coi trọng tiến hành chiến tranh thông tin, tác chiến điện tử, kết hợp tiến công quân sự từ biển với các hoạt động phá hoại, gây bạo loạn từ bên trong. Do vậy, trong từng KVPT, các đơn vị cũng cần chú trọng các biện pháp chống chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý, tác chiến điện tử, cùng các hoạt động phá hoại khác của địch; tạo thế bao vây, chia cắt lực lượng tiến công, lực lượng tiến công với lực lượng nổi dậy của địch, buộc địch lâm vào thế bị động, không thể thực hiện được ý đồ tiến công đánh chiếm biển, đảo của ta. Nguyên tắc linh hoạt. Trong tác chiến bảo vệ biển, đảo, các tình huống tác chiến diễn biến mau lẹ, phức tạp, chuyển hoá nhanh, các khả năng có thể nằm trong dự kiến, cũng có thể nằm ngoài dự kiến; bởi vậy, cần phải linh hoạt điều chỉnh cách đánh, kế hoạch chiến đấu, sử dụng lực lượng, hoả lực tác chiến cho phù hợp. Việc điều chỉnh linh hoạt cũng cho phép tạo được thế để chuyển hóa thế trận, biến hoá liên tục cách đánh, phát huy được thế và lực mạnh của mình, hạn chế ưu thế của địch, tạo thời cơ và tận dụng thời cơ để đánh thắng địch. Nguyên tắc quyết đoán. Theo đó, người chỉ huy và cơ quan chỉ huy tác chiến của KVPT cần có đủ tài năng, trí tuệ, tư duy quân sự sâu sắc, tầm nhìn xa, trông rộng để tổng hợp, phân tích, đánh giá đúng, thích ứng nhanh nhạy, kịp thời với tình hình đang vận động, biến đổi mau chóng trên chiến trường; nắm và tận dụng thời cơ, vận dụng linh hoạt các phương thức tiến hành chiến tranh, các hình thức chiến thuật, thủ đoạn tác chiến, mưu cao định ra kế hiểm, quyết đoán chính xác, kịp thời các quyết sách, các phương án đánh địch, phát huy sức mạnh tổng hợp để giành chiến thắng, bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc.

Đại tá, PGS, TS. HOÀNG NGỌC LIÊN

Trưởng khoa Sư phạm quân sự, Học viện Lục quân

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.